BA CỘT
TRỤ CỦA CÔNG GIÁO
(The
three pillars of Catholicism)
Bài giảng tĩnh tâmcủa L.m. ZLATKO SUDAC
THÁNH THỂ
Chúng ta hãy bắt đầu nói về Thánh Thể.
Thánh Thể là trung tâm và phải là trung tâm của đời
sống chúng ta. Đó là giáo huấn cốt tuỷ của
đạo Công Giáo. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói :
Tôi là
bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn
man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.
Còn bánh này là bánh từ trời
xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.
Tôi là bánh hằng sống từ
trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống
muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt
tôi đây, để cho thế gian được sống."
Người Do-thái liền tranh
luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có
thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? "
Đức Giê-su nói với họ:
"Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không
ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự
sống nơi mình.
Ai ăn thịt và uống máu
tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ
cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,
vì thịt tôi thật
là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại
trong người ấy. (Ga 6,35-56)
Anh
chị em có nghĩ rằng Chúa Giêsu nói đùa khi tuyên bố
những lời đó ? Anh chị em có nghĩ rằng
Người không biết mình đang nói về điều
gì ? Anh chị em có nghĩ rằng Người thực sự
không muốn nói gì khi phát biểu những lời ấy ?
Chúa Giêsu biết chính xác những gì Người nói, và
Người biết điều đó phải được
hiểu như thế nào. Người biết rằng những
kẻ đang nghe Người nói lúc đó, đã tưởng
Người nói về điều gì giống như là tục
ăn thịt người, vì chưa tìm được một
từ chính xác hơn. Người biết đó là điều
họ đang nghĩ, và đó là lý do tại sao nhiều môn
đệ của Người rời bỏ Người
sau khi Người tuyên bố điều đó. Người
không chạy theo họ mà nói : “Này,
hãy chờ một lát, các ông hiểu lầm tôi rồi. Tôi
không có ý nói rằng các ông phải ăn THỊT HIỆN NAY
của tôi! Người không ráng sức ngăn họ bỏ
đi bằng cách bảo họ rằng Người thực
ra không muốn nói như vậy đâu. KHÔNG ! Người
đã để họ đi. Tại sao ? Bởi vì lời
dạy này hết sức quan trọng. Người sẽ không pha loãng nó. Người
không thể pha loãng nó. Người
là Bánh từ trời
xuống, và quả thật là nếu
các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các
ông không có sự sống nơi mình. Nếu họ ở
lại với Người, họ phải chấp nhận
lời dạy này, nhưng nhiều người trong số
họ đã không thể chấp nhận nên đã bỏ
đi.
Ngày
nay cũng thế. Ngày nay nếu chúng ta muốn ở lại
với Chúa Giêsu, chúng ta phải đón nhận lời dạy
này. Chúng ta có tự do muốn bỏ đi tùy ý. Nhưng Chúa
Giêsu không muốn vậy. Người muốn chúng ta ở
với Người. Nhưng không bao giờ được
nhượng bộ làm giảm bớt Sự Thật. Sự
hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể là trái tim và linh
hồn của niềm tin của chúng ta, của Giáo Hội,
và không bao giờ có thể nhượng bộ làm giảm bớt
điều đó.
Chúng
ta múc được sức mạnh lạ lùng nơi
đây trên bàn thờ và trong Nhà Tạm, nhưng trong hầu
như mọi lúc, chúng ta không hề ý thức về điều
đó. Nhưng anh chị em có biết là ai ý thức về
sức mạnh ấy trên bàn thờ và trong Nhà Tạm không?
Satan. Nó biết rất rõ Thánh Thể là gì – AI là Thánh Thể
! Nó biết rất rõ rằng Chúa Giêsu thực sự hiện
diện trong Thánh Thể. Chính vì thế mà nổi lên cuộc
tấn công dữ dội như vậy chống lại
Thánh Thể trong thời buổi ngày nay. Satan không thích thú
theo đuổi điều gì không đe dọa Nó. Nó tấn
công điều gì nguy hiểm nhất, chí tử nhất
đối với Nó và cho vương quốc của Nó. Vì
lẽ đó Thánh Thể bị tấn công. Vì lẽ đó
Đức Mẹ Hồng Phúc bị tấn công. Vì lẽ
đó sự vâng phục đối với Giáo Hội bị
tấn công. Ba Nhân Vật này – Thánh Thể, Đức Mẹ
Hồng Phúc, Đức Giáo Chủ – đã bị tấn
công hết sức khốc liệt ngày nay.
Ngày nay đã xảy ra những điều
tai tiếng liên quan đến Thánh Thể. Có nhiều
người chối bỏ sự hiện diện thật
sự của Chúa Giêsu trong Bánh Thánh. Và rất đáng buồn
là, một số những người ấy lại là thành
phần trong Giáo Hội. Nhiều năm trước
đây, tôi đến thăm một chủng viện lớn
bên Mỹ, và khi tôi ở đó, tôi nghe nói về một giáo
sư ở chủng viện đã không tin vào Sự Hiện
Diện Thật Sự, thế mà ông ta lại đang là giáo
sư dạy những chủng sinh. Tôi cũng thấy nhà
nguyện nơi các chủng sinh cầu nguyện mà không có
bàn quì. Tôi được biết các bàn quì ấy bị dọn
đi vài năm trước đây khi một vị giám mục
mới đến nhậm chức. Tôi thấy không có giờ
Chầu Thánh Thể trong thời khóa biểu của chủng
sinh. Lòng tôn thờ Thánh Thể đang bị phá hoại bởi
những thần học gia được mệnh danh là
tân tiến, những vị đó cho rằng quì gối, bái
quì, thờ lạy, là những thực hành nên đem chôn vùi
trong những cuốn sách lịch sử tôn giáo cổ
xưa. Những thái độ này đã thâm nhập vào nhiều
chủng viện của chúng ta. May thay, không lâu sau ngày tôi
thăm viếng chủng viện đặc biệt này, một
vị giám mục mới đến cai quản giáo phận,
và mọi sự đã được thay đổi. Giáo
sư kia được thuyên chuyển đi, bàn quì lại
được mang vào trong nhà nguyện của các chủng
sinh. Chầu Thánh Thể được đem vào làm một
phần của chương trình hàng ngày trong đời sống
tận hiến của họ. Xin tạ ơn Thiên Chúa về
điều đó.
Nhưng
những sự lạm dụng phép Thánh Thể thì hiện
đang xảy ra đầy dẫy trong Giáo Hội ngày nay.
Tôi đã từng nghe về những trường hợp
kinh khủng là một số linh mục không tin vào Sự Hiện
Diện Thật Sự, và họ lại đang dạy lạc
thuyết đó cho cộng đoàn của họ! Tôi biết
về trường hợp một linh mục cầm chén Bảo
Huyết Đức Kitô và đổ vào bình cắm hoa để
chứng tỏ cho người ta thấy rằng Chúa Giêsu
không Hiện Diện Thật Sự ở đó. Tôi có thể
kể cho anh chị em nghe rất nhiều câu chuyện
tương tự, nhưng anh chị em đã hiểu. Tôi
biết điều này làm cho nhiều người điên
tiết lên…khi nghe chuyện một linh mục không tin vào Sự
Hiện Diện Thật Sự. Cứ thành thật mà nói,
điều ấy không làm tôi điên tiết cho bằng làm
tôi buồn sầu vì vị linh mục đó. Đời sống
linh mục của tôi sẽ hết sức trống rỗng,
hết sức vô nghĩa, hết sức khó sống nếu
tôi không có Bí Tích Thánh Thể làm sức mạnh của tôi,
đá tảng của tôi, niềm an ủi của tôi, hy vọng
của tôi. Mục đích của chức linh mục của
tôi sẽ là gì nếu tôi không tin vào sự Hiện Diện
Thật Sự ?
Cha
Sudac tôn thờ Thánh Thể
|
Phải, thật là tốt đẹp khi có
lý tưởng giúp đỡ mọi người và tạo
nên sự thay đổi trong cuộc sống con người.
Tôi cũng có lý tưởng đó. Tất cả chúng ta cần
có lý tưởng đó. Nhưng chừng đó không đủ.
Chúng ta cần một điều gì đó – Người nào
đó – làm cho chúng ta có khả năng sống lý tưởng
ấy. Khi tôi có thể đến với Sự Hiện Diện
Thật Sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, khi tôi
có thể nhìn ngắm Người, thưa chuyện trực
tiếp với Người, tôn thờ Người, giữ
lấy Người ngự trong Hào Quang Mặt Nhật
sát tim tôi – cái đó cho tôi sức
mạnh để sống trọn vẹn đời linh mục,
và thực hành được lý tưởng giúp đỡ
con người và tạo được sự thay đổi
trong cuộc sống con người.
Cái
gì sẽ xảy ra khi một linh mục gặp những
cơn khủng hoảng ? Lúc đau khổ, lúc vác thập
giá ? Tất cả chúng ta đều sẽ gặp những
lúc như vậy, TẤT CẢ CHÚNG TA. Làm sao anh chị em
có thể chạy hết cuộc đua của đời
mình nếu anh chị em không tin vào Chúa ngự trong Thánh Thể
? Anh chị em sẽ nhận được sức mạnh,
niềm hy vọng cho mình ở nơi đâu ? Tôi rất buồn
khi nghĩ đến một số anh em linh mục của
tôi không có cảm nghiệm này về Chúa Giêsu, vì họ không
tin.
Cũng có vấn đề về
việc Thánh Lễ thường được cảm nghiệm
như thế nào ngày hôm nay. Càng ngày càng trở nên phổ biến
hơn thói quen xem Thánh Lễ như là một cuộc tụ
họp xã hội, ngược hẳn với đạo lý
Thánh Lễ là một Hy Lễ. Chúng ta có lý do để gọi
Thánh lễ là một Hy lễ. Thánh Lễ đưa chúng ta
trực tiếp lên Đồi Canvê, ở đó qua thừa
tác vụ của linh mục, chúng ta được hiện
diện lúc Đức Kitô hiến tế mình trên thập giá
vì chúng ta. Nhưng chúng ta đã mất nhận thức ấy
về Thánh Lễ. Chúng ta đã đánh mất ý thức về
SỰ THỜ PHƯỢNG. Chúng ta đến dự Thánh Lễ
để giải trí, để gặp gỡ bạn bè,
để nghe ngóng tin tức những việc xảy ra gần
đây nhất trong giáo xứ. Cho nên chúng ta thường
quên mở lòng mình ra trong buổi Thánh Lễ. Có biết bao
ân sủng Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta trong Thánh Lễ, và
ngược lại có rất nhiều điều Người
muốn nhận lấy từ nơi chúng ta nữa. Qua Lời
Người, qua Thánh Thể Người, qua tình thương của cộng
đoàn Giáo Hội, Người muốn đổ vào tâm hồn
ta những ân sủng chúng ta cần để sống phong
phú cuộc đời của ta, và những ân sủng chúng
ta cần để vác thập giá của mình. Những ân sủng
này là CÓ THẬT. Chúng ta không thể thấy chúng. Nhưng
chúng CÓ THẬT ! Và Thiên Chúa đã hết sức mong mỏi
ban chúng cho chúng ta.
Trong Thánh Lễ, Người cũng muốn
nhận từ chúng ta nữa. Người muốn nhận
được sự thờ phượng của chúng ta,
Người muốn nhận lấy những vấn đề,
những lời cầu xin, những niềm vui, nỗi buồn,
những kế hoạch, những tham vọng… của chúng
ta. Người muốn nhận cả con người của
ta. Nhưng chúng ta phải có mặt để dâng nó cho
Người.
Rất thường nghe người ta nói –
chà, tôi đâu cần đi dự Thánh Lễ vì những
điều ấy. Tôi có thể thực hiện tất cả
những điều ấy bằng cách đi ra ngoài thiên
nhiên. Vâng, đúng thế, anh chị em có thể đi ra
ngoài thiên nhiên và thực hiện tất cả các điều
ấy. Nhưng tôi đánh cuộc rằng người nói
điều ấy… không bao giờ thực sự thi hành
điều đó cả ! Tôi đánh cuộc rằng họ
không bao giờ ra ngoài thiên nhiên để dành thời gian cho
Thiên Chúa. Đó chỉ là cái cớ mà họ sử dụng.
Sự thật là, vâng, ra ngoài thiên nhiên để ở lại
với Chúa trong ngôi thánh đường thiên nhiên của
Người thì rất tốt, nhưng anh chị em biết
…cái đó là chưa đủ ! Nhưng tôi nghĩ rằng
thật là quan trọng khi cần phải nói một điều
gì đó ở đây. Tôi nói “cái đó chưa đủ”
không chỉ vì tôi muốn bảo người ta phải giữ
luật. Đây không phải là chuyện tuân giữ những
luật lệ. Nếu anh chị em dự Thánh Lễ chỉ
vì giữ luật là anh chị em không hiểu vấn đề.
Đây có cái gì còn hơn thế nhiều. Đó là chuyện ở
lại VỚI Thiên Chúa cách thật sự, cụ thể và
thân mật. Đó là chuyện trái tim của anh chị em
được tác tạo và uốn nắn thành hình,
được kiện cường qua việc Rước
Lễ. Đó là chuyện xây dựng Thân Thể Chúa Kitô bằng
cách đến với nhau như một cộng đoàn
Đức Tin. Thiên Chúa không giận dữ khi chúng ta không dự
Thánh Lễ, nhưng Người buồn ! Bởi vì Người
biết anh chị em cần đến Người biết
bao. Cũng giống như anh chị em có một căn bệnh
nào đó, mà lại nói : Tôi không cần đi bác sĩ để
nhờ chữa bệnh cho tôi. Tôi sẽ đi ra ngoài thiên
nhiên và thiên nhiên sẽ chữa bệnh cho tôi. Điều
đó thật kỳ cục, phải không ạ ? Chà, đó
là điều mà người ta làm đấy khi người
ta không đi dự Thánh Lễ.
Bệnh của chúng ta là trái tim ta tan vỡ,
thân xác ta bệnh hoạn, nghiện ngập tàn phá ta, thói
quen phạm tội của ta, sự cô độc, nỗi sợ
hãi, mối quan hệ đổ vỡ của ta, hay những
gì gì nữa. Và Vị Bác Sĩ của linh hồn ta, Đấng
Chữa Lành hồn ta sẵn sàng có đấy cho chúng ta cách
đặc biệt trong Thánh Lễ. Tất cả chúng ta cần
ân sủng của Thánh Lễ và Rước Lễ trong đời
sống chúng ta.
Nhưng tôi cũng muốn
nói đến một phương diện khác của Thánh Lễ.
Và điều này có liên quan nhiều hơn với các linh mục.
Chúng ta thấy ngày nay càng ngày càng nhiều hơn việc
Thánh Lễ không được cử hành theo đúng như
Giáo Hội yêu cầu. Chính tôi là chứng nhân về điều
đó vài năm trước đây. Tôi đã sống một
thời gian khá lâu ở Mỹ, và một trong những
điều tôi thích làm khi tôi có thời giờ, là đi
đến những nhà thờ khác nhau, trong những cộng
đoàn khác nhau và dự Thánh Lễ Chúa Nhật của họ.
Tôi quan tâm xem Thánh Lễ được cử hành như thế
nào. Tôi thường ngồi lặng lẽ một nơi
nào đó ở đàng cuối. Và trong hầu hết thời
gian tôi đến các nơi đó, Thánh Lễ thật tuyệt
vời. Nhưng đôi khi, có những Thánh Lễ - chà, tôi
không biết làm sao để diễn tả...
Một lần, cô Ann (chị
thông ngôn viên cho tôi, xem hình) và
tôi đi dự Lễ - tôi sẽ không nói ở đâu, tốt
hơn chỉ nên nói là ở bên Mỹ. Thánh Lễ bắt
đầu tôi nghĩ là khoảng 10 giờ 30 hay 11 giờ.
Anh chị em có lẽ cho rằng những gì tôi sắp nói
không thể là sự thật hay đã được phóng
đại hết sức, nhưng tôi xin hứa rằng
không phải vậy đâu ! Anh chị em có thể hỏi
cô Ann về chuyện đó sau này. Chúng tôi đến nhà thờ
khoảng 10 phút trước Thánh Lễ sắp bắt đầu,
và ngồi bên cánh trái Nhà Thờ, phía đàng sau. Tôi cảm thấy
như chúng tôi đang ở trong một sân vận động.
Khó mà nghĩ rằng việc người ta nói nói, cười
cười (trong Nhà Thờ) là chuyện thật chứ
không phải tưởng tượng ! Người ta
đi đi, lại lại khắp Nhà Thờ, tìm bạn
để cặp đôi, để kể chuyện cho nhau,
để cười cợt xả láng với nhau. Tôi không
thể tin nổi. Tôi đã hỏi cô Ann đôi lần là cô
có chắc đây là một Nhà Thờ Công Giáo không. Chắc rồi.
Nhưng tôi không thấy ai quì gối cầu nguyện, không
ai bái gối trước Thánh Thể, không ai cầm chuỗi
Mân Côi trên tay.
Khi âm nhạc bắt đầu, tôi giật
mình đến nỗi tôi nhảy dựng lên tại chỗ
ngồi. Nhạc ầm ĩ kinh khủng giống như một
buổi hòa nhạc rock. Và tôi sững sờ khi thấy
người ta khiêu vũ hết sức thoải mái không chỉ
nơi dãy ghế ngồi nhưng còn trên lối đi hai bên
cạnh nữa. Tôi không chống đối người ta
chuyển động thân hình theo điệu nhạc bài
thánh ca trong Thánh Lễ. Thỉnh thoảng tôi cũng làm
như thế. Nhưng ở đây lại là điều
khác hẳn. Người ta khiêu vũ trên lối đi, nhảy
lên nhảy xuống…Tôi muốn nói họ khiêu vũ THẬT
SỰ.
Rồi một cuộc rước khai mạc
(Thánh Lễ) bắt đầu, và tôi bị sốc khi thấy
sự việc diễn ra. Mất khoảng 15 phút hay hơn
cho mọi người trong đám rước đi từ
cuối Nhà Thờ tiến lên trước. Đúng là linh mục
và mọi người trong đám rước cùng với ông
khiêu vũ thật sự dọc theo suốt lối đi ;
và một lần nữa, tôi muốn nói họ KHIÊU VŨ
như họ đang ở trong một phòng nhảy disco, với
âm nhạc ầm ầm như sấm ! Và dọc theo lối
đi, thỉnh thoảng tất cả dừng lại và
nói chuyện với người nọ người kia họ
quen biết đang ở hàng ghế, tất cả cũng
đều khiêu vũ…
Sau cùng khoảng 15 phút sau, đám rước
lên đến bàn thờ và rồi linh mục, chính là cha sở,
bắt đầu Thánh Lễ. Nhưng ông không bắt đầu
bằng làm dấu Thánh Giá. Ông không hề mở sách Nghi thức
Thánh lễ. Ông làm theo một kiểu nghi thức mở
đầu Thánh Lễ HOÀN TOÀN thay đổi, với một
cung giọng hát giống như hét lớn. Trong lúc đó, nhạc
ầm ĩ tiếp tục, và người ta vẫn khiêu vũ
ở khắp nơi. Tôi hết sức kinh hãi. Ngay lập tức,
tôi bắt đầu bị nhức đầu vì những
tiếng ồn ào, và tôi thực sự bị cám dỗ muốn
đi ra khỏi đó, nhưng tôi quyết định không
làm thế. Lúc này, tôi muốn thấy ông cha làm gì ở phần
tiếp theo của Thánh Lễ, nếu anh chị em có thể
gọi đó là Thánh Lễ. Phần nghi lễ mở đầu
của Thánh Lễ mất khoảng 5 đến 15 phút, tùy
thuộc vào âm nhạc dài ngắn. Vậy đó, tại
Thánh Lễ này, phần khai mạc chiếm mất khoảng
45 phút. Tôi hiểu anh chị em tự hỏi họ làm cái gì
mà lâu thế ! Làm gì à ? Họ liên miên ca hát và khiêu vũ, và
linh mục thì làm nghi thức mở đầu Thánh Lễ
theo một kiểu riêng của ông.
Sau cùng, khoảng một giờ sau cuộc
rước khai mạc là đến lúc đọc Thánh Kinh.
Nét kịch tính được đem vào trong việc đọc
lời Chúa, được dàn dựng tập dượt
để đạt được hiệu quả tối
đa, đã gây chia trí đến nỗi cái đó thực tế
đã phá huỷ sức mạnh của sứ điệp
Tin Mừng. Sứ điệp của Chúa Giêsu tự thân
đã đủ mãnh lực rồi. Bạn không cần tiêm
thêm sức mạnh bằng hiệu ứng âm thanh, những
giọng đọc nặng kịch tính, với nền âm
nhạc phụ hoạ, và còn gì nữa tôi không nhớ hết.
Thế rồi vị linh mục bắt
đầu bài giảng của ông. Tôi nhớ lại cảm
giác vô cùng buồn bã cho ông, khi tôi thấy ông lên đứng
trên bục giảng như "sàn diễn trung tâm" để
ông có thể GÂY ẤN TƯỢNG nơi cử toạ bởi
sự khôn ngoan nhân loại của ông. Tôi không nghe được
Sứ Điệp Tin Mừng trong bài giảng của ông.
Tôi nghe thấy ông gắng sức kích động cộng
đoàn của ông đến cuồng nhiệt. Mà quả thật
dân chúng thực tế đã được kích động
đến cuồng nhiệt. Nhưng không phải về
Chúa Giêsu.
Sau khi chấm dứt bài giảng, linh mục
mời tất cả mọi người đàn ông trong cộng
đoàn, những người đến Nhà Thờ lần
đầu tiên, tiến lên Cung thánh. Ông cha không giải thích
lý do. Ông chỉ yêu cầu các ông tiến lên, còn phụ nữ
thì không. Tôi cân nhắc xem mình phải làm gì. Tôi muốn
đi lên, hầu như chỉ vì tò mò, để xem họ
muốn gì, nhưng vì tôi không biết nói tiếng Anh, tôi
không thể hiểu bất cứ điều gì họ nói với
tôi. Suốt buổi Thánh Lễ, cô Ann đã thông dịch cho
tôi khe khẽ bên tai, để tôi có thể hiểu
được mọi điều, nhưng lúc này vì linh mục
chỉ yêu cầu đàn ông đi lên thôi, nên Ann không thể
đi cùng tôi. Dù sao đi nữa, tôi quyết định tiến
lên để xem họ sẽ làm gì. Một nhóm nhiều
người đàn ông đã tiến lên, khoảng 20 hay 30,
và chúng tôi được hướng dẫn đứng
quanh bàn thờ. Rồi mỗi người chúng tôi
được một người đàn ông ở đó
đến nói với chúng tôi, ông là thành viên của cộng
đồng giáo xứ. Người đàn ông được
chỉ định cho tôi cố gắng nói chuyện với
tôi, nhưng nhanh chóng nhận thấy tiếng Anh của tôi
quá kém. Do đó, tôi không có một ý niệm nào về mục
đích của tất cả việc này và tại sao họ
lại làm thế, nhưng tôi kinh hoảng khi thấy sự
việc ấy đã diễn ra – NGAY TRONG BUỔI THÁNH LỄ
! Điều đó làm Thánh Lễ bị phân tán, bị gián
đoạn. Tôi đi xuống chỗ ngồi kinh hoảng
vì những gì đã xảy ra.
Khoảng lúc 1 giờ hay hơn – và xin nhớ
rằng Thánh Lễ bắt đầu lúc 10 giờ 30 hay 11
giờ – sau cùng vị linh mục bắt đầu Kinh nguyện
Thánh Thể, nhưng tôi thấy ông vẫn không sử dụng
sách Nghi thức Thánh lễ, và ông chỉ đọc vài lời
cần thiết của Kinh nguyện Thánh Thể, trong khi
ông làm hầu hết mọi sự tuỳ tiện theo cách của
ông.
Cuối cùng, tôi thấy rằng dự
như thế đã đủ. Ngay lúc đó, Ann quay về
phía tôi và bảo tôi cô ấy bị nhức đầu kinh
khủng vì các tiếng ồn, cũng như tôi vậy, và
thế là chúng tôi quyết định rời khỏi
nơi đó. Chúng tôi đi bộ ra xe hơi, cách Nhà Thờ
khoảng 1 khu nhà rưỡi, chúng tôi vào ngồi bên trong xe
hơi, cửa đóng chặt mà vẫn còn nghe âm thanh
như tiếng sấm động phát ra từ Ngôi Nhà Thờ
đó.
Cả hai chúng tôi cảm thấy choáng váng.
Thánh Lễ đó giống
như một "sô" diễn. Linh mục đó sáng tác
ra mọi thứ. Có một ca đoàn và một ban nhạc,
hát hò và nhảy múa. Có đủ các thứ, nhưng lại
không phải là Thánh Lễ thực sự. Thí dụ này thật
là cực đoan, tuy không phải là làm mẫu, nhưng
điểm tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không có phép
làm xáo trộn Thánh Lễ. Là những linh mục, chúng tôi biết
phần nào của Thánh Lễ cho phép sự uyển chuyển
và phần nào không được phép. Chúng tôi phải hết
sức cẩn thận để cử hành Hy Lễ trên bàn
thờ theo cách Giáo Hội yêu cầu chúng tôi. Đó là vấn
đề khiêm nhường và vâng phục. Không có chỗ
cho sự thỏa hiệp ở đây. Về điều
này, tôi còn rất nhiều điều để nói,
nhưng tôi cần phải tiếp tục.
CHẦU
THÁNH THỂ
Tôi chỉ muốn nói vài lời
ngắn gọn về Chầu Thánh Thể và rồi tôi muốn
nói vắn tắt về việc xưng tội nữa. Một
sự kiện đơn giản sẽ nói cho chúng ta mọi
điều chúng ta cần biết về quyền lực của
Thánh Thể, nhất là sức mạnh của việc Chầu
Thánh Thể : Đây, điều gì sẽ xảy ra khi việc
chầu Thánh Thể được đem vào Giáo Hội hay
giáo phận, và được khuyến khích nơi những
tín hữu trong cộng đồng đó ? Anh chị em có biết
điều gì xảy ra không ? Những Ơn thiên triệu xảy
ra. Đơn giản thế thôi. Đàn ông quyết định
trở thành linh mục và tu sĩ. Phụ nữ quyết
định trở thành nữ tu. Đó là bằng chứng
lớn nhất chúng ta có thể có về sức mạnh của
sự thực hành tốt đẹp này. Nhưng Chầu
Thánh Thể ngày nay đang bị tấn công rất nhiều.
Một số người cho rằng đó là việc thực
hành theo lối xưa, là việc đạo đức tiền-Vatican
II, một việc làm xao lãng Thánh Lễ. Và họ nói rằng
việc đó sẽ dẫn đến thứ đạo
đức không hợp thời và hợp nhu cầu ngày nay.
Thật là điên rồ ! Những thái độ như vậy
khiến chúng ta nhận thấy kẻ thù đang dùng cách nhờ
những người trong đạo mà cố gắng tấn
công chúng ta từ bên trong. Nơi nào có Chầu Thánh Thể và
cầu nguyện, thì những giáo phận và giáo xứ
đó có đầy Ơn thiên triệu. Và lòng trung thành với
Đức Tin Công Giáo của chúng ta thực sự
được Thánh Thể bảo đảm. Đó là con
đường tốt nhất, chắc chắn nhất và
an toàn nhất để nên thánh.
BÍ TÍCH HÒA GIẢI
Cũng có những tấn công mạnh mẽ
vào việc xưng tội. Người ta rất ít ý thức
về tầm quan trọng của việc xưng tội. Tại
sao chúng ta lại chạy xa khỏi Lòng Thương Xót của
Chúa? Tại sao chúng ta lại chạy xa khỏi các ân sủng
chữa lành đầy quyền năng này ? Câu trả lời
duy nhất cho câu hỏi này, theo ý tôi, là người ta không
hiểu sức mạnh của Bí tích này, và đánh mất ý
thức về tội lỗi. Và khi họ thấy các giáo xứ
của họ nhượng
bộ mà gia giảm việc xưng tội, cái đó chắc chắn
chẳng giúp ích cho họ. Tôi biết nhiều giáo xứ ở
Mỹ đã tổ chức những buổi hoà giải cộng
đồng (communal reconciliation services) cùng với lời
tuyên bố tha tội chung (with general absolution), chứ không
xưng tội cá nhân (without individual confession). Việc ấy
nói lên điều gì cho dân chúng ? Trước tiên, những
giáo xứ này không tuân phục giáo huấn của Giáo Hội,
vì Giáo Hội tuyên bố rõ ràng rằng hình thức Bí Tích Hòa
Giải chung ấy chỉ được phép sử dụng
trong những trường hợp nguy hiểm sắp xảy
ra, và không có đủ linh mục để giải tội
cá nhân. Giáo Hội cũng dạy cách rõ ràng rằng chính
Đức Giám Mục là người duy nhất trong giáo phận
có thể xác định khi nào những điều kiện
ấy xảy ra. Như thế nếu giáo xứ của anh
chị em thi hành loại Giải tội chung này, VUI LÒNG
đừng tham dự. Anh chị em đang tự làm hại
mình vì không nhận được trọn vẹn ân sủng
dành sẵn cho anh chị em trong việc cử hành Bí Tích
đúng đắn.
Nhưng tôi muốn nói rõ. Là có những buổi
tổ chức hoà giải chung có thể tham dự
được, khi có bao gồm cơ hội cho việc
xưng tội cá nhân, như thế là hoàn toàn đúng đắn.
Nhưng khi tổ chức hoà giải chung mà không có việc
xưng tội cá nhân, thế là không được.
Vài năm trước đây
tôi nói chuyện với một tâm lý gia ở Mỹ. Ông ta
nói cho biết vài điều rất thú vị. Ông ta tin rằng
có sự tương quan trực tiếp giữa sự suy
giảm con số (bệnh tâm lý) nơi những người
lãnh Bí Tích Hòa Giải và sự gia tăng con số (bệnh
tâm lý) nơi những người tìm kiếm liệu pháp
tâm lý. Ông ta cũng nói ông tin rằng trong 5 phút thôi, việc
Xưng tội có thể thực hiện những điều
mà đôi khi việc điều trị bằng liệu pháp
tâm lý phải mất nhiều năm mới làm được.
Thật hết sức thú vị ! Sau hồi lâu nói chuyện
với tâm lý gia này về lý thuyết của ông, tôi nghĩ
rằng ông ta đúng. Bí Tích Hòa Giải thực hiện
điều gì ? Nó giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi;
nó đưa ta vào trong ánh sáng; nó cất đi gánh nặng khỏi
trái tim và linh hồn ta; nó cho chúng ta sức mạnh và ân sủng
để thay đổi đường lối của
chúng ta – nhất là khi chúng ta đi xưng tội đều
đặn. Và chữ "đều đặn", tôi
không có ý nói xưng tội 1, 2 lần trong năm, tôi muốn
nói ít nhất mỗi tháng một lần, và nhiều hơn
nữa nếu cần. Tất cả những điều
mà việc xưng tội đạt được cũng
là những mục tiêu của liệu pháp tâm lý. Tôi không có ngụ
ý bảo người ta tránh các nhà tâm lý trị liệu và chỉ
đi xưng tội. Tâm lý trị liệu có thể rất
tốt và giúp ích, và nếu người ta cảm thấy cần
nó, họ nên tiếp tục theo đuổi. Nhưng đừng
quên rằng Thiên Chúa là Đấng chữa lành tối hậu
của linh hồn ta. Và chúng ta phải đón Người
vào trong mọi việc chúng ta làm. Vâng, hãy đi đến
nhà tâm lý trị liệu, nếu anh chị em cảm thấy
cần, nhưng cũng hãy xưng tội đều đặn
nữa. Hãy mở tâm hồn anh chị em cho ân sủng của
Thiên Chúa, và xem xem điều gì Người có thể thực
hiện, nếu anh chị em để cho Người làm.
Tôi xin anh chị em hãy lo săn sóc vệ sinh cho linh hồn
mình.
|