VietCatholic News (14 Jul 2010)
TAPAO - Tháng 7 mưa ngâu, những cơn mưa đem đến sự trong lành tươi mát tắm gội núi đồi Tàpao để rừng cây thẩm xanh, ruộng vườn ngát lên màu lá mới.
Hàng ngàn khách hành hương ngày 13 đáp lại ước hẹn của Đức Mẹ TàPao, cùng về bên Mẹ để dâng lên Mẹ lời cảm tạ vì những hồng ân đã lãnh nhận.
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa cùng 20 linh mục, hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cùng cộng đoàn hành hương.
Đức cha Giuse chia sẽ với cộng đoàn di ngôn của Chúa Giêsu trên thánh giá: Này là con Bà, này là mẹ con.
Phúc Âm Ga 19, 26-27, là một trong bảy lời Chúa Giêsu phán ra từ đỉnh cao thập giá. Đây chính là lời vàng được cất lên giữa chiều tím. Đấng chịu đóng đinh thốt lên với mẹ Người, và người môn đệ Ngài yêu quý. Để khởi đi từ lời này, xác lược một mối liên hệ giữa trần thế và Đức Trinh nữ Maria, xác lược một mối liên hệ mật thiết giữa người dưng nước lã là chính chúng ta với Đức Trinh Nữ Maria bỗng dưng trở nên máu mủ ruột rà. Phải nói đây là lời ứng nghiệm và cũng là lời được ứng nghiệm dọc dài trong đời sống đức tin. Với cộng đoàn hành hương hôm nay, xin được chia sẻ vài ghi nhận về lời của Chúa Giêsu trên thánh giá này: Này là con Bà, này là mẹ con.
1. Lời trăn trối của người ra đi dành cho kẻ ở lại.
Lời cuối cùng trong những lời Chúa Giêsu thốt lên giữa cuộc đời trần thế và là lời Ngài dành cho tình thân trong nhịp sống nhân loại với thế giới thiêng đàng. Ngài rút ruột ra mà nói. Lời ngắn mà tình thật dài. Ngài trối thánh Gioan cho Đức Mẹ. Ngài cũng trối Đức Mẹ lại cho thánh Gioan. Thường thì những lời tâm huyết nhất người ta thốt ra trong lúc hấp hối. Ở đây, chính khi xa lìa cuộc sống nhân thế, Chúa Giêsu cũng để lại những lời tâm huyết của Ngài. Ngài trăn trối. Ta có thể đặt câu hỏi tại sao Đức Mẹ và thánh Gioan đã thân thiết nhau từ lâu, từ thuở tiệc cưới Cana thế mà phải đợi tới giờ này, Chúa Giêsu mới nói ra, mới xác lập một tình liên kết gắn bó? Và nhiều khi chúng ta nghĩ không biết có cần nói ra không, khi mà theo tinh thần tôn sư trọng đạo đương nhiên trò phải yêu lấy thầy, phải yêu lấy mọi người nhà của thầy mình. Có thể không cần phải những lời trăn trối này, nhưng bởi vì là những điều Chúa Giêsu đã tâm huyết và ngài cũng muốn xác lập công khai, cũng như được thánh hóa bởi chính mầu nhiệm cứu độ thập giá, nên lời của người ra đi là chính Ngài đã trao gởi, đã trăn trối và chuẩn nhận tình cảm tự nhiên cũng như lẽ đương nhiên của các môn đệ Chúa Giêsu với Đức Trinh nữa Maria mà đại diện ở đây chính là thánh Gioan yêu dấu. Quả là một lời tâm huyết nhưng lại được công bố lên vào phút giờ linh thiêng, chính trong giờ cứu độ khi Ngài giang tay chịu thập hình để rồi trong mối dây liên kết này, một chiều kích đặc biệt linh thánh không phải chỉ thuộc về trật tự tự nhiên mà một cách nào đó đã trở thành thành phần thuộc về ơn cứu độ. Muốn được cứu độ, thì tất cả mọi người chúng ta đều phải thuộc về Chúa Kitô. Mà nếu thuộc về Chúa Kitô thì một cách nào đó minh nhiên hoặc mặc nhiên chúng ta đã trở nên thân thuộc với Đức Maria. Rõ ràng là khởi đi từ lời tâm huyết vào phút giờ linh thiêng này lời trăn trối của Chúa Giêsu đã trở thành một lời rất đặc biệt nối kết chúng ta trong tình thân với Đức Trinh nữ Maria.
2. Lời khai sinh của tình mẫu tử thiêng liêng.
Cộng đoàn chúng ta thoáng nghe mà cũng cần nhớ kỹ trong lòng rằng, lời “này là con bà, này là mẹ con” có hai vế là một lời nối kết song phương như là một cuộc kết ước vậy. Qua Đấng cứu độ, Đấng chịu treo trên thánh giá chứng giám, nên lời kết ước này đã mang lấy tính vĩnh cửu. Chỉ một lần Chúa Giêsu thốt lên là có giá trị đến ngàn sau. Vào chính giờ tử nạn tưởng như kết thúc tất cả, hủy diệt tất cả, thì Đấng Cứu Thế đã vượt qua để khai mào cuộc sống mới. Người khai sinh trong gia đình mới những anh chị em trong đức tin. Quả là một lời kết ước rất đậm đà vào những phút giờ cứu độ. Qua người môn đệ yêu dấu là Gioan, tình mẫu tử đã được thiết lập với tất cả các môn đệ. Chúa Giêsu chết trên thánh giá để đem lại sự sống cho muôn người. Người chết cho những kẻ mình thương mến. Ngài chọn một người trong muôn người được thương mến ấy có biệt danh là người môn đệ yêu dấu để thay Người mà yêu mến và chăm sóc mẹ Người. Yêu thương là tình cảm lạ lùng. Nó không bị hao mòn nhưng luôn luôn là cấp số cộng, tăng lên mãi. Nó không mang tính phân tán nhưng luôn luôn quy tụ. Vì thế, tất cả tình yêu có giá trị cho thánh Gioan trong giờ trăn trối bỗng dưng trở thành một lời có giá trị khai sinh cho tất cả mọi kẻ tin vào danh Chúa Giêsu. Ở đây, trong chính giờ tử nạn, lời trăn trối đã trở thành lời khai sinh của tình mẫu tử thiêng liêng, để mỗi người chúng ta mỗi lần nghe lại trang tin mừng này còn đọng lại, nhất là còn đọng lại trong bối cảnh của ngày hành hương như ngày 13 tháng 7 hôm nay, bỗng dưng cảm thấy ấm áp tình mẹ con với Đức Trinh Nữ Maria.
3. Lời khai sinh hiệu quả không bao giờ cạn vơi.
Lời trăn trối của Chúa Giêsu khai sinh một hiệu quả không bao giờ vơi cạn trong đời sống tín hữu cũng như trong tình thân thương với Đức Trinh nữ Maria là mẹ của mỗi người. Sau lời trăn trối vào giờ tử nạn cứu độ, mọi người gặp thấy mình trong môn đệ Gioan, và nếu như Gioan sau đó đã ân cần đón rước Đức Mẹ về nhà mình để giữ chủ quyền chăng, để chăm sóc dưỡng nuôi chăng? Chắc không phải thế, mà đúng ra là để có Mẹ ở trong nhà tâm hồn của mình, ở trong gia đình mình, ở giữa cộng đoàn của mình để được lâng lâng niềm hạnh phúc. Mỗi người tín hữu chúng ta chắc đã nhận ra hiệu quả muôn đời của lời ấy trong chính nhịp sống cá nhân hoặc là trong đời sống gia đình cũng như cộng đoàn của mình. “Rước Mẹ về nhà mình”. Đó là một lời mô tả rất vắn gọn nhưng cũng chính là nẻo đường mở ra cho chúng ta. Hành hương về trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, chúng ta tìm đến với Mẹ nhận lấy lời trăn trối của Chúa, nhận lấy lời khai sinh tình mẫu tử từ thánh giá để rồi mẹ mẹ - con con vướng vít với nhau trong niềm tin kính cũng như trong niềm cầu khấn. Và điều quan trọng còn lại là mỗi người hãy đón rước Mẹ mình về chính gia đình mình, gia đình cận thân nhất chính là gia đình tâm hồn của mình rồi ân cần làm theo những lời Mẹ chỉ dạy để có được niềm hạnh phúc. Hạnh phúc hôm nay trong nhịp sống đời thường hay là hạnh phúc mai sau bên Mẹ. Nếu như thiếu vắng mẹ trong đời sống của một con người là một nỗi bất hạnh thì có Mẹ Maria, người mẹ chung trong đời sống của chúng ta lại là một niềm cao dâng hạnh phúc. Theo như ý của lời trong ca khúc “Bông hồng cài áo”, chúng ta cũng có thể họa lại để thưa với Đức Mẹ rằng, hôm nay khi về nhà chúng ta cũng sẽ chạy về bên Mẹ, chạy đến gần với Mẹ và thì thầm bên tai Mẹ rằng: “Mẹ ơi, Mẹ có biết là con yêu mến Mẹ nhiều không”. Và thiết nghĩ, chỉ một lời nói đơn giản của tâm hồn trẻ thơ ấy dành cho Đức Trinh nữ Maria, chúng ta cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc, bởi vì được xúm xít, được quấn quýt bên Mẹ và có Mẹ là chúng ta có tất cả bí quyết của hạnh phúc. Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.
Thưa cộng đoàn, hiệu quả lời trăn trối là song phương kết ước giữa Đức Trinh nữ Maria và thánh Gioan hay là giữa Đức Trinh nữ Maria và toàn thể nhân loại, chúng ta được nối kết tâm tình mẫu tử với Đức Maria. Nhờ đó ta gặp thấy Đức Mẹ yêu Chúa Giêsu nơi mỗi người chúng ta, và ta cũng được thực hiện tình yêu dành cho Đức Giêsu nhờ lời chỉ dạy của Đức Mẹ. Nói một cách giản đơn là ta trông cậy vào Mẹ và Mẹ sẽ chuyển cầu cho những ý nguyện của chúng ta. Ta đến với Mẹ. Mẹ không giữ chúng ta lại đâu. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Đó là nền tảng của lòng Đức Mẹ yêu thương chúng ta và lòng cậy trông của chúng ta kêu cầu đến Đức Mẹ. Cứ tha thiết cầu khấn rồi sẽ thấy Mẹ chẳng bao giờ để ta một mình vật lộn với sóng gió, cho dù sóng gió trong cuộc sống đức tin hay là sóng gió trong cuộc sống vất vả hằng ngày. Và lạ lùng làm sao, Mẹ với tính nhẹ nhàng kín đáo từ muôn thuở sẽ ra tay cứu giúp, hay giả như ta được như ý sau mỗi lần cầu khấn đi nữa Mẹ cũng sẽ tế nhị nâng đỡ chúng ta bằng cách để cho chúng ta được nếm trải niềm bình an ngay trong cuộc sống hôm nay. Lúc nãy cộng đoàn cũng đã cùng tham dự với nhau trong những lời khấn nguyện. Đó là những ý chúng tôi tuyển chọn từ những ý khấn quí vị đã nhẹ nhàng gửi gắm nơi trung tâm Thánh Mẫu Tàpao này. Cầu cho tâm hồn của mình được thênh thang thánh đức, cầu cho gia đình mình được bình an, cầu cho những nhu cầu trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày của mình được Mẹ quan tâm. Các sinh viên học sinh mong được học hành tấn tới, các gia đình có những người mới ra đi cũng xin Mẹ nhớ đến các linh hồn của họ, và ngay cả chúng ta ngày hôm nay ở trên triền thất vọng cũng đến với Mẹ để sẽ nhận được những sự nâng đỡ cần thiết. Đó là tất cả ý nguyện rất chân thành của quí ông bà anh chị em cũng như của chúng tôi, xin gửi gắm Đức Trinh Nữ Maria, cách riêng tại trung tâm Thánh Mẫu Tàpao này. Xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ và xin vì tình mẫu tử đã kết ước do chính Chúa Giêsu trên thánh giá, Mẹ cũng luôn luôn nâng đỡ tất cả mọi người chúng ta. Và đó cũng là tâm tình của chúng ta trong ngày 13 tháng 7 này. Xin được cùng với quí ông bà anh chị em dâng lên niềm tin, niềm cậy cũng như niềm cảm mến để những tháng ngày tiếp theo đây chúng ta sẽ được như ý Mẹ nhắn gửi và cũng là để niềm hạnh phúc Mẹ trao ban cho chúng ta của những hạt mầm giữa những cơn mưa tháng 7 sẽ được mọc lên một cách xanh tốt. Với những ơn lành ấy, đời sống của mỗi người chúng ta cũng được trải ra trong bình an.
Về đây bên Mẹ Tà Pao Mọi người hãy nhẹ quên bao muộn phiền Chắp tay khấn Mẹ nhân hiền Cho vơi sầu khổ, cho thêm an hòa.
Vần thơ bày tỏ tâm tình của cộng đoàn hành hương, xin chân thành kính dâng Đức Mẹ và nhân danh tình mẫu tử, xin Đức Mẹ cũng chuyển cầu cho tất cả chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|