TÌNH YÊU CỦA
MỘT TỘI NHÂN (7,36-50)
Câu chuyện rất
sống động, đến nỗi có người tin
rằng Luca hẳn là một nghệ sĩ.
1. Mọi việc này diễn ra trong sân
nhà ông Simon, là một người thuộc nhóm Pharisêu. Các nhà của giới giàu có thường được
xây quanh một khu sân rộng như một công viên trống
trải. Thường trong sân có vườn cây và
giếng nước, vào mùa nóng nực người ta bày bàn
ăn tại đó. Ở Palestine
mỗi khi có một rapbi đến nhà nào dự tiệc,
thì mọi người được tự do đến
nghe những lời khôn ngoan do rapbi dạy. Thói
quen đó giải thích sự có mặt của người
đàng bà này trong nhà Simon. Khi có khách đến nhà,
người ta thường làm ba việc sau đây: chủ
nhà đặt tay lên vai khách và tặng
vị khách một cái hôn bình an. Đó là dấu hiệu
của lòng kính trọng, nhất là trong trường
hợp gặp một rapbi danh tiếng. Đường sá
đầy cát bụi và giày chỉ là những đôi dép đơn
giản nên người ta đổ nước lạnh lên
bàn chân khách để rửa sạch bụi và làm mát chân
khách. Người ta cũng đốt hương liệu
cho thơm, hoặc đổ giọt
dầu hoa hồng lên đầu khách. Phép
lịch sự đòi hỏi những việc đó,
nhưng trong trường hợp này chủ nhà lại
bỏ hết. Khi ăn, thực khách không
ngồi, nhưng nằm nghiêng quanh bàn tiệc. Họ
dựa trên những gối thấp, chống trên khuỷu tay trái, tay mặt để tự do, hai chân
duỗi thẳng về phía sau, bỏ dép ra. Tư
thế đó cho phép người đàn bà có thể
đứng gần dưới chân Chúa Giêsu.
2. Simon là một Pharisêu, một
người thuộc nhóm biệt phái. Tại
sao một người như vậy lại mời Chúa
Giêsu tới nhà mình? Có thể vì những lý do sau:
a. Có thể ông là người có lòng mến
phục Chúa Giêsu, vì không phải mọi biệt phái
đều thù nghịch với Ngài (x.Lc 13,31).
Nhưng bầu không khí thiếu lịch sự đã bác
bỏ lý do này.
b. Có thể Simon mời Chúa Giêsu vào nhà
mình để gài bẫy Ngài, mong bắt gặp một câu
nói hay một hành động nào nơi Ngài để có
cớ buộc tội Ngài. Simon có thể là
một tên cò mồi khiêu khích, song lẽ đó không vững
vì câu 40 cho biết Simon tôn tặng Chúa Giêsu danh hiệu rapbi.
c. Rất có thể Simon là một
người thích nổi tiếng, với thái độ nửa
trọng nửa khinh, ông đã mời chàng thanh niên kỳ
lạ này của xứ Galilê đến ăn
tiệc nhà mình. Vì thế, ta hiểu tại sao có sự pha trộn vừa có vẻ tôn kính lại
vừa bỏ qua phép lịch sự phải giữ. Hẳn Simon là một người có thái độ
kẻ cả đối với Chúa Giêsu.
3. Người đàn bà trên đây
nổi tiếng là xấu nết, một gái mãi dâm. Chắc
đã có lần nàng đứng bên lề đám đông nghe Chúa
Giêsu giảng dạy, và nàng đã nhìn thấy nơi Ngài
một bàn tay có thể nâng nàng lên khỏi vũng bùn của
đời mình. Theo tập tục của phụ nữ Do
Thái, một chai nhỏ dầu thơm nguyên
chất, quen gọi là bình ngọc, rất đắt
tiền thường được đeo trên cổ. Nàng
chỉ ước ao được đổ bình dầu thơm đó lên chân Ngài, vì đó là tất
cả những gì nàng có thể dâng cho Ngài. Nhưng
khi nhìn thấy Ngài thì nước mắt nàng đổ ra và
chảy xuống chân Ngài. Một phụ
nữ Do Thái đi ra ngoài với mớ tóc buông xõa là đã
phạm lỗi lầm lớn về tiết hạnh.
Trong ngày cưới, cô gái Do Thái buộc tóc lên
và từ đó không bao giờ nàng xõa tóc dài của mình
nơi công chúng, tỏ ra nàng quên hẳn mọi
người, chỉ còn thấy một mình Chúa Giêsu mà thôi.
Cả câu chuyện bày
tỏ một sự trái ngược giữa hai thái
độ của lòng và trí.
1. Simon không biết sự thiếu
thốn của mình, vì thế không cảm biết tình yêu và
cũng vì thế ông đã không nhân được ơn tha
thứ. Simon tin tưởng mình là người tốt
trước mặt loài người và Thiên Chúa.
2. Người đàn bà thì nhận
biết mình thiếu thốn vô cùng, vì thế nàng tràn
ngập tình yêu đối với Đấng có thể ban
nhu cầu cho mình, và cũng vì thế nàng nhận
được ơn tha thứ.
Tinh thần tự kiêu,
tự mãn ngăn cách loài người với Thiên Chúa, và
điều lạ là hễ ai càng tốt thì càng cảm
biết tội lỗi mình cách sâu xa. Phaolô nói về các
tội nhân: “Trong số đó tôi là đầu” (2Tm 1,15). Thánh Phanxicô ở Assie nói: “Không đâu có
một tội nhân khốn nạn hơn tôi”. Thật
rất đúng khi nói rằng tội nặng nhất là không
nhận biết tội mình, nhưng ai biết mình thiếu
thốn sẽ được mở cửa vào ơn tha
thứ của Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu và vinh hiển
lớn nhất cho tình yêu là được thấy
người đời tìm đến tình yêu.