YÊU MẾN TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI
... Vua Louis XIV (1638-1715) nước Pháp có biệt hiệu Vua-Mặt-Trời. Ông là con của vua Louis XIII và hoàng hậu Anna, công chúa nước Áo. Vua Louis XIII rất có lòng kính mến Đức Mẹ MARIA. Khi trị vì vương quốc Pháp, nhà vua long trọng dâng hiến nước Pháp cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.
Trong khi đó hoàng hậu Anna thuộc dòng tộc vua chúa đạo đức. Bà giáo dục con trong niềm kính sợ THIÊN CHÚA và kính mến Đức Mẹ MARIA. Ngay khi con còn nhỏ, bà dạy cho con biết lần hạt và yêu thích đọc kinh Mân Côi. Bà bắt con phải hứa với bà là sẽ lần hạt mỗi ngày suốt cuộc đời. Vua Louis XIV long trọng thề hứa với hiền mẫu và đã trung thành với lời hứa này. (Hình ảnh: Hai xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ, Lý Hương ngồi còn Minh Yến đứng )
Nhà vua cố gắng hết sức để có thể đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Khi nào không thi hành được nhiệm vụ đạo đức này nhà vua thường lấy làm ân hận. Do đó, để kinh Mân Côi được liên tục dâng lên Đức Trinh Nữ MARIA, vua Louis XIV chỉ định một Linh Mục lần hạt thay cho vua mỗi ngày. Như thế, nếu nhà vua bị ngăn trở, thì kinh Mân Côi không bị gián đoạn!
Trên giường bệnh, linh cảm giờ chết đến gần, nhà vua trối lại tràng chuỗi Mân Côi cũ kỹ vẫn lần mỗi ngày cho bà Maintenon, có lẽ trong ý hướng muốn cho lời kinh Mân Côi vẫn tiếp tục sau khi nhà vua qua đời.
Ông tổ của vua Louis XIV là vua Louis IX (1214-1279) cũng là vua thánh Louis. Vua Louis IX mỗi ngày đọc 50 kinh Kính Mừng. Và cứ giữa mỗi kinh Kính Mừng, nhà vua kính cẩn bái gối, kính chào Đức Mẹ MARIA. Chính vị Linh Mục giải tội cho hoàng hậu Marguerite đã làm chứng về điều này.
Nhân vật thứ ba có lòng mộ mến tràng chuỗi Mân Côi là Edouard III (1312-1377), vua nước Anh. Năm 1347, trong cuộc chiến ”100 năm” chống lại nước Pháp, nhà vua bị thất trận tại Calais, miền Bắc nước Pháp. Trước vị anh hùng nước Pháp - Eustache de Saint Pierre anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương - vua Edouard III không tìm thấy món quà nào quý báu hơn là chính tràng chuỗi Mân Côi của mình. Nhà vua liền biếu tràng chuỗi cho Eustache de Saint Pierre, như dấu chứng lòng ngưỡng mộ đối với vị anh hùng chiến thắng.
Một ngày trong năm 1862, trong chuyến tàu đi từ Mâcon về Lyon, miền Bắc nước Pháp, hai người khách ngồi nghiêm trang và lặng lẽ đọc kinh Mân Côi, tràng hạt trong tay. Ngồi đối diện là một người theo phái Voltaire, một hệ phái chủ trương bài bác tôn giáo. Không tự chủ trước cử chỉ đạo đức công khai của hai tín hữu Công Giáo, ông liền dùng cử chỉ và lời nói, nhạo báng hai người và nhạo báng cả Đạo Công Giáo.
Thấy cần phải cho người khách kia một bài học, hai người khách nọ buộc lòng tỏ lộ danh tánh. Người khách Công Giáo thứ nhất không ai khác là tử tước Mathieu de Montmorency, Bộ Trưởng Ngoại Giao. Người khách Công Giáo thứ hai là Bá Tước De Villèle, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng kiêm Bộ Trưởng Tài Chánh Pháp.
Vừa nghe xong danh tánh, người khách vô thần cảm thấy vô cùng xấu hổ, lại sợ bị trừng phạt, vì dám xúc phạm đến danh dự của hai ngài bộ trưởng, bèn lẳng lặng rút lui, trước tiếng cười nhạo của các người khách khác.
Nhân vật cuối cùng có lòng yêu thích lần chuỗi Mân Côi là thống chế Louis Hubert Lyautey (1854-1934), người Pháp. Một ngày, khi người bạn tỏ dấu ngạc nhiên vì nhìn thấy quyển sách kinh và xâu chuỗi Mân Côi trên bàn, thống chế Lyautey ôn tồn nói:
- Bạn thân mến, ngày nào bạn bước vào tuổi già như tôi, hẳn bạn sẽ cảm thấy cần phải bám víu vào một cái gì đó. Riêng tôi, tôi hoàn toàn bám vào Tràng Chuỗi Mân Côi, và thật ân hận, vì đã không biết yêu thích lần hạt Mân Côi ngay từ thửơ còn thơ!
|