DẤU THÁNH GIÁ: TÓM LƯỢC ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
Xin trích dịch bài viết của Đức Cha Jacques Perrier Giám Mục giáo phận Tarbes và Lộ Đức về tầm quan trọng của Dấu Thánh Giá mà tất cả Kitô-hữu trên toàn thế giới đều trang trọng kính cẩn làm nhiều lần trong ngày. Bài tựa đề: ”Dấu Thánh Giá: Bản tóm lược Đức Tin của chúng ta”. Bài viết có mục đích chuẩn bị cho cuộc hành hương của giáo phận trong năm 2010: ”Với Bernadette, học làm dấu Thánh Giá”.
... Chúng tôi không có ý trình bày một bài diễn luận về lời kinh đọc khi làm dấu Thánh Giá: ”Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen” nhưng chỉ có ý nhắc nhở hãy bắt chước hãy nhìn ngắm Bernadette cầu nguyện như thế nào khi thánh nữ sốt sắng cầu nguyện tại Hang Đá Lộ Đức. Biến cố ngày 11-2-1858 mang chiều kích trọng đại đứng đắn khi Bà Đẹp hiện ra với Bernadette bắt đầu dạy cho cô thiếu nữ phải làm Dấu Thánh Giá như thế nào.
Kể từ giây phút đó và mãi mãi về sau này cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, thánh nữ Bernadette đã có một cung cách rất đặc biệt mỗi khi làm dấu Thánh Giá, khiến cho người nào được hồng phúc chứng kiến đều cảm kích và vô cùng xúc động. Cũng giống như khi thánh nữ Bernadette lập lại cử chỉ và dáng điệu của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA khi Đức Mẹ tự xưng mình trong lần hiện ra vào ngày 25-3-1858: ”Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Vậy thì trong năm nay - 2010 - chúng ta hãy học với Thánh Nữ Bernadette cách làm dấu Thánh Giá.
Tại sao phải dành trọn một năm cho Dấu Thánh Giá? Bởi vì, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói tại Lộ-Đức rằng hai mầu nhiệm trọng đại nhất của Kitô Giáo chính là THIÊN CHÚA Ba Ngôi và Nhập Thể Cứu Chuộc. Hai mầu nhiệm này nằm nơi trọng tâm của Đức Tin Kitô, dầu thuộc bất cứ Giáo Hội Kitô nào. Hai mầu nhiệm cũng là sợi dây dẫn đường cho cả 2 Kinh Tin Kính: Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicée-Constantinople.
Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ nêu bật các Bản Vị Thần Linh trong hành động. Còn Kinh Tin Kính của Công Đồng Constantinople - vì lý do đương đầu với nhiều lạc giáo - thì nhấn mạnh nhiều hơn đến cuộc sống của Ba Bản Vị Thần Linh và mối hỗ tương giữa Ba Ngôi THIÊN CHÚA. Chúng ta tìm thấy cả hai khía cạnh của hai Kinh Tin Kính trong khi vừa làm Dấu Thánh Giá vừa kêu cầu Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Ngoài ra hai khía cạnh trên đây cũng phối hợp nên một trong câu nói hai nghĩa của Thánh Gioan Tông Đồ: THIÊN CHÚA là TÌNH YÊU. THIÊN CHÚA thể hiện Tình Yêu trong cách thức Ngài cứu chuộc chúng ta: cứu chuộc cho đến hy sinh mạng sống trên Cây Thánh Giá. THIÊN CHÚA là TÌNH YÊU: yêu mãi mãi muôn đời và tự hữu, bởi vì chỉ duy nhất Tình Yêu cùng hiện hữu trong cả Ba Ngôi Vị. Thánh Giá là Tình Yêu vì Thánh Giá chiến đấu và đánh bại sự dữ. THIÊN CHÚA Ba Ngôi là TÌNH YÊU trong chiều kích toàn vẹn và phúc lộc vĩnh cửu. Sứ mệnh của Giáo Hội là bày tỏ Tình Yêu THIÊN CHÚA.
Chính Tình Yêu THIÊN CHÚA đặt nền tảng cho các dấn thân mục vụ tông đồ và niềm hy vọng của chúng ta. Các tuyên xưng đức tin đi theo một trật tự. Có tuyên xưng đức tin là nền tảng nhưng cũng có tuyên xưng đức tin được suy ra như tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chẳng hạn. Tín điều này xuất phát từ công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Vì thế thật là ý nghĩa sâu xa khi chính Đức Mẹ làm dấu Thánh Giá tại Lộ Đức lúc hiện ra cùng thánh nữ Bernadette. Cũng tại Lộ-Đức mà Đức Mẹ MARIA xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Nhờ Dấu Thánh Giá đi kèm danh thánh THIÊN CHÚA Ba Ngôi mà Kitô-hữu kín múc nơi nguồn suối Đức Tin những gì là dũng lực nhất, tuyệt mỹ nhất và kỳ diệu nhất. Không hề có một nhà thần bí hay thần học gia nào có thể đi xa hơn ý nghĩa toàn vẹn của Dấu Thánh Giá.
Trong bối cảnh xã hội đang bị khủng hoảng trầm trọng về niềm tin tôn giáo, đặc biệt là Kitô Giáo, các tín hữu Công Giáo được mời gọi hưởng nếm trở lại niềm êm ái dịu ngọt của những gì là giản dị đơn sơ nhất. Vậy thì tại sao chúng ta lại không trở về với cái chính yếu của cuộc sống, như khám phá trở lại trọn vẹn Đức Tin mỗi khi chúng ta kính cẩn làm dấu Thánh Giá Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen???
... Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Chúa GIÊSU đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Chúa GIÊSU đến gần, nói với các ông: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa CHA, Chúa CON và Chúa THÁNH THẦN, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Matthêu 28,16-20).
(”ÉGLISE en Eure-et-Loire”, Revue diocésaine, numéro 149, Avril 2010, mensuel, trang 5)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|