THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ VÀ THÁNH LỄ NGOÀI CUỘC
ĐỜI
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm
sức cho trẻ em trong
một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn
trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người
mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà
thờ ăn
trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm
đổ Mình Thánh Chúa ra
vườn, lấy đi những bình mà họ
tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự
phạm thánh ghê gớm.
Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức
Hồng Y đã làm cho mọi
người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại
sao hôm nay anh chị em
mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ,
bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em
nghèo khổ, vô gia cư,
trong các trẻ em không
cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em
ấy chính là Chúa Giêsu,
là Thân Mình
Chúa Giêsu, là Thánh Thể
Chúa.
Nói
như thế, Đức Hồng Y không có ý coi
thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một
khía cạnh thường hay bị lãng quên trong
khi cử hành bí tích.
Đó phải là cử
hành bí tích
không chỉ trong nhà thờ
mà còn phải
cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy
lưu ý hai điểm:
1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh
ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ
Thánh Thể thì trong bài
tường thuật
hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng
trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được
nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một
Thánh Lễ cử hành giữa
đời thường.
Một Thánh Lễ không có nhà
thờ, chẳng có bàn thờ.
2- Cử chỉ và lời
nói của Chúa Giêsu khi
hoá bánh ra nhiều, khi lập phép
Mình Thánh Chúa và khi
dùng bữa
với các môn đệ làng Emmau giống
y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu
cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các
môn đệ.
Tại
sao có sự
trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu
muốn cho ta hiểu rằng:
Bí tích không
chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự
thực. Sự thực ấy
phải đâm rễ sâu nơi
cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại
lợi ích cho đời sống.
Nếu trong Thánh Lễ
Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc
đời, Người
đã ban lương
thực nuôi thân xác.
Nếu Thánh Lễ là một bữa
tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc
hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm
50 người để
họ chia sẻ với nhau không chỉ
cơm bánh mà còn tâm
tư tình cảm nữa.
Nếu trong Thánh Lễ,
Chúa Giêsu dâng mình cho
Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc
đời, Chúa Giêsu đã tự
hiến mình trên thánh giá.
Nếu trong Thánh Lễ,
Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ
ra để phân phát, thì
ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những
sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.
Quả
thật Chúa Giêsu đã dâng
Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ,
mà Người còn dâng Thánh
Lễ ngoài cuộc đời. Người
không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng
đã dâng chính bản thân mình. Người
chỉ cử hành một bí tích, nhưng
chính bản thân Người đã trở thành bí tích.
Người không chỉ
bẻ ra một tấm bánh mà còn
bẻ chính thân mình ra
để ban phát cho mọi người.
Chính vì thế mà
lễ dâng của Người có giá trị.
Thái độ của Chúa Giêsu khiến
ta phải suy nghĩ.
Làm
sao ta có
thể gọi Thánh Lễ là một bữa
tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn
giữ trong lòng những thù hận ghen
ghét? Làm sao ta có
thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung
quanh ta còn biết bao anh em
đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có
thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến
mình cho anh em?
Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm
việc này mà nhớ đến
Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử
hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người
còn muốn cho ta dâng
Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời.
Nghĩa
là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương,
biết hiến mình vì anh
em.
Việc
cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh
Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài
cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ
trở thành bùa chú, giả
dối và phản chứng.
Xin
cho bí tích
Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng
ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không
phải chỉ trong hình bánh
mà còn nơi
những anh em bé mọn
trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành
một bí tích, chịu bẻ ra để
đem lại lợi ích cho
anh em. Amen.
KIỂM
ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1.
Theo bạn, thế nào là
tích cực tham dự Thánh
Lễ?
2.
Rước lễ đem lại những ơn ích nào
cho đời sống thiêng liêng của bạn?
3.
Bạn đã dâng Thánh
Lễ trong cuộc đời chưa?