Chú giải của William Barclay
Chiều sắp
tàn, nhà thì xa, và dân chúng đều mỏi mệt, đói bụng. Lạ thay Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải
lo cho dân chúng ăn. Có hai cách suy gẫm
phép lạ này. Thứ nhất, hiểu
đơn giản đây là một phép lạ Chúa Giêsu đã
thật sự làm ra thức ăn cho đám người
đông đảo này. Thứ hai, có người
nghĩ sự việc xảy ra như sau. Dân chúng đói, và họ rất mực ích kỷ.
Tất cả đều có đem thức ăn theo, nhưng mỗi người cứ giấu
kín vì ngại phải chia sẻ cho người khác. Mười
Hai Tông Đồ đem đặt trước mặt dân
chúng phần ăn ít ỏi của họ, việc đó
đã làm động lòng dân chúng khiến ai nấy cũng
bày phần ăn của mình ra, sau cùng mọi
người đều có thức ăn dư dật. Khi Chúa cải hoá một số người ích kỷ,
nghi ngờ trở thành những người rộng rãi, thì
đó là phép lạ vì người ta được thúc
đẩy bởi Chúa Giêsu mà có được tấm lòng muốn
chia sẻ của cải cho anh em.
Thật ra, nhận
định như vậy thì người đó quá chủ
quan. Làm sao một câu chuyện như vậy
có thể xảy ra lại được ghi trong Kinh Thánh
và được cả Hội Thánh sơ khai bàn đến,
học hỏi rất nhiều. Tất cả đều
công nhận đó là phép lạ Chúa hoá bánh nuôi năm ngàn
người (không kể đàn bà con nít, theo
văn hoá thời bấy giờ). Tác giả các sách Phúc Âm
ghi lại những điều này nhằm nhắc nhở
dân Chúa vững tin rằng Chúa luôn thoả đáp nhu cầu
của loài người trong lúc họ cần.
Trước
khi phân phát thức ăn, Chúa Giêsu đã chúc phúc trên thức
ăn, Ngài nói lên lời cảm tạ. Châm Ngôn Do Thái
có câu: “Kẻ nào hưởng dùng của gì mà không cảm tạ
khác nào kẻ ấy ăn trộm của
Chúa”. Lời chúc tụng tạ ơn được đọc
trong mỗi gia đình ở xứ Palestine trước
mỗi bữa ăn như sau: “Lạy
Chúa là Thiên Chúa chúng con và là Vua trần gian, ca ngợi Ngài là
Đấng làm cho đất sinh ra bánh”. Hẳn Chúa Giêsu không
bao giờ ăn món gì mà không cảm tạ
Đấng đã ban mọi ơn lành. Đây là một câu
chuyện dạy dỗ chúng ta nhiều điều:
1. Chúa Giêsu xúc
động vì thấy dân chúng đói.
Thật thích
thú cho chúng ta khi cố gắng tìm hiểu Chúa Giêsu đã dành
bao nhiều thì giờ, không phải để giảng,
nhưng để làm giảm bớt đau khổ của
đoàn dân và cho họ được ăn no. Chúa Giêsu còn chờ
đợi sự giúp đỡ của bàn tay
loài người. Người mẹ dành cả đời
mình để làm việc nội trợ phục vụ gia
đình, cô y tá, vị bác sĩ, người bạn thân,
người bà con đã hy sinh thì giờ và đời sống
để xoa dịu đau khổ cho người khác, các
nhà cải cách xã hội đã hy sinh tất cả để
tìm kiếm cho loài người một cuộc sống tốt
hơn –họ thật đã giảng cách có hiệu quả
vượt xa những nhà hùng biện tài ba.
2. Sự giúp đỡ của
Chúa Giêsu thật rộng lượng.
Sự giúp
đỡ của Ngài thật đầy đủ và dư
dật. Tình yêu không tính toán thiệt hơn.
Chúa như thế đó. Khi chúng ta gieo giống,
thường chúng ta phải nhổ tỉa bớt cây con cho
trống bớt và đôi khi số cây con ném bỏ còn nhiều
cây hơn số cây giữ lại. Thiên Chúa
đã dựng nên thế giới có thừa của cải để
nuôi mọi người nếu loài người sẵn lòng
chia sẻ cho nhau.
3. Bao giờ cũng có một chân
lý vĩnh cửu nằm trong tay một hành
động thoáng chốc.
Trong Chúa Giêsu, mọi nhu cầu của
loài người đều được tiếp trợ.
Có sự đói khát của linh hồn, trong mỗi
con người thỉnh thoảng có một niềm khao khát
được gặp một ai đó mà mình có thể gửi
gắm cuộc đời. Tâm hồn
chúng ta không bao giờ nghỉ yên cho đến khi được
yên nghỉ trong Chúa. Phaolô đã nói: “Thiên Chúa sẽ tiếp
trợ mọi sự cần dùng của anh em” (Pl 4,19) dầu trong những chỗ hoang vắng.