MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa cha và chúa giêsu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hiệp Nhất Như Ba Ngôi (ga 16:12-15)
Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 5-2010

HIỆP NHẤT NHƯ BA NGÔI (Ga 16:12-15)

Viết ngày: 03.06.2007

Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ để lại trong lòng người Việt nhiều hoang mang về nguồn gốc thiêng liêng của mình.  Tại sao ngay từ đầu đã có cảnh năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo bố xuống biển ?  Tại sao không có một hình ảnh đẹp hơn về giai đoạn khôi nguyên đó của dân tộc ?   Có nhiều người bực bội đến nỗi muốn cầm bút viết lại lịch sử Việt nam theo hướng đoàn tụ chứ không ly tán như thế.

Nhưng lịch sử là lịch sử.  Dù là dã sử cũng không thể bôi xóa được.  Nỗ lực đi tới không phải là xóa bỏ lịch sử, nhưng tìm một ý nghĩa và hướng đi mới cho dân tộc. Hướng đi đó có thể tìm được trong mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay.

MẦU NHIỆM BA NGÔI

Khác hẳn cảnh ly biệt trong dã sử Việt Nam, mạc khải Kitô giáo trình bày một cuộc đoàn tụ chưa từng thấy trong lịch sử.  Thiên Chúa vẫn là một, nhưng lại có Ba Ngôi.  Ba Ngôi khác nhau hoàn toàn, nhưng chỉ có một bản tính duy nhất.  Ðây là huyền nhiệm  nằm ngay tại trung tâm niềm tin Kitô.  Nhưng không vì thế mà Ba Ngôi trở thành một ý niệm trừu tượng và không dính líu tới thực tế.

Nếu không được Chúa Giêsu mạc khải, chúng ta không thể nào biết Một Thiên Chúa có Ba Ngôi.  Dầu thế, chúng ta không thể nào quán triệt bản chất nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúng ta chỉ biết tin Thiên Chúa là Chúa Cha, Ðấng đã sai Chúa Con là Ðức Giêsu Kitô đến với chúng ta, và Chúa Thánh Linh đến dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta. Nghĩa là, chúng ta chỉ biết về Chúa Ba Ngôi qua những việc Người đã làm.  Nhờ đó chúng ta biết các ngài là ai và có tương quan gì với chúng ta. 

Thiên Chúa đích thân đến với chúng ta theo ba cách khác nhau.  Ba “vai trò” của Thiên Chúa rõ ràng được mô tả trong Kinh thánh Do thái và Kitô.  Ba bài đọc hôm nay minh nhiên làm chứng điều đó.

Chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và là Mẹ, là khởi nguyên và sáng tạo mọi sinh linh và hữu thể.  Ngôi Cha vừa là nguồn gốc và cùng đích, là Anpha và Omega của mọi loài.  Ngôi Cha là nguồn phát sinh mọi Chân Lý và Tình Yêu.  Ngôi Cha đầy lòng Thương xót và Cảm thông, là nguồn mạch mọi ơn Khôn ngoan. 

Nhờ Ngôi Con là Ðức Giêsu Kitô, chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương ta tới mức nào.  Thiên Chúa là Ngôi Con trong Ðức Giêsu.  Người mạc khải và tỏ bày tình yêu và lòng cảm thông của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại qua những biểu hiện và hành động con người.  Tình yêu Người lên tới tột độ khi Ðức Giêsu chịu đau khổ, cái chết và phục sinh.  Ôi những biến cố phi thường !

Nhờ Ðức Giêsu, chúng ta có thể hiểu biết phần nào về bản chất đích thực, siêu việt và không thể hiểu thấu của Thiên Chúa.  Ðức Giêsu bắc nhịp cầu nối nhân loại với Thiên Chúa.  Tứ đó, tình yêu Thiên Chúa mang bộ mặt nhân loại và hữu hình, có thể hiểu biết và dễ dàng theo đuổi cũng như noi gương.  Vì khi Ðức Giêsu đạt tới nhân tính siêu việt nhất là lúc chúng ta tiếp cận gần nhất với Thiên tính nơi Người. 

Sau cùng, nhờ Ngôi Ba là Chúa Thánh Linh, chúng ta được huấn luyện, dạy dỗ, hoạt động, an ủi và mạnh sức.  Nhờ Thánh Linh hành động trong và qua chúng ta cũng như tha nhân, chúng ta thấy Thiên Chúa .  Người luôn sáng tạo và tái tạo, đổi mới vạn vật.  Ðôi khi Thánh Linh được gọi là “linh hồn của Giáo hội.”  Không có “linh hồn” đó, Giáo hội chỉ là một cơ chế nhân loại.  “Linh hồn” đó đã khiến Giáo hội thành nhiệm thể Ðức Kitô và làm cho Giáo hội nên tảng đá vững chắc trước sức tấn công vũ bão của Satan.  Không có “linh hồn” đó, làm sao Giáo hội có thể hiệp nhất và được dạy dỗ chân lý toàn vẹn về Thiên Chúa và con người ?

GIA ÐÌNH TÌNH YÊU

Thiên Chúa là một gia đình tình yêu gương mẫu cho gia đình nhân loại.  Cần đi sâu vào mối liên hệ với Ba Ngôi mới có thể được Thiên Chúa mạc khải về bản chất gia đình Ba Ngôi.  Nhưng ai sẽ giúp ta tìm mối liên hệ đó ?  Chính Thánh Linh sẽ là đầu dây mối nhợ đưa ta vào sinh hoạt của gia đình Ba Ngôi.  Người  mở lòng khai trí chúng ta khám phá mầu nhiệm Ba Ngôi.  Người giúp ta thăm dò và thưởng thức hương vị của huyền nhiệm sự sống nơi Ba Ngôi.  Người rên siết tận đáy lòng ta và mạc khải cho ta biết Thiên Chúa Cha (Gl 4:6).  Người củng cố đức tin và tỏ bày cho chúng ta dung nhan của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (1 Cr 12:3) Tóm lại, “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5)  Qua con đường tình yêu, chúng ta sẽ khám phá được Thiên Chúa và tìm được con đường giải thoát cho gia đình nhân loại hôm nay.

Tình yêu làm nên tất cả sự sống.  Tự bản chất, sự sống Thiên Chúa là chia sẻ.  Ba Ngôi liên hệ trao đổi sự sống cho nhau.  Từ đó, có thể nói chúng ta được kêu gọi để sống chia sẻ với Ba Ngôi Thiên Chúa, với tha nhân và toàn thể môi trường thiên nhiên.  Chúng ta được kêu gọi để tìm sự hiệp nhất và hòa hợp giữa những đa dạng biến đổi không ngừng.  Muốn thế, chúng ta phải quay về với gia đình gương mẫu là cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, một cộng đoàn lý tưởng luôn biết chia sẻ và sống bình đẳng.  Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Người và được kêu gọi trở nên giống hình ảnh ấy không ngừng.  Ðó là lời kêu gọi tạo lập một thế giới hòa thuận, hòa bình và tràn đầy niềm vui.

Sở dĩ có thể làm khuôn mẫu cho các gia đình, vì Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu (1 Ga 4:8).  Tình yêu không khép kín.  Tình yêu đòi phải hướng về tha nhân. Tha nhân đây chính là Giáo hội, một thực tại huyền nhiệm đang quy tụ các con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về với mình.  Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban chính mình cho Giáo hội và Giáo hội hiến mình cho Thiên Chúa trong lòng cảm tạ và chúc tụng.  Ba Ngôi và Giáo hội liên kết trong tình yêu.  Bởi đó, có thể nói về Giáo hội như thánh Gioan nói về Thiên Chúa : Giáo hội là tình yêu và tình yêu là Giáo hội.  Thiên Chúa phân biệt chứ không tách biệt khỏi Giáo hội.  Giáo hội cùng hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Ba Ngôi đặt trọn vẹn tình yêu của mình trong Giáo Hội.   Là con cái Giáo hội, chúng ta được kêu gọi để sống tình yêu Ba Ngôi ngày càng mãnh liệt hơn.  Vì chính khi tăng cường tình yêu Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong ta, chúng ta càng góp phần làm cho Giáo hội Chúa Kitô triển nở và tràn đầy niềm hy vọng. 

Hơn nữa, một nhà thần học Chính thống từng nói : “Học thuyết xã hội ngày nay, chính là Ba Ngôi.”  Nghĩa là, chỉ bắt đầu từ Thiên Chúa, nhờ Người và trong Người, chúng ta mới có thể tìm thấy và hơn nữa nhận được toàn thể giải đáp cho toàn bộ vấn đề lớn lao của cuộc sống.  Làm sao có thể coi mình là anh em, nếu không cùng nhìn nhận một Cha ?  Làm sao nói mình là con Thiên Chúa nếu không tham dự sự sống của Người Con duy nhất của Chúa ?  Làm sao  sống với nhau như bạn hữu, nếu không khám phá thấy cùng một Thần Khí đang sống và hít thở trong ta ?

Thiên Chúa là gì mà người ta có thể hy sinh tất cả vì Người ? Có phải vì Người giá trị hơn tất cả không ?  Có thể phú dâng Thiên Chúa mọi sự cho tới chết vì Người là Thiên Chúa của sự sống vĩnh hằng và tình yêu  không ?   Ðó là Thiên Chúa của chúng ta.  Người đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống vĩnh cửu trong Thánh Linh.  Người là Ðấng tạo dựng trời đất, cứu chuộc loài người, thánh hóa cuộc sống chúng ta.  Người là Một, đồng thời là Ba.

Nhưng làm cách nào và tại sao Thiên Chúa phải là Ba trong khi Người là Một ?  Sao Người là Một trong khi là Ba ?  Phải hiểu tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi phát xuất từ tín điều về tình yêu.  Quả thật, nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa, Người là tình yêu.  Trong mức độ trọn lành, toàn vẹn, sung mãn của mình, tình yêu cho đi và nhận lãnh hoàn toàn.  Bởi thế, tình yêu không đơn độc, cô lập, co mình lại.  Một Thiên Chúa như thế sẽ buồn biết chừng nào !  Nhưng nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa, Người cũng là và nhất thiết là duy nhất.  Trong Thiên Chúa, tình yêu vận hành, đối thoại và thông hiệp, chia sẻ và quy tụ.  Tình yêu tỏa rạng và tập trung.  Tóm lại, tình yêu vui sống.  Vì Thiên Chúa phải là tình yêu và phải duy nhất, nên thật là chính đáng, hợp tình hợp lý khi chúng ta tuyên xưng Một Chúa duy nhất và đồng thời có Ba Ngôi.

Thực tế, duy nhất không phải là “khối đơn độc,” nhưng là một sự hiệp thông các thực tại khác nhau.  Trái lại, không có những đa dạng phong phú và tốt đẹp nếu không được quy tụ trong sự duy nhất chắc chắn.  Các đa dạng tốt đẹp đều chấp nhận nhau vì bổ sung cho nhau.  Như công đồng Toledo (675) nói : “Chúa Con không phải là Chúa Cha.  Chúa Cha không phải là Chúa Con. Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha và Chúa Con.”  Nhưng trong tất cả Ba Ngôi, chỉ có một Thiên Chúa độc nhất.  “Chúa độc nhất trong Ba Ngôi và duy nhất trong bản tính.” (Kinh Tiền Tụng)

Bây giờ chúng ta phải làm gì, là gì và sống ra sao để yêu thương trong chân lý ? Trước hết, mỗi người phải là chính mình.  Ðể yêu thương tha nhân, phải có một nhân cách thực sự, cá biệt, trưởng thành, cởi mở.  Nhưng càng yêu, người ta càng trở nên một. Khi đó sẽ khám phá nghịch lý này : càng trở nên một, con người càng phong phú về nhân cách.  Càng duy nhất bao nhiêu, nhân cách càng vững chắc bấy nhiêu.  Trên đỉnh cao tình yêu, chúng ta  thấy gì ?  Thiên Chúa !  Vì toàn hảo, Thiên Chúa hoàn toàn là Ba và là Một cách lạ lùng.  Người như thể ba ngọn lửa hiệp nhất nên một.  Công đồng Florence (1442) nói : “Chúa Cha trọn vẹn nơi Chúa Con, trọn vẹn nơi Thánh Linh.  Chúa Con trọn vẹn nơi Chúa Cha, trọn vẹn nơi Thánh Linh.  Thánh Linh trọn vẹn nơi Chúa Cha, trọn vẹn nơi Chúa Con.”

Kinh Thánh quả quyết, Thiên Chúa chúng ta không thấy bao giờ, nhưng chính Người đã cho chúng ta biết.  Thực vậy, Thiên Chúa Ngôi Cha là tình yêu nguyên thủy, trao ban.  Chúa Cha và tôi là một.  Thiên Chúa Ngôi Con là tình yêu lãnh nhận cho đi.  Không ai biết Chúa Con ngoài Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha ngoài Chúa Con và những ai Chúa Con muốn mạc khải cho.  Thiên Chúa Thánh Linh là tình yêu được chia sẻ, tràn đầy, hoan hỉ, hoàn hảo.  Công đồng Constantinople (381) nói, có “một Thiên Chúa là Cha phát sinh mọi sự, một Chúa Giêsu Kitô làm chỗ dựa cho mọi loài, một Thánh Linh bao trùm vạn vật.”  Ðó là tình yêu Thiên Chúa với nhiều danh hiệu khác nhau của một Thiên Chúa duy nhất.  

CON ÐƯỜNG HIỆP NHẤT

Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúng ta đang sống hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.  Nếu hiệp thông với Thiên Chúa, chúng ta phải hiệp thông với anh em để tạo sự hiệp nhất vô cùng cần thiết cho mọi công cuộc xây dựng Giáo hội và xã hội.  Sống trong một thế giới đa dạng, nếu không để ý và tôn trọng sự khác biệt của tha nhân, không thể nào tạo sự hiệp nhất.   Chính vì không sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhiều người không thể quy tụ và vận động được sức mạnh quần chúng.  Họ bắt mọi người phải đồng ý hoàn toàn với chương trình của mình.  Ai nói khác đều bị kết tội chống đối hay phản động. Bằng chứng rõ nhất đang diễn ra tại Việt Nam.  Trong Ðạo, giáo dân phải là những thành phần thụ động, chỉ biết vâng phục mới kể là xây dựng, hiệp nhất.  Ngoài đời, hòa giải là mọi người phải tuyệt đối nghe theo mệnh lệnh đảng.  Ðòi hỏi dân chủ hay đa đảng là phản động.  Ðó là hiệp nhất hay đồng nhất ?  

Vì được rửa tội nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, Kitô hữu có sứ mệnh tạo sự hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.  Ngay trong gia đình Ba Ngôi, vẫn có khác biệt.  Ngôi Cha không bắt Ngôi Con và Thánh Thần giống mình hoàn toàn.  Gia đình Ba Ngôi đúng là mô hình hiệp nhất trong đa dạng. Giáo hội đã học hỏi nhiều từ mẫu gương Ba Ngôi.  Ðể có thể hiệp nhất như Ba Ngôi, Giáo hội phải tuân thủ hai nguyên tắc : nguyên tắc trách nhiệm chung và nguyên tắc bổ trợ.

Nguyên tắc thứ nhất đòi họ phải chia sẻ trách nhiệm chung để tạo sự hiệp thông cần thiết cho Giáo Hội.  Nếu tự bản chất Giáo Hội là hiệp thông, là đoàn thể, mọi thành phần trong Giáo Hội, giám mục cũng như linh mục, giáo sĩ cũng như giáo dân đều có trách nhiệm chung.[1]  Trách nhiệm đó không chỉ nằm gọn trong đức vâng phục, nhưng còn phải góp phần vào quá trình quyết định.  Không những thế, họ còn phải đóng vai ngôn sứ lay tỉnh Giáo hội trước những bức thiết của thời đại. Trong sứ mệnh chung của Giáo Hội, “Chúa trao phó một phần trách nhiệm lớn cho giáo dân chu toàn, trong niềm hiệp thông với hết thảy các thành phần khác của Dân Thiên Chúa.”[2]  Như thế, giáo dân không phải chỉ là những người nhận chỉ thị của hàng giáo phẩm.  Họ phải biết tự quyết định trong những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.  Trách nhiệm của họ là xây dựng những cộng đoàn giáo hội trưởng thành.[3]  Nếu chỉ biết vâng lời tối mặt, giáo dân không phải là những người xây dựng thực sự.  Giáo hội bao giờ cũng cần những giáo dân đầy sáng kiến và nhiệt thành. 

Những người hay tìm cách biện minh cho các nhà lãnh đạo thường là những người không có khả năng xây dựng vì không tạo nổi nhịp cầu gặp gỡ đối thoại.  Biện minh cho thái độ im lặng của GMVN, tác giả Bảo Chân so sánh các ngài với Ðức Maria trên đường theo Con đi chịu chết.[4]  Nếu đúng thế, xin tác giả đem bài học đó giảng cho các giám mục Phi châu, Hong Kong, Ðại Hàn, Mỹ Châu La tinh, Philippines … đi !  Họ hiểu sai Lời Chúa và hành động nghịch ý Chúa hết rồi !  Thực tế, có thật các GMVN im lặng hoàn toàn như tác giả nghĩ không ?   Trí nhớ có dở lắm cũng không thể quên những lời của [...]  và  [...] mới tố cáo cha Lý hoạt động mập mờ và bất phục bề trên.  Ðức Mẹ có bêu diếu Con mình trong lúc đau khổ cùng cực như vậy không ? 

Ngoài nguyên tắc “trách nhiệm chung,” khi sinh hoạt trong Giáo hội, giáo sỹ cũng như giáo dân còn phải dựa trên nguyên tắc bổ trợ.  Theo nguyên tắc bổ trợ, một tập thể lớn không có quyền lấn át sáng kiến và trách nhiệm của các cá nhân và các tổ chức nhỏ. [5] Một vị lãnh đạo tài đức không trù dập sáng kiến của người dưới.  Chính vì không theo nguyên tắc này, nhiều cộng đoàn tràn ngập cảnh bất mãn và vô trật tự.  Hoạt động mất hiệu năng.  Ðức Gioan Phaolô II căn dặn : Cần phải bảo toàn nguyên tắc bổ trợ: một tổ chức cấp trên không được can thiệp vào nội vụ của một tổ chức cấp dưới, làm cho cấp dưới mất đi chức năng riêng của mình, trái lại có bổn phận ủng hộ nếu cần và giúp phối hợp hoạt động của cấp dưới với hoạt động của toàn bộ cộng đoàn xã hội, nhằm xây dựng công ích.[6]  Nguyên tắc bổ trợ là nền tảng của Giáo lý Công giáo về xã hội. 

Hai nguyên tắc “trách nhiệm chung” và “bổ trợ”nói trên đã được tuân thủ tới đâu trong cộng đoàn chúng ta ?   Thực tế, khi chưa nắm quyền, chúng ta thường sống ỷ lại và  chẳng màng gì tới trách nhiệm chung.  Ðến khi nắm quyền trong tay, nói chung người mình không biết chia sẻ và phân nhiệm.  Hầu như không có ai biết đối thoại thực sự, vì  lòng người khép kín và cái nhìn quá ngắn . . .

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin thương đến Giáo Hội Công giáo Việt nam chúng con !  Xin cho chúng con biết noi gương Ba Ngôi hiệp nhất với nhau.  Xin cho chúng con biết tôn trọng nhau và đối thoại với nhau để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong đa dạng như Ba Ngôi.   Amen.

Cố LM Đỗ Văn Lực  03.06.2007

------

[1] x. Thượng hội đồng giám mục thế giới, năm 1985

[2]  Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 32.

[3]  ibid., số 34.

[4] x. VietCatholicNews 31.05.2007.

[5] x. Giáo lý Công giáo, số 1894.

[6] x. Thông điệp Centesimus annus,  1991, số 48.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bức Ảnh Thánh Tâm Chúa (6/11/2010)
Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (6/9/2010)
Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô (lc 9,11-17) (6/6/2010)
Tình Yêu Tự Hiến, Thánh Tâm Chúa Giêsu (6/6/2010)
Yêu Thương Và Tha Thứ (6/4/2010)
Tin/Bài khác
Thiên Chúa Tình Yêu (5/26/2010)
Hoa Quả Ơn Phúc Của Tác Động Mến Yêu Liên Lỉ (5/16/2010)
Tuần Cửu Nhật Kính Tình Yêu Thiên Chúa Cha (5/11/2010)
Những Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Kitô Ðáng Cứu Chuộc Chúng Ta (4/14/2010)
Chữa Lành Qua Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Chúa = Quantum Healing ----lm. Trần Cao Tường (4/11/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768