Hoà bình, hồng ân của Thiên Chúa
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Tháng 2 năm 1991 sau khi quân
đội đồng minh đổ bộ lên Kouweit
được ba ngày, thế giới đã thở phào một
cái nhẹ nhõm vì mối đe dọa của một cuộc
chiến tranh nguyên tử đã qua đi và nền hòa bình
đã trở lại với thế giới. Hiểu như
thế thì hòa bình hay bình an là không có chiến
tranh. Nhưng không có chiến tranh chưa chắc
là đã có hòa bình.
Sau thế chiến thứ
hai, thế giới đã chia làm hai phe: Tư Bản và Cộng
Sản. Trong khoảng từ năm 1945 đến năm
1990 không có một cuộc chiến tranh nào với tính cách
quy mô giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản. Vậy
mà thế giới vẫn nơm nớp lo sợ một cuộc
chiến tranh. Lý do là vì cả hai phe đều chạy
đua vũ trang. Tình trạng đó được
gọi bằng một cái tên là “chiến tranh lạnh”.
Năm 1989 sau khi khối Cộng Sản sụp
đổ ở Đông Âu, người ta đã họp nhau
lại tại Paris để
tuyên bố cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc.
Như vậy trong gần một
nửa thế kỷ, tuy thế giới không có một cuộc
chiến tranh nào trên quy môn lớn, nhưng con người vẫn
phải sống trong sự bất an. Mới đây (ngày 8/5/1995) thế giới vừa mừng
kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Đức
và kết thúc thế chiến thứ hai. Nhưng người ta lại
lo sợ trước chủ nghĩa “Phát xít mới”,
trước nạn khủng bố lan tràn
và các cuộc xung đột chủng tộc… Người
ta nói nhân loại đang sống trong một nền “hòa bình
nóng”!
Thưa anh chị em, Chúa
Giêsu đã để lại cho chúng ta hòa bình của Ngài từ
gần hai ngàn năm nay rồi. Vậy mà tại sao loài
người lại không được sống trong hòa
bình?
“Thầy để lại
bình an cho anh em, Thầy ban bình an của
Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian
ban tặng”.
Chúa Giêsu đã coi sự bình
an như một ân huệ Ngài để lại. Ngài ban bình an
của Ngài cho các môn đệ. Ngài không cầu chúc, nhưng
Ngài để lại, Ngài ban tặng bình an. Ngài không ban
như người ta, vì người ta không thể ban cho ai
bình an, chỉ có thể cầu chúc, ước muốn
được bình an mà thôi.
Vậy thì bình an của Chúa Kitô là gì? Bình an
của Chúa Kitô không phải là tình trạng yêu ổn không bị
khuấy động vì chống đối, vì chiến
tranh. Bình an ở đây là sự sống trọn đầy,
là ân huệ gồm tóm mọi ân huệ của thời
đại Chúa Cứu Thế. Chính vì vậy, bình an nầy
gắn liền vớ Chúa Giêsu và sự hiện diện của
Ngài: “Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta” (Ep 2.14). Sự
bình an mà Chúa Giêsu trối lại hay là chia
sẻ cho chúng ta là sự bình an mà Ngài thực sự có
được và nghiệm thấy một cách trọn vẹn,
khi Ngài đã chiến thắng được sợ hãi
đứng trước tử thần. Đó là sự bình
an của Đấng đã yêu thương đến cùng
(Ga 13,1), nghĩa là chấp nhận hy sinh
mạng sống cho những kẻ mình yêu thương (Ga 15,13).
Nói khác đi, đó là bình an mà Chúa Giêsu
đã có thể chia sẻ cho chúng ta, sau khi Ngài đã thực
sự chia sẻ chính thân mình Ngài cho chúng ta.
Thánh Phaolô gọi sự bình
an đó là “bình an của thập giá”: “Nhờ máu Chúa Giêsu
đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại
bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật
trên trởi” (Cl 1,24). Bình an
của thập giá là bình an mà Chúa Giêsu đã phải trả
bằng chính máu của Ngài để giao hòa nhân loại với
Ngài và nhân loại với nhau. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã lấy
cái chết của mình để xóa bỏ tội lỗi
nhân loại, đã hy sinh thân mình để phá đổ bức
tường ngăn cách là sự thù ghét, khiến cho nhân loại
từ nay được hòa giải với Thiên Chúa và trở
nên một thân thể duy nhất. Bởi vậy mà Chúa Giêsu
xứng đáng được gọi là “Bình an của chúng
ta” (Ep 2,14-18).
Anh chị em thân mến,
Bình an là
khát vọng của mọi người, ở mọi
nơi và mọi thời. Nhưng thực ra có lẽ
chưa bao giờ nhân loại được hường một
sự bình an toàn diện và phổ quát. Người ta có thể dập tắt ngọn lửa
chiến tranh, có thể áp đặt một nền hòa bình,
ký kết những bản hòa ước. Nhưng không
ai có thể hiểu thấu lòng người để có thể
đem lại được sự bình an
vào tận cõi sâu thẳm bên trong; bởi vì ít có ai có
được bình an thực sự trong lòng mình để
có thể chia sẻ cho người khác. Con người chỉ
có thể xây dựng hòa bình bên ngoài, nhưng không có khả
năng chế ngự, điều khiển được
những đợt sóng ngầm vẫn luôn sôi sục trong
đáy lòng của mỗi cá nhân. Bởi vậy,
hòa bình trên thế giới từ trước đến nay
thường chỉ là những nền hòa bình giả tạo,
mong manh, tạm thời. Dĩ nhiên có
được hòa bình đó vẫn còn tốt hơn là
không.
Người Kitô hữu phải
là những người tác tạo và tái tạo hào bình, những
người làm chứng cho hoàn bình trong thế giới bằng
cuộc sống không bạo lực và bằng cách sống
đồng tâm nhất trí với nhau. Điều kiện cần
thiết là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời
được Cha sai đến loan báo Tin Mừng bình an (Cv
10,36), phải tuân giữ Lời Chúa, và
như vậy chúng ta sẽ có được sự hiện
diện của Chúa trong chúng ta, như Chúa Giêsu đã tỏ
cho biết: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời
Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở trong người
ấy” (Ga 14,23). Có Chúa hiện diện
trong chúng ta, chúng ta sẽ không còn lý do nào để phải
lo lắng, sợ hãi. Sợ hãi, lo lắng, chứng tỏ
một tâm hồn xao xuyến, chưa được ổn
định, chưa được bình an
và là một tâm hồn không có Chúa ngự trị.
Muốn xây dựng hòa bình của
Chúa, chúng ta phải là những con người hiếu hòa,
đã được ổn định và bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta còn để
cho dục vọng làm chủ mình; nếu chúng ta còn khư
khư bám víu sự sống mình một cách ích kỷ; nếu
chúng ta còn có sợ mất mát những của cải, hoặc
phải bảo vệ chúng để hưởng thụ; nếu
chúng ta còn muốn thống trị kẻ khác, làm sao chúng ta
có thể gieo rắc bình an và xây dựng được hòa
bình? Muốn xây dựng hòa bình ở bình diện lớn, thiết
tưởng phải bắt đầu từ những bình diện
nhỏ, vừa tầm tay, từ cá nhân, trong gia đình,
đến xã hội, đất nước và lan tỏa
đến toàn thế giới.
Cuối cùng, phải
chăng Thánh lễ là một lời cổ vũ mạnh mẽ
cho hòa bình và là một sự thúc đẩy người Kitô
hữu dấn thân xây dựng hòa bình? Khi chúng ta chia sẻ bình an của Chúa cho anh chị em, chúng ta cam kết
sống an hòa, yêu thương và dấn thân đem lại
hòa bình, an vui, hạnh phúc cho mọi người. Và lời
chúc cuối lễ của vị chủ tế là chúc anh chị
em ra đi với sự bình an của Chúa Kitô, ra đi mang theo một cái gì đó của Nước
Thiên Chúa cho mình và cho kẻ khác.