HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO - MÙA PHỤC SINHChúa đã Phục Sinh. Allêluia ! Giáo hội đang hân hoan sống niềm vui mùa Phục Sinh.
Phục Sinh là mầu nhiệm trung tâm, là bảo chứng hùng hồn nhất cho ơn cứu độ. Đây là tâm điểm và là hy vọng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô.
Phục Sinh là niềm vui của sự sống mới trong Đức Kitô. Khởi đầu thánh lễ sáng 13.4, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống ngõ với cộng đoàn hành hương lời chào bình an của Đức Kitô Phục sinh. Cùng với hai Đức Cha tiền bối Nicolas - Phaolô và quý Cha đồng tế, Đức cha chủ tế hân hạnh gửi đến hàng ngàn khách hành hương lời chào mừng rất đặc biệt của Thánh lễ sáng nay giữa núi rừng TàPao.
Phục sinh là mùa xuân gợi mở cho mỗi người những tâm tình suy tư và cầu nguyện về một cuộc sống mới. Cuộc sống ấy không phải do ý chí chủ quan của mỗi người ngẫm nghĩ ra, mà là do một Đấng. Đấng ấy đã vượt thoát cõi chết để rồi mở ra cả một nhãn giới cũng là cùng đích và là con đường cho mỗi người chúng ta đi.
Trên con đường ấy, Đức trinh nữ Maria đã thành công trong những bước đi của cuộc đời. Mẹ trở thành Nữ Vương Thiên Đàng như lời kinh chúng ta đọc lên trong mùa Phục sinh này. Vì vậy Thánh lễ sáng nay xin được hợp với tất cả mọi ý nguyện của các khách hành hương xin dâng kính Đức trinh nữ Maria, xin nhờ vinh quang là Nữ Vương Thiên Đàng, để Mẹ chuyển cầu lên Chúa cho chúng ta đạt được ý nguyện khấn xin.
Lắng nghe Tin mừng Mùa Phục sinh, có một điểm rất lạ là không thấy thánh sử nào đề cập đến việc Chúa Giêsu hiện ra với Đức Mẹ. Chúa Giêsu có hiện ra với Đức Mẹ sau khi Ngài sống lại không? Đức Mẹ có cần được Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra theo nghĩa để củng cố đức tin như các Tông đồ không ? Và Đức Mẹ có cần được trao lệnh truyền loan báo Tin mừng phục sinh không ?
Giải đáp những thắc mắc này, trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse suy niệm từ lời kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.
Chúng ta cử hành lễ kính Đức Trinh nữ Maria trong mùa Phục sinh. Một câu hỏi thường được đặt ra cho các tín hữu, đó là: “Tại sao Đấng Phục sinh lại hiện ra cho các môn đệ của mình nhiều lần, lại còn hiện ra cho các phụ nữ có tên tuổi hoặc không tên tuổi nữa mà lại chẳng một lần hiện ra với thân mẫu của mình là Đức Trinh nữ Maria?”.
Tuần Bát Nhật cũng như trong suốt các ngày này, chúng ta đã được lắng nghe những trang Tin mừng về những lần hiện ra này. Nào là hiện ra cho các môn đệ trong một căn phòng đóng kín then cài khóa ổ. Nào là hiện ra cho các ông trên đường đi Emmau. Nào là một lần khác nữa hiện ra trên bờ biển lại có cả cá tươi cá nướng đầy đủ nữa chứ.
Rồi với các phụ nữ, với Maria Macđala có tên tuổi tại cửa mồ vào buổi sớm khi Ngài vừa phục sinh. Rồi các phụ nữ khác không tên, nhiều lắm… Thế nhưng tại sao Chúa lại không hiện ra với thân mẫu của mình?
Có lần tôi đã đặt ra câu hỏi này và đã được nghe câu trả lời rằng: “Kể từ ngày thứ sáu Tuần Thánh, trên thánh giá, khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho thánh Gioan. Kể từ giờ phút ấy ngày ấy, Đức Mẹ về với người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu. Và như vậy, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ thì một cách nào đó cũng có Mẹ Maria ở đó rồi, và thế là đã gặp gỡ, đã hiện ra cho mẹ của mình”. Câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng xem ra chỉ là suy đoán. Trong khi đó lời giải đáp đã có sẵn trong một lời kinh mà Hội thánh cất lên trong mùa Phục sinh này. Đó là kinh “Lạy Nữ vương Thiên đàng hãy vui mừng Alleluia”. Qua đó người ta gặp thấy hai lý do lớn để biện minh cho việc Chúa Giêsu tại sao không hiện ra với thân mẫu của mình.
1. Lý do thứ nhất: Đức Trinh nữ Maria là Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu. Mẹ đã cưu mang thì cưu mang đến vĩnh viễn. Mẹ biết mình đã cưu mang Đấng Cứu thế và vì vậy đường đi của Đấng Cứu thế nếu Mẹ đã thưa lên bằng tiếng Fiat ban đầu thì Mẹ cũng sẵn sàng để đi đến cùng trong tiếng Fiat ấy. Đấng Mẹ đã cưu mang trong lòng, nên Mẹ biết Đấng ấy đi đến đâu.
Những cuộc hiện ra của Đấng Phục sinh cho các môn đệ hay cho những người phụ nữ đều có một mục đích duy nhất là củng cố lòng tin cho những người ấy. Đối với các môn đệ, ba năm theo Chúa Giêsu, ba năm gắn bó với Thầy của mình, bỏ tất cả mọi sự để trao gửi tương lai vận mạng đời mình trong tay Thầy Chí Thánh. Thế nên, khi Thầy bị chết treo thập hình, được an táng trong mồ, tảng đá lớn che lấp cửa mồ, lòng các ông lúc bấy giờ cũng bị khóa trái bởi nỗi buồn vô tận. Có một thứ gì đó rất khó diễn tả, một thứ thất vọng của người rớt từ trên đỉnh cao xuống vực thẳm, ở đó không thể nguôi ngoai ngày tháng. Có những ông đã bỏ tất cả, trở về làng cũ, trở về nghề cũ, trở về những thói quen thường nhật quên đi lý tưởng. Và vì thế Chúa Giêsu phải hiện ra với các ông để củng cố lòng tin, để cho các ông hiểu rằng những điều các ông theo đuổi không mất đi nhưng được mời gọi để đuổi theo ở một cung bậc mới, không còn là con người Giêsu các ông bắt gặp năm xưa nữa mà là Cứu Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng Phục sinh các ông vẫn còn gặp, vẫn còn tiếp cận qua những ngôn ngữ thường ngày, từ lời chào hỏi “Salom”, lời chào hỏi bình an của những bữa ăn mà các ông thết đãi hoặc chính Đấng Phục sinh thết đãi các ông. Thế nhưng lại là một con đường mới, con đường mở ra ơn cứu rỗi để rồi một khi các ông cùng với Đức Trinh nữ Maria tụ tập cầu nguyện đón nhận lấy Thánh Thần, các ông sẽ trở thành những con người mới lên đường loan báo Tin mừng. Vì vậy, các ông là những người cần đến những cuộc hiện ra của Đấng Phục sinh hơn ai hết. Các ông là những Tông đồ cốt cán. Các ông đi đến đâu thì Tin mừng của Đấng Phục sinh mới được loan báo đến đó.
Còn đối với các phụ nữ thì sao? Những phụ nữ có tên tuổi như Maria Mađalêna hay là những người không tên được núp dưới một danh xưng chung là “các phụ nữ khác” cũng được Chúa Phục sinh hiện đến, cũng để củng cố niềm tin cho các bà. Suốt ba năm ròng rã gắn bó với Thầy Giêsu. Khi Thầy đã được an táng trong mồ thì tất cả chỉ còn là kỷ niệm xót xa chua chát. Từ sáng sớm ngày thứ nhất, khi trời còn tối, các bà đã le te tay xách nách mang những bình dầu thơm, chỉ mong đến xức trên xác Chúa. Phiến đá kia ai đã lăn qua một bên. Đấng Phục sinh đã hiện ra với các bà, và trao cho các bà tin mừng Phục sinh mà chuyển đạt lại cho các Tông đồ. Rõ ràng các bà là những người cần được củng cố lòng tin, để khởi từ lòng tin của các bà, kèm theo với trái tim nhạy cảm cũng như với cảm tính phụ nữ, các bà có thể làm cho hương thơm Phục sinh tỏa đi khắp nơi. Các Tông đồ, các phụ nữ cần đến các cuộc hiện ra để lòng tin của mình được củng cố trở thành kiên vững.
Còn Đức Trinh nữ Maria, thân mẫu của Đấng Cứu thế, Mẹ đâu cần phải củng cố lòng tin theo kiểu ấy. Bởi vì cùng với lời xin vâng ngay trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã cúi đầu để đi theo Thánh ý Chúa. Hơn nữa, không phải chỉ cưu mang 9 tháng 10 ngày thai nhi Giêsu trong lòng mà Mẹ còn cưu mang chính Đấng Cứu thế dọc dài hành trình cuộc sống trần gian.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
suốt đời, lòng mẹ dõi theo con”.
Mẹ Maria vẫn dõi theo từng bước đi của người con mình là Đấng Cứu độ trần gian. Vì vậy bước đường thương khó, bước đường chịu an táng dù sao cũng chỉ là những bước đường mà Mẹ luôn gắn bó với con của mình để rồi cùng với tiếng Fiat ngày đầu đã trở thành cốt lõi của niềm tin. Trong lòng tin của mình, Mẹ đã nhận thức được Đấng Cứu thế đã đến trong trần gian một cách lạ lùng, đến với cung lòng Mẹ một cách lạ lùng. Như thế, trong những biến cố cuối đời, nhất là khi Chúa đang bước xuống đáy sâu của sự chết, Mẹ biết Chúa cũng có bước đi cách lạ lùng hơn nữa và Mẹ đã tin vững vàng. Vì vậy, trong kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, người ta nghe thấy mọi tín hữu dâng lên “Vì Đấng Mẹ đã đang cưu mang trong lòng Alleluia”. Vì Mẹ đã cưu mang Đấng Cứu thế nên Mẹ cũng gắn bó với Đấng Cứu thế để viết lên chữ “lòng tin” gắn bó với chính Đấng Phục sinh, với biến cố Phục sinh.
2. Lý do thứ hai: Mẹ đã tin vào lời Chúa phán hứa. Mẹ gắn bó, Mẹ chẩn đoán, Mẹ nhận thức đã đành nhưng Mẹ còn tin vào lời của Chúa phán hứa nữa. Ở đây cộng đoàn chúng ta chỉ cần điểm qua hai biến cố ở trong đời sống Đức Trinh nữ Maria gắn bó với Chúa Giêsu thời thơ ấu để chẩn đoán được lý do này trong niềm tin vào lời Chúa hứa.
- Biến cố Truyền Tin. Mở đầu bằng lời “Mừng vui lên” dành cho Đức Trinh nữ Maria trên môi miệng sứ thần Gabriel. Có thể đó chỉ là tiếng chào rất bình thường của người Do thái. Nhưng đây là trên môi miệng của sứ thần gắn liền với sứ điệp của Thiên Chúa gửi trao. Thông qua đó Mẹ đón nhận Đấng Cứu thế trong cung lòng của mình. Những tháng ngày cưu mang, niềm vui đã trở thành lẽ sống và cũng đã trở thành cuộc sống của Mẹ. Chính niềm vui ấy ngày ngày đã diễn tả thành niềm tin của Đức Trinh nữ Maria bên cạnh Đấng. Niềm vui ấy luôn luôn có sẵn trong lòng Mẹ. Mẹ gắn bó với lời Chúa cho dẫu phải trải qua những thử thách, những thăng trầm cách này cách khác ở tuổi thơ Đức Giêsu hoặc là trong đời công khai Chúa Giêsu rao giảng, hoặc là đến tận cùng khi Ngài chịu chết trên Thánh giá. Mẹ thảm thương dưới chân thâp tự, nhưng người ta không thấy có giọt lệ sầu, chỉ là một dáng đứng lặng im, có khi cảm nhận được lưỡi đòng của cụ Simêon tiên báo ngày nào đang xoáy sâu trong lòng của mình. Nhưng thiết nghĩ theo hướng suy tư của chúng ta hôm nay vẫn chỉ là một niềm vui nhưng là một niềm vui ở cung bậc khác. Nếu như kinh Mân Côi ngày xưa được xếp đặt có 3 mùa: Vui, Thương, Mừng, khởi đầu là niềm vui trên môi miệng sứ thần dành cho Mẹ trong lời chào để rồi niềm vui ở cung bậc Thương, khi mà Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá, và rồi bước qua niềm vui khác mà tiếng Việt chuyển dịch là mùa Mừng, ở đó vẫn cứ là niềm vui. Ông bà anh chị em cứ thử tưởng tượng mà xem, chúng ta đọc: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng”, “Hãy vui mừng lên” là lời thiên sứ chào Mẹ năm xưa. Còn “Hãy vui mừng Alleluia” là lời của các tín hữu ngày hôm nay dâng tụng Mẹ. Thành thử ra cùng một niềm vui cho dẫu ở những cung bậc khác nhau, bởi vì Mẹ đã gắn bó tin vào lời Chúa hứa nên niềm vui ấy vẫn cứ là niềm vui của chính lòng tin Mẹ.
- Biến cố Chúa Giêsu bị lạc mất ba ngày trong Đền Thánh. Tìm kiếm đôn đáo và cuối cùng thì Đức Mẹ đã gặp lại Ngài trong chính nhà của Cha Ngài. Ba ngày lạc mất ở đây chính là ám chỉ ba ngày Chúa Giêsu chịu an táng trong mồ, một cách nào đó được xem như lạc mất Chúa, một cách nào đó được xem như là cách xa Chúa. Nhưng vẫn cứ là một niềm tin. Tin vào lời Chúa phán hứa năm nào, ở đó, dẫu có cách xa về phương diện không gian thì trong tâm tưởng, trong lòng tin vẫn cứ là gần gũi, để rồi khi nghe thấy trẻ Giêsu trả lời câu hỏi của mình “Sao con để cho cha mẹ phải phiền thế này, phải tìm kiếm đến ba ngày”, “Cha mẹ không biết con phải lo việc trong nhà Cha con sao?”, Mẹ vẫn một lòng vững tin. Có lẽ trong thời gian cách xa Đức Giêsu, đang chịu mai táng ba ngày, Đức Mẹ cũng nhớ lại lời này để hiểu hơn rằng bên kia ba ngày an táng đó sẽ là những ngày vui tiếp nối và quả thật Đức Giêsu đã Phục sinh. Vì thế Mẹ đã gắn bó với lời của Chúa, gắn bó với những biến cố trong đời của Chúa Giêsu bên Mẹ nên Mẹ đã tin tưởng Chúa sẽ phục sinh. Đấng Phục sinh đâu có cần hiện ra với Mẹ làm gì nữa. Trong kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng, sau khi “Vì Đấng Mẹ cưu mang” thì chúng ta đọc: “Mẹ đã tin vào lời Chúa phán hứa”, đúng như vậy, tin vào lời Chúa là cốt cách cũng như là đường đi của Mẹ gắn bó với Đấng Phục sinh.
Vâng, thưa cộng đoàn, đó chỉ là hai lý do gắn bó với Đấng Phục sinh mà chúng ta tìm thấy trong kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng, xin được chia sẻ với cộng đoàn để rồi cuối cùng, cũng như hướng đi của kinh ấy, hôm nay dâng lễ kính Đức Trinh nữ Maria trong mùa Phục sinh, mỗi người chúng ta nhận diện Mẹ là Nữ Vương thiên đàng ở trên đỉnh cao của vinh quang và hồng ân. Mẹ đã trở thành Mẹ nhân loại. Mẹ không xa cách với mọi người, nhưng lại trở thành nên gần gũi hơn vì vậy ta mới dám ngửa trông lên Mẹ để cầu xin cũng trong kinh ấy rằng: “Xin cầu cùng Chúa cho chúng con Alleluia”. Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng. Mẹ ở gần Đấng Phục sinh và Mẹ chuyển cầu cho mỗi người chúng ta trong những lời cầu kinh của mình.
Lúc nãy trong giờ khấn, quý ông bà anh chị em thấy hiệp ý với những ý khấn được xướng lên giữa cộng đoàn với lời kinh chúng ta cùng tha thiết dâng lên Mẹ, giờ phút này tin hơn bởi vì ta muốn gắn bó lòng tin của ta với Mẹ để từ đó Mẹ chuyển cầu lên Đấng Phục sinh, chúng ta cũng sẽ nhận được những ơn lành theo như lòng mong ước, có những ơn chúng ta muốn xin cho cộng đoàn, cho Giáo hội, nhất là trong những lúc này khi Giáo hội đang bị những mũi dùi của dư luận tấn công mặt này mặt khác. Xin cho Đức Giáo hoàng được vững mạnh trong lòng tin để dẫn dắt, để vượt qua những thử thách. Xin cho tất cả những vị lãnh đạo tôn giáo chúng ta cũng luôn luôn được vươn cao trong lòng tin giữa những khó khăn của cuộc sống. Chúng ta cũng cầu xin những ơn lành cho giáo xứ nơi mình là thành viên, cho cộng đoàn hành hương mà mỗi người chúng ta kết thành, cho gia đình chúng ta, cho cá nhân chúng ta, và như theo lời của kinh cổ, là cho kẻ tình nghĩa, cho kẻ thù nghịch và cuối cùng cho các linh hồn khốn khó trong luyện ngục nữa. Đó là tất cả những lời kinh khởi đi từ một lòng tin, nhất là lòng tin ấy lại được dẫn xuất bởi chính lòng tin của Đức Trinh nữ Maria gắn bó với Đấng Phục sinh, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng rằng những ơn lành Mẹ cũng sẽ chuyển cầu cho chúng ta trong đời sống thường nhật.
Tháng này chúng tôi đến đây thấy quý vị hành hương cũng rất đông, xin tạ ơn Mẹ, xin cám ơn tất cả những tấm lòng thiện chí. Tháng sau, mùa hoa lại về với cộng đoàn hành hương, ắt hẳn tại trung tâm hành hương này cũng sẽ có những sinh hoạt đặc biệt dâng kính Đức Trinh nữ Maria, kính mời tất cả quý vị nếu có thể sắp xếp được thời giờ, đến tham dự để gắn bó lòng tin của chúng ta hơn nữa với Đức Trinh nữ Maria, kết tạo thành những vòng hoa dâng Mẹ trong mùa dành cho chính những tâm hồn nào gắn bó với Mẹ. Trong tháng này, tôi cũng nhận được những cuộc điện thoại không phải ở Việt Nam mà từ rất xa, muốn được hợp với cộng đoàn hành hương khấn xin những điều lành từ Đức Mẹ Tàpao. Hôm qua, một bệnh nhân từ Singapore có gọi cho tôi để xin được ơn an lành vượt qua thử thách, vượt qua những khó khăn trong lúc chữa trị căn bệnh để nếu có thể được thì cũng sẽ hiệp thông với cộng đoàn hành hương trong tháng tới, làm những việc lành dâng kính Đức Trinh nữ Maria. Thiết nghĩ những lời cầu khấn như thế là rất chân thành cho thế giới này. Chúng ta cũng xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, gắn bó lòng tin với Đức Kitô Phục sinh cho mỗi người chúng ta cũng được những ơn lành cần kíp. Và giờ đây kính mời cộng đoàn chúng ta cùng đứng lên để đọc chung lời kinh “Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy vui mừng. Allêluia”.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Hạt trưởng Đức tánh thay mặt cộng đoàn mừng sinh nhật lần thứ 83 của Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Mọi người cảm động trước tình thương của Đức cha già. Mỗi tháng đều đặn ngày 13, ngài đến TàPao cùng hiệp dâng thánh lễ.
Đức cha Giuse ban phép lành với ơn Toàn Xá trong Năm Thánh 2010. Khách hành hương ra về mang theo niềm vui Phục sinh trong tâm hồn cùng với những ơn lành Mẹ TàPao ban tặng. Hẹn nhau tháng Năm – tháng Hoa cùng về bên Mẹ dâng những đóa hoa lòng tươi thắm của người con hiếu thảo.