Phục sinh
Chứng lý về sự Phục sinh của Chúa Kitô, không
chỉ dựa vào sự kiện ngôi mộ trống, mà còn
phải kể đến những lần Đấng Phục
sinh hiện ra với nhiều người, cũng như
phải quan tâm đến những lời chứng của
những người đã tận mắt nhìn thấy Chúa
Kitô sống lại. Trang Tin Mừng hôm nay sẽ cung cấp
cho chúng ta những chứng lý quan trọng và sống động
ấy.
Chúa Kitô Phục sinh hiện đến vào lúc thánh Tôma vắng
mặt, cho nên ông đã không tin rằng Chúa Giêsu sống lại.
Vì thế, ông đòi hỏi một sự kiểm chứng.
Thử hỏi 10 vị tông đồ kia, nếu không tận
mắt nhìn thấy và đích thân gặp gỡ Đấng Phục
sinh, các ông có thể dễ dàng chấp nhận lời của
anh em khác không? Chúng ta rất hồ nghi. Bởi lẽ, chuyện
kẻ sống lại là chuyện rất khó chấp nhận.
Và chính các ông đã không ít lần tỏ ra nghi ngờ, nao
núng, kể cả sau khi đã gặp Đấng Phục
sinh.
Chúng ta không nên trách Tôma, ngược lại phải biết
ơn ngài. Bởi vì chính “sự cứng lòng” của ngài lại
làm kiên vững cho niềm tin yếu đuối của
chúng ta, khi Đấng Phục sinh đáp trả đòi hỏi
sự kiểm chứng bằng giác quan của thánh Tôma: “Tôma
hãy đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy;
đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”.
Điều này không chỉ để thoả mãn đòi hỏi
riêng của thánh Tôma, mà còn đáp trả cho yêu cầu của
tất cả chúng ta, những kẻ “không thấy” mà
được gọi là “tin”, nhất là trong thời đại
khoa học thực nghiệm hôm nay.
Đồng thời, “sự cứng lòng” của thánh Tôma
cũng làm cho lời chứng của cộng đoàn thêm mạnh
mẽ. Ngày nay, chúng ta đều là những người
không thấy mà tin dựa vào lời chứng của các tông
đồ – những kẻ dám sống, dám chết cho niềm
tin của mình.
Thánh Tôma là môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại,
nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng
đức tin. Sau khi được kiểm chứng về
việc Phục sinh, ngài đã tin – một niềm tin đầy
đủ nhất khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy
Thiên Chúa của con”. Khi ông tuyên xưng như thế, thì lời
chứng của các tông đồ thật sự trở
thành “đắt giá”, thật sự trở thành nền tảng
vững chắc cho việc tuyên xưng đức tin của
bao thế hệ Kitô hữu.
Hơn thế nữa, Đấng Phục sinh hiện ra
không chỉ để chứng minh Người đã sống
lại, nhưng còn để ban cho các ông sự sống mới
“Người thổi hơi vào các ông…”
Con người vốn chỉ là bùn đất và chỉ
có thể trở nên sống động qua việc “thổi
hơi” của Thiên Chúa. Thì ở đây, chúng ta cũng nói
được rằng chính Đấng Phục sinh đã
thực hiện một cuộc sáng tạo mới, Ngài thổi
hơi để biến đổi các tông đồ từ
những con người yếu đuối, nhút nhát trở
thành những con người mới với sức sống
mới, trở thành những khí cụ sắc bén trong Thánh
Thần để rao giảng Tin Mừng Phục sinh.
Đồng thời với việc ban sự sống mới
là mệnh lệnh sai đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy
cũng sai anh em”. Tiếng “như” ở đây không phải
là so sánh, mà là nền tảng và cội nguồn: nguồn cội
của mệnh lệnh là chính Chúa Cha và nền tảng của
mệnh lệnh là sứ vụ cứu thế mà Đấng
Phục sinh hoàn thành. Các tông đồ được sai
đi để làm chứng về Đấng Phục sinh và
để nối dài hành động của Người
trong thế giới. Hành động này giải thoát thế
giới khỏi sự thống trị của tội lỗi,
mà sức mạnh lớn nhất của nó là sự chết
đã bị vượt qua.
Mỗi chúng ta, nhờ bí tích Thêm sức cũng được
mời gọi trở nên những tông đồ hăng say
làm chứng cho Chúa ngay trong môi trường sống của
mình.
Trong thời đại hôm nay, chúng ta làm chứng cho Chúa
Kitô Phục sinh không chỉ bằng lời rao giảng mà
còn phải bằng chính cuộc sống của chúng ta. Cụ
thể trong xã hội hôm nay, có rất nhiều người
nhất là những người trẻ, họ luôn sống
trong lo âu, sợ hãi, khủng hoảng hoặc không cần
biết đến ý nghĩa cuộc sống, họ lao vào
những tệ nạn xã hội mà không thoát ra được.
Trước tình trạng đó, lẽ nào chúng ta ngồi
yên? Là những con người của thiên niên kỷ mới
này, chúng ta phải là những người đi bước
trước đem sự bình an và đức tin sâu sắc
giúp họ thoát khỏi thất vọng để tìm ra ý nghĩa
cho cuộc sống.
Mỗi chúng ta cần phải mở rộng lòng dám
đi sâu vào thế giới để tìm hiểu và đem
Chúa Phục sinh vào mọi lãnh vực, không bo bo trong vỏ ốc
nhưng phải mở rộng ra khắp thế giới.
Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà
thông thái kia muốn sáng lập một tôn giáo mới. Ròng rã
nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan của
mình ra thuyết phục thiên hạ mà chẳng thấy ai
theo. Ông bèn than thở với một người bạn thì
nhận được một lời khuyên: “Nếu anh muốn
người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ
năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu
anh để người ta đóng đinh anh trên khổ
giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại! Chắc
chắn người ta sẽ theo anh rất đông?”.
Quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý
thú hơn, khi tác giả của lời khuyên này chính là
Napôlêon! Điều mà Napôlêon muốn nhấn mạnh ở
đây, đều có sức lôi cuốn người ta chính
là sự sống lại.
Thực vậy, biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính
là nền tảng và trung tâm của đời sống đức
tin Kitô giáo chúng ta.
Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất
trong tuần” làm ngày gặp gỡ các tông đồ. Như
thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành
ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát
mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc
“sáng tạo mới”. Xin cho mỗi ngày Chúa nhật cũng trở
thành một ngày giúp chúng ta sống thánh thiện, hiệp
thông, yêu thương… Để mỗi chúng ta trở thành một
bằng chứng cho sự hiện diện sống động
của Đấng Phục sinh.