TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU
Thứ Năm Tuần Thánh
Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? " Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! " Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em
(Ga 13, 2-15) RỬA CHÂN: CUỘC CÁCH MẠNG ĐỊA VỊ
Việc Chúa Yêsu rửa chân cho các Tông đồ là cuộc cách mạng địa vị. Cách mạng theo một nghĩa nào đó là phá hủy, là làm biến mất thực tại cũ.
1. Thầy mà rửa chân con sao? Không đời nào con chịu !
Phêrô thấy Chúa cởi áo ngoài, khoát áo người phục vụ mang nước tới bên mình đã biết thầy Yêsu muốn gì, nên ông đã cự tuyệt. Ông phản ứng như thế vì trong lẽ tự nhiên của các nền văn hóa Đông cũng như Tây, Nam cũng như Bắc, chỉ có trò rửa chân cho thầy chứ không có chuyện thầy rửa chân trò. Nghịch đạo ! Ngay những người ngang hàng với nhau, cũng không rửa chân cho nhau, mà chỉ có những người nhận mình trong vai trò nô lệ hay tôi tớ với một người nào đó, thì mới cuối xuống rửa chân cho chủ mà thôi.
Phải chăng Chúa Yêsu muốn Phêrô và các Tông đồ làm chủ, còn chính Ngài trở nên nô lệ? Hy vọng không phải thế !
Trong đời sống thường những việc sạch sẽ, được nhiều người chú ý là những việc quan trọng, phải có những người xứng đáng lám. Còn những việc thấp hèn như dọn rác, phân chó ngoài đường thì ai làm cũng được, hoặc giả tìm người xứng hợp thì đó là những người tôi tớ, kẻ ăn người ở. Những vị đã làm cha mẹ có một kinh nghiệm khác hẳn, nhất là các bà mẹ, việc dọn vể sinh cho trẻ sơ sinh khi chúng phóng uế thường do chính người mẹ làm. Một số gia đình có gia nhân, nhưng người mẹ thường vẫn dành làm (ý tưởng này cha Micaen Hưu Phú, CSsR, hay chia sẻ). Việc này tuy là một việc không sạch sẽ, danh giá gì, nhưng lại là việc quan trọng, nếu làm không khéo, không cẩn thận thì có thể làm tổn thương con trẻ. Từ kinh nghiệm đó của các bà mẹ, chúng ta thấy việc phục vụ như thể tôi tớ, nhưng vẫn không phải là tôi tớ, và có những việc coi ra thấp hèn, nhưng chủ vẫn phải làm chứ tôi tớ không được đụng đến. Đó là tình yêu, là trách nhiệm của mẹ dành cho con, của Thầy Yêsu dành cho Phêrô và các Tông đồ.
Nhưng Phêrô cũng như chúng ta đã không thấy việc rửa chân là cách Thầy Yêsu biểu lộ tình yêu, biểu lộ trách nhiệm của Ngài với những kẻ đi theo đến cùng (x. Gioan 17).
Cách Phêrô từ chối chỉ cho chúng ta thây Phêrô không muốn đảo lộn một trật tự trên dưới đã có từ lâu, và cách nào đó, trong nhóm 12, trật tự cũng đã được Chúa Yêsu thiết định cách mặc nhiên. Nếu đồng ý để Thầy Yêsu rửa chân, có nghĩa là Phêrô phải bắt chước Thầy rửa chân cho hai anh em Giacôbê và Gioan, những tay muốn phỏng địa vị thủ lãnh của ông sao (x. Mt 10, 35-40; Mt 20, 20-23) ? Và đâu chỉ có những người ở đây - nhóm 12 - còn cả nhóm 72 và đoàn lũ dân chúng đông đúc nữa? Một chút biện minh cho Phêrô rằng không phải không muốn làm, nhưng đông quá làm sao phục vụ hết, nên tốt nhất là Chúa đừng bầy ra trò này, đừng rửa chân cho con – Phêrô !
2. Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẻ không được thông dự với Thầy !
Chúa Yêsu có vẻ không bận tâm đến lo lắng của Phêrô, nên đã nói rõ ngay giá trị của việc mình làm, và do đó, nếu không chấp nhận để Chúa rửa chân, Phêrô coi như “ra rìa”, không thuộc về Chúa nữa. Lưu ý, cho đến lúc này Phêrô cũng chưa hề nghĩ đến thuộc về một Yêsu bị đóng đinh, mà chỉ mới dừng lại ý nghĩ thuộc về một Messia giải phóng dân tộc như bao nhiêu người Do Thái khác.
Phêrô đã kịp tĩnh ý, nhưng rồi lại xin cái vượt quá nhu cầu: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13, 9).
Việc thông dự với Chúa Yêsu đối với Phêrô lúc này rất quan trọng, nên có vẻ bất cứ điều kiện gì Chúa muốn Phêrô “cũng chiều”. Nhưng như những lần trước, Phêrô vẫn cứ hành động như thể có một ơn nào đó từ trên ban (x. Mt 16, 17; Mc 9, 6) còn con người thật thì không thông hiểu hết điều mình nói, việc mình làm (x. Mt 16, 22).
3. Anh em có hiểu việc Thầy làm?
Hiểu quá đi chứ ! Nhưng có vẽ cái hiểu chỉ mới ngoài da, tức là từ nay mình - Phêrô và các Tông đồ - phải hầu hạ anh em mình như những tôi tớ hầu hạ chủ. Nói cái hiểu chỉ mới ngoài da có phần hơi xúc phạm đến các đấng bậc, nhưng thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở lời khuyên này của Thầy Yêsu thì các môn đệ chỉ làm việc phục vụ kiểu Thứ Năm Tuần Thánh và một năm một lần trước mặt giáo dân ở giữa nhà thờ mà thôi, rồi sau đóđâu lại vào đó, tức là vẫn cha-con, chủ-tớ theo một trật tự có từ ngàn đời. Một người “con” tuổi hơn gấp hai lần “cha”, đợi cả buổi sáng vẫn không được cha tiếp ban phép giải tội chỉ với hai lý do : hôm nay không phải ngày giải tội (công khai), và cha đang bận “chat – tán ngẫu trên internet” (không công khai).
Khi việc phục vụ chỉ còn được nhìn đơn giản như là một công việc thì có nguy cơ người thi hành sẽ rơi vào tình trạng công chức hóa. Hình như cũng đã có ai nói “linh mục là một nghề”, tức là một hoạt động kiếm sống ! Nghề kiếm sống thì có thể tranh thủ để làm sao có thể tạo thu nhập nhiều, nhanh và nhất là không mất giờ vào việc không tăng thu nhập. Nghe nói nhiều anh chị em Việt kiều ở Hải Ngoại vất vả, vì phải cùng làm một lúc hai ba job, để có thu nhập trang trải tại chổ, còn có tiền gởi về quê, và cũng có chút chút biếu các cha.
Khi thiết lập việc phục vụ trong Hội Thánh, Thầy Yêsu không muốn nó là công việc, không muốn nó là cơ họi kiếm sống, mà muốn nó là dấu chỉ Thiên Chúa yêu nhân loại (x. Ga 3, 16), tự hiến vì yêu (x. 1Cr 11, 23-26) và là dấu hiệu để nhận ra ai là tông đồ, ai không là tông đồ của Thầy Yêsu (x Ga 13, 35). Tiếc rằng trong tổ chức của Hội Thánh, nhất là ở Việt Nam, hiện nay, các linh mục được nuôi sống bằng bổng lễ, nên dù muốn dù không cũng rất dễ bị/được nhìn linh mục như một công việc, tế lễ như một dịch vụ, và như thế nguy cơ dần dần đánh mất đi lý tưởng là dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại rất lớn.
Nhớ những năm sau 30/04/1975, những người lãnh đạo cộng sản cũng học theo Công giáo gọi nhau hay tự nhận về mình bằng danh hiệu “đầy tớ” nhân dân, nhưng không có ơn Chúa, nên từ từ bỏ dần. Bây giờ chạy theo xu hướng kinh tế, nơi nào hoặc ai có khả năng thì đã trở thành các đại gia đỏ với đủ thứ tôi tớ phục dịch ngay trong tư gia, còn nơi nào không có cơ hội, hay chính các cán bộ ấy bất tài thì lấy lại kiểu cách quan tri huyện xưa là phụ mẫu của dân như câu chuyện Tắt đèn của nhà văn gô Tất Tố kể vậy. Có dịp tiếp xúc với nhiều chủ tịch xã, huyện ở một số vùng sâu vùng xa, nhiều lần trong những dịp đó, các cán bộ ấy nói xa gần với tôi rằng: Khi đến nhà con (giáo dân) thì khách (các linh mục không có hộ khẩu) phải biết chào hỏi cha mẹ (chính quyền) mới phải lẽ. Những bắt bẻ, gây khó khăn như thế, nhiều lúc các cán bộ đã tự vượt qua luật của quốc gia cho phép để lên án người thì hành đúng luật mà không đúng ý mình là “vi phạm pháp luật”. Làm việc với họ, nhiều lúc tôi cảm giác mình đang làm việc với “tà quyền” chứ không phải “chánh quyền”.
Nhiều giáo dân nguội lạnh tâm sự rằng họ muốn gặp Chúa trong Giáo hội, nhưng chỉ thấy những cản trở, hiện họ đang thấy dấu hiệu Chúa trong các Hội thánh Kitô khác ngoài Công giáo. Có thể đó là những người đứng núi này trông núi kia, nhưng về phía chúng ta, chúng ta có cảm thấy mình phần nào đó cũng hơi giống cán bộ, là bắt đầu tin nhiều hơn vào của cải vật chất, tranh thủ làm giàu hơn và nhất là xa dần việc cậy dựa ơn Chúa trong việc cúi xuống phục vụ không?
Một lần sau khi chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, chỉ có linh mục và tu sĩ tham dự, về đời sống khó nghèo và phục vụ, một linh mục trẻ nói với tôi:
-Tôi đồng ý với cha rằng chúng ta phải là người phục vụ dân Chúa cách vô điều kiện, nhưng cha cũng phải nói cho giáo dân biết linh mục không chỉ là người phục vụ, mà còn là Cha !
-Vâng, lạy cha ! Có bao giờ giáo dân dám coi cha là người tôi tớ phục vụ đâu ?
THỊT VÀ MÁU HÒA VỚI NHAU:
TÌNH TRẠNG SỐNG Một bạn hỏi khi tham dự Thánh Lễ, trước lúc chịu lễ, con thấy các cha thường hay bẻ một phần nhỏ Mình Thánh Chúa rồi bỏ vào Múa Thánh Chúa. Việc làm đó có ý nghĩa gì?
Chi tiết mà bạn vừa hỏi rất quan trọng liên quan với việc chịu lễ. Khi làm việc đó, linh mục vừa bẻ Mình Thánh Chúa cho vào Máu Thánh Chúa và cầu nguyện như sau: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời”.
1. Ý nghĩa thông thường là Mình và Máu Chúa hòa quyện với nhau nên khi chúng ta chịu lễ dẫu chỉ một hình bánh hoặc rượu thì chúng ta cũng đã được đón nhận trọn vẹn Mình và Máu Thánh Chúa Yêsu rồi. Nên khi cho rước lễ, đúng ra các thừa tác viên nên nói là: “Đây là Chúa Kitô” và người nhận đáp lại là “Amen” thì ý nghĩa và giá trị hiện hữu sẽ trọn vẹn hơn. Nhưng hiện nay do thói quen, hoặc cũng không có ai hướng dẫn, nên hầu hết các thừa tác viên khi cho rước lễ chỉ xướng: “Mình Thánh Chúa Kitô”. Và vì như vậy, một số người hiểu chưa đúng, nên đôi khi cho rằng mình tham dự Thánh lễ chỉ là kitô hữu hạng hai, còn các linh mục được rước cả Mình và Máu Chúa mới là kitô hữu hạng nhất.
Thật ra mọi người đã rửa tội đều trở nên chi thể của Chúa Kitô rồi, nên xét về mặt đời sống thuộc về Chúa Kitô thì linh mục hay giáo dân đều là kitô hữu và giá trị không hơn nhau, không kém nhau trong một Thân Thể Thánh duy nhất của Chúa Kitô. Và cũng như cơ thể của con người, mỗi bộ phận đảm nhận một chức năng khác nhau. Lúc suy tư các bộ phận thần kinh ở trên đầu đóng vai trò trung tâm; khi tiêu hóa thức ăn, các bộ phận thuộc về đường ruột, bao tử và những bộ phận lân cận giữ vai trò quyết định … Trong đời sống Giáo Hội cũng thế, linh mục là một thành phần trong dân Chúa, giới trẻ là một thành phần trong dân Chúa, các nhà chuyên môn cũng là một thành phần trong dân Chúa, các chinh trị gia Công Giáo cũng là một thành phần trong dân Chúa … Đừng ai bắt hay kỳ vọng một linh mục có thể làm chính trị tốt, cũng đừng có nhà chính trị nào lại tự thấy mình có quyền xen vào hay có sứ mạng hoặc ước muốn chủ sự cử hành các Mầu Nhiệm Thánh …
Nếu con tim cứ thích xon xen chuyện suy tư hay bộ nảo mà cứ mãi loay hoay tìm cách bơm máu thì cả hai đều thất vọng về mình và vỡ mộng cả đám. Con tim hãy bơm máu và khối óc hãy suy tư thì cơ thể sẽ cường tráng và hạnh phúc. Như vậy bạn không là kitô hữu hạng hai hay các linh mục là kitô hữu hạng nhất đâu nhá.
Còn bây giờ hãy tiếp tục chia sẻ ý nghĩ thứ hai.
2. Khi một em bé chơi dao vô tình để đứt tay, ta thấy máu từ trong da thịt chảy ra. Nhìn một người lành mạnh ta chỉ thấy da thịt mà không thấy được máu. Đó là tình trạng máu và thịt quyện với nhau, và quyện chặc đến mức không thể tách ra được. Nếu thịt tách ra khỏi máu thịt không còn thuộc một cơ thể sống nữa. Cũng thế máu ở riêng lẽ một mình thì máu cũng đã giả từ một cơ thể sống cụ thể nào đó. Nếu các bạn ra chợ sẽ tháy ngay các con vật đã bị giết và người ta bán thịt riêng, huyết riêng. Khi thấy huyết riêng hay thịt riêng như thế, người ta biết số phận con vật đó đã xong rồi.
Khi Mình và Máu Thánh Chúa Kitô hòa quyện với nhau đến mức độ ta chỉ đón nhận một chút bé tẻo teo Mình Thánh Chúa thôi thì chúng ta đã đó nhận chính trọn vẹn Chúa, vì Chúa đang sống. Mà Chúa Kitô sống được ta đón nhận vào lòng, Ngài sẽ đi đến khắp châu thân ta, làm cho máu và thịt ta cũng hòa quyện với Mình và Máu Ngài làm ta trở nên một Kitô khác cho nhân loại này.
Như vậy một cử chỉ nhỏ thôi nhưng vừa để nhắc nhớ cho bạn và tôi biết Đức Kitô mà chúng ta đón nhận, Ngài thật đang sống (Máu và Thịt hòa quyện với nhau không thể tách rời); lại vừa mời gọi chúng ta nên Chúa Kitô khác cho nhân loại này, để nhân loại này nhờ Yêsu mà bạn và tôi trao ban mà được cứu độ.
Thứ năm Tuần Thánh
LỜI THÌ THẦM CỦA LINH MỤC
Hôm nay, thứ Năm Tuần Thánh - Hội Thánh long trọng tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, trao trách vụ Tư Tế thừa tác và giáo huấn về đời sống phục vụ cộng đoàn. Nhiều bạn khi tham dự Thánh lễ thắc mắc hình như là có những lúc dâng Lễ, linh mục có nói chuyện thầm với ai đó, mà không biết các ngài nói cái gì?
Ấy là những lời thì thầm của linh mục. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.
1. Lời đầu tiên
Khi cộng đoạn hát hay đọc câu tung hô Tin Mừng, linh mục thông thường đến cuối chào bàn thờ, khi ấy sẽ thầm thỉ như sau: "Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa".
Chỉ đọc có bài Phúc Âm thôi, có gì ghê đâu mà phải khẩn cầu đến thế?
Nếu chỉ đọc và nghe như là một diễn văn thì đúng là lời cầu nguyện đó là thừa, nhưng ở giây phút công bố sứ điệp Tin Mừng đó, đâu phải linh mục đọc diễn văn, mà là công bố Lời của Chúa, tức là nhờ Lời đó vũ trụ được tạo ra, nhờ Lời đó con người được cứu độ. Lời đó khi công bố không nhằm thông tri thuần túy, mà nhằm trao ban sự sống bởi LỜI. Chúng ta nhớ Thánh kinh đã nói: "Lời trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta", còn Đức Maria khi đón nhận những Lời Chúa từ miệng sứ thần Gabriel thì Lời đã thành Yêsu trong lòng Mẹ đó.
Khi cầu nguyện như thế rồi các linh mục phó thác hoàn toàn cho việc Chúa làm, chứ không còn dám nghĩ đến chuyện mình đã xứng đáng hay chưa nữa.
Bạn có đọc Lời Chúa ở nhà không? Khi đọc cũng hãy đọc như chính sự hiện diện của Chúa Giêsu đang đến, thì hoa trái của Phúc Âm sẽ có ngay nơi đời sống các bạn.
2. Lời thứ hai
Sau khi đọc xong Tin Mừng, linh mục sẽ xướng: "Đó là Lời Chúa", trong lúc cộng đoàn đáp lại: "Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa", thì linh mục sẽ thầm thì lời sau: "Nhờ những Lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con". Lời khởi đầu, linh mục xin được thanh tẩy để có thể tiếp cận Lời Chúa, còn bây giờ sau khi đã đọc Lời Chúa rồi thì xin "xóa tội" cho chính linh mục và toàn thể cộng đoàn. Như vậy hoa quả đầu tiên và tức thì của Lời Chúa trong Thánh lễ là ơn tha tội, là chính việc cứu độ thế giới.
Nhiều người khi nghe Lời Chúa chỉ bận tâm đến việc thỏa trí của mình, nên nhiều khi hay lo lắng, thắc mắc tại sao Lời Chúa khó hiểu quá. Ngay một số ít linh mục cũng vậy, nhiều khi đọc Lời Chúa xong là nghĩ ngay đến việc mình giảng gì hơn là cùng với dân Chúa xác tín, mình và nhân loại này đang được Thiên Chúa tha tội nhờ việc Lời Tin Mừng được công bố.
3. Lời thứ ba
Có một lời không phải là lời thầm thì của linh mục, mà là lời đọc to và cộng đoàn dân Chúa sẽ đáp lại là lời nguyện dâng của lễ, nhưng có nhiều nơi dành cho ca đoàn hát lúc ấy, nên các linh mục đã tự biến lời đọc to thành lời đọc thầm. Điều này chẳng nên chút nào, nhưng đã thành thói quen mất rồi. Do đó lời đó không kể.
Ở giữa hai lời nguyện dâng của lễ đó, có một lời thì thầm khi linh mục cho chút nước vào trong chén rượu nho: "Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con".
Giọt nước thật nhỏ nhoi với biển rộng bao la, và ngay chỉ với chén rượu nòng thì giọt nước cũng chỉ là một chút hòa tan. Giọt nước là con người đi vào với rượu là chất thể Thiên Chúa dùng để chính Chúa Giêsu hiện hữu. Cho nên khi rượu trở thành Máu Thánh Chúa Giêsu, tức khắc trong Máu Thánh đó có một chút con người của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa đã làm người đã quyện chặc sinh mệnh của Người với loài người chúng ta như thế đó.
4. Lời thứ tư:
sau khi dâng của lễ, linh mục cúi mình sâu đọc: "Lạy Chúa là Thiên Chúa xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa".
Những của lễ là công lao vất vả của con người dưới ánh mặt trời và cơn mưa rào Chúa ban đã được dâng lên. Khi tuyển chọn nó từ muôn kết quả, hoa trái của muôn loài, nó đã là thứ tốt nhất, nhưng chỉ là phía con người, như là tấm lòng thành. Còn để trở nên của lễ xứng hợp Thiên Chúa thì chỉ có Chúa làm cho của lễ từ tay con người trở nên đẹp lòng Chúa.
5. Lời thứ năm
Khi chủ tế rửa tay sẽ thầm thỉ nguyện xin như sau: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết mọi lỗi lầm, tôi con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy". Nếu xét như là hành vi sám hối, thì đây là lần thứ ba rồi từ khi bắt đầu Thánh Lễ, linh mục sám hối. Đầu lễ sám hối chung với cả cộng đoàn. Khi công bố Phúc Âm, sám hối một mình, và bây giờ lại sám hối một mình. Điều này nhắc nhớ, tất cả chúng ta đều là tội nhân, và linh mục cũng thế. Nên trước khi công bố hay thực hiện một việc có tính cách Nhân danh Chúa thì phải khiếm tốn cậy dựa vào lòng xót thương và nhân hậu của Thiên Chúa.
Ở lần sám hối trước khi đọc Tin Mừng, Chúa thanh tẩy để môi miệng kẻ phàm phu tục tử có thể và có quyền nói Lời Thiên Chúa, nên ai nghe sẽ được cứu, được xóa tội. Còn ở lần sám hối này, linh mục trở thành Giêsu hiện diện trong hy tế Thánh trên đỉnh nuối sọ. Những lời nguyện và những lời nói từ miệng linh mục đó, nhưng cũng chính là từ miệng Chúa Giêsu, lời từ miệng chỉ một người đó, nhưng là của tất cả Hội Thánh.
6. Lời thứ sáu
Trước khi rước lễ, linh mục bẻ một chút Mình Thánh Chúa Giêsu bỏ vào chén Máu Thánh Chúa Kitô và thầm thỉ: "Xin cho việc hòa Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời". Có thể xem đây là lời nguyện viên mãn, lời nguyện làm cho Máu và Thịt Chúa trở nên một Giêsu đang sống là Đức Chúa đi vào trong cuộc đời mọi người và trở nên phần bảo đảm sự sống mai hậu hạnh phúc dài lâu cho bất kỳ ai tin và đón nhận. Lời nguyện này, linh mục cầu thay cho mình và cho mọi người.
7. Lời thứ bảy
Ở đây có hai lời, linh mục sẽ chọn một trong hai, một ngắn một dài.
"Lạy Chúa Giêsu Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống, xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa, và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ". Đây tuy không phải là lời nguyện thống hối, nhưng lại là lời nguyện xin ơn giải thoát ngay ở thì hiện tại.
Hội Thánh ý thức rõ, các thừa tác viên của mình là những con người mõng dòn, yếu đuối thật sự, nên đã muốn ngay trong một thánh lễ, linh mục phải khẩn xin một cách tha thiết và nhiều lần để hầu được cứu độ. Mà có thể như thế, các linh mục có sức làm chứng cho Đấng Phục Sinh - Giêsu Kitô - Đức Chúa.
Lời thứ hai có thể chọn lựa thì có vẻ khẩn thiết và cần kiếp hơn về ơn cứu độ: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ, xin che chở và cứu chữa hồn xác con". Các linh mục chỉ còn biết ký thác sinh mạng hiện tại và đời đời của mình cho "lòng Chúa nhân từ". Ngoài ra không có cách gì cứu vãn.
8. Lời thứ tám
Khi rước lễ, linh mục lại thì thầm: "Xin cho Mình / Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời". Một lần nữa linh mục tin và ký thác cuộc đời vĩnh cửu của mình hằng ước mong cho chính Mình và Máu Thánh Chúa.
9. Lời cuối
Khi tráng chén, linh mục lại thầm thỉ nguyện xin: "Lạy Chúa, miệng chúng con vừa rước mình và Máu Chúa, xin cho chúng con tiếp nhận với tâm hồn trong sạch, và xin cho ân huệ đời này trở nên linh dược cho chúng con được sống muôn đời". Đây là lời nguyện nhắc rõ ràng nhất đến tác động chữa lành của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúa Kitô là linh dược không chỉ cho đời sau, mà cho ngay đời hiện tại này, và từ đời hiện tại này sẽ nối mãi đến muôn đời.
Chỉ nghe các lời nguyện thôi thì thấy có vẻ các cha cứ phải sám hối và xin giải thoát cũng như chữa lành liên tục, từ đầu Thánh lễ cho đến cuối, và một cách nào đó cũng cần như vậy, nếu không mọi hy lễ chỉ là một nghi thức phải làm, một niềm tin phải công bố, chứ không là một giá trị gì lớn lao hay một sự sống sung mãn.
Xin hãy cầu nguyện cho các linh mục để các ngài dám hiến tế mình, nhờ đó các ngài nên một với Chúa Giêsu hơn, và cũng nhờ vậy mà ơn giải thoát được tuôn đổ cách lan tràn.
Tuần thánh
Lạy Chúa Yêsu, con muốn thuộc về Chúa ngay bây giờ ! Con muốn được giải thoát khỏi mọi tội lỗi và mọi ràng buộc của satan. Con muốn đi vào vương quốc Chúa và làm dân Ngài.
Con quyết từ bỏ mọi việc là xấu xa dẫn con đến tội lỗi.
Con xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi con, mọi nổi khốn hèn con phạm. Con xin trao phó cuộc đời con cho Chúa và xin hứa tùng phục Ngài là Chúa của đời con.
Xin Chúa dìm con trong Thần Khí Thánh của Ngài.
Amen! Tạ ơn Chúa muôn đời.
Lạy Chúa Yêsu Kitô ! Xin Chúa xức dầu Thần Khí yêu thương, bình an, hoan lạc, quyền năng và chữa lành trên trán con (+), trên môi miệng con (+), trên ngực con (+), trên đôi bàn tay con (+) – Amen !
Thứ Sáu Tuần Thánh
Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,
(Dt 4, 14-16. 5, 7-9)
KHI CÁI ÁC LÀ MỤC TIÊU CỦA CON NGƯỜI
Những thượng tế, kinh sư, biệt phái và dân chúng muốn án tử hình cho Chúa Yêsu, vì họ tin đó là cách bảo vệ tinh tuyền đức tin của đạo Do Thái. Nhưng trong chính đạo Do Thái coi việc giết người là trọng tội (x. Xh 20, 14), chứ không có điều luật nào rõ ràng truyền phải giết người để bảo vệ đức tin. Như vậy cái gì chi phối việc đeo đuổi giết Chúa? Tự thân giết người là một điều ác và hiện tại chúng ta chỉ thấy con người đang đeo đuổi và xem cái ác là mục tiêu.
Nghe mà sợ ! Cái ác lại quan trọng đến thế sao? Xưa nay người ta thường bảo thay đổi để tốt hơn, còn bây giờ chúng ta đối diện với sự ngược lại, thay đổi để cái ác được thực hiện.
“Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Yêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!” Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau” (Mc 14, 55-59). Họ không tìm được lý do để kết án tử Chúa, vì thật ra đến lúc này, các kỳ mục Do Thái muốn loại Chúa Yêsu như loại trừ một “hậu loạn” cho cả tư lợi và công ích, có vẻ tư lợi hơi bị lớn hơn, theo kiểu Caipha nói: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 49b-50).
Nếu không có chứng cứ vững vàng, mà họ lại lên án chết cho Chúa Yêsu thì dân sẽ nổi loạn. Chúng ta biết hoàn cảnh Do Thái thời ấy đang bị chi phối bởi ba quyền lực, và ba thế lực này tự thân đang tìm cách loại trừ nhau. Vua Hêrôđê, tuy là vua bù nhìn, nhưng cách nào đó cũng là vua Do Thái theo nghĩa kế thừa dòng dõi tổ tiên từ Abraham. Philatô là người đại diện cao nhất của hoàng đế La Mã tại vùng thuộc địa Palestine này, ông này có thực quyền nhất. Và Thượng hội đồng Do Thái bao gồm cách tư tế, kinh sư và biệt phái. Quyền lực thứ ba này tuy có vẻ thuần túy tôn giáo, nhưng lại là lực quan trọng nhất, vì nắm được dân, bởi tất cả dân Do Thái đều thuộc Do Thái giáo. Từ khi xuất hiện Chúa Yêsu thì dân chúng bắt đầu đặt lại cách lãnh đạo dân Chúa của thế lực thứ ba này, nên chính họ ý thức rất rõ, nếu không loại trừ được Chúa Yêsu thì có nghĩa là họ tự loại trừ họ. Một lý do để kết án Chúa Yêsu không làm thỏa mãn lòng dân, xem như họ thất bại hoàn toàn, vì đã có nhiều người tin vào Chúa Yêsu, mặc dù niềm tin của họ chỉ mới dừng lại ở mức độ, Ngài là một Messia sẽ giải phóng dân tộc mà thôi. Chính vì thế, vị thượng tế phải dùng đến một câu hỏi vừa mang tính gài bẫy vừa phải ép lòng để tra vấn Chúa Yêsu: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14, 61b-62). Câu trả lời của Chúa Yêsu đã là bằng chứng đủ thuyết phục dân chúng giết Chúa Yêsu. “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19, 7).
Nhưng lúc ấy, người Do Thái đang bị đô hộ, nên tự người Do Thái không được quyền lên án tử cho ai cả (x. Ga 18, 31b), do đó họ phải nhờ bàn tay của Philatô. Philatô là người La Mã, thờ rất nhiều thần, nên tội liên quan đến thần linh chỉ là tội nhẹ, đáng đánh đòn rồi thả về thôi. Do đó các thượng tế phải tố cáo Chúa Yêsu trước mặt quan tổng trấn về một tội khác. Tội nổi loạn, xúi dục dân nổi loạn và xưng mình là vua (x. Lc 23, 2.5; Ga 18, 30). Với tội này, vì trung thành với hoàng đế La Mã, buộc quan tổng trấn phải xử tử Chúa Yêsu.
Vì để giết cho được Chúa Yêsu, thượng hội đồng Do Thái đã đưa ra lý do là bảo vệ đức tin của cha ông từ ngàn xưa rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Thiên Chúa của Abraham, Isaak và Yacob để được dân chúng ủng hộ, rồi sau đó, để án chết được thực hiện cho Chúa Yêsu, cũng thượng hội đồng ấy đã tố cáo Chúa Yêsu về tội âm mưu lật đổ chính quyền. Sau cùng các ông lấy áp lực của đám đông để buộc Philatô ra tay giết Chúa.
Khi đã quyết như thế, các thượng tế và dân chúng chấp nhận chọn sự dữ hơn thay cho chọn sự lành hơn. Khi nghe Philatô bảo sẽ tha cho một người nhân dịp lễ vượt qua, thì họ xin tha cho Baraba, một tên cướp, và xin đóng đinh Chúa Yêsu (x. Ga 18, 39-40).
Tồi tệ hơn nữa, nhằm đạt được mục tiêu ác ôn của mình, những người đã nhân danh bảo vệ đức tin đã phản bội lại đức tin của mình để cái ác được thực hiện.
Khi thấy Philatô muốn tha chết cho Chúa Yêsu, họ liền bảo: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda” (Ga 19, 12), buộc Philatô phải ra lệnh giết Chúa Yêsu. Họ đã khơi lên ham muốn địa vị nơi con người Philatô và khống chế Philatô bằng ham muốn lệch lạc đó. Để thể hiện quyết tâm của mình, các thượng tế và dân chúng còn khẳng định với quan tổng trấn Philatô rằng: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda” (Ga 19, 15). Đây là một lời nói dối trắng trợn, vì ở đất Palestine như đã nói, vua Hêrôđê, theo luật Do Thái và cũng được La Mã công nhận, là vua người Do Thái. Đây là một hành vi phạm tội, vì nhận một ông vua ngoại bang là vua của mình. Người Do Thái chỉ cần bước vào nhà dân ngoại thôi thì đã bị nhiễm uế, nếu không có lễ thanh tẩy trước thì không thể được dự lễ Vượt Qua (x. Ga 18, 28c). Đây là một hành vi chối Chúa công khai và tập thể, vì đối với người Do Thái, khi nói đến vị vua duy nhất thì vị vua đó phải là Thiên Chúa - YHWH - và chỉ mình Người mà thôi (x. 1Sm 8, 7). Đó là chưa nói đến luật của La Mã luôn coi các hoàng đế lá thần linh. Nhìn nhận là Xêda là vua duy nhất cũng như thể nhận Xêda là Chúa duy nhất vậy.
Để đeo đuổi cái ác như mục tiêu, con người đã đánh đổi tất cả, từ địa vị làm con, dân riêng của Thiên Chúa thành những kẻ say máu người. Từ những người bảo vệ niềm tin tinh tuyền thành những kẻ phản bội và chối bỏ niềm tin.
Nhưng kết quả người ta mong đợi sau khi đeo đuổi cái ác bằng được là gì?
Hình như những người đã đi đến cùng cái chết của Chúa Yêsu cũng không ý thức rõ mình làm việc đó để làm gì, mà lại phải trả giá quá đắt như vậy. 2000 năm rồi mà vẫn còn những người muốn tiếp tục theo cái ác tiêu diệt những “Yêsu khác” trong nhân loại này.
Thứ bảy Tuần Thánh
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
(Pl 2, 6-8)
ĐỐI THOẠI VỚI THIÊN CHÚA VỀ CÁI CHẾT CỦA CHÚA YÊSU
Hôm nay xác Chúa Yêsu đã được cất trong mồ, Thánh Kinh không nói gì cho ta biết về những ngày ấy, nên giờ đây, chúng ta cùng suy niệm một chút về cõi đi về của Chúa Yêsu. Cuộc đối thoại với Thiên Chúa sau đây có thể là một tưởng tượng, cũng có thể là một lời mời gọi tín thác tuyệt đối hơn vào quyền năng Thiên Chúa. Người viết đã viết những điều này trong thời kỳ tĩnh tâm đặc biệt dài 30 ngày.
Chúa Yêsu dạy con gọi Thiên Chúa là Cha, nên trong câu chuyện hôm nay, con xin được gọi Ngài là Cha để có thể nói hết mọi chuyện như thể Cha con chứ không như một tương quan có tính ngoại giao bên ngoài.
Con: Thưa Cha, con không quanh co, “vào giờ thứ chín, Đức Yêsu kêu lớn tiếng: ‘Êli, Êli, lêma xabácthani’, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46; Mc 15, 34). Điều này nghĩa là sao?
Cha: Nghĩa là Yêsu cảm thấy Ngài bị bỏ rơi. Ngài nói rõ như vậy sao con không hiểu?
Con: Thế cha bỏ rơi Ngài thật à?
Cha: Con hãy nhớ lại thời khai nguyên, khi Ta trao cho con người mọi sự và chỉ bảo con người đừng ăn cây biết lành biết dữ (x. St 2, 16-17), vì không muốn con người phải chết, nhưng con người lại nghe lời con rắn mà không tin lời Ta, nên đã tự bước qua giới hạn của một loài thọ tạo (x. St 3, 1-7).
Con: Nhưng khi tạo ra con, Ngài cho con được tự do mà !?
Cha: Chính vì cho con tự do, nên Ta đã đành phải chứng kiến bao nhiêu việc ngu xuẩn con làm. Những việc con làm như thể con thiêu thân lao vào lửa, Ta muốn ngăn lại lắm, nhưng sợ con lại bảo Ta can thiệp vào “chuyện nội bộ” của con.
Con: Không được, thấy xấu thì phải cản phải cấm, chứ để như Cha thì xã hội loạn lên à?
Cha: Ta đã cấm mà các con đâu có nghe theo. Ta đã dùng Môsê để ra luật đây: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Aicập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta… Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào,... Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20. 2-17).
Con: Con biết 10 điều răn rồi, nhưng ngay tại lúc đó, lúc con phạm tội, sao Cha không ra tay?
Cha: Vi phạm nhân quyền con ơi ! Làm như thế, con lại lôi Cha ra tòa án quốc tế mất.
Con: Nhưng Yêsu thì phạm tội gì và bước qua ranh giới cấm nào của Cha mà phải chết treo trên thập tự?
Cha: Yêsu, Con yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng, sao lại phạm tội hay bước qua ranh giới cấm nào (?) Người hoàn toàn vô tội trong mọi sự.
Con: Chính Cha nói đó, Yêsu vô tội, vậy sao Cha im lặng để người Ta giết Yêsu, Cha không bảo vệ người công chính à?
Cha: Ông Pharisêu té ngựa trở lại với Yêsu sau này tên gì con? … à, Phaolô! Ông Phaolô viết và giải thích trong thư Rôma về tội rất hay rằng tội là tình trạng bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (x. Rm 3, 23). Có những lúc vinh quang Thiên Chúa bị tướt mất do tội mình phạm, và cũng có những lúc vinh quang bị tước mất do tội của nhiều người khác. Ba mẹ con rất đạo đức, nhưng con lại là thằng ăn cắp, tuy hai ông bà không bị ra tòa, thì ông bà vẫn bị mất thanh danh, thế giá. Một ông chồng say sưa, bài bạc, thiếu nợ, cầm cố nhà quá hạn không trả, chủ nợ đến xiết nhà, vợ con của ông đâu có tội gì, nhưng vẫn phải ra lề đường ở vì ông ta đó. Vinh quang bị mất hết do tội thì cái chết sẽ đến. Yêsu không tội mà phải chết là thế.
Con: Nhưng chính Cha mạc khải để Người rao giảng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Bây giờ chính Người Con ấy cũng phải chết thì số phận của những người tin kia sẽ ra sao?
Cha: Đúng vậy, ai tin vào Người Con sẽ được sống và sống muôn đời với Người Con ấy.
Con: Con không hiểu, vì chính lúc lâm tử, Người Con có vẻ cũng không còn tin vào lời hứu cứu độ nên mới thốt lên lời : “Eli Eli …” kia?
Cha: Có vẽ ngay lúc thốt lên lời đó, Người Con có chút giao động về niềm tin, nhưng không phải không tin. Điểm giao động đó có thể do Người Con nghĩ mình là khuôn mẫu mới cho nhân loại hết lòng đạo đức, thánh thiện và yêu thương, hết lòng tôn thờ Thiên Chúa. Đúng Người Con sẽ là khuôn mẫu mới cho nhân loại, nhưng sau ngày được cứu, tức được giải thoát khỏi sự chết, còn ở lúc trên thập giá thì dù có là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người thì cũng bị giới hạn hoàn toàn theo phận con người. Con người không bao giờ có thể tự cứu mình được ngay khi có đạo đức, thánh thiện, bác ái như Yêsu. Mà phải hoàn toàn cậy trông vào ơn giải thoát được ban từ Đức Chúa Trời nhờ quyền năng Thần Khí của Ngài.
Con: Thế Chúa Yêsu của con không biết như vậy sao?
Cha: Khi Người đã chấp nhận tự hủy để thành con người trọn vẹn thì Người có phần biết, có phần không và có phần hoàn toàn không biết. Điều này chính Yêsu cũng đã mạc khải, ví dụ ngày tận thế Yêsu xác nhận mình không biết: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36). Đó là giới hạn của con người. Thủy tổ loài người đã cố tình vượt qua giới hạn của mình bằng cách ăn trái cấm, nhưng ăn rồi mới thấy không những không vượt qua được giới hạn, mà còn bị rơi vào tình trạng giới hạn nhất là phải chết. Yêsu sau một chút giao động đã tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46) chấp nhận trọn vẹn thân phận làm người và an bình trong tay Thiên Chúa: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19, 30). Khi ấy Yêsu hoàn toàn không bám víu một chút gì bởi thế gian nữa, mà chỉ còn mỗi Thiên Chúa thôi. Thiên Chúa đã hoàn tất lời đã hứa (x. St 3, 15) sẽ giải thoát con người nơi chính Yêsu ngay sau cái chết thập giá, mà con và mọi người đã biết rồi.
ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ
Những dòng viết dưới đây không phải là Thánh Kinh, chỉ là những cảm nghiệm về niềm tin của Mẹ Maria trước cái chết của Yêsu con Mẹ và cũng là Chúa cứu độ Mẹ.
Sau khi an táng Chúa Yêsu trong mồ đá của ông Yosep, người Arimathê xong, thánh Yoan, cùng với Maria Magdala và một vài người nữa dìu Đức Mẹ về nhò trọ. Sau khi để Mẹ ngồi yên ở một nơi, Yoan kiếm một góc nằm co dúm người lại, mặt mày méo sệch. Maria Magdala vẫn cứ quần quạy giữa nhà, thỉnh thoảng lại khóc rú lên hoảng hốt. Những người khác người khóc tức tưởi, người thở dồn từng hồi, người bím môi cho khỏi khóc, mà nước mắt cứ tuông không ngưng.
Tuy mệt mỏi và thất vọng, nhưng dù sao, Yoan cũng là người đàn ông duy nhất có mặt ở đó, nên lâu lâu cũng cố mở mắt nhìn về phía Mẹ, xem có chuyện gì không khẻo lại không lo kịp cho Mẹ. Yoan ngạc nhìn vì nhìn Mẹ không giống mọi người, không thất vọng, không đau buồn, không oán hận, không luyến tiếc, và cũng không hy vọng, nhưng rất lạ. Chẳng lẽ lúc này là lúc Mẹ bình tâm nhất. Đúng có vẽ nét mặt Mẹ rất an tịnh.
- Mẹ không buồn khổ hả Mẹ ?
Câu hỏi của Yoan làm mọi người chú ý quay về phía Mẹ. Mẹ vẫn im lặng vô định. Magdala lết đến gục đầu vào chân Mẹ khóc rúc lên từng tiếng. Mẹ xoa đầu Magdala nhẹ nhàng, mà vẫn không nhìn xuống. Maria Magdala nhìn Mẹ cũng có cảm giác lạ lùng như Yoan vậy, Magdala lay nhẹ vào tay Mẹ, nói:
- Chúa chết rồi ! Chúng ta đã táng xác Yêsu rồi !
- Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể ! Mẹ nói.
- Hết rồi niềm hy vọng của Israel, mà Mẹ còn nói thế - một người lên tiếng trách Mẹ.
- Ơn cứu độ của Israel và của muôn dân là bởi Thiên Chúa thì làm sao mất được(?)
Như vậy,Thiên Chúa - Yoan trong đau khổ chất vấn Mẹ - phải tạo ra một Messia khác?
- Chính Yêsu thầy của anh và là Chúa của tôi chứ không ai khác - Mẹ trả lời không chỉ cho Yoan, mà cho ọi ánh mắt đang hướng về Mẹ tìm câu trả lời - Thiên sẽ thực hiện kế hoạch của Người chứ không phải con người chúng ta.
***
Ngày sứ thần Gabriel truyền tin, tôi đã nghĩ sức mình không đủ sức gánh lấy kế đồ ngàn đời của Thiên Chúa, thì ngay lúc đó, sứ thần đã phán: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Tức đây là việc chính Thiên Chúa sẽ làm chứ không phải việc một thiếu nữ nhỏ bé, kém cỏi như tôi sẽ thực hiện. Cũng chính sứ thần đó nhắc lại cách chắn chắn rằng: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Tôi đã tin Thiên Chúa, Đấng đã làm cho tổ phụ Abraham già cả vô sinh thành cha của đoàn con đông như sao trời cát biển, Đấng đã làm cho dân chúng tôi từ kiếp Nô lệ Aicập, trở nên chủ nhân của đất Canaan tràn trề sữa và mật ông. Tôi đã thưa fiat và hoàn toàn tin vào ý định quyền năng của Thiên Chúa.
Niềm tin đó nhanh chóng bị thử thách, vì tôi liền có thai mà chưa về nhà chồng. Anh Yuse đã biết, nhưng chưa nói gì. Lúc ấy tôi đã lo sợ không biết mình sẽ chết do anh Yuse tố cáo cho dân ném đá hay sẽ phải mãi mãi xa anh, vì anh đã có ý âm thẩm bỏ đi. Lo sợ chỉ mới chớm, anh Yuse đã đến thưa với bố mẹ xin đón tôi về nhà sớm. Tôi hỏi anh sao lại liều thế. Anh trả lời chẳng do dự rằng Thiên Chúa bảo anh làm thế. Thiên Chúa đã để tôi fiat thì Thiên Chúa cũng sắp xếp để Yuse và tôi thành một đôi vợ chồng trước tôn nhan Người. Tôi không mất công sắp xếp bất cứ chuyện gì !
Trong dịp kê khai nhân khẩu, chúng tôi phải về thành vua Đawit để làm thủ tục, tại đó tôi chuyển dạ sinh con. Mọi người từ chối không cho tôi vào trọ, vì sợ ô uế. Chẳng hiểu sao anh Yuse đã tìm được một nơi tương đối kín gió, chỉ điều không được sạch lắm, vì đó là hang đá cho chiên dê ngủ qua đêm. Khi sinh con xong, tôi cũng nhớ lại một chút lời của sứ thần và tự an ủi mình rằng trẻ thơ sinh ra lặng lẽ thế kia, nhưng “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Chỉ mới nghĩ như thế chưa kịp kể lại cho Yuse thì đã ngạc nhiên không biết người ở đâu mà nhiều thế kéo đến, người đứng vòng trong, kẻ đứng vòng ngoài. Tất cả là mục đồng canh chiên và ngủ đêm trên thảo nguyên này. Họ tiếu tít chỉ nhau nhìn con trẻ rồi nói cách tự hào vui mừng. Mãi mới có một người nói đầu đuôi cho Yuse và tôi biết lý do họ đến đây là có hàng đoàn thiên sứ báo tin, chỉ đường và bảo họ đến gặp hài nhi. Tôi dám chắc, không có một người phụ nữ nào được hạnh phúc như tôi khi chỉ vừa sinh con mà được rất đông người đến thăm như vậy, mà không sợ nhiễm uế. Mà đâu chỉ có họ, hơn một tháng sau, lại có những vị rất quyền quý cao sang, gọi là tiến sĩ hay cử nhân hay đạo sĩ gì gì đó, cũng đến để gặp hài nhi và dâng cho hài nhi lễ phẩm của bậc quân vương. Tôi chợt nghĩ “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con”. Với con người Hài nhi được sinh ra trong hang lừa máng cỏ thì lặng lẽ, nhưng với Thiên Chúa thì không.
Điều tôi đang sống đây khiến anh và các cô ngạc nhiên lại bởi chính tôi đã kiểm chứng để một lần xác nhận cho muôn đời, đó là khi Yêsu bắt đầu đi rao giảng. Lúc đó, Người đã chọn các Tông đồ.
- Có anh rồi phải không Yoan?
- Dạ có rồi Mẹ - Yoan trả lời.
Chúng tôi dự tiệc cưới của một người thân trong dòng tộc ở Cana. Tiệc đang vui thì hết rượu. Tôi thấy họ loay hoay tội quá, mà mình là thân đàn bà làm được gì cho họ đây. Chính lúc ấy, lời sứ thần nói vang lên trong tai tôi: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được!” Tôi đứng dậy đến bên Yêsu và nói:
- Họ hết rượu rồi !
- Chuyện đó liên quan gì với tôi và bà - Yêsu trả lời - giờ tôi chưa tới !
Có thể lúc đó Chúa Yêsu cảm thấy giờ chưa tới, nhưng trong trực cảm tôi biết Thiên Chúa sẽ làm, nên mới bảo những gia nhân hãy làm bất cứ điều gì Chúa Yêsu bảo làm. Những gia nhân này rất hiền, nên sau đó Yêsu bảo họ lấy nước đổ vào các chum quán tẩy họ đã làm theo, rồi Yêsu bảo họ lấy nước đó đưa cho ông quản tiệc uống, họ cũng làm theo. Và nước thường đã thành rượu ngon.
Đối với Chúa không có gì là không thể !
Giờ đây tôi cũng như cụ già Simeon khợi khen Chúa:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài. »
Bấy giờ Yoan thấy lòng mình hân hoan lạ lùng, môi miệng Maria bắt đầu hát lên rất khẻ lời ca Alelluia - Hãy ngợi khen Thiên Chúa !
An Thanh, CSsR
Lạy Chúa Kitô, xin hồn Chúa thánh hóa con. Lạy Chúa Kitô, xin Mình thánh Chúa cứu con. Lạy Chúa Kitô, xin Máu thánh Chúa làm con say mến. Lạy Chúa Kitô, xin nước từ cạnh sườn Chúa rửa con sạch. Lạy Chúa Kitô, xin sự thương khó của Chúa thêm sức cho con.
Lạy Chúa Yêsu nhân ái, xin nhận lời con, xin cất con trong vết thương Chúa, xin đừng bao giờ để con lìa xa Chúa, xin bảo vệ con khỏi kẻ thù tinh quái.
Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con và cho con đến cùng Chúa, để cùng với các thánh của Chúa, con ca tụng Chúa muôn đời – Amen!
|