Ánh lửa Phục Sinh - Lm. Bùi Quang Tuấn
Nếu cuộc đời
của Đức Kitô bị chấm hết bằng cái chết
thì quả đó là một thất bại ê chề, không
hơn không kém. Thất bại vì không cứu được
nhân loại. Thất bại vì phải chết nhục
nhã dưới bàn tay con người. Chắc hẳn, sau khi đóng đinh Đức
Giêsu lên thập giá, các trưởng tế và biệt phái
đang dương dương nắm chắc phần thắng
khi niêm phong cửa mồ với thân xác vô hồn của
Ngài trong đó. Bao niềm mong đợi,
tin tưởng của các môn đệ dường như
cũng bị chôn sâu vào huyệt đá.
Thế nhưng, ngày thứ
ba, sau hôm các tử tội bị xử tử, lúc trời vừa
chớm sáng, Maria Magđalêna, kẻ được Đức
Giêsu cải hoá cuộc đời, đã vội đi
thăm mộ người ân nhân vĩ đại nhưng vắn
số của mình. Nỗi xót xa thương tiếc
thúc đẩy nàng ra bãi tha ma, khóc than cho niềm hạnh
phúc quá ngắn ngủi. Ước mong của nàng là
làm sao lăn được tảng
đá lấp mồ, ướp chút hương trầm trên
thân xác Giêsu, Đấng đã cứu mình khỏi vũng lầy
tội lỗi.
Nhưng kìa, quân canh đâu rồi? Mồ trống.
Xác Thầy biến mất. Chỉ còn các tấm khăn liệm được
xếp lại để đó. Sững
sờ. Hoảng hốt. Maria chạy ào về báo tin cho Phêrô và Gioan. Lập
tức hai ông chạy bay ra mồ. Nét âu lo lộ
trên khuôn mặt hai ông. Chuyện gì đã
xảy ra? Phải chăng người Do thái không thoả
mãn với cái chết tàn khốc trên thập giá của
Đức Giêsu nên đã đánh cắp luôn xác Ngài để
thủ tiêu? Hay có môn đệ nào đã lấy trộm xác
lúc các lính canh đang ngủ? Nếu thế
thì vô lý quá. Người ta đã cẩn
thận niêm ấn cửa mồ và cho quân canh gác xung quanh
cơ mà. Với lại, nếu ngủ
thì làm sao biết được những kẻ trộm xác
là các môn đệ? Nếu biết tại sao lại
không ra tay ngăn lại?
Nhưng rõ ràng là chẳng có
dấu hiệu nào của trộm xác. Các giây vải,
khăn che mặt đều được sắp xếp
gọn gàng. Tấm khăn liệm bó mình
Đức Giêsu vẫn còn đó. Vị
trí không có gì thay đổi như lúc táng xác. Nhìn vào thì trông như thân thể Đức Giêsu
đã bị bốc hơi khỏi tấm khăn. Không có dấu hiệu gỡ ra.
Phêrô bước vào mộ
và thấy như vậy. Gioan, người đến mộ
trước nhưng vào sau, cũng thấy như thế.
Nhưng Thánh kinh ghi nhận phản ứng của Gioan:
"Ông đã thấy và ông đã tin" (Ga 20:8).
Gioan đã tin gì? Phải
chăng ông tin các lời tiên báo phục sinh của Đức
Giêsu đã thành sự?
Chắc hẳn ngay giây phút
"ông thấy" cũng là lúc ông nhớ lại lời
nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra
khỏi đền thờ: "Hãy phá đền thờ này
đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2:19). Ông còn nhớ nữa
điềm lạ của Giona với lời khẳng định
của Chúa Giêsu: "Như Giona ở trong bụng cá ba ngày
ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở
trong lòng đất ba ngày đêm như vậy" (Mt 12:40). Rồi sau lúc biến hình
trên núi Tabo, Đức Giêsu cũng đã căn dặn các
ông không được nói lại với ai về chuyện
đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết
(Mc 9:9).
Chưa hết, trước
lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ
Vượt qua, Ngài cũng đã nói với 12 môn đệ
thân tín: "Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con
Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại,
sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau
khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết
Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Lc
18: 31-33). Và mới đây nhất là lời tâm sự
của Chúa Giêsu trong buổi tiệc ly: "Hết thảy
các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay... Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi
trước các ngươi tới Galilê" (Mt 26, 31-32).
Thế ra điều Gioan
xác tín ngay khi bước chân vào mồ chính là: Đức
Giêsu đã phục sinh. Niềm tin này không dừng chân
nơi ngôi mộ trống, với các giải vải còn
nguyên, nhưng tiếp tục được củng cố
qua bao lần tiếp xúc ăn uống với
Đấng Phục sinh của các môn đệ. Niềm tin
ấy kiên cường đến độ các nhân chứng
dám loan truyền với tất cả nhiệt tình, thậm
chí dám hy sinh đến tính mạng cho niềm xác tín đó.
Thử hỏi có ai ngây dại
khi lấy sự sống mình vun bón cho một sự chết. Nhưng nếu chỉ nói
đến Chúa Giêsu phục sinh như một sự kiện
của ngày hôm qua, và nếu sự kiện đó không gây một
tác động chân thực nào trên cuộc sống hôm nay của
tôi, thì đó cũng chỉ là một thứ ngây dại
không kém.
Thế nên, âm vang của tin
mừng Phục sinh phải trở nên động lực
chi phối làm bừng dậy nếp sống đức tin
của tôi, để rồi nó tiếp tục lan tới tất
cả mọi người xung quanh. Điều đáng ghi
nhận ở đây: tình yêu phải là động lực
làm nên âm hưởng phục sinh.
Nhờ tình yêu nồng nàn
dành cho Đức Giêsu mà Maria Magđalêna đã thắng
được nữ tính nhút nhát, dám đi ra mồ mả
lúc trời còn tranh sáng tranh tối để trở thành
người nữ đầu tiên loan báo tin mừng Phục
sinh.
Nhờ tình yêu chân thành dành
cho Thầy mình mà Gioan đã trở nên người nam đầu
tiên, bằng niềm tin, khám phá ra tính chất bất diệt
của tình yêu. Tình yêu không thể bị chôn
vùi trong huyệt mả của khổ đau, u sầu, thất
vọng, nhưng sẽ chảy tràn niềm vui, vinh quang, và
sự sống. Tình yêu không thể chết
với cái chết mục nát. Trái lại sẽ làm sống
lại những gì tan vỡ.
Chính Tình yêu Thiên Chúa đã phục
sinh Đức Giêsu Kitô tử nạn. Và chính Đức
Giêsu Phục sinh đã mang lại niềm hy vọng chiến
thắng trên mọi khổ đau, chết chóc, thất vọng
của con người. Nên chi, mừng Chúa Phục
sinh, một lần nữa tôi cầu xin Tình yêu của Ngài
tác động và dẫn lối con người trong mọi
quan hệ hàng ngày, từ vợ chồng con cái đến bạn
bè thân nghĩa, từ gia đình làng xóm đến cộng
đoàn xứ đạo. Để rồi như ánh lửa
được đốt lên và chuyền thắp đến
mọi ngọn nến trong đêm vọng Phục sinh thế
nào, người tin vào Chúa Kitô cũng sẽ là ánh sáng do tình
yêu Thiên Chúa đốt cháy và thắp lên nơi tâm hồn mọi
người như vậy.