BUỔI SÁNG
VÀ CÂY Ô-LIU
Lm.
Giuse Nguyễn Cao Luật, OP
Từ một biến cố rất đơn giản
Chắc
chắn rằng trình thuật Thương Khó được đọc
lại trong Chúa nhật hôm nay là phần
nòng cốt sơ khởi của Tin Mừng. Các tác giả
đã cùng hướng về một biến cố rất đơn giản, nhưng đầy bi tráng, và cố
gắng thuật lại cuộc Thương Khó. Các ông đã
nỗ lực minh chứng rằng Kitô giáo không phải
là một hoạt động phản loạn hay hình sự. Các ông đã tố
giác âm mưu
đẩy Đức
Giêsu đến chỗ chết đồng thời cũng cho thấy
sự vô tội của Người Tôi Tớ bị các tội nhân
đóng đinh thập giá.
Qua các trình thuật
này, dân Ít-ra-en khám phá
ra những điểm trùng hợp giữa cái chết của Người Tôi Tớ và
những lời Thánh Kinh. Những lời này đã
được nên trọn, không chỉ qua biến cố chính, nhưng cả trong những chi tiết. Trình thuật Tin Mừng
cho biết bối cảnh lịch sử của cuộc Thương Khó là dịp cử
hành lễ Vượt Qua của người Do-thái. Vì thế, cuộc Thương Khó chính là một
hy lễ, một nghi thức mới của giao ước thay thế cho việc
tế sát con chiên. Sau cùng, trình thuật cũng nêu lên mẫu
gương về đức khiêm nhường, việc cầu nguyện, sự nhẫn nhục và những
đau khổ của Đức Giêsu. Đó là con đường dành cho Hội
Thánh.
Ngoài ra cũng nên
để ý đến
một vài yếu tố khác được xếp đặt trong biến cố thập giá: mối tương quan giữa Đức Giêsu và Giu-đa
giáo; nguồn gốc, bản chất và sứ
mạng của Hội Thánh; vai trò của
các Tông Đồ nói chung và
cách riêng của ông Phê-rô.
Như cành Ô-liu
Hôm nay là Chúa nhật
của cây Ô-liu - Chúa nhật
Ô-liu :
những cành Ô-liu, núi Ô-liu.
Cây Ô-liu vẫn là biểu
tượng cho hoà bình, cho
bình minh trong sáng và
êm đềm. Nó vẫn xuất hiện ở mỗi khúc quanh của
bản văn Tin Mừng hôm nay.
Trong tiếng ồn ào đang làm
náo động thành phố Giêrusalem khi Đức Giêsu tiến vào thành, khi Người
bị bắt, bị xét xử
và tiến lên đồi Can-vê, cây Ô-liu
nhắc lại rằng tất cả những điều ấy đều khởi đầu ý nghĩa từ ngôi vườn
chan hoà ánh sáng êm
dịu của mặt trời ngày Vượt Qua.
Cây Ô-liu
chính là Đức Kitô. Chỉ mình Người biết được tính khắc nghiệt của cuộc Vượt Qua cũng như vinh quang ở cuối hành trình. Không phải là Người
không rung
động, nhưng
Người bình tĩnh đợi chờ.
Chung quanh Đức Giêsu, người ta xô lấn
nhau và xô
lấn Người.
Dân chúng hoan hô : "Chúc tụng
Đức Vua", và ít giờ
sau, họ lại hô to : "Giết nó đi,
giết nó đi !" Ông Phê-rô quả quyết là hết lòng theo Người,
"sẵn sàng vào tù, chết
cũng can đảm",
nhưng lại bỏ rơi Người.
Trong tất cả những sự kiện ấy, Đức Kitô vẫn luôn tỏ ra Người
là Thầy, là Người Tôi Tớ. Người
xin Chúa Cha tha thứ, yên ủi, nâng
đỡ.
Nếu
có câu nào
cần ghi nhớ, có lẽ
sẽ là câu nói của
Đức Giêsu với ông Phê-rô : "Phần anh, một khi đã
trở lại, hãy làm cho
cho các anh
em của anh nên vững
mạnh."
"Một
khi đã trở lại" từ những sai lầm, từ những nghi ngờ, từ những thay đổi, từ những cám dỗ về
quyền lực, từ những ý nghĩ u ám về cuộc sống, từ tính ích kỷ
... Một khi đã trở lại với Tình yêu, với
sự thật ...
"Hãy
làm cho các
anh em của
anh nên vững
mạnh", chính là hãy làm
cho họ trở thành những người biết tin tưởng vào tình yêu
vĩnh cửu của Chúa Cha, những người mến yêu Sự
Sống, những người luôn vui tươi trước những điều phật ý, những người trong sáng trước
những biến động của cuộc sống. Hãy đưa tay nâng
đỡ họ để tất cả anh em
được hưởng
sự sống vĩnh cửu ngay từ bây
giờ, sự sống đã trào vọt từ một ngôi mộ vào
buổi sáng ngày lễ Vượt
Qua.
Với
mọi người,
giữa những sợ hãi và
tủi nhục, giữa những cô đơn và muộn phiền,
Đức Kitô luôn nhắc lại lời mời đã được ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói trước : "Hãy trở
lại và được sống."
Lm.
Giuse Nguyễn Cao Luật, OP