Tình thương cứu độ
Văn hào Ngài Léon Tolstoi có kể
câu chuyện: Có một người hành khất nọ
đến trước cửa nhà của một
người giàu có để xin bố thí. Một
đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là
tất cả những gì người ăn
xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng mặc cho người khốn khổ van
xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.
Đến một lúc, không còn chịu nổi những
lời van xin của người hành khất, thay vì lời
bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con
người khốn khổ.
Người hành khất lặng
lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm
trong miệng: “Ta mang hòn đá nầy cho đến ngày nhà ngươi
sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném đá
trả lại ngươi”.
Đi đâu, người hành
khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua
đi. Lời chúc dữ của người hành khất
đã thành sự thật: Vì biển lận, người
giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản
và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó,
người hành khất chứng kiến cảnh
người ta áp giải người giàu vào tù ngục.
Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông.
Ông đi theo đoàn người áp
tải. Tay
ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném
vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù
để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng
bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt
tiều tuỵ đáng thương của kẻ đang
bị cùm tay, người hành khất thả
nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ:
Tại sao ta phải mang nặng hòn đá nầy từ bao
nhiêu năm qua? Con người nầy, giờ đây,
cũng chỉ là một con người khốn khổ
đáng thương như ta!”
Chúa Giêsu hôm nay
cũng không ném đá người thiếu phụ ngoại
tình. Và những người tố cáo
chị ta cũng không ai dám ném hòn đá đầu tiên.
Câu chuyện kể về người thiếu phụ ngoại
tình như sau:
“Khi ấy, Đức Giêsu
đang ngồi tại hành lang Đền Thờ Giêrusalem
thì bỗng có một nhóm đàn ông điệu đến
trước mặt Ngài một thiếu phụ run lẩy
bẩy, mặt mày tái mét. Họ trình với Ngài rằng:
họ đã bắt được quả tang người
thiếu phụ nầy đang phạm tội ngoại
tình. Theo lề luật, Môisê truyền phải
ném đá mụ nầy. Về phần Ngài, Ngài nghĩ
sao?”.
Dĩ nhiên là họ muốn gài
bẫy Chúa Giêsu: Nếu Ngài nói ngược lại với
luật Môisê thì những người Do Thái sẽ chống
lại Ngài, còn nếu Ngài khuyến khích họ ném đá
người thiếu phụ, điều mà luật lệ
Rôma không cho phép, thì chắc chắn Ngài sẽ gặp khó
khăn với chính quyền Rôma lúc đó đang chiếm đóng.
Thực sự, Đức Giêsu đã không
trả lời ngay câu hỏi của họ. Tin
Mừng thuật lại là: Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Chẳng
ai biết Ngài viết gì. Có lẽ Ngài muốn nhắc
cho chính nhóm đàn ông kia là muốn
phạm tội ngoại tình thì phải có hai người,
và Lề Luật đã quy định là cả hai
đều bị phạt chịu ném đá cho đến
chết. Thế mà họ chỉ điệu
đến trước mặt Ngài có một mình
người thiếu phụ nầy. (Còn người
đàn ông kia đâu?). Vậy thì chính
họ, nhóm đàn ông ấy, đã phạm tội bất
công, kỳ thị nam nữ, phân biệt đối xử
và phạm tội giả hình… (chứ thì
phái mày râu các ông không phạm tội ngoại tình sao?)
Sau khi viết xuống
đất một hồi, Đức Giêsu ngẩng
đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông không có tội
thì hãy ném viên đá đầu tiên đi!”.
Rồi Ngài lại cúi xuống viết tiếp… Ngài còn
đang viết thì có một sự kiện thật
ngoạn mục xảy ra: nhóm đàn ông nầy bắt đầu
lặng lẽ rút lui có trật tự, những
người già hơn rút lui trước. Có
lẽ vì họ đã phạm tội nhiều hơn
những người trẻ. Cuối cùng, chỉ còn
lại có hai người: Đức Giêsu và người
thiếu phụ. Lúc nầy, Đức Giêsu
mới ngẩng đầu lên và cùng đối thoại
với người thiếu phụ. Ngài hỏi
chị ta:
-
Những người kia đã đi đâu cả rồi? Không có ai
lên án chị sao?
-
Thưa Ngài, không có ai, thiếu
phụ đáp lại.
-
Vậy thì Ta cũng không lên án chị đâu, chị hãy về và
đừng phạm tội nữa nhé!”
Chúng ta có thể tưởng
tượng: lúc đó, người thiếu phụ vui mừng
như thế nào? Và chắc chắn chị
không quên cảm tạ Chúa và quyết tâm làm lại cuộc
đời.
Thưa anh chị em,
Chúng ta đang
sống trong một thế giới của những kẻ
ném đá. Người ta chỉ thích phê bình,
chỉ trích, lên án, hạ nhục hoặc chống
đối người khác. Chúng ta quên đi một
câu nói rất có ý nghĩa của người Anh: “Những
ai đang sống trong nhà bằng kính thì đừng nên ném
đá” (ném đá vỡ kính hết).
Tất cả chúng ta đều
đang sống trong những căn nhà bằng kính, bởi
vì tất cả chúng ta đều rất mỏng dòn,
dễ vỡ, đã không đáp ứng đúng mức
đòi hỏi của Thiên Chúa và tất cả chúng ta
đều rất cần đến sự tha thứ
của Ngài.
Cũng như nhóm đàn ông kia ở Giêrusalem, chúng ta thường tự
đặt mình vào hạng những người công chính.
Chúng ta sáng mắt nhìn thấy điều sai trái của
kẻ khác, nhưng lại quá đui mù chẳng nhìn thấy
các lỗi lầm của chính mình.
Tuy nhiên, anh chị em thân mến,
Câu chuyện trên đây không
chỉ đề cập đến những kẻ ném
đá, những kẻ tự cho mình là kẻ công chính,
những kẻ tự đặt mình vào chức vụ
bảo vệ nền luân lý công cộng, những kẻ luôn
nghĩ rằng tất cả những điều mình làm
đều đúng, đều tốt, những kẻ
vẫn tự hào rằng mình tốt lành và nhân đức
hơn những người khác… Câu chuyện còn
đề cập đến chính người thiếu
phụ bất hạnh ấy nữa. Đức
Giêsu đã không nhắm mắt làm ngơ trước
tội ngoại tình. Ngài đã không nói rằng:
điều người thiếu phụ đã làm đó
chỉ là một chuyện vặt, một chuyện nhỏ
mọn, hoặc là một chuyện có tính cách riêng tư
không dính líu gì tới ai. Ngài cũng đã không khuyên nhóm
người kia hãy bỏ qua chuyện
nầy, hoặc hãy chấp nhận mà sống với
những yếu đuối của mình, nhưng Ngài đã
khẳng định Ngài không lên án thiếu phụ nầy. Nói cách khác, Ngài đã sẵn lòng chấp nhận
người thiếu phụ bất hạnh nầy trong
chính tình trạng hiện nay của chị – Chị là người
có tội đấy-Chị hãy chừa cải, sửa
đổi nên người mới.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ
mọi tội lỗi chúng ta dù cho tội đó nặng
đến độ phải tử hình như tội
ngoại tình nơi anh em Do Thái ngày xưa. Lòng
Chúa hải hà vết nhơ của tội lỗi. Thái
độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng so với thái
độ của các vị luật sĩ và biệt phái cho
thấy tấm lòng của Thiên Chúa mênh mông, bao la hơn tâm
hồn con người thế nào, như đại
dương với các ao tù nước đọng: một
bên thì bình tĩnh thản nhiên, nhẹ nhàng đón nhận
cục đá lớn ném xuống, còn một bên sôi nổi
sùng sục và hỗn loạn trước cũng một
biến cố ấy. Thiên Chúa vẫn
đối xử với chúng ta như thế, không phải
để ta coi thường tội lỗi, mà là để
ta, một khi đối diện với lòng nhân lành của
Chúa, sẽ hoán cải mà trở nên tốt hơn.
Chúa Giêsu, Đấng vô tội,
chính Ngài đã từ chối không ném viên đá đầu
tiên hoặc viên đá cuối cùng, nhưng lời chấp nhận
của Ngài đã được gắn lại lệnh
truyền: “Chị hãy về và đừng phạm tội
nữa”. Có nghĩa là: “Con hãy về đi và từ bỏ cuộc
sống tội lỗi của con”. Những kẻ tố
cáo, những kẻ sẵn sàng ném đá kia thực ra đã
có thể kết liễu cuộc sống của người
thiếu phụ nầy, nhưng trái lại phần
Đức Giêsu, Ngài đã ban tặng cho chị ta một
cuộc sống mới, một sự bắt đầu hoàn
toàn mới mẻ: “Con hãy về và đừng phạm
tội nữa”.
Ngày nay, Ngài
cũng cư xử đối với nhân loại tội
lỗi và đối với mỗi người chúng ta
đúng như Ngài đã đối xử với
người thiếu phụ ngoại tình nầy. Trên thánh giá, Ngài ban ơn tha thứ cho tất
cả và cùng với muôn triệu người
được cứu thoát, Ngài tạo nên một dân
mới. Một lần nữa, Giáo
Hội mời gọi chúng ta nhìn vào cõi lòng mình vào tình
thương tha thứ của Thiên Chúa để tự
nhận ra mình là kẻ tội lỗi, hầu lãnh nhận ơn
tha thứ và từ nay đừng tái phạm nữa.