Ba cha con
Câu chuyện
về đứa con phung phá, còn có thể được
gọi là câu chuyện về tấm lòng của một
người cha, hay nói đúng hơn là câu chuyện về
ba cha con.
Thực
vậy người con thứ chỉ là một tay giang
hồ hèn nhát. Phải chi nếu vì thương cha nhớ
mẹ mà anh ta trở về thì còn khá, đằng này
chỉ vì đói khát, thèm ăn cả cám heo mà cũng chẳng
được, thôi thì đành trở về. Mà đã
trở về thì cũng phải ca mấy câu cho xong
chuyện với ông già.
Nhưng
người cha là một nhân vật tuyệt vời. Ông
đã món mỏi chờ đợi kẻ đi hoang. Ông nuôi
một con bê và ngày ngày ra tận ngoài đường trông
ngóng. Bằng chứng là khi đứa con rách nát trở
về thì ông đã nhận ra nó tự đàng xa và chạy
lại ôm choàng lấy nó mà hôn. Ông đã tha thứ cho nó
từ lâu rồi, nên đâu có để ý đến sáu câu
nó vội ca lên khi gặp ông. Ông truyền mặc áo
đẹp cho nó, xỏ nhẫn và xỏ giày cho nó. Đây là
những biểu tượng của người con trong
gia đình. Nó chỉ muốn làm đầy tớ
để được ăn no, nhưng ông đã trả
lại cho nó địa vị người con để
được hưởng mọi quyền lợi.
Rồi ông lại truyền giết con bê nuôi sẵn
để thiết tiệc mừng đứa con như
đã chết mà nay sống lại.
Nhân vật
thứ ba của câu chuyện là người con cả. Anh
ta là một người siêng năng, cần cù, hết mình
tận tuỵ với cha, nhưng lại tự ti và ích
kỷ: Là con trưởng nhưng lại chỉ biết
sống như một người đầy tớ,
như một kẻ nô lệ, không ý thức rằng hễ
đã là con thì cũng có quyền thừa kế, nghĩa là
được làm chủ gia tài của cha. Trái lại, anh
ta chỉ biết làm công để được nuôi trong
nhà mình như một kẻ xa lạ. Vì không ý thức
địa vị là con, là chủ của mình, nên anh ta
chẳng tình nghĩa gì với cậu em trai, đã không
biết chia sẻ niềm vui của cha thì chớ, anh ta
lại còn trách móc hằn học ghen tương.
Bọn
biệt phái khi nghe câu chuyện này thì đã hiểu ngay cái ý
nghĩa Chúa Giêsu muốn nhắm tới. Người cha là
Thiên Chúa hay cũng có thể nói là chính Ngài. Đứa em
giang hồ là những quân thu thuế và kẻ tội
lỗi, mà Ngài thường ưu ái. Còn cậu cả chính
là họ. Bởi vì họ thường lấy làm
chướng tai gai mắt khi thấy Ngài đi lại và
ăn uống với phường tội lỗi. Điều
Chúa Giêsu khiển trách, đó là họ tuy đạo
đức, chẳng hạn như đọc kinh nhiều,
ăn chay lắm, nhưng lại thiếu lòng nhân ái,
thiếu tình thương người, và như vậy là
thiếu chính cái mà Thiên Chúa đòi hỏi vì Thiên Chúa đã
phán: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của
lễ.
Ngày nay, khi
nghe đọc dụ ngôn này, không hiểu chúng ta, những
người vốn tự hào là những con chiên ngoan, có dám can
đảm nhận ra nơi mình hình ảnh cậu cả
hay không. Bằng chứng là vẫn thấy nhiều
người sẵn sàng lên án, ném đá những
người ngoại tình, những kẻ tội lỗi.
Không thiếu những người được coi là
đạo đức thánh thiện, lại rất khắt
khe với kẻ tội lỗi. Tệ hơn nữa,
người ta còn nhân danh sự thánh thiện của Thiên
Chúa mà đòi xử phạt kẻ có tội.
Những thái
độ trên hoàn toàn đi ngược lại tinh thần
của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để
tỏ lộ lòng nhân từ khoan dung của Cha chí ái. Qua
đó, Chúa Giêsu nhắm thẳng vào những kẻ thiếu
tình huynh đệ, cõi lòng của họ chai đá, không
biết cảm thông nỗi đau khổ của
người khác và cũng chẳng biết chia sẻ
niềm vui của Thiên Chúa, là được đón
nhận những đứa con hư hỏng biết tìm
đường trở về.
Để
kết luận, là những kẻ tội lỗi chúng ta hãy
can đảm trỗi dậy trở về cùng Chúa,
đồng thời cũng hãy có thái độ khoan dung
độ lượng với những kẻ tội
lỗi, như thái độ của Chúa Giêsu trong câu
chuyện chúng ta vừa nghe.