Ngày thứ hai:
TÌNH YÊU CỦA
TA DÀNH CHO CHÚA
Thiên Chúa luôn
yêu thương chúng ta.
Đó là một chân lý. Đó
là một câu nói trên môi miệng mỗi người chúng ta. Nhưng
còn chúng ta có yêu Chúa hay không? Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa
có thực sự là trên hết mọi sự hay vẫn còn
đó sự “bắt cá hai tay”? Tình yêu của Chúa thì vô
bờ còn tình yêu của chúng ta dành cho Chúa vẫn còn đó
những toan tính thiệt hơn?
1. Những khuyến khuyết trong
việc sống đạo
Chúng ta thử quan sát thái
độ sống đạo của các tín hữu chung quanh
chúng ta ra sao?
-
Có những người theo đạo
nhưng chỉ dừng lại ở việc xem lễ ngày
Chúa nhật đầy đủ là yên tâm vì đã chu toàn
bổn phận với Chúa. Nhưng đa phần là họ
chỉ xem chứ không dự. Họ chỉ mang xác
đến nhà thờ còn tâm hồn của họ vẫn còn
để ở bên bàn tiệc đang dở dang, bên
cuộc hẹn đang chờ. Có những người
đi lễ còn cố tình đi muộn để
đứng ở ngoài, để tìm chỗ khuất mà
chuyện trò tâm sự.
-
Có những người đi nhà thờ,
tham gia các đoàn thể xem ra rất tốt nhưng ở
đời họ vẫn còn đó sự gian tham lừa
đảo. Họ sống thiếu công bình bác ái. Họ
vẫn chồng nọ vợ kia, vẫn ngoại tình,
vẫn cờ bạc, vẫn rượu chè bê tha.
-
Có những người cho rằng sống
đạo là phải rước kiệu linh đình,
phải tổ chức lễ lạc hoành tráng nhưng
điều đáng buồn là họ không bao giờ cầu
nguyện, thậm chí cầu nguyện với Chúa bằng
cách nào cũng không biết.
-
Có những người cho rằng theo
đạo là đạo tại tâm nên chẳng chịu
đi lễ, chẳng chịu xưng tội rước
lễ, còn lẻo miệng bảo rằng: đi lễ làm
gì nhiều, giữ luật làm gì nhiều không chừng lên
thiên đàng cả giường lẫn chiếu. Thực ra
đạo tại tâm không phải là chỉ để
ở trong lòng. Vậy theo đạo mà không sống
đạo, không làm chứng về đạo thì
được ích gì? Đạo tại tâm phải hiểu
là những hình thức thờ phượng bên ngoài như
dự lễ, đọc kinh phải phát xuất từ tâm
hồn mến yêu được biểu lộ ra bên ngoài. Tâm
đó phải được tỏa sáng ra bên ngoài qua
đời sống thánh thiện, công bình và bác ái.
-
Điều tệ hại nhất là có
những người lạm dụng lòng thương xót
của Chúa để phạm tội. Họ cho rằng:
thôi thì cứ phạm tội rồi đến tòa cáo
giải là xong. Thậm chí có người còn cho rằng phá
thai xưng tội là xong! Phải chăng vì Chúa quá dễ
dãi nên chi cứ phạm tội rồi Chúa cũng tha, vì Ngài
là Đấng lòng lành vô cùng? Không đúng đâu! Cain năm
xưa đã giết em mình là Abel. Ông đã bỏ chạy
tưởng sẽ chạy chốn được
trời. Nhưng Chúa đã bảo với Cain: “Máu của
Abel đã kêu thấu tới trời. Từ nay vạn
vật sẽ đứng lên chống lại con
người”. Lời nguyền đó dường như
vẫn còn hiệu lực cho tới ngày hôm nay, khi mà
khắp nơi trên hoàn cầu đầy dãy những
thảm họa của thiên tai, của động
đất và lũ lụt. Phải chăng vạn vật
vẫn tiếp tục đứng lên chống lại
tội ác con người gây ra?
2. Hãy yêu mến Chúa trên hết
mọi sự
Tất cả những hình
thức sống đạo như thế đều
khuyến khuyết. Có lẽ Chúa sẽ không bằng lòng
với những lối sống đạo mà chúng ta vừa
liệt kê. Vì điều quan yếu của đạo là
phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân
như chình mình. Sự yêu mến Chúa trên hết mọi
sự sẽ giúp chúng ta siêng năng tìm hiểu lời Chúa
và mang ra thực hành. Vì chưng, Chúa Giê-su đã từng nói
không phải những ai kêu “lạy Chúa, lạy Chúa là
được vào Nước Thiên đàng đâu! Mà là
những ai thực hành lời Chúa mới được
vào thiên đàng”.
Tựa như hai người
yêu nhau thì luôn lắng nghe nhau, lắng nghe nhu cầu của
nhau và luôn làm điều gì đó cho người mình yêu hài
lòng. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thực sự thì chúng ta
cũng phải lắng nghe lời Chúa và sống
điều Chúa truyền để làm vui lòng Chúa. Điều
mà chúng ta có thể làm vui lòng Chúa là sự trung thành với
Chúa và sống thương mến nhau. Sự trung thành
với Chúa đòi hỏi chúng ta phải để cho Chúa
vị trí số 1 trong trái tim chúng ta. Sự trung thành đó
được thể hiện qua việc chúng ta luôn
chọn Chúa hơn là những danh lợi thú trần gian. Có
một lần có một người gọi điện
thoại hỏi tôi: “Cha ơi ngày mai lễ trọng kiêng
việc xác, chúng con có được đi làm không?. Tôi
hỏi: “chị đi làm vì tiền hay vì công việc?” Chị
bảo rằng: “vì cả hai”. Tôi trả lời: “nếu vì
tiền mà mình bỏ luật Chúa là không được,
nhưng nếu vì công việc đang dở dang không thể
ngưng được thì có thể tiếp tục công
việc nhưng phải dùng số tiền kiếm
được dành một chút cho người nghèo”.
3. Hãy yêu tha nhân như chính mình
Đồng thời, yêu
mến Chúa cũng đòi phải yêu mến tha nhân là hình
ảnh của Chúa. Thánh Gioan nói rằng: ai nói mình yêu mến
Chúa mà không yêu mến anh em là kẻ dối gian. Sở dĩ
chúng ta phải yêu mến tha nhân vì chúng ta đều là con
một Cha trên trời, là anh em với nhau, và chính Chúa Giê-su
đã từng đồng hóa mình với những mảnh
đời bất hạnh để những ai giúp
đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Đây còn là
giời răn quan trọng mà Chúa đã để lại
cho các môn đệ như một chúc thư phải thi hành.
Đó là:
- Thầy ban cho các con một điều răn mới,
là các con hãy thương yêu nhau.
Ngài cũng xác định cho chúng ta một dấu hiệu
riêng biệt, một bộ đồng phục của
người môn đệ. Dấu hiệu ấy không phải
chỉ là đi nhà thờ, làm dấu thánh giá, tham dự
thánh lễ… Bộ đồng phục ấy không phải
là chiếc áo dài màu xanh hay màu trắng của các hội
đoàn, và cũng không phải là cái khăn quàng trên vai các em
thiếu nhi, nhưng là tình thương.
Phải, dấu hiệu và bộ đồng phục của
người Kitô hữu phải là tình bác ái yêu thương
:
- Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là
các con hãy thương yêu nhau.
Thế nhưng, có những người không muốn chấp
nhận sự thật này. Họ trang nghiêm sốt sắng
trong những giờ kinh nguyện. Quả thực, ở
nhà thờ họ là những con chiên ngoan, nhưng khi bước
xuống cuộc đời, họ lại vội vã hóa kiếp
thành một loài lang sói, vì họ cũng gian tham, cũng
độc ác.
Có lẽ vào ngày phán xét, chúng ta sẽ phải ngạc
nhiên:
Có những người chúng ta tưởng họ là môn
đệ Chúa dựa vào một nếp sống đạo
đức giả tạo bên ngoài, nhưng thực sự
không phải là như thế, chỉ vì họ không thực
thi giới luật yêu thương .
Trái lại, có những kẻ chúng ta tưởng họ
là vô thần, là chống đối Thiên Chúa, nhưng thực
sự họ là môn đệ của Chúa, chỉ vì họ
đã sống tình bác ái. Hay như một ý tưởng của
Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “Giới luật yêu
thương” có đoạn rằng:
“Người vô thần không tin Chúa, chúng ta bảo họ
là kẻ vô đạo. Còn chúng ta, mặc dù đã tin Chúa,
nhưng nếu không thương yêu anh em, thì chúng ta cũng
chỉ là một loại vô đạo mà thôi”.
Có một chàng thanh niên, đến gõ cửa một nhà
dòng để xin vào tu trong đó, cha bề trên nhìn chàng, khẽ
mỉm cười và hỏi :
- Thế thì con đã yêu ai chưa.
Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời
:
- Dạ thưa cha, chưa ạ.
Cha bề trên lại mỉm cười và bảo :
- Thế thì con hãy trở về, học yêu thương
trước, rồi mới tới học tu sau.
Câu chuyện này chỉ muốn nói lên rằng : chúng ta phải
học cả những cái tầm thường nhất
như tục ngữ đã bảo : “Học ăn, học
nói, học gói, học mở”, huống nữa là học yêu
thương. Học điều này điều nọ thì có
thời gian, như học yêu thương thì vô bờ. Vì học
yêu thương thì dài bằng cả cuộc đời. Bao
lâu còn sống, chúng ta vẫn phải tập luyện yêu
thương, để tình yêu của chúng ta mỗi ngày một
thêm tinh khiết, ven tuyền.
4. Tình yêu vị kỷ và vị tha
Nhìn chung, tình yêu thuở ban đầu thường nhiễm
màu vị kỷ, chúng ta phải tập luyện để
thoát ra khỏi tình trạng ấu trí ấy, để tiến
đến một tình yêu vị tha, một tình yêu trưởng
thành. Vậy thế nào là một tình yêu ấu trí, một
tình yêu vị kỷ ? Và thế nào là tình yêu trưởng
thành, một tình yêu vị tha ?
Tình yêu vị kỷ là một tình yêu vì mình. Chúng ta luôn
đòi người mà chúng ta bảo là yêu phải phục vụ,
phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Có những
đòi hỏi vô đạo đức nhưng chúng ta vẫn
bắt họ thực thi theo yêu cầu của chúng ta. Khuynh hướng vị kỷ sẽ
làm cho tình yêu chết dần chết mòn, và nếu có tồn
lại, thì cũng chỉ là một tình yêu èo uột và
nhơ nhớp, như hình ảnh Tagore đã dùng để
so sánh :
- Tình yêu giống như một con suối, nếu ta
đắp đập chặn nước thì dòng suối sẽ
khô. Tình yêu giống như một bông hồng, nếu ta ngắt
đi và ép vào ngực, thì chẳng bao lâu bông hồng sẽ
héo.
Trái lại, tình yêu vị tha là một tình yêu vì người.
Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ,
để làm vui lòng người mình yêu. Chúng ta không đòi
người yêu đáp ứng nhu cầu của chúng ta mà là
chính chúng ta luôn sẵn lòng đáp ứng nhu cầu người
mình yêu. Tình yêu vị tha còn là tình yêu hiến dâng, bất chấp
mọi trở ngại, cho dù “Tam tứ núi cũng trèo – Thất
bát sông cũng lội – Thập cửu đèo cũng qua”.
Đó chính là tình yêu cao qúy mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Ngài
đã thi thố tình thương của mình ngay cả khi
chúng ta còn là tội nhân. Ngài đã quan phòng gìn giữ cuộc
đời chúng ta bằng biết bao ơn lành hồn xác. Ngài
sẵn lòng chết để cứu độ chúng ta.
Vì thế, chúng ta cũng phải có một tình yêu vị
tha để chúng ta đến với Chúa không cầu
mưu lợi cho bản thân mà mong cho danh Cha cả sáng. Chúng
ta yêu mến Chúa hết lòng hết sức không phải vì
Chúa ban cho chúng ta lợi lộc này, lợi lộc nọ mà
vì Chúa là lẽ sống, là hơi thở của chúng ta. Yêu mến
Chúa cũng mời gọi chúng ta có lòng vị tha với tha
nhân để chúng ta loại trừ những hình thức lợi
dụng, nhưng toan tính tầm thường mà sống cao
thượng hơn với anh em.
Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đã dám chết cho
người mình yêu, giúp chúng ta quên đi bản thân của
mình để sống có ích cho tha nhân. Amen
Lm.Jos Tạ
duy Tuyền