Cám dỗ
Một số người cho rằng thật khó mà
tin rằng Đức Giêsu có thể bị cám dỗ. Mặc dù có bản
chất thần thánh, nhưng Người cũng có một
bản chất của con người. Ngoài
ra, tự thân chước cám dỗ không phải là một tội
lỗi. Có phải ma quỷ đã thực
sự hiện ra với Người không? Chúng ta không biết. Điều chính yếu
là những chước cám dỗ của Người đều
có thật, giống như chúng ta vậy, mặc dù quỉ
sứ không hiện ra với chúng ta trong hình dạng của
một con người. Nhưng những
chước cám dỗ của Người chứa đựng
cái gì?
Chước cám dỗ đầu tiên là biến hòn
đá thành bánh.
Ngoài ý nghĩa rõ rệt, chữ “bánh” có thể mang ý
nghĩa là những thứ vật chất nói chung.
Ma quỉ đang nói với Đức Giêsu là hãy sử dụng
những quyền năng đặc biệt của Người,
để mang lại cho con người tất cả những
thứ vật chất mà có thể họ mong muốn.
Nhưng Đức Giêsu biết rằng tự thân những
thứ vật chất đó sẽ không bao giờ thoả
mãn được con người. Công việc chính của
Người là nuôi dưỡng tâm trí và tấm lòng con
người bằng lời của Thiên Chúa. Đây là
chước cám dỗ mang lại cho con người những
điều họ mong muốn, hơn là những nhu cầu
của họ. Chước cám dỗ chính là
thoả mãn đám đông, bằng cách cho họ những gì
sẽ thoả mãn các mong muốn nhất thời của họ,
khi họ không biết điều gì mình thực sự cần
đến.
Chúng ta
có những nhu cầu và những khát vọng lớn lao hơn. Tâm hồn con người thực
sự khát khao cái gì? Chắc hẳn rằng
đó không phải là cơm bánh. Cơm
bánh là cái mà cơ thể thèm khát. Sau phép lạ
ban bánh và cá, ngày hôm sau, dân chúng trở về với mong muốn
sao cho có thêm bánh nữa. Nhưng Đức Giêsu đã
từ chối ban thêm bánh cho họ. Người nói “Các
ngươi đừng làm việc vì của ăn
không thể tồn tại được, nhưng hãy làm việc
để tìm kiếm lương thực kéo dài cho đến
cuộc sống đời đời”.
Đối với một vị thầy về mặt
thiêng liêng, thì tinh thần chiếm vị trí ưu tiên vượt
lên trên lương thực của cơ thể. Khi đặt
ưu tiên cho những nhu cầu thân xác, điều đó có
nghĩa là giảm giá trị con người, là đối
xử với họ không hơn gì một con vật. Chúng ta cũng bị cám dỗ chỉ sống cho
những thứ vật chất mà thôi. Không
phải là chúng ta khước từ đời sống
thiêng liêng, nhưng chúng ta bỏ qua đời sống
đó.
Chước cám dỗ thứ hai là tạo dựng một
vương quốc chính trị, là việc dẫn đến
quyền lực hơn là tình yêu. Quyền lực
tạo ra một sự thay thế dễ dàng cho công việc
khó khăn mà có thể tình yêu đòi buộc. Người ta dễ dàng muốn làm chủ người
khác, hơn là yêu thương họ, dễ dàng thống trị
người khác, hơn là trở thành người phục
vụ họ. Đức Giêsu không đến để
cai trị, nhưng để phục vụ.
Người không hề nại vào quyền lực
thần thánh của Người, nhưng đã tự huỷ
mình ra không, và trở thành người tôi tớ đầy
yêu thương đối với tất cả mọi
người. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ
thay thế tình yêu bằng quyền lực.
Chước
cám dỗ thứ ba cốt ở việc làm được
một điều gì đó kỳ lạ (tự gieo mình xuống
khỏi đền thờ), nhằm khơi gợi lòng tin –
giống như một ảo thuật gia có thể khơi
gợi được lòng tin, qua nghệ thuật làm một
số chuyện mang tính cách quảng cáo phô trương. Ý tưởng này nghe thật hấp dẫn. Một kiểu quảng cáo như vậy sẽ
làm cho mọi người đồn thổi về Người
tại Giêrusalem. Nhưng lối gây giật
gân lại đưa đến vinh quang cho bản thân mình,
hơn là vinh quang cho Thiên Chúa. Đức
Giêsu khước từ việc gieo mình này. Người không muốn tìm kiếm những kẻ
ái mộ mình. Người mong muốn có những kẻ
đi theo Người, nghĩa là những
kẻ muốn bắt chước lối sống của
Người.
Trong suốt
sứ vụ của Người, Đức Giêsu đã
khước từ việc ban cho dân chúng những kiểu dấu
lạ, ngay cả khi người ta ép buộc Người
phải làm như vậy. Những loại dấu lạ
này không có ích lợi gì cả, không đòi hỏi điều
gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta, mà chỉ hạ
thấp giá trị của lòng tin. Lòng tin không
phải là ma thuật. Sự thánh thiện không hệ
tại ở việc cố gắng ép buộc Thiên Chúa phải
làm theo ý muốn của chúng ta, nhưng
là nỗ lực bắt buộc chính bản thân mình phải
làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Các chước cám dỗ là đòn tấn công trên tất
cả những yếu tố cơ bản đối với
sứ vụ của Đức Giêsu. Vâng, Người
đến để thiết lập một vương quốc,
nhưng không phải là loại vương quốc mà Satan
đề nghị. Và Người đã
khước từ chước cám dỗ đạt
được vương quốc bằng phương tiện
trần thế. Cả ba chước cám dỗ cuối
cùng đều qui về cùng một điều: đặt
những thứ vật chất và vinh quang bản thân lên
trước hết, kế đó, mới đến các
điều thiêng liêng và Thiên Chúa. Nói chung,
đây là những chước cám dỗ chủ yếu trong
Giáo Hội của Người, và nơi mỗi người
chúng ta là các thành viên trong Giáo Hội. Chúng ta phải luôn
hướng mắt về Đấng đã khước từ
biến những hòn đá thành bánh, tự gieo mình xuống
khỏi nóc Đền thờ, và cai trị
bằng quyền lực.
Kinh nghiệm này đã giúp cho Đức Giêsu tự thấu
hiểu sứ vụ của Người là gì, và làm thế
nào để hoàn tất sứ vụ đó. Và một khi
đã biết được sứ vụ của mình là gì,
thì Người quyết định hoàn toàn tận hiến
cho sứ vụ đó.
Chước cám dỗ không phải là những thứ
chỉ xảy ra một lần mà thôi, không bao giờ chúng kết
thúc, mà có thể trở lại mỗi khi có cơ hội. Trong suốt cuộc
đời của Đức Giêsu, chước cám dỗ vẫn
tiếp tục xảy ra, bởi vì ma quỉ vẫn cứ
tìm mọi cách để xói mòn sứ vụ của Người,
mặc dù là vô hiệu. Ngay cả khi Người
đã bị treo trên thánh giá, chúng ta vẫn nghe thấy tiếng
vang vọng của chước cám dỗ thứ hai “Nếu
ông ta là Đấng Mêsia, thì ông ta hãy xuống khỏi thánh
giá, rồi chúng ta sẽ tin ông ấy”.
Tất
cả những ai đang đấu tranh để sống
một cuộc sống tốt đẹp, đều có thể
ghi lòng tạc dạ điều này: Việc chống trả
lại chước cám dỗ không hề dễ dàng đối
với Đức Giêsu, cũng không dễ dàng đối với
chúng ta. Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta
có được một người anh, Đấng biết
được rằng chúng ta đang phải chiến
đấu với cái gì. Người tha
thứ cho chúng ta, và nâng chúng ta lên, khi chúng ta vấp ngã.
Người ban cho chúng ta khả năng tuân theo
Lời của Thiên Chúa, tin tưởng nơi Người
và chỉ thờ phượng một mình Người mà
thôi.