Ăn chay cách nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?- JKN
Câu hỏi gợi ý:
1.
Trong các tôn giáo, đặc
biệt trong Kitô giáo, ăn chay có những
ý nghĩa và tác dụng nào?
2.
Ăn
chay như thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa? Mới
đem lại ích lợi đích thực cho tâm linh ta? Hình
thức ăn chay và tinh thần chay
tịnh, cái nào quan trọng hơn?
3.
Tại sao nên ăn chay và cầu nguyện một cách kín
đáo?
Suy tư gợi ý:
1.
Ăn chay trong đời sống tâm
linh và tôn giáo
Bất kỳ tôn giáo nào
cũng đề cao việc ăn chay và
cầu nguyện, vì ăn chay và cầu nguyện có
nhiều tác dụng tốt đẹp về mặt tâm
linh.
a.
Trước hết,
ăn chay - thường đi đôi với hãm mình - là
để tỏ lòng thống hối và đền tội,
làm hoà với Thiên Chúa, quyết tâm trở về với
đường ngay nẻo chính, với công lý và tình thương.
Câu chuyện thành Ninivê là một điển hình (x. Gn 3,1-10). Đây là một thành phố tội
lỗi, Thiên Chúa dự định trừng phạt
bằng cách phá huỷ thành. Dân thành biết vậy nên
đồng lòng ăn chay và quyết tâm
thống hối. Vì thế, Thiên Chúa đã từ bỏ
dự định phá huỷ thành ấy.
b.
Ăn
chay - phối hợp với những việc thực thi
công bình và bác ái - là một cách thể hiện lòng yêu mến
Thiên Chúa và tha nhân, muốn chia sẻ những nỗi
thống khổ mà Đức Giêsu hay người nghèo,
người bị áp bức phải chịu. Đây là
một việc làm rất đẹp lòng Thiên Chúa.
Người ăn chay nên dùng tiền tiết kiệm
được do việc ăn chay
để thực hành đức ái: giúp đỡ
người nghèo túng, ủng hộ những việc làm
từ thiện, những công trình cải thiện xã hội
hoặc Giáo Hội…
c.
Ăn
chay - phối hợp với cầu nguyện, tĩnh tâm,
chiêm niệm - để có một sức mạnh tâm linh.
Khi ăn chay, ta phải chống lại
sự đòi hỏi của bản năng thèm ăn,
nhờ đó sự tự chủ lên cao, sức mạnh tâm
linh cũng tăng lên. Ăn chay cũng
lôi kéo ơn Chúa và sức mạnh thần linh xuống trên
ta. Nhờ đó ta có thể thực hiện những
việc làm hay những tiến bộ về tâm linh.
Điều đó được Đức Giêsu đề
cập đến qua câu nói: «Giống quỷ này không
chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện»
(Mt 17,21). Vì để trừ quỉ,
cần có một sức mạnh tâm linh rất cao, tức
sự thánh thiện, và để đạt
được sức mạnh ấy, ăn
chay cầu nguyện là một phương cách hữu
hiệu.
Chính Đức Giêsu đã
ăn chay 40 đêm ngày trước khi
bắt đầu cuộc đời công khai của mình.
Đó là một mẫu gương cho ta: khi bắt
đầu thực hiện hay quyết định một
việc gì quan trọng về tâm linh, ta nên ăn chay và
cầu nguyện để được nhiều ơn
Chúa hầu quyết định sáng suốt và thực
hiện công việc có hiệu quả.
2. Tinh thần chay
tịnh
Cốt yếu của
việc ăn chay không hệ tại
việc nhịn ăn, kiêng ăn hay ăn ít đi, mà
hệ tại tinh thần mà việc ăn chay muốn
biểu lộ. Ăn chay chỉ là
một hình thức cụ thể để biểu lộ
tâm tình bên trong: thống hối, muốn đền tội,
quyết tâm trở về với Thiên Chúa, hay muốn
thể hiện tinh thần bác ái, thông cảm với những
người đau khổ, hay muốn tăng cường
sức mạnh tâm linh… Nếu không có những tâm tình bên
trong ấy làm nội dung, thì việc ăn
chay chỉ là một hình thức trống rỗng, không có
giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giêrêmia cho
biết Thiên Chúa không đoái hoài đến việc ăn
chay theo kiểu thuần hình thức ấy: «Chúng có ăn
chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có
dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng
tỏ lòng xót thương» (Gr 14,12).
Như vậy ăn chay cốt yếu là một việc làm
trong nội tâm, không ai thấy được hơn là
việc thể hiện ra bên ngoài ai cũng thấy
được. Điều này phù hợp với lời
khuyên của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: «Khi
ăn chay, hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu
cho thơm, để không ai thấy là
anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh». Ngôn sứ Giôen
trong bài đọc 1 hôm nay cũng nhấn mạnh cái
cốt tuỷ bên trong của việc chay tịnh:
«Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng
Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em» (Ge 2,13).
Điều quan trọng là trở về
với Thiên Chúa hơn là ăn chay bên ngoài.
Ngôn sứ Isaia lại
nhấn mạnh đến cốt lõi của việc ăn chay là tinh thần yêu thương và tôn
trọng công lý, chứ không phải là hình thức khổ
chế bên ngoài: «Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo
kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho
mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi
vã, để nắm tay đánh
đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi
muốn ăn chay để tiếng các
ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các
ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải
chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa
chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ
chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như
thế mà gọi là ăn chay trong ngày các
ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là
thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói
buộc, trả tự do cho người bị áp bức,
đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm
cho người đói, rước vào nhà những
người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình
trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ
trước người anh em cốt nhục?»
(Is 58,3-7). Như vậy, ăn chay
bằng những việc làm bác ái, bằng việc lên tiếng
cho công lý, để đập tan những bất công,
để bênh vực kẻ nghèo khổ, sống ngoài
lề xã hội, những kẻ bị áp bức, thì thực
tế và đẹp lòng Thiên Chúa hơn là việc nhịn
ăn một cách hình thức.
Nói như thế không có
nghĩa là không cần ăn chay mà
chỉ cần đối xử với nhau cho có tình
nghĩa, hay chỉ cần thực hiện công lý và bác ái
thôi. Thiên Chúa muốn rằng «các điều này vẫn
cứ phải làm, mà các điều kia thì không
được bỏ» (Mt 23,23). Vì hình
thức và nội dung phải đi đôi với nhau: hình
thức đòi buộc phải có nội dung, nhưng
nội dung cũng đòi hỏi phải có hình thức. Vì
thế, khi ăn chay, chúng ta vừa
nhịn ăn hoặc ăn ít để thực hiện
mặt hình thức, mà vừa phải có những tâm tình thâm
sâu bên trong, được thể hiện cụ thể bằng
việc thực thi công bằng và bác ái để thực
hiện mặt nội dung. Tuy nhiên, ta cần
biết là tâm tình thâm sâu bên trong làm cho hình thức thể
hiện bên ngoài có giá trị. Nếu chỉ
có hình thức bên ngoài, thì hình thức đó hoàn toàn vô giá
trị.
3.
Ăn chay và cầu nguyện một
mình với Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự kín đáo
khi ăn chay và cầu nguyện. Ăn
chay và cầu nguyện là những hành vi
đối thoại với Thiên Chúa, vì thế, nó cần
được thực hiện một cách riêng tư, trong
thầm lặng với Ngài. Nó củng cố tình thân hay
sự thân mật giữa ta với Thiên Chúa. Thật
ngược đời và quái dị nếu sự thân
mật riêng tư giữa vợ chồng hay bạn bè
với nhau lại được phơi bày ra trước
mặt mọi người. Cũng vậy,
sự thân mật riêng tư giữa ta với Thiên Chúa thì
chỉ nên giữa Thiên Chúa với ta biết với nhau,
không nên cố ý thực hiện trước công chúng
để ai cũng biết. Cố ý ăn chay và
cầu nguyện trước mặt mọi người
thì đó không còn là sự đối thoại thật
sự với Thiên Chúa nữa, mà nó đã bị biến
chất thành một hành vi đóng
kịch. Như thế có khác gì hai
người hôn nhau để người khác chụp hình.
Càng muốn cho mọi
người thấy tình yêu riêng tư của mình thì tình yêu
ấy chỉ là «tình yêu biểu diễn», «có vẻ yêu thương»,
mang nặng tính hình thức và giả dối, chứ không
phải tình yêu đích thực. Chỉ những
người đạo đức giả mới thích biểu
diễn việc ăn chay và cầu
nguyện của mình trước mặt người khác.
Trái với tinh thần giả hình ấy, Đức Giêsu khuyên
ta nên cố ý dấu không cho người khác biết mình
ăn chay, thậm chí nên đánh lạc hướng
để người khác không thể đoán ra hay nghi
ngờ mình ăn chay: «Khi ăn chay, nên rửa mặt cho
sạch, chải đầu cho thơm, để không ai
thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo».
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, hôm nay là ngày
mở đầu mùa Chay, Cha muốn con ăn
chay trong mùa này như thế nào? Suy gẫm lời của
ngôn sứ Isaia, con biết rằng lối ăn chay mà Cha
thích nhất nơi con, đó là con biết quan tâm
đến hạnh phúc và đau khổ của tha nhân,
đến những vấn đề xã hội, đến
những người nghèo khổ, người bị áp
bức chung quanh con. Cha muốn con ăn chay
bằng cách làm một điều gì đó thật cụ
thể và thực tế để những người
đang đau khổ ấy được hạnh phúc
hơn, giảm được phần nào đau khổ
của mình. Cha muốn con ăn chay
bằng cách nỗ lực làm cho xã hội trở nên công
bằng và tốt đẹp hơn, bằng sự lên
tiếng, can thiệp, hỗ trợ… trong khả năng
của mình. Xin cho con quảng đại và can đảm thực
thi tinh thần ăn chay ấy trong mùa
chay này, để chuẩn bị đón mừng mầu
nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, Con Cha trong
những tháng sắp tới. Amen.