Có Thiên
Chúa Quan Phòng, Tại Sao Còn Điều Xấu Xảy Ra ?
Theo thần học, quan phòng là việc
Thiên Chúa xếp đặt và phối trí mọi sự từ đời đời trong trí khôn, cho phù
hợp với những mục đích riêng của mỗi vật và với mục đích chung của cả vũ
trụ. (ST, I, q.103-119, 2003, tr.9)
Thomas Aquino : sự dữ theo đúng nghĩa chỉ là tình
trạng thiếu cái gì mà một vật tự nhiên có và phải có.
Mở sách Kinh Thánh ra, chúng ta bắt gặp ngay câu
đầu tiên là : “Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa đã tạo thành trời và đất.” (St
1,1). Ngay sau đó, Kinh Thánh còn trình thuật lại việc tạo dựng của Thiên
Chúa trong một tuần lễ. Sau mỗi sự việc được tạo thành, Thiên Chúa đều
thấy chúng tốt lành (St 1,3-31). Việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất còn
được Giáo hội khẳng định trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và được
tuyên xứng trong kinh Tin kính: “Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo
thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.” Sự việc Thiên Chúa sáng tạo
trời đất rất tốt đẹp, nhưng chưa hoàn tất một cách trọn vẹn. Vì thế Ngài
vẫn hằng “điều khiển” chúng đi đến chỗ thành toàn. Điều này được sách Giáo
lý Hội thánh Công giáo số 302 và những số tiếp theo viết : “Công trình
sáng tạo có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi được
dựng nên. Vạn vật đang ở trong một “tiến trình” hướng đến sự trọn hảo tối
hậu do Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng của Thiên Chúa là những đường
lối Người xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó.” Tất cả đều được
Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng, như trong sách Giáo lý Hội Thánh Công
Giáo số 303 dạy : “Thiên Chúa quan phòng chăn sóc mọi sự cách cụ thể
và trực tiếp, từ những cái nhỏ nhất đến những biến cố vĩ đại nhất của thế
giới và lịch sử” hoặc số 302 cũng viết : “Nhờ sư quan phòng
của Ngài, Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Ngài đã tác
tạo”. Thế nhưng trong thực tế chúng ta thấy các cuộc thiên tai tàn
khốc nhan nhản xảy ra hàng ngày trên khắp thế giới; những cuộc chiến
tranh, chém giết, hận thù, cướp bóc…. vẫn xảy ra khắp nơi; những tệ nạn xã
hội, ma tuý, mại dâm, phá thai… không thời nào mà không có. Chúng ta tin
rằng Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt lành, chúng ta cũng tin vào sự
quan phòng của Thiên Chúa, vậy tại sao có điều xấu xảy ra? Chúng ta giải
thích thế nào về sự dữ ?
Vấn
nạn : làm sao dung
hoà niềm tin nơi Thiên Chúa tốt lành với sự dữ đang hoành hành trên thế
giới ?
-
Nếu chấp nhận Thiên Chúa toàn năng thì phải phủ nhận sự xấu.
-
Nếu chấp nhận có sự xấu thì phải phủ nhận Thiên Chúa toàn năng.
Song luận của Anaxagoras thì cho rằng : “Hoặc là
Thiên Chúa muốn ngăn cẳn sự dữ nhưng không ngăn cẳn được, như vậy Ngài
không phải là Đấng toàn năng; hoặc là Thiên Chúa không muốn ngăn cản sự
dữ, như vậy Ngài không phải là toàn thiện.
Thánh Tôma lặp lại vấn nạn này khi bàn về sự hiện
hữu của Thiên Chúa (ST, I, q.2, obi.1): “Nếu chúng ta quan niệm Thiên Chúa
là Đấng cực tốt lành thì tất nhiên là không thể nào có sự dữ được. Thế
nhưng có sự dữ. Vì thế không có Thiên Chúa”.
Theo quan điểm riêng của con thì : Thiên Chúa sáng
tạo nên mọi sự và chúng rất tốt lành. Sau khi sáng tạo Ngài còn quan phòng
cho chúng theo như mục đích của chúng. Dù những việc được sáng tạo đều tốt
nhưng chúng chưa thành toàn trọn vẹn, mà chúng chỉ đang trong tiến trình
thành toàn. Khi sáng tạo sự vật, Thiên Chúa đã phú vào vũ trụ hai định
luật : định luật tự nhiên và định luật “đào thải”. Định luật tự nhiên được
ví như căn nguyên phổ quát. Mọi sự vật không thể đi trệch trật tự của căn
nguyên phổ quát. Chính căn nguyên này giúp sự vật đi đến chỗ thành toàn.
Định luật đào thải được ví như căn nguyên đặc thù. Những sự vật chưa “tốt”
trên đường tiến về sự thành toàn có thể phải “nhường bước” cho các sự vật
khác hoặc chúng có thể bị “tác động” để trở thành vật tốt hơn. Như hạt lúa
có thối đi mới sinh ra nhiều bông hạt khác.
Trong cựu ước, người ta quy tất cả mọi sự đều bởi
Thiên Chúa, Ngài là Đấng tạo sự lành cũng như điều xấu, ngay cả tội lỗi
loài người cũng bởi Ngài. Một Pharaô cứng lòng, ngang bướng, nhất định
không để cho dân Chúa ra đi là do Chúa khiến lòng ông ra chai đá :
“Nhưng Ta, Ta sẽ làm cho Pharaô ra cứng lòng”(Xh 7,3). Thiên Chúa
gây thần khí bất hoà giữa vua Abmelech và các thân hào Sichem (Tl 9,23).
Trong sách Giosuê và mội vài sách khác, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đứng
hậu thuẫn cho hàng ngũ quân Israel để chống lại quân địch.
Vấn đề trở thành gây cấn khi sự lành/ dữ được gắn
với bối cảnh giao ước : ai ở hiền thì gặp lành, còn ai ở ác thì bị chúc
dữ. Thế nhưng thực tại thì lại khác : quân bất lương làm ăn phát đạt, còn
người lương thiện thì khổ sở trăm đường như trường hợp của ông Giob, ông
Tôbia, cô Xara. Đứng trước thực trạng này, chính tác giả phải thú nhận là
không tìm được lời giải thích hợp lý, nhưng ta có thể tìm thấy trong thánh
vịnh vài lời giải đáp tạm thời. Thứ nhất, tác giả nhận định rằng sự thịnh
vượng của chúng(quân bất lương) rất tạm bợ, không bền lâu (Tv 53,6;
94,24). Tuy vậy, ta thấy nhiều kẻ lành phải khổ sở suốt đời chứ đâu phải
chỉ trong chốc lát ? Thứ hai : tuy bọn bất lương làm ăn thịnh vượng nhưng
chúng đâu được hạnh phúc, bởi vì tâm hồn của chúng vắng bóng Thiên
Chúa; ngược lại tuy kẻ lành bị áp bức nhưng họ ở gần Chúa (Tv 37,3.11; 92;
140). Sau cùng : người lành sẽ được ở bên Chúa mãi mãi; còn kẻ dữ không
được như vậy đâu, thưởng phạt ở bên kia thế giới (Tv 49,15-16;
73,23-24).
Trong Tân ước ta thấy Đức Kitô đến loan báo Nước
Thiên Chúa, và chiến đấu chống lại sự dữ (bệnh tật, ma quỷ, chết chóc). Sự
dữ trái nghịch với chương trình cứu rỗi. Đức Kitô không tận diệt sự dữ
khỏi địa cầu : chính Người đã lãnh nhận sự đau khổ. Các tác giả Tân ước
nhìn thấy Người như “tôi tớ đau khổ” nói ở Isaia 53. Người cũng tiên báo
thập giá cho mình và cho các môn đệ (Mt 10, 38). Tuy nhiên, Người đã mở ra
một ý nghĩa mới cho sự đau khổ : nó có thể là dấu chỉ của tình yêu. Sự đau
khổ có giá trị thanh luyện và hiến tế (Ga 15,2).
Trong chiều hướng đào sâu ý nghĩa của đau khổ và sự
chết, Thánh Phaolô cho rằng ngay cả tội lỗi cũng không phải là vô nghĩa,
vì : “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”
(Rm 5,20). Khi tìm hiểu và suy gẫm về cuộc đời và cái chết của Đức
Giêsu, ngài cũng thấy rằng đó chính là biểu hiện của tình yêu, là dấu chỉ
của việc Thiên Chúa yêu thương nhân loại, cho dù con người có phản bội, có
tội lỗi tới đâu : “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, ngay cả khi
chúng ta còn là những người tội lỗi : đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu
thương chúng ta” (Rm 5,8).
Thánh Thomas Aquino đã mượn lời của thánh Augustinô
để giải đáp như sau : ”Vì Thiên Chúa là Đấng tuyệt hảo, nên tuyệt đối
không làm ngơ cho xảy ra điều ác nào trong các công trình của Ngài, trừ
phi Ngài là Đấng thật toàn năng và nhân lành, đến độ từ điều ác có thể rút
tỉa ra điều thiện. Cho nên đặc tính của sự thiện hảo vô cùng nơi Thiên
Chúa là làm ngơ cho xảy ra những điều ác, đề từ đó rút tỉa ra những điều
thiện.” (ST. I, q2. a3.). Ngoài ra chúng ta còn thấy, vũ trụ và con
người là cái chưa thành toàn, là cái còn thiếu, là cái đang trong tiến
trình tiến tới sự thành toàn. Đôi khi cái chưa thành toàn, cái còn đang
thiếu đó lại là những động lực khích lệ để đạt tới sự thành toàn, sự hoàn
hảo hơn. Bởi vì, nếu tất cả đã hoàn hảo rồi thì không còn gì thúc đẩy sự
cố gắng, sự khát khao vươn tới, và nếu thế, cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa,
và chỉ còn những bước đi uể oải, thiếu sức sống. Giáo hội dựa vào ý kiến
của thánh Thomas để trả lời cho vấn nạn này : “Xét như quyền năng vô
biên Thiên Chúa vẫn có thể tạo dựng được điều tốt hơn. Nhưng trong sự khôn
ngoan và nhân hậu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế
giới trong ‘tiến trình’ hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định cuả
Thiên Chúa, sự tiến hoá này gồm có việc vật này xuất hiện, vật kia biến
di; có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn; có xây đắp và cũng có tàn phá
trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn
hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý.”
(SGLHTCG, số 309).
Thánh Thomas còn sử dụng căn nguyên phổ quát và căn
nguyên đặc thù để giải thích vấn đề này. Một công hiệu có thể đi trệch
trật tự của căn nguyên đặc thù, nhưng không thể đi trệch trật tự của căn
nguyên phổ quát. Người săn sóc riêng cho ai đó thì khác với người ‘tổng dự
phòng’. Vì người dự phòng riêng lẻ, theo mức độ khả dĩ, tránh mọi khuyết
điểm trong những điều mình phải đảm đương; nhưng người dự phòng tổng quát
làm thinh cho khuyết điểm nào đó xảy ra trong nố đặc thù, kẻo cản trở điều
thiện của toàn thể. Vì thế những hư hoại và những khuyết điểm nơi các vật
tự nhiên, được coi là nghịch với thụ tạo đặc thù nọ, lại nằm trong kết
hoạch của thiên nhiên phổ quát : vì khuyết điểm của vật này lại mang lại
thiện ích cho vật khác, hay cho cả vũ trụ; sự hư hoại của vật này
làm phát sinh ra vật khác, qua đó mà (giống) loại được bảo tồn. Vậy vì
Thiên Chúa là vị tổng dự phòng của mọi hữu thể, nên đặc điểm trong quan
phòng của Người là cho phép xảy ra một vài khuyết điểm nơi vài vật đặc
thù, kẻo ngăn cản điều thiện hoàn bị của vũ trụ. Thực vậy, nếu ngăn cản
mọi điều ác, thì trong vũ trụ sẽ vắng bóng nhiều điều thiện : sự sống của
sư tử sẽ không có nếu không có việc giết súc vật; sự nhẫn nại của các vị
tuẫn giáo cũng sẽ không có nếu không có sự bách hại của những bạo
chúa. Nếu người nữ không phải mang nặng đẻ đau thì không thể nhìn thấy đứa
con là sự hạnh phúc và tình yêu của đôi vợ chồng. (ST, I. q22. a2).
Để tóm kết vấn đề : Nếu Thiên Chúa toàn năng đã
sáng tạo một vũ trụ tốt lành và có trật tự, lại chăm sóc các tạo vật của
Ngài, vậy tại sao có sự ác? Đây là câu hỏi cấp bách và không thể tránh
khỏi,và cũng là câu hỏi và mầu nhiệm, không một câu trả lời mau lẹ
nào có thể thoả mãn. Toàn bộ niềm tin Kitô giáo sẽ là câu trả lời cho vấn
đề này : “Sự tốt lành của việc sáng tạo, thảm kịch tội lỗi, tình yêu nhẫn
nại của Thiên Chúa đã tới gặp con người qua những giao ước của Ngài, qua
việc Nhập thể cứu chuộc của Con Ngài, qua việc ban ChúaThánh Thần, qua
việc tập họp của Giáo hội, qua sức mạnh của các bí tích, qua lời kêu gọi
hướng đến cuộc sống diễm phúc. Các tạo vật tự do được mời gọi hãy ưng
thuận lời mời gọi này, nhưng do một mầu nhiệm đáng sợ, các tạo vật tự do
này cũng có thể khước từ lời mời gọi đó. Không một nét nào của sứ điệp
Kitô giáo mà không phải là một phần của câu trả lời cho vấn đề này” (SGLM,
số 309).
Phó tế Giuse Vũ
Quang Tấn, op
|