MARIA - KẺ ĐÃ TIN
Mk 5, 1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1, 39-45
Chúng ta đang đi hết mùa Vọng và tiến dần đến Đại Lễ Giáng Sinh. Người mà chúng ta mong đợi, chúng ta chờ đón trong Đại Lễ Giáng Sinh đó chính là Hài Nhi Giêsu. Điều này thì ai ai cũng biết cả nhưng nếu nói về Hài Nhi Giêsu mà không nói về “người” mang Hài Nhi Giêsu đến cho con người, cho nhân loại quả là một thiếu sót vô cùng lớn, “người” ấy chính là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là người nữ đầu tiên đã tin Chúa, đã cưu mang Đấng Cứu Độ trần gian. Hình ảnh của Mẹ và nhất là lòng tin của Mẹ đã chiếu toả trên bầu trời, trong đất nước Do Thái.
Cũng chờ đợi Đấng Cứu Độ trần gian ấy nhưng tâm tư, cõi lòng của mỗi người một khác. Dân Israel, như chúng ta đã biết chính là dân riêng được Chúa chọn để cứu độ, để cho hưởng phần gia nghiệp nhưng không được như vậy. Họ đã không sống theo như lòng Chúa mong muốn, họ đã rẽ sang con đường khác để mà đi, họ đã khước từ lời mời gọi tin vào Thiên Chúa.
Lịch sử Israel đi rất buồn cười, lúc thế này lúc thế khác nhưng tựu trung là cứng đầu cứng cổ, luôn quay lưng lại với Thiên Chúa. Bằng chứng hết sức thực tế là Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ đến với dân Israel. Ngon ngọt có, thịnh nộ có, vuốt ve có, giận dữ có. Tất cả cũng chỉ để cho dân biết lối quay trở về nẻo chính đường ngay cũng như xác định lại lòng nhân hậu và tình thương xót của Thiên Chúa đối với dân thôi.
Hôm nay, chúng ta được nghe ngôn sứ Malaki chuyển giao lời của Ngài cho dân : “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là "Bình an xây dựng trên công chính",
Dù biết rằng lòng của dân Israel trắc trở đấy nhưng mà Thiên Chúa không hề bỏ mặc. Ngài hết giận rồi lại thương, hết thương rồi lại giận. Phải nói rằng chuyện tình của Thiên Chúa và Israel hết sức là éo le. Chuyện tình ấy ta có thể ví von như là một cuộc chơi trốn tìm vậy. Thiên Chúa vẫn có đó, Thiên Chúa vẫn yêu thương đó nhưng Israel vẫn đi tìm. Lý do đi tìm là vì lòng tin của dân chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh.
Giữa biết bao nhiêu người Israel cứng tin thế hệ này sang thế hệ khác thì bỗng dưng có một hình ảnh hết sức tuyệt đẹp đó là Đức Trinh Nữ Maria, Đức Trinh Nữ Maria như vì sao sáng chiếu soi giữa bầu trời đen tối của Israel. Lòng tin của Mẹ Maria toả sáng rực rỡ như vầng trăng tròn đêm 30 mà chúng ta vẫn thường thấy. Mẹ đã toả sáng niềm tin son sắt vào Chúa như ánh trăng sáng vằng vặt giữa đêm đen.
Mẹ Maria hình như đã được tiên báo trước nơi môi miệng của các ngôn sứ. Mẹ xứng là mẫu hoàng để chuyển cầu cho con cháu vì Mẹ đã tín thác cuộc đời của Mẹ trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Ở sách ngôn sứ Isaia 7,14 và nhất là với Mikha 5,1-2 mà chúng ta vừa nghe chúng ta thấy thoang hoáng hình ảnh mẫu hoàng nơi Đức Mẹ.
Thời bấy giờ, quân Syrie đang tiến về thành Giêrusalem. Vua xứ Giuđa là Acaz vừa mới lên ngôi và rất còn trẻ đang bị nguy cơ thay thế bởi người con của Tabel. Triều đại nhà Đa-vít đang bị lung lay. Trong hoàn cảnh này, vua và dân chúng đi coi đồng bóng, hiến tế con trai thừa tự nhà Đa-vít cho các thần và tìm liên minh với vua xứ Assyri là Tiglat Pileser. Ngôn sứ Isaia cảnh cáo nhà vua bằng cách nhắc lại sự cứu độ chỉ đến từ một mình Thiên Chúa. Vua Acaz phân vân chưa biết phải làm gì, ngôn sứ Isaia mới tuyên lời sấm 7,14 : "Vì vậy, chính Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu : này đây thiếu nữ mang thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel".
Thánh Matthêu đã trích dẫn sấm ngôn Isaia 7,14 nhưng theo bản dịch LXX, vì nguyên bản Hípri nói là một "thiếu nữ", nhưng bản dịch Hylạp dùng từ "trinh nữ" : "Này đây , Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1,23). Thánh sử Luca cũng trích dẫn một phần câu sấm này, nhưng tác giả nhấn mạnh quyền thế vương giả của đức Giêsu : "Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận" (Lc 32-33). Tác giả Tin Mừng thứ ba gợi hình ảnh đức Maria như mẫu hoàng thời Cựu ước (1 Vua 2,19). Bà Bethsabê với sự trợ lực của ngôn sứ Nathan đã đoạt ngai báu Đavít cho con của mình là Salômôn. Bà phục tùng vua Đavít nhưng khi con bà lên làm vua ông lại phục lụy bà. Sách các Vua thường ghi lại tên bà mẹ của vị vua. Các ngôn sứ Isaia và Mikha cho một tầm quan trọng lớn lao vào khuôn mặt mẫu hoàng như mẹ đấng Mêsia. Dòng tư tưởng mẫu hoàng được Isaia khai triển qua câu sấm ghi dấu chỉ vững bền với sự ra đời của đấng Emmanuel. Ngôn sứ Mikha cũng ghi nhận dấu chỉ mẫu hoàng như sau : "Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. Vì thế Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Israel" (5,1-2). Đó là cuộc sinh hạ cứu chuộc vì chính Thiên Chúa sẽ trao ban đấng Mêsia coi Israel. Vì thế, truyền thống do thái thấy nơi bà mẹ đấng Mêsia là một trinh nữ, và dấu chỉ Thiên Chúa hoàn thành còn rõ rệt hơn như Người đã làm cho những người bà vợ son sẻ của các tổ phụ.
Mẹ Maria đón nhận thiên chức mẫu hoàn trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, trong tâm tình hết sức dễ thương. Giữa ngõ cụt của cuộc đời, giữa sự ra đi của Giuse tạm gọi là bế tắt của cuộc đời nhưng Mẹ vẫn can đảm đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian vào trong lòng của Mẹ. Mẹ đón nhận với tất cả niềm vui và với tất cả niềm tin.
Trinh Nữ Ma-ri-a, với đức tin và hân hoan khi nghe thiên sứ loan báo tin mừng là Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa, liền trả lời xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Và do đó qua Mẹ, Mẹ đã đã sinh ra Đấng mà chúng ta đã chứng tỏ nhiều đoạn Thánh Kinh đã nói về Ngài, cũng là Đấng Thiên Chúa đã nhờ Ngài mà loại bỏ con rắn cùng với đám thiên thần và những kẻ theo nó, còn Ngài thì trái lại, đã đem lại giải thoát khỏi cái chết cho những ai thống hối về những điều dữ mình làm và tin vào Ngài.
Trang tin mừng quá thân thuộc với mỗi người chúng ta. Chúng ta đã thấy Thánh Luca khéo viết lời của Êlisabét cho giống với lời của ông Ôzia khen bà Giuđitha. Ngoài ra Luca còn cố ý viết toàn câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2 Sm 6). Sau đây là các chi tiết :
Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êdom - Maria đi từ Nagiarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.
Đavít đã "kêu lên" rằng : làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi được - Êlisabét cũng "kêu lên" : làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.
Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êdom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc. Đức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình bà (kể cả thai nhi) được phúc.
Hòm Bia ở nhà Obed-Êđom 3 tháng ; Đức Maria cũng ở nhà Elisabét 3 tháng (c 56).
Chuyện quan trọng mà hôm nay chúng ta thấy đó chính là niềm tin của Mẹ được chiếu sáng cho dân Israel đang đi trong tối tăm. Gia đình tiêu biểu được đón nhận ánh sáng ấy chính là gia đình Êlisabet. Êlisabet, người chị họ, đã được ơn Thánh Thần và thốt lên : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Em thật có phúc vì đã tin ! Vâng ! có phúc vì tin và hễ tin là có phúc.
Vấn đề nằm ở chỗ niềm tin. Nếu cũng như bao nhiêu người Do Thái khác vào thời của Mẹ đã khước từ ân huệ của Thiên Chúa thì bà Êlisabet đã không khỏi ngạc nhiên và thốt lên như vậy. Và, nếu để ý kỹ một chút thì cũng không phải do tự bà Êlisabet nói nhưng cũng là do ơn Chúa Thánh Thần. Điểm này xem đặc biệt vì lẽ nếu cũng như những người Do Thái khác thì Êlisabet cũng chẳng thể nào nhận ra “Mẹ Chúa” đến thăm gia đình bà. Cũng nhờ ơn và nhờ tin mà Êlisabet nhận ra như vậy.
Điểm son trong cuộc đời của Mẹ như chúng ta thấy ngày hôm nay trong trình thuật Tin mừng khá vắn này đó chính là lòng tin và lòng tin ấy có khi và chỉ khi Mẹ lắng đọng tâm hồn để chiêm ngắm, để suy tưởng tất cả công trình tạo dựng cũng như công trình cứu độ của Thiên Chúa. Cách riêng, công trình cứu độ đã đi ngang cuộc đời của Mẹ đặc biệt hơn bao nhiêu người khác.
Điểm son nữa mà chúng ta có thể nhận thấy nơi Mẹ hôm nay đó chính là niềm tin san sẻ. Mẹ tin và Mẹ đem “Niềm Tin” ấy đến cho gia đình bà chị họ. Mẹ đã không khư khư giữ cho riêng lòng mình mà thôi.
Maria – kẻ đã tin – là hình ảnh đẹp không chỉ ở thời của Mẹ nhưng là trong mọi thời, mọi lúc và mọi nơi. Hình ảnh của “Kẻ đã tin” ấy cũng là mẫu gương cho mọi người chúng ta.
Giữa cuộc đời mà niềm tin dễ lung lay, dễ suy chuyển thì hình ảnh của “Kẻ đã tin” ấy có ý nghĩa hết sức đặc biệt cho mỗi người.
Nguyện xin Mẹ Maria - kẻ đã tin - chuyển cầu cho chúng ta trước toà Chúa nhất là gia tăng thêm lòng tin cho mỗi người chúng ta để chúng ta tiếp tục tin yêu và phó thác vào lòng bàn tay của Chúa như Mẹ đã từng tin, Mẹ đã từng tín thác tự thuở nào.
Anmai CSsR
|