Hãy dọn đường
Năm cùng tháng tận, chúng
ta sắp giã từ một năm cũ. Cũng như mọi
năm, tôi có cảm tưởng là trước khi lật
sang trang sử mới, con người ghi vội vào
cuối trang sử cũ một vài nghĩa cử
để nói lên thiện chí của mình, cũng như
để bày tỏ niềm hy vọng về cuộc
sống ấm no hạnh phúc, một cuộc sống được
xây dựng trên nền tảng của công lý và hòa bình.
Một trong các nghĩa tử ấy là việc
phóng thích các người bị giam cầm, như việc
trả lại tự do cho các con tin Tây phương bên Trung
đông chẳng hạn. Quả tim
của con người không khỏi bị giao động
khi nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình những
gương mặt hớn hở hân hoan của những
người được trả lại tự do. Hay những nụ cười hòa lẫn
nước mắt của họ và của những
người thân thương của mình trong những giây
phút hội ngộ. Đối với những
người bị bắt làm con tin ấy cũng như
đối với những ai bị giam cầm ở
bất cứ nơi nào dưới hình thức nào đi
chăng nữa, thì sự phóng thích mang một ý nghĩa
của một kinh nghiệm mãnh liệt về sự
tự do. Khung cảnh sống bị giới
hạn trong bốn bức tường chật hẹp
của nhà giam bây giờ là cả một bầu trời
rộng thênh thang, cuộc sống tưởng chừng
như bị bóp nghẹt, giờ đây có thể
được phát triển với bao dự án, bao hy
vọng, bao giấc mơ. Tương lai dường
như bị chặn đứng giờ đây lại
được tự do tiến tới.
Chúa nhật thứ II mùa
vọng của phụng vụ năm C cũng có thể gọi
được là “Chúa nhật giải phóng”. Với những hình
ảnh tràn đầy hân hoan trong bài đọc 1 nơi ngôn
sứ Baruk diễn tả công việc Thiên Chúa giải phóng
và đưa dân Chúa từ một cuộc sống đau
khổ lầm than trở về quê cha đất tổ
của họ trong vui mừng và trong vinh dự.
Rồi trong bài Phúc âm, thánh Gioan tẩy giả
tiếp tục rao truyền Tin mừng giải phóng và
lập lại lời kêu gọi của ngôn sứ Baruk: “Hãy
sửa đường cong queo cho ngay thẳng, hãy lấp mọi
hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi
làm cản trở công việc hồi hương của dân
Chúa và gây chướng ngại cho Đấng Cứu
Thế đến ở giữa dân người để
giải phóng và cứu rỗi họ”. Nhưng làm sao mọi
người cảm thấy Thiên Chúa thực sự
đến tại đây và trong lúc này để giải
thoát họ không những hoàn cảnh lúc họ đang
sống, và làm thế nào để mọi người có thể
cảm nghiệm rằng thánh Gioan tẩy giả vẫn còn
đang tiếp tục rao giảng về sự ăn
năn thống hối để chuẩn bị cho ngày Chúa
đến mà tất cả mọi người chúng ta trong
Chúa nhật hôm nay cũng đang hướng về ơn
cứu độ.
Câu trả lời cho hai vấn nạn trên
nằm trong ý nghĩa của mùa vọng, bởi lẽ mùa
vọng không phải là đợi chờ một biến
cố đã xảy ra trong quá khứ xưa, mùa vọng càng
không phải là mùa đợi chờ để mừng
kỷ niệm Giáng sinh như mừng sinh nhật của
Đức Giêsu diễn ra cách đây hơn 2000 năm. Không!
Mùa vọng phải là mùa chuẩn bị tích
cực để Thiên Chúa qua Đức Giêsu đến
giải phóng và cứu rỗi mọi người trong hoàn
cảnh cụ thể của ngày hôm nay. Đó là lý do
tại sao thánh sử Luca ghi thật rõ ràng niên lịch và
nhân vật lịch sử làm bối cảnh chính trị
của một biến cố Ngôi hai giáng trần.
Hoàng đế Rôma thống
trị khắp vùng Trung đông, Palestine bị
lực lượng ngoại xâm chiếm đóng. Giuđêa nằm
dưới quyền cai quản của
quan trấn thủ Phongxiô Philatô, còn các vùng khác
được trao cho các tay sai của hoàng đế Rôma
giám quản. Cả tình trạng tôn giáo cũng
bị lũng đoạn, vị Anna và Caipha đã cố
gắng dung hòa giữa tôn giáo và chính trị để
giữ vững địa vị thượng tế
của mình. Trong bối cảnh chính trị, xã hội
và tôn giáo đen tối ấy, Thiên Chúa đã bắt đầu
hành động, qua đó một lần nữa Thiên Chúa
chứng tỏ rằng công cuộc giải phóng và cứu
rỗi của Người không phải được
diễn ra trên trời, nhưng thực sự
được diễn tiến trên mặt đất,
giữa con người và trong dòng lịch sử. Quả
thật, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc giải
phóng để mang ơn cứu rỗi cho con người
qua lời kêu gọi và rao giảng của thánh Gioan đã
được Chúa Giêsu trao phó cho ngài để dọn đường
cho Chúa đến và chuẩn bị cho chúng ta đón
nhận ngày Chúa đến.
Để chu toàn sứ
mệnh Thiên Chúa trao phó, thánh Gioan tẩy giả đã đi
vào sa mạc hoang vắng. Thánh Gioan muốn lôi kéo các thính
giả của ngài và lôi kéo chúng ta ra khỏi nếp sống
bon chen thường nhật, ra khỏi những lo lắng
hằng ngày, ra khỏi những thói quen tật xấu,
những đam mê và ra khỏi con người cũ
để đi vào sa mạc vắng vẻ là nơi con
người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Và cuộc
gặp gỡ Thiên Chúa đúng nghĩa nào cũng phơi bày
con người thật và biết sống thật của
mỗi cá nhân.
Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đích
thực nào cũng kêu mời con người phải ăn năn, phải thống hối, có nghĩa là
kêu mời con người trở về với Thiên Chúa. Vì
thế, sau thời gian vào hoang địa để gặp
gỡ Thiên Chúa, để biết rõ con người và
nếp sống thật của mình, thánh Gioan tẩy giả
hướng dẫn chúng ta trở về cuộc sống
hằng ngày, xuyên qua dòng sông Jordan để lãnh nhận phép
rửa thống hối là dấu chỉ bên ngoài của
một quyết định nội tâm dứt khoát trở
về với Chúa. Một Thiên Chúa từ
thuở tạo thiên lập địa đã luôn gắn
liền lời nói với hành động.
Vì thế, công cuộc thống hối
đúng nghĩa của con người không thể chỉ
diễn ra bằng lời nói: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và
cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong
tư tưởng, lời nói và việc làm…”, nhưng
phải kèm theo những hành động cụ thể,
những hành động cụ thể này đã
được thánh Gioan loan báo hôm nay: “Hãy dọn
đường Chúa đến”. Hãy sửa đường
cong queo của tinh thần vô trách nhiệm, của lòng ích
kỷ, của tính hay mánh mung lừa đảo bằng những
con đường ngay thẳng của tinh thần liên
đới, chia sẻ, thật thà, biết tôn trọng
sự thật. Hãy lấp mọi hố sâu
của chia rẽ hận thù, của thiên kiến nghi kỵ
bằng sự khoan dung tha thứ, bằng sự tin
tưởng thiện chí và tin tưởng vào khả năng
của nhau. Hãy bạt mọi núi
đồi của lòng kiêu hãnh, của óc địa
phương bằng tinh thần khiêm nhu, và biết
đặt công ích lên trên quyền lợi của cá nhân,
quyền lợi của đảng phái. Hãy san bằng
những con đường bi quan yếm thế của những
thất vọng, của những ngày đen tối, của
những lỗi lầm trong quá khứ bằng những cái
nhìn tích cực, lạc quan tràn đầy hy vọng nơi
chính mình, nơi kẻ khác và nơi cuộc sống. Đó
là những hành động cụ thể, những
điều kiện cần phải thực hiện trong
ngày Chúa đến, thực hiện trong ngày giải phóng và
cứu rỗi của Người, xây dựng trên công lý,
hiệp nhất hòa bình và tình thương giữa lòng xã
hội của ngày hôm nay.
Vậy! Bạn và tôi sẽ làm gì trong mùa
vọng năm nay để chung tay
đẩy mạnh tiến trình giải phóng và cứu
rỗi của Thiên Chúa trong gia đình, trong làng xóm, trong giáo
xứ và trong xã hội chúng ta đang sống?