HÔ LỚN LÊN !
(Lc
3:1-6)
Nhân dịp ÐGH
Bênêđíctô XVI đã làm một chuyến tông du lịch sử sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đức
Thánh Cha đã đóng góp “cho việc xây dựng một thế giới có khả năng nhận ra những
chân lý chung trong tình huynh đệ và trong đối thoại, và không chiều theo đối
kháng hay đầu hàng quyền lực sự chết.”[1] Ðúng là một ngôn sứ thời đại ! Khi ÐGH về
đến Roma, Giáo Hội bắt đầu bước vào Mùa Vọng. Ðây thật là một dịp may cho
những ai muốn tìm hiểu về ngôn sứ thời đại.
Ngày xưa, ngôn
sứ Gioan Tẩy Giả xuất hiện đúng thời gian niềm hy vọng Ðấng Thiên Sai lên tới
tột đỉnh. Trước khi giới thiệu ông, thánh Luca đã ghi rất rõ thời điểm cả
đời lẫn đạo.[2] Sứ mệnh ngôn sứ luôn mang tính “hôm nay.” Ngôn sứ
sống giữa những thế lực đạo đời đang thi nhau chiếm ưu thế trong quần
chúng.
Giữa một khung
cảnh ồn ào như thế, Lời Thiên Chúa âm thầm nhưng mãnh liệt đến với ông trong
hoang địa.[3] Trong cảnh tĩnh mịch đó, ông nghe rất rõ tiếng Chúa.
Ông đã dành thời gian học hỏi, lắng nghe và trau giồi sức mạnh để có thể
đi khắp nơi kêu gọi mọi người trở về đường công chính. Chỉ trong đường
công chính, con người mới có thể tìm lại chính mình và “sẽ thấy ơn cứu độ của
Thiên Chúa.”[4]
Ông Gioan đạt
tới chóp đỉnh đoàn sủng ngôn sứ, vì ông “đã thấy tận mắt, (...) đã chiêm ngưỡng,
(...) đã chạm đến Lời sự sống,”[5] nơi hiện thực toàn thể lời ngôn sứ. Ông đã
loan báo và thấy Ðấng Thiên Sai. Ông đã không ngần ngại nói về Ðức Giêsu :
“Tôi đã thấy và tôi chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển
chọn.”[6] Có ngôn sứ nào có một chứng từ hùng hồn và dứt khoát đến thế
không ?!
Dĩ nhiên, ông
Gioan rao giảng cùng một nội dung và có một thái độ như các bậc ngôn sứ tiền
bối. Ông phải nhân danh Thiên Chúa nói những lời đã đón nhận từ Thiên Chúa
cho anh em. Về căn bản, nội dung những lời rao giảng luôn giống nhau : Chúa đang
ở gần bên dân Người, Chúa trung tín giữ lời Giao ước. Ðối lại, con
người phải trung thành và yêu mến Thiên Chúa, Ðấng yêu thương và không bỏ rơi
họ. Phải thay đổi sâu xa tận bên trong, con người mới có thể thấy Thiên
Chúa đang hướng dẫn lịch sử về tột đỉnh giao ước và mạc khải[7] là Ðức Giêsu Kitô.
Ngôn
sứ quan sát hiện tại một cách sâu sắc. Ông chú ý tới các biến cố. Sở
dĩ thấy xa hơn những người đồng thời, vì cái nhìn của ông sâu hơn. Không
dừng lại ở hình thức bên ngoài, những bằng chứng sơ khởi, ông luôn suy tư,
nghiền ngẫm. ông xem xét các biến cố, hoàn cảnh, cử chỉ, sự lựa chọn và
thái độ nội tâm của những nhân vật chính trong các biến cố. Giữa các tiếng
nói khác nhau trong lịch sử và thời đại, tiếng nói Thiên Chúa trổi vượt hẳn
lên. Bên kia những hiển thị, vẫn có những mũi nhọn sâu hơn của công lý và
tình yêu. Bằng chứng, giữa những bất công và sa đọa của xã hội đương thời,
ông Gioan đã trở nên mũi nhọn đâm thẳng vào những bộ mặt phi nhân thời đại như
nhóm Pharisêu, các vua chúa, quan quyền, linh tráng, con buôn
v.v.
Ngoài
việc tố cáo những tệ trạng xã hội, ngôn sứ còn phải nhắc cho mọi người biết
Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Người sẽ đến cứu tội nhân. Ngôn sứ
cho thấy chân lý về cuộc sống con người không đóng khung trong những giới hạn
hẹp hòi của tội lỗi. Phải làm sao sám hối để lương tâm ngày càng ý thức
hơn về việc lành phải làm và việc dữ nên tránh, đồng thời cần dấn thân để canh
tân đời sống theo ân sủng.
Ông
Gioan đã đến để công bố một thế giới mới sắp đến gần, nhổ tận gốc hỗn loạn của
tội lỗi. Một thế giới thái bình sống bằng ơn cứu độ do Thiên Chúa mang đến
với con người của Ðấng Thiên Sai. Chắc chắn thế giới chúng ta đang
sống chưa đạt được điều đó. Vạn vật vẫn còn rên siết trong cơn đau
đớn như người phụ nữ sắp sinh con.
Có thể nghe
thấy tiếng rên siết đó nơi Giáo Hội toàn cầu trước tình trạng Âu châu đang chối
bỏ nguồn gốc Kitô giáo của mình. Một khi Âu châu không còn ý thức và đánh
mất căn tính, niềm hãnh diện và sức mạnh cũng tiêu tan. Chỉ còn sự nhút nhát và
ô nhục. Nhân danh văn hóa, lòng kiên nhẫn, việc thiện, đa văn hóa,
người ta không dám quả quyết về nhân quyền nữa. Tây Phương nhút nhát
trước những tấn công về văn hóa từ thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, những
giá trị như nhân vị, bình đẳng, nhân quyền, tự do, dân chủ, sinh thái học, bất
bạo động đều do Âu châu cống hiến cho các nền văn hóa thế giới
khác.[8]
Tại Resenburg,
Ðức quốc, ÐGH Bênêđictô XVI chứng tỏ là vị ngôn sứ thời đại, khi lên tiếng đề
nghị Âu châu làm sống lại ý thức và cởi mở với cuộc đối thoại toàn cầu.
Hai chủ đề được nhấn mạnh : “Tôn giáo không bạo động và sự hòa hợp đức tin và lý
trí.” ÐGH đã đưa ra lịch trình đặc biệt cho thế giới thiên niên kỷ thứ ba
: cùng nhau suy tư về bạo động và bất bạo động, nhất là về những mối liên hệ
giữa chúng với các tôn giáo và ý thức hệ ; cùng suy tư về việc duyệt xét lại các
bản sách thánh, để có một giải thích xứng đáng với Thiên Chúa và Con người ;
cùng suy tư về những đồ án xây dựng một xã hội công bình và nhân đạo hơn ; về
những giá trị và giới hạn của tự do, về việc tục hóa và chủ nghĩa thế tục lành
mạnh ; về các nền văn hóa và đa văn hóa v.v.[9]
Có thể
kiếm thấy một ngôn sứ giống như ÐGH Bênêđictô XVI ở Việt nam hiện nay không
? Còn đâu hình ảnh một GM Nguyễn Kim Ðiền ngày xưa ? Phải
chăng hiện tại GHVN đang lựa chọn cuộc sống mà quên đi căn tính hay bản chất của
mình ? Rất may, tới nay vẫn còn những linh mục và giáo dân ngoài Huế
tiếp nối tinh thần Nguyễn Kim Ðiền, cương quyết lựa chọn theo chiều ngược
lại. “Giám mục Nguyễn Kim Điền là một tấm gương cho sự lựa chọn này. Và
cái giá mà vị giám mục này phải trả chẳng phải chỉ là sự khó khăn, đau đớn và
cái chết cho bản thân mình, mà toàn giáo phận Huế phải cùng chịu khó khăn và
thiệt hại với Ngài. Chủng viện không được mở, không có linh mục mới, việc bổ
nhiệm linh mục về các nhiệm sở theo nhu cầu không thực hiện được, các linh mục
không được cử hành phụng vụ hay làm mục vụ ở nhiều nơi khiến giáo dân ở những
nơi đó thiếu thốn những phương tiện tâm linh cần thiết, v.v… Những thiệt hại ấy
không phải là nhỏ. Phần nào ngài đã đánh giá bản chất
Kitô giáo quan trọng hơn đời sống hay sinh hoạt Kitô hữu!
Trái lại, muốn tránh những thiệt hại to lớn ấy cho Giáo Hội, muốn Giáo
Hội dễ thở và có thể phát triển, thì phải biết mềm dẻo, nhượng bộ, nghĩa là phải
trả giá bằng sự im lặng hay bất động trước những điều mà cứ bình thường thì
lương tâm buộc phải lên tiếng hay can thiệp. Các giám mục Việt Nam nói chung
đã chọn cách ứng xử này. Phần nào các ngài đã đặt nặng đời sống hay sinh hoạt
Kitô hữu hơn bản chất Kitô giáo!”[10] Lựa chọn như
thế có khác gì Âu châu hôm nay ?
Khi đánh mất
căn tính, Giáo hội không còn sức mạnh làm chứng. Vai trò ngôn sứ cũng phai
tàn. Sự hiện hữu không còn ý nghĩa và trở nên thừa thãi. Thực vậy,
Chúa Giêsu đã quả quyết : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa
! Lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi
hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà
thôi.”[11] Nói khác, không phải có đủ thứ đền đài, nghi lễ,
hành hương, quyền bính v.v. mà xây dựng được Nước Trời ở trần gian. Xây
dựng Nước Trời trên những thứ đó có khác gì xây nhà trên cát ? Chỉ khi nào
dám “làm chứng cho sự thật”[12] trước mặt thế quyền như Chúa, Giáo hội mới thấy rõ tại sao
mình “sinh ra và đến trong thế gian.”[13] Chính vì can đảm chứng cho sự thật, Ðức Giêsu và Gioan Tẩy
Giả đã mất cả mạng sống và cơ hội đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Nhưng
nhờ chết đi, Chúa đã làm cho cả Giáo hội bừng dậy bao nhiêu thế hệ ngôn sứ.
Lạy
Chúa, xin cho Giáo Hội Việt Nam luôn can đảm làm chứng cho sự thật để tự do,
công lý, hòa bình mau đến với quê hương con . Amen.
đỗ lực, 10.12.2006
[1] Giampaolo Mattei,
L’Osservatore Romano, ghi lại VietCatholicNews 05/12/2006.
[7] x. Gr 31:31-37; Ed 34:11-30; 36:23-36.
[8] x. Samir, S. K., Violent Islam, cowardly Europe : from the cartoons
to Regensburg, AsiaNews, 30.09.2006.
[10] Nguyễn Chính
Kết, Thái Ðộ Im Lặng của Các Giám Mục Việt Nam, Tập San Dấn Thân, www.danthan.com
|