Tỉnh thức đợi chờ
Ít năm trước đây, một tài
xế xe buýt đạt kỷ lục tài xế xuất sắc.
Trong 23 năm làm tài xế, anh lại xe buýt trên 1.500.000km không
gây tai nạn nào. Khi được hỏi, làm sao anh đạt
được kỷ lục ấy, anh trả lời
đơn giản: “Hãy nhìn đường”.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta một
lời khuyên tương tự: “Hãy tỉnh thức”. Chúa
Giêsu dùng nhiều kiểu nói: “Hãy coi chừng”, “Hãy chú ý”, “Hãy
cảnh giác”, “Hãy ngẩng đầu lên”, “Hãy nhìn cho
kỹ”. Tất cả là thái độ tỉnh thức.
Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo
thời cứu độ đang đến và có thái
độ thích hợp với tình thế đòi hỏi.
Tỉnh thức để chờ đợi
Chúa đến: Nếu ngày xưa dân Do Thái dựa vào
lời các tiên tri loan báo, đã sống những thế
kỷ dài chờ đợi Chúa Cứu Thế, thì ngày nay,
dựa vào chính lời của Chúa Cứu Thế, chúng ta
cũng đã trải qua 20 thế kỷ chờ đợi
Chúa lại đến trong vinh quang. Vì thế, hai kiểu
chờ đợi đó khác nhau. Trong quá khứ, dân Do Thái
chờ đợi Chúa Cứu Thế đến lần
thứ nhất: Ngài Giáng Sinh làm người. Còn chúng ta ngày nay,
dựa trên cơ sở của biến cố Chúa
đến lần thứ nhất nầy để
vững tin và hy vọng vào biến cố Chúa sẽ lại
đến lần thứ hai. Như vậy, trong Mùa
Vọng, chúng ta không chỉ hồi tưởng hay kỷ
niệm quá khứ chờ đợi của dân Do Thái, mà
chúng ta còn sống chính nỗi niềm chờ đợi
của chúng ta. Từ đó, chúng ta mới hiểu lý do
tại sao đầu năm phụng vụ Giáo Hội
lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng liên quan
đến biến cố cuối cùng: Ngày Chúa quang lâm.
Đoạn Tin Mừng này gồm hai phần
rõ rệt: Phần thứ nhất là những hiện
tượng lạ lùng trong vũ trụ. Chúng ta có thể
đặt câu hỏi: Liệu có thực sự xảy ra
như vậy không? Đây là một lối diễn tả
theo thể văn Khải huyền. Khó mà giải thích cho được
sáng tỏ, khó mà thông hiểu cho rõ ràng. Vũ trụ sẽ thay
đổi thế nào, thay đổi lúc nào, xác định
việc đó là công việc của khoa học. Còn
đối với chúng ta, đây là một cách diễn tả,
xuất phát từ một cái nhìn về vũ trụ và con
người. Con người và vũ trụ liên kết
với nhau rất chặt chẽ. Sự liên đới giữa
vũ trụ và con người rất mật thiết.
Trước tiên là hỗn độn, hoang vu. Thiên Chúa can
thiệp khi tạo dựng đất trời, sắp xếp
đâu vào đấy: Thiên Chúa làm cho cảnh hỗn mang nguyên
thuỷ biến thành vũ trụ diệu kỳ, và giao cho
con người làm chủ vũ trụ. Nhưng con
người làm đảo lộn vũ trụ bằng sự
gian ác của mình. Vì vậy, vũ trụ dường
như chìm trở lại trong cảnh hỗn mang nguyên
thuỷ. Bây giờ Thiên Chúa quyết liệt can thiệp,
để tái tạo trật tự, để làm cho
xuất hiện một trật tự mới với
“Trời mới, Đất mới”. Vì thế, “các tầng
trời rung chuyển” là để trở lại trong
trật tự tự do Thiên Chúa sắp xếp. Ngày cánh chung
có hai mặt: mặt tối là sự phán xét, huỷ
diệt một trật tự đã bị đảo
lộn; còn mặt sáng là sự xuất hiện một
trật tự mới, trong đó Dân Chúa được
hạnh phúc.
Ngày ấy, Con Người hiện
đến trên đám mây, tức là trong vinh quang, để
xét xử muôn dân. Đó là ngày kinh hoàng cho những ai đang
mê ngủ trong đam mê tội lỗi, nhưng đó là ngày
cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn
bị sẵn sàng. Đó là lời khuyên nhủ của Chúa
Giêsu ở phần thứ hai.
Hãy tỉnh thức và chuẩn bị sẵn
sàng: chúng ta đã nghe quen thuộc những lời khuyên
nhủ này. Việc chúng ta không cần tìm hiểu là ngày
tận thế, là cách thay đổi của vũ trụ.
Còn việc phải lo ngày Chúa đến gặp riêng mỗi
một người trong chúng ta, vì ngày ấy rất bất
ngờ, nên chúng ta cần phải luôn tỉnh thức đón
chờ. Chúng ta giữ lòng mình như thế nào? Phải
chăng không ít những lần lòng chúng ta trở nên nặng
nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời?
Thái độ hưởng thụ làm chúng ta quên ý nghĩa
cuộc đời, khiến chúng ta không sẵn sàng chờ
đón ngày Chúa đến. Còn thái độ lo lắng, ích
kỷ, hẹp hòi, bon chen làm cho chúng ta hao mòn và gây nhiều
tác hại cho xã hội. Tích cực hơn nữa, mỗi người
phải luôn cầu nguyện để tăng cường
ơn Chúa và sức mạnh Thánh Thần giúp vượt
thắng gian nan thử thách ngõ hầu kiên vững mà
hiện diện trước mặt Con Người trong ngày
thẩm định số phận của mình. Không ai
biết được ngày đó đến lúc nào, nhưng
qua những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và
hiện tại, ngày sau cùng đó chắc chắn sẽ
đến.
Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một tài tử
điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám cho
anh, bác sĩ riêng đã thẳng thắn nói cho chàng tài
tử biết: “Tình trạng sức khoẻ của anh bi
đát lắm! Chúng tôi cần phải thực hiện
một cuộc giải phẫu kéo dài 36 tiếng
đồng hồ mới may ra cứu sống anh
được”. Về sau, chàng tài tử ấy thực
sự thú nhận: “Trong 36 tiếng đồng hồ
ấy, tôi đã học được nhiều
điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và
tôi đã cảm nghiệm được niềm vui mà
trước đó tôi chưa bao giờ cảm nghiệm
được. Tôi khám phá ra rằng tôi chẳng hề
sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày
cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam
go xảy đến, tôi cảm nhận được
kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính
lúc đó tôi mới khám phá ra rằng nhờ những
lần tâm sự, nói chuyện hằng ngày với Chúa Giêsu
truớc đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau,
chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân”.
Anh chị em thân mến,
Một thoáng nhìn về tương lai không
phải chỉ để kinh hãi, khiếp sợ như các
tín hữu ở Thessalonica thời Thánh Phaolô hoặc chỉ
hướng về trời như các người Galilê nhìn
theo Chúa về trời (Cv 1,11); nhưng càng phải liên
kết không những giữa biến cố Quang Lâm của
Chúa trong ngày Cánh Chung với việc Chúa đã đến
lần thứ nhất một cách âm thầm, khiêm tốn,
mà còn liên kết với sức sống của ân sủng
nơi mỗi người chúng ta trong suốt khoảng
thời gian giữa hai lần Chúa đến.
Để sống thực sự chân lý này,
Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống thánh
thiện để có thể yên tâm và vui mừng chờ ngày
Chúa đến. Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp
hoặc vui mừng là tuỳ cách sống hiện tại
của chúng ta. Mọi hành động, mọi tư
tưởng đều được phơi bày ra
trước ánh sáng của công lý, chúng ta không thể che
dấu một chi tiết nào.
Cụ thể hơn mà nói: lời cảnh
tỉnh trong phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay
không những cần thiết cho mỗi người chúng ta
để chuẩn bị sẵn sàng, không bị bất
ngờ trong ngày Chúa đến lần thứ hai, mà còn
cần thiết ngay trong giây phút hiện tại: chuẩn
bị tâm hồn để ân sủng của Chúa
đến với tâm hồn chúng ta, đặc biệt
trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới: chuẩn bị
bằng cách giữ mình, đừng để tâm hồn trĩu
nặng, mờ ám vì lối sống buông thả, chè chén say
sưa và vì những bận tâm quá đáng đến
cuộc sống vật chất, trần tục. Muốn
được như vậy, mỗi người cần
biết dành những giờ phút yên lặng, kiểm
điểm lại lối sống, tức là biết
tỉnh thức và cầu nguyện luôn, đồng
thời luôn hướng về ngày Chúa xuất hiện vinh
quang.