Đức Giêsu Kitô, Đấng giầu lòng thương xót, yêu thương chúng ta, và chỉ muốn chúng ta yêu mến Người. Có thể nói đạo lý của Người rút gọn lại chỉ còn hai chữ TÌNH YÊU. Hai chữ “tình yêu” hay “yêu thương” đã trở thành dấu hiệu, thành “mật mã” để nhận ra Đức Giêsu, và nhận ra ai là môn đệ của Người : “Mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35). Thế mà Hội Thánh lại kết thúc Năm Phụng Vụ bằng một thánh lễ rất long trọng : Lễ tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Vua.
Nghe chữ “vua”, dù có muốn diễn nghĩa cách nào, nó cũng vẫn xa cách với chúng ta. Ngày nay, các thể chế trên thế giới không còn xài ông vua nữa. Tuy một vài quốc gia còn có vua, nhưng chỉ để làm kiểng thôi, còn quyền hành thực sự thì nằm trong tay thủ tướng cả rồi. Bởi vì nghe nói đến ông vua, tự nhiên người ta nghĩ ngay đến một con người sống biệt lập trong cung điện nguy nga, ngày đêm vui chơi yến tiệc, chẳng phục vụ ai mà chỉ bắt người dân phục vụ mình. Nếu sống gần một ông vua hay ông hoàng bà chúa nào như vậy, thì chúng ta chỉ lãnh phần thiệt về mình, chẳng béo bở gì !
Một ông vua, mà mới lướt qua cuộc đời của ông ấy thôi, chúng ta đã thấy nhiều điểm tiêu cực như thế. Vậy tại sao Hội Thánh lại tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Vua ? Nói đúng hơn chính Đức Giêsu Kitô lại xưng mình là vua.
Trong cuộc đối thoại giữa quan tổng trấn Philatô với Đức Giêsu (Ga 18,37), Philatô chễm chệ trên ghế của vị quan tòa cất tiếng hỏi Đức Giêsu một cách châm biếm : “Ông mà là Vua sao ?” Đức Giêsu trả lời một cách xác quyết làm cho chính Philatô cũng phải bàng hoàng : “Phải, như ông nói đó. Tôi là Vua !”
Chúng ta phải nghĩ thế nào về chức vị vua của Đức Giêsu? Tại sao Đức Giêsu lại tuyên bố như vậy ? Thưa, Đức Giêsu là Vua, bởi vì “Ngài là Vua”. Câu trả lời có vẻ kỳ cục, nhưng phải xác tín như vậy mới thấy được chân lý. Trước hết chúng ta phải nhìn vào Kinh Thánh. Tin Mừng Luca ghi lại trong bữa ăn chia tay trước khi bước lên thập giá, Đức Giêsu xác nhận quyền làm vua của Người với các môn đồ : “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Israel.” (Lc 22,28-30).
Trong những lời này, chúng ta thấy Đức Giêsu nói đến những chữ “Vương Quốc, ngự toà xét xử”. Nhưng quan trọng hơn hết là câu “Cha Thầy đã trao Vương Quốc cho Thầy”. Trong thư gửi giáo đoàn Philipphê, Phaolô đã viết : “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa !” (Pl 2,9-11). Vì thế Phaolô đã xác tín trong thư gửi Côrintô rằng : “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết…” (1Cr 15,25-26).
Vì đây là chân lý mạc khải cho nên chúng ta phải xác tín quyền làm Vua của Đức Giêsu là quyền từ Cha ban cho Con. Vương quyền của Đức Giêsu xuất phát từ Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Trong câu kết của Tin Mừng theo thánh Matthêu, Đức Giêsu nói : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18b-19).
Như vậy, đối với vua quan thế gian, thì quyền bính của họ ra sao ? Các vua chúa quan quyền, thủ tướng, lãnh tụ cai trị mọi dân mọi nước trên thế giới này, dù ở thể chế nào chăng nữa thì quyền họ có được cũng do từ Thiên Chúa mà đến. Đức Giêsu đã nói thẳng cho Philatô, và qua Philatô Chúa cũng nói cho tất cả những kẻ cầm quyền trên thế gian : “Ông không có quyền gì... Nếu từ trên không ban xuống cho” (Ga19,11).
Thánh Phaolô cũng lớn tiếng nói lên điều này trong thư gửi giáo đoàn Rôma : “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm 13,1). Quyền này không chỉ thu hẹp trong lãnh vực vua quan bầy tôi, mà còn bao gồm cả chủ với thợ, cha mẹ với con cái, chồng với vợ, thầy với trò, bề trên với bề dưới, và ngay cả các đấng các bậc với con chiên của mình nữa.
Vì thế Thiên Chúa muốn những người có chức có quyền trên người khác phải làm tốt chức năng của mình. “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43-44). Nhưng thực sự họ có làm đúng như thế không ? Cứ nhìn ba gương mặt lớn thời Cựu Ước là vua Saul, vua Đavít, vua Salomon thì biết. Cả ba đều chịu ơn huệ lớn lao của Thiên Chúa, nhưng cả ba đều làm Thiên Chúa buồn lòng. Giavê Thiên Chúa sai Samuel đến nói với Saul thế này : “Ta hối tiếc vì đã đặt Saul làm vua”. Tiên tri Nathan nói với Đavít : “Tại sao ngươi lại khinh màng Đức Giavê mà làm sự dữ trước mặt Ngài? Ngươi đã giết Uria để cướp vợ của nó”. Còn đối với Salomon thì Chúa phán : “Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi, bởi vì ngươi không giữ giao ước của Ta”.
Còn Đức Giêsu thì gọi vua Hêrôđê là một con cáo. Người bảo các biệt phái Do Thái rằng : “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này...” (Lc 13,32).
Nói chung các người thế gian, khi có quyền trong tay, quyền lớn quyền nhỏ gì cũng đều như thế cả, đều tự tung tự tác. Bản chất con người từ tội mà sinh ra, thánh vịnh 51, 7 cho chúng ta thấy rõ sự thực đó : “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.”
Bản chất con người là như thế! Sự ác, sự xấu của tội không bám ngoài da nhưng tiềm ẩn trong tâm não linh hồn người ta. Trái khế chua, dù có gọt đẽo thành hình cô tiên bà thánh gì, nó vẫn cứ chua. Do đó nếu không có một quyền năng siêu phàm từ ngoài thế gian này đến thay đổi hẳn lòng dạ bên trong con người, thì dù có khoác áo vua quan tổng thống, có ăn mặc “mô đen” đến mấy chăng nữa, con người vẫn luôn bị cái xấu, cái ác của tội lỗi đè nặng. Đức Giêsu đã khẳng định : “Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt”. Vì thế không có một ông vua quan nào trên thế gian có thể gọi là tốt lành được. Sự tốt lành, sự thánh thiện, sự yêu thương đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.
Đức Giêsu Kitô là Chúa, một Đức Chúa đầy quyền uy, vô cùng thánh thiện, vô cùng siêu vời linh thiêng. Nhưng Đức Giêsu đó lại cũng là một con người yếu đuối như chúng ta, dãi dầu như chúng ta nên dễ cảm thông nỗi yếu hèn của chúng ta. “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thông những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội… Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối.” (Dt 4,15; 5,2).
Đức Giêsu Kitô, là Đấng vô tội mà đã chết trên thập giá và phục sinh để xóa tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta được sống xứng đáng như một con người. Chính Con Người Giêsu ấy được Cha sai đến làm vua, để lập lại trật tự của Thiên Chúa đã bị tội lỗi và Satan làm băng hoại, không phải chỉ băng hoại bầu khí của xã hội bên ngoài mà là băng hoại tận tâm tư trí não linh hồn con người bên trong. Do đó cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn thể xã hội đầy dẫy những đấu tranh, kình địch, ganh ghét, nghi ngờ. Lòng tin vào Thiên Chúa đã mất thì lòng tin vào nhau cũng không còn nữa. Lòng thương xót của Thiên Chúa không có trong con người thì sự lạnh nhạt, ích kỷ, lấn lướt nhau đến chiếm hữu họ, đến độ những người thân nhất cũng chỉ thấy được cái bề ngoài của nhau, mà không thể biết được tấm lòng của nhau thế nào. Đức Giêsu đến để lấp đầy những lỗ hổng và san bằng những khoảng cách đó. Người xóa sạch tội lỗi, đem lại an vui cho mọi tâm hồn. Người tái tạo những kẻ biết tín thác nơi Người thành người tốt lành, không phải tốt lành theo kiểu quân tử của thế gian, mà là như Thiên Chúa, nghĩa là biến đổi kẻ tin thành con người mới, đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa. Tin Mừng theo thánh Luca cho thấy một tên gian phi bị án tử treo bên cạnh Đức Giêsu, phút chốc vì tin đã được cứu độ : “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Maria Madalena, trước kia là cô gái điếm, nhờ Lòng Thương Xót của Đức Giêsu đã trở nên một nữ thánh tràn ngập lửa mến Thiên Chúa.
Đức Giêsu, bản chất Người là tình yêu, cho nên dù có là vua là chúa gì chăng nữa, thì quyền năng và lòng thương xót cũng luôn tỏa ra để bảo bọc những kẻ tín thác nơi Người. Bản thân mỗi người, nhất là thành viên của cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, muốn có hạnh phúc đích thực, phải để Đức Giêsu Kitô làm vua, làm chủ đời mình. Một gia đình muốn yên vui, một cộng đoàn, một xứ đạo muốn đoàn kết yêu thương thực sự thì cũng phải để Đức Giêsu làm vua làm chủ, có như thế quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa mới thi thố được hết mức, và trái tim của Đức Giêsu Kitô mới đổ tràn đầy Thánh Thần xuống trên chúng ta được. Đây là một chân lý, một SỰ THẬT (Sự Thật viết hoa). Nếu nơi đâu, hoặc người nào không để Đức Giêsu làm vua làm chủ, mà lại dành quyền làm chủ đời mình, làm chủ đời nhau thì sự bất hòa, tranh chấp, phe cánh sẽ triền miên không bao giờ hết. Như thế ơn cứu độ của thập giá Đức Kitô không thể thấm vào đời người ấy, không thể thấm vào nơi đó được.
Lạy Cha nhân lành, chúng con tuyên nhận vương quyền của Đức Giêsu Kitô Con Cha. Chúng con hết lòng cảm tạ Cha vì chính Cha đã kéo chúng con ra khỏi quyền lực tối tăm mà đưa vào nước của Con chí ái Cha là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
Những ngày cuối Năm Phụng Vụ với bão táp lũ lụt triền miên…
Linh Mục Giuse Trần Đình Long, sss