Đồng tiền
Có một ông già giàu gặp một vị
đạo sĩ ngồi ở gốc cây bên lề đường,
liền hỏi: “Ông ngồi đây làm gì vậy? Nhà tôi đang cần người giúp việc,
về làm cho tôi ông sẽ có tiền”. Vị đạo
sĩ trả lời: “Cám ơn ông, tôi rất sợ
tiền bạc, vì ở đâu có tiền bạc ở
đó có tội ác”. Ông nhà giàu nói: “Ông rất lầm nên mới
yếm thế bi quan. Thế gian có tiền là
có tất cả. Có tiền mua tiên
cũng được, khắp đông tây đều công
nhận như vậy”. Vị đạo sĩ
trả lời: “Ông càng lầm hơn tôi, tiền bạc
mở được mọi cửa trừ cửa thiên
đàng. Đó là câu nói của các nhà đạo
đức phương tây. Còn đông phương thì
cho rằng: tiền bạc mua được tất
cả nhưng không thể mua được lương
tâm của người quân tử”. Ông nhà giàu lại nói: “Ông
biết chứ, lịch sử chứng tỏ tiền
bạc đi tới đâu thì ở đấy phồn thịnh.
Có phải tiền bạc đã biến đổi thế
giới khổ cực thành xa hoa sung sướng không?”. Vị đạo sĩ trả lời: “Ông
chỉ thấy tiền bạc có một mặt, ông không
thấy mặt trái của nó, lịch sử cũng ghi rõ:
tiền bạc đi tới đâu thì gieo chia rẽ giàu
nghèo, gây nên cảnh bất công, ghen tương, tranh
chấp và chết chóc”. Ông nhà giàu không nói thêm
gì nữa.
Cuộc đàm thoại
giữa ông nhà giàu và vị đạo sĩ trên đây
chỉ xác nhận những điều mà có lẽ tất
cả chúng ta đều đã biết và công nhận như
vậy. Bởi vì tự nó tiền
bạc chỉ có một giá trị rất nhỏ. Theo
cách đánh giá này thì tờ 500 đồng cũng giống
như tờ 1 đồng, chỉ là một tờ giấy
có in hình khác nhau, đáng giá vài xu do tiền giấy và công in.
Nhưng theo giá trị định
ước, thì tờ 500 gấp 500 lần tờ 1
đồng. Chính vì giá trị định
ước này mà tiền bạc dù rách, dù hôi, nó vẫn
được quí trọng, dù đẹp dù xấu, dù
mới dù cũ, nó vẫn được người ta
dành cho nhiều cảm tình. Nó được
chuyền qua biết bao nhiêu bàn tay và
được sử dụng vào muôn vàn việc khác nhau.
Tiền bạc là
phương tiện giúp cho người ta trao đổi
để dễ dàng sinh hoạt trong cuộc sống
hằng ngày. Nên tiền bạc tự nó không
xấu mà trái lại là đàng khác. Nhưng nó trở
nên tốt hay xấu là do con người sử dụng nó.
Nó có thể được dùng vào những việc gian manh,
bất lương, xảo trá, gây nguy hiểm và tai hại
cũng như được dùng vào những công việc
bác ái, xây dựng tình yêu, tạo nên tình bạn hay đem
lại những lợi ích vật chất và tinh thần.
Như vậy, tất cả chúng ta
đều nhất trí rằng: tiền bạc tự nó là tốt
và luôn luôn có giá trị rất thực tế theo
như định ước người ta gán cho nó.
Tờ 1000 đồng chắc chắn phải hơn tờ
50 đồng, tờ 100 đồng, tờ 500 đồng.
Nhưng tại sao trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu lại nói hai
đồng tiền kẽm, chỉ đáng một phần
tư đồng xu Rô ma của người đàn bà góa
nghèo bỏ vào thùng tiền dâng cúng ở đền thờ
lại quí hơn những số tiền lớn của
những người giàu?
Xét về số
lượng thì chắc chắn hai đồng tiền
của bà góa thua kém xa số tiền lớn của
những người khác. Nhưng xét theo tỷ lệ
tương quan, nghĩa là về hoàn cảnh, về lý do,
về mục đích thì người đàn bà này đã
bỏ vào thùng tiền nhiều hơn, bà ấy đã cho
nhiều hơn hết, vì bà không dâng những thứ dư
thừa mà dâng những cái rất cần thiết
để nuôi sống. Có thể số
tiền đó chính là một ổ bánh mì, một lon gạo,
một bó rau đủ để nuôi sống bà trong ngày hôm
đó. Nhưng không, bà không lo đến
tương lai, không lo ngày mai sẽ ra sao, bà chỉ biết
phụng sự mà không biết lợi dụng tôn giáo hay lợi
dụng Thiên Chúa. Trái lại, những
người dâng cúng nhiều chỉ khoe khoang để tìm
danh vọng tiếng khen. Số tiền
họ dâng cúng tuy nhiều nhưng so với cơ nghiệp
và gia tài của họ thì có thấm thía gì. Họ chỉ mất một ít tiền bạc
nhưng lại được lời về danh giá và
tiếng khen. Cho nên, thực sự
họ chẳng cho hoặc dâng hiến được bao
nhiêu. Đó là một cuộc đầu tư
một vốn bốn lời. Đó là
một sự lợi dụng tôn giáo và bác ái chứ không
phải phục vụ. Chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu
đã đánh giá bà góa nghèo dâng cúng nhiều hơn mọi người.
Hơn nữa, đối với Thiên
Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu,
nhiều hay ít, miễn là với tất cả tấm lòng. Ngài
không ham của cải Ngài đã ban cho loài người,
nhưng chỉ muốn lòng thành thực của con
người mà thôi. Cho nên, người ta có thể dâng
thật nhiều cho Thiên Chúa, nhưng bao lâu người ta
chưa dâng chính mình hay ít nữa những gì thuộc về bản
thân, những gì liên hệ tới chính con người
của mình thì kể là người ta chưa dâng hiến gì
cả.
Qua bài Tin Mừng với
việc làm của người đàn bà góa nghèo, Chúa Giêsu
dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị của tiền
bạc đối với người sử dụng nó và
qua đó chúng ta rút ra được một bài học,
đó là hãy biết cho đi. Bởi vì
thương yêu là cho đi. Càng cho
nhiều là dấu càng yêu thương nhiều, nhất là
cho đi với một lòng thành thực thiết tha. Nhưng không phải chỉ cho những gì là
vật chất như của cải, tiền bạc
mới là cho. Chúng ta có thể cho những gì là siêu nhiên
cao quí như lời cầu nguyện; và cho những gì là
tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn
thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa hay
những lời an ủi chân thành…