Cha Đamien Tông Đồ Người Hủi
Cái đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông.Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, mày lỡ, răng rụng.
Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo gióng tiếng kêu gọi các Linh mục ở Âu châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamiên, người về sau được thêm biệt danh : “Tông đồ người hủi”.
Chiều hôm đó, trong nhà thờ đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám Mục đứng trên bàn thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamiên, một linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không?”
Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamiên đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiều tí nào. Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đamiên càng nhìn thấy họ đến gần càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên Cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha…Cha hỏi Đức Giám Mục : “Họ làm gì thế? Nói gì thế?” Đức Cha trả lời : Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mãnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau :” Không, cha đẹp quá!”
Dần dần, Cha Đamiên hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, Ngài quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi.
Một ngày kia, đến lượt Cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình Cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày Cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình Cha mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu. Bà hỏi con cháu: Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy?”. Con cháu trả lời: "một người hủi trên đảo Molokai của anh Đamiên đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ.
Cha Đamiên đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ. (ĐHY Nguyễn Văn Thuận, những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 60).
Ơ Việt nam có hai trại cùi lớn : Di linh ( Bảo lộc) và Quy Hoà ngoại ô thị xã Quy nhơn.
Đức Cha Jean Cassaigne sau 15 năm làm Giám Mục Sài Gòn đã tình nguyện về sống giữa những người bệnh cùi ở Di linh. Ngài sống với họ 18 năm rồi lây bệnh và qua đời. Trái tim của người Việt nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của Ngài.
Cha Phaolô Mahu, một Linh mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy hoà cho đến chết. Xác Ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người Ngài thương yêu nhất.
Ngày nay các giáo xứ thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Đức Cha Cassaigne và cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.
Các Nữ tu của các dòng Nữ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội loại trừ. Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ.
Chúa đã sờ đến người cùi và họ được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui .
Linh mục Nguyễn Hữu An
|