Một số nhận định của giáo sư Owen Gingerich, chuyên viên tinh tú học
Ngày 27-8-2009 giáo sư Owen Gingerich, chuyên viên tinh tú học nổi tiếng Hoa Kỳ, đã thuyết trình tại đại hội ”Tình bạn giữa các dân tộc” lần thứ 30, do phong trào Hiệp Thông và giải Phóng tổ chức hàng năm tại Rimini Trung Italia. Đại hội có đề tài là ”Sự hiểu biết luôn luôn là một biến cố”. Giáo sư đã thuyết trình về đề tài: ”Galileo, sự hấp dẫn và nỗi đớn đau của một cái nhìn mới về thế giới” và cho thấy vụ án Galileo xưa kia đã là lý do xung khắc giữa khoa học và lòng tin, thì nay đã trở thành lý do đối thoại.
|
Hình các giải thiên hà... do Hubble của Nasa chụp năm 2009 |
Khoa học gia Gingerich sinh năm 1930 và là giáo sư môn tinh tú học và lịch sử khoa học tại đại học Harvard bên Hoa Kỳ. Ông cũng đã từng là thành viên của Đài quan sát tinh tú vật lý Smithsonian. Ngày còn trẻ ông đã bắt đầu vào nghề bằng cách làm phụ tá cho giáo sư Harlow Shahey trong các khóa học mùa hè. Một trong các cuốn sách nổi tiếng của ông tựa đề ”Vũ trụ của Thiên Chúa”. Giáo sư Gingerich là một tín hữu Kitô sống đạo xác tín. Và đối với giáo sư không thể có xung khắc giữa khoa học và lòng tin.
Đây là một trường hợp điển hình liên quan tới một khoa học gia tên tuổi nhưng sống niềm tin của mình một cách rất xác tín và không thấy có xung khắc nào giữa khoa học và niềm tin.
Tuy nhiên có nhiều khoa học gia chống đối lòng tin, và nhân danh thuyết thực nghiệm họ cho rằng sớm muộn gì khoa học cũng sẽ giải thích được mọi sự mà không cần phải có Thiên Chúa. Đặc biệt họ lấy vụ án Galileo Galilei làm lý cớ để lên án Giáo Hội là phản khoa học và chủ trương ngu dân.
Như đã biết, năm 1616 Khoa học gia Galileo Galilei đã bị khiển trách vì theo thuyết vũ trụ quan của khoa học gia Copernic và khẳng định rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Galileo về Roma để bảo vệ các ý kiến của mình và cho thấy chúng không gây hại gì cho Kinh Thánh, nhưng đã không thành công, và ông bị cấm không được tin vào các quan niệm của Copernic nữa. Tuy nhiên Galileo vẫn tiếp tục các nghiên cứu thiên văn của mình và năm 1632 cho xuất bản tác phẩm ”Đối thoại về hai hệ thống tột đỉnh của thế giới”. Cuốn sách đã trở thành văn bản nền tảng cho khoa học tân tiến sau này, trong đó Galileo đề cao các quan niệm thiên văn học của Copernic. Năm sau đó 1633, Galileo bị Hội đồng các Hồng Y triệu về Roma, bị đưa ra tòa vì tội rối đạo và bị kết án tù chung thân. Sau khi ông đồng ý từ bỏ các lý thuyết của Copernic, án tù chung thân được biến thành án quản thúc, ban đầu trong tòa đại sứ Toscana, sau đó trong tòa tổng giám mục Siena, rồi tại quê sinh ở Arcetri. Ông qua đời tại Firenze ngày mùng 8 tháng Giêng năm 1642 hầu như bị mù hoàn toàn.
Ngày mùng 3 tháng 7 năm 1981 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho thành lập Ủy ban giáo hoàng điều tra vụ án Galileo Galilei. Ủy ban gồm 4 tiểu ban tìm hiểu các khía cạnh chú giải kinh thánh, văn hóa, khoa học và tri thức luận, lịch sử và pháp luật. Sau khi Ủy ban nộp bản tường trình kết qủa 13 năm làm việc, ngày 31 tháng 10 năm 1992 Đức Gioan Phaolô II đã thừa nhận có sự lẫn lộn giữa khoa học và Kinh Thánh trong qúa khứ và tái lập danh dự cho Galileo Galilei.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Owen Gingerich, chuyên viên tinh tú học về sự kiện vũ trụ cần Thiên Chúa.
Hỏi: Thưa giáo sư, các chuyên gia vật lý hay hóa học nghĩ gì về vũ trụ? Họ có tin vào một bàn tay thông minh hướng dẫn hay chỉ coi tất cả là chuyện tình cờ mà thôi?Đáp: Không có một nhà vật lý hay chuyên viên hóa học nào, khi quan sát sự hữu hiệu không thể tin được và đồ hình toàn vẹn của một chất béo được làm thành bởi 2.000 nguyên tử, có thể nghĩ một cách nghiêm chỉnh rằng tất cả các nguyên tử đó chỉ vì tình cờ mà dính lại với nhau trong vị thế của chúng. Chuyện thay đổi tình cờ có thể xảy ra một lần trên 10 nhân cho 321 cường lực, và vì thế không đủ để có thể thực hiện chất béo tinh tế ấy.
Hỏi: Như thế giáo sư giải thích tương quan xung khắc giữa khoa học và lòng tin, và thái độ các khoa học gia thường có đối với đức tin như thế nào?Đáp: Sự kiện bên trong cấu trúc của nó khoa học không thể hoạt động một cách khác không nhất thiết có nghĩa là vũ trụ không có một vì Thiên Chúa.
Hỏi: Thưa giáo sư Gingerich, Galileo đã là tín hữu có đức tin và đã không hề nghi ngờ vai trò của Thiên Chúa tạo dựng. Các nhà vật lý ngày nay thừa nhận ”sự hòa hợp tinh vi”, thế quân bình của các thông số trong vật lý, và nhiều nhà vật lý đã hiểu vai trò của Thiên Chúa đối với khoa học như là khoa học, Ngài vô hình nhưng cũng không thể bị loại trừ, có phải thế không?Đáp: Sự quân bình giữa năng lực lan tràn ra bên ngoài và tác động của các sức mạnh hấp dẫn của vạn vật giữ gìn mọi sự với nhau xem ra là dấu chỉ của một bàn tay tạo hóa, cả đối với các khoa học gia vô ngộ xác tín như khoa học gia Fred Hoyle. Theo ông Hoyle, một việc giải thích có lý sự các sự kiện vén mở cho thấy sự can thiệp của một trí thông minh cao vượt, trong lãnh vực vật lý cũng như trong lãnh vực hóa học và trong lãnh vực sinh học. Và khoa học gia Hoyle gợi ý rằng trong thiên nhiên không có các sức mạnh vô mục đích, sức mạnh nào cũng có lý do và mục đích nó; và đây là điều rất đáng nói.
Hỏi: Con người, người nam và người nữ, nhìn thiên nhiên vây bọc chung quanh mình và kêu lên: như thế là chúng ta đã được chờ đợi trong thế giới này... Có các dấu chỉ mới mẻ nào liên quan tới vũ trụ ”được tạo dựng cho loài người” hay không thưa giáo sư?Đáp: Trước hết chúng ta ở trong một vũ trụ mênh mông bát ngát và rất là cổ xưa. Trong một vũ trụ nhỏ hơn và trẻ hơn, việc xuất hiện của con người đã không thể xảy ra được. Lý do là vì sẽ thiếu thời gian để nấu chín các yếu tố cần thiết cho sự sống. Vũ trụ của chúng ta tiếp đón một cách rất là ngoại thường và thích hợp với sự phát triển của các hình thái sự sống thông minh. Nhưng ngày nay để có thể tìm lại được vai trò của Thiên Chúa đã bị nhiều khoa học gia chối bỏ, thì chúng ta phải quay trở lại đàng sau và lần ngược lên cho tới khoa học gia Isaac Newton. Ông Newton đã dành ra 18 năm trời để biên soạn cuốn ”Các nguyên tắc”, và ông hiểu rằng hiện tượng trọng lượng đã là điều đại đồng và mỗi một khối đi qua bất cứ khối nào khác hiện diện trong vũ trụ. Ông nhận định rằng các hành tinh không chịu ảnh hưởng của mặt trời, nhưng chúng hấp dẫn lẫn nhau. Và cái gì có thể duy trì trong tình trạng quân bình một hệ thống phức tạp như thế? Newton đi tới kết luận rằng, nếu các hành tinh không ra khỏi qũy đạo của chúng, thì chỉ vì có một sự can thiệp liên lỉ của Thiên Chúa.
Hỏi: Thưa giáo sư, từ nửa thế kỷ qua người ta cũng đã bắt đầu tìm kiếm sự sống ngoài trái đất và ngoài hệ thống thái dương hệ với các chương trình thám hiểm không gian để tìm ngược lên cho tới thời tạo dựng, có phải thế không?Đáp: Vũ trụ của chúng ta có từ hơn 13 tỷ năm nay. Điều này có nghĩa là thiên nhiên đã có một thời gian vô tận để làm việc cho sự tạo dựng của các hình thái sự sống khác nhau. Chúng ta có thể nói rằng có một số không thể đếm nỗi các môi trường có thể ở được, trong đó sự sống có thể được phát triển. Từ hơn nửa thế kỷ nay ngành tinh tú quang tuyến, do hai ông Giuseppe Cocconi và Philip Morrison thành lập, đã dùng các các làn sóng phát thanh để thông truyền với các hình thái sự sống thông minh ngoài trái đất.
Hỏi: Thưa giáo sư, người ta nói trên trời có nhiều sao đến nỗi mỗi người trên trái đất, kể cả các trẻ em, đều có thể có đến 30 ngôi sao, có đúng vậy không?Đ: Chính vì trong vũ trụ có nhiều sao như thế nên các nhà nghiên cứu và quan sát vũ trụ chấp nhận rằng tại một nơi nào đó trong không gian sự sống có thể hiện diện như trên trái đất của chúng ta. Các nhà nghiên cứu hăng hái nhất khẳng định rằng phải có sự sống ở đâu đó, và nhiều khi đây là các sự sống thông minh và tiến bộ hơn loài người rất nhiều.
Hỏi: Người ta kể rằng khi giáo sư được chấp nhận vào hàng ngũ các vị hàn lâm khoa học, thì có một người bạn tìm gặp giáo sư và nói: ”Thật là đỡ qúa, có thêm giáo sư nữa, như thế chúng ta không để cho các nhà khoa học vô thần chiếm hữu mọi lãnh vực”, có đúng thế không, thưa giáo sư?Đáp: Vâng, có đúng như vậy thật, nhưng mà cũng đúng là tôi đã luôn luôn xa cách một vài lập trường của các phong trào tôn giáo bên Âu châu. Trong thập niên 1980 tôi có tham dự hội nghị về đề tài ”Thiên Chúa có phải là Đấng Tạo dựng hay không?”, tôi nhận thấy tinh thần tác phẩm của tôi bênh vực Kitô giáo, nhưng không duy tạo dựng trong nghĩa đen của nó, là tư tưởng rất được các phong trào bảo thủ qúa đáng và không thể thực hành được trân trọng.
(Avvenire 14-8-2009)