MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chân Dung Và Gương Linh Mục Việt Nam: Đhy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (3)
Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 9-2009
VietCatholic News (20 Sep 2009
Chân dung và gương linh mục Việt Nam: ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (3) (Tiếp theo)

B. Đức Vâng Lời.

Ngày 24.04.1975, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị.

Thưa Cha, Cha quyết định đi vào Sàigòn, noi gương Đức Kitô đã phải đi Giêrusalem, dù Cha có thể tiên đoán những gì mình sẽ phải gặp tại đó như Cha viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’:

“Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Đức Phaolô VI bổ nhiệm…

Đêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Đức Thánh Cha.

Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn…”


Từ ngày 08.05.1975, nhóm 14 Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh đứng đầu đã gởi một kiến nghị đến Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại về việc thuyên chuyển Cha về Sài-gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo hội tại Việt-Nam.

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công giáo yêu nước’. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha. Cha cũng bác bỏ lời cáo gian có âm mưu nói trên.

Chiều 15.08.1975, Ủy Ban Quân Quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để cáo buộc ‘sau lưng’ Cha. Khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ được mời buộc nghe. Ủy Ban muốn ngừa tránh mọi phản ứng của người dân đối với vụ bắt Cha.

Trước đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Cha được đưa đến Dinh Độc Lập lúc 14 giờ. Tại đó, Đức cha Bình bị đưa vào một căn phòng khác với Cha. Sau đó, Cha bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu.

Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Cha thực sự bị bỏ rơi. Cha đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 23.11.1988, Cha được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội.

HÀNH TRÌNH HY VỌNG PHÚ

Từ Nha phận, vâng lời: nhận bài sai Tòa Thánh,
Đến Sài thành, tân nhiệm: Tổng Giám Mục kế quyền.
Ba mươi tháng tư - cơ trời vận nước.
Một chín bảy lăm – ngừng cuộc đao binh.

Thay cờ đổi chủ,
Quốc pháp gia hình.
Năm đinh mão chính ngày Mông Triệu!
Tiết trời thu đến khắc nộp mình?

Không bản án thế gian, mà cùm gông ngục thất?
Chẳng văn bài cáo trạng, sao xiềng xích xà lim?
Không bị gậy hành trang, không áo xống!
Chẳng bạc tiền lương thực, chẳng thông tin.

Nơi lao lý rực tràn ân cứu độ.
Chốn đọa đày cháy bỏng lửa thần linh.
Một giọt nước hòa chung ba giọt rượu!
Hai bàn tay dâng tiến lễ hy sinh.
... (Trích thơ Bùi Nghiệp)

C. Linh mục nuôi Dân Chúa bằng Mình Thánh Đức Kitô.

Qua Bí tích Truyền Chức Thánh, Thiên Chúa trao cho Linh mục đặc ân “xin Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô, Chúa chúng tôi… Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là Chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.” và Linh mục vâng lời Thầy Chí Thánh dạy “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Chúa Quan phòng đã hướng dẫn Cha chọn thâm cứu và viết luận án Tiến sĩ về ‘Tuyên úy Quân đội’ và đã từng là Tuyên úy Lao xá Thừa Thiên, Cha có những kinh nghiệm để trở thành Tuyên úy trại giam các tù nhân không bản án. Cha thấu biết mọi người Công giáo cần Mình Đức Kitô để sống trong những ngày đen tối như Cha kể:

“Trong Thánh Thể, chúng tôi loan truyền sự chết của Chúa Giêsu và tuyên xưng sự sống lại của Ngài. Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật; Ngài hoàn toàn bất động. Đối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giêsu là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Ngài đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu là mẫu gương của tình yêu tuyệt đối với Đức Chúa Cha và các linh hồn. Ngài đã cho tất cả, yêu thương đến cùng (Ga 13, 1), cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng và nói lên tiếng ‘hoàn tất’ (Ga 19, 30).”

Nhưng làm sao để Thánh Thể hiện diện trong nhà tù?

Cha đã kể cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Giáo sĩ và nhân viên Giáo Triều Rôma nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000:

“… Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi ! Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: ‘thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu’, như Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói.

Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi !

Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang, tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Đến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi ngươi phải nằm trong mùng muỗi cá nhân: tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt lấy giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống. “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào” (Ga 10,10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53).

Mỗi tuần, sáng thứ sáu có buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Đến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày…

Những người tù biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Đêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người.”

VI. TÔI PHẢI CHỌN CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA CHÚA.

Khi còn trẻ tuổi và sức khỏe dồi dào, Cha chẳng những thành công nơi giáo phận Nha Trang mà còn đứng đầu một tổ chức bác ái có thế lực là Cơ quan Hợp tác Tái thiết Việt-Nam. Nhưng đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, bị còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, mùa đông 1976-77 lạnh rét 2°C. Cha thuật lại:

“Nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi “một sự bình an mà thế gian không cho được”.

Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con “Hãy theo Thầy” hay “Hãy theo việc nọ, người kia?” Để đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua ba lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi hai lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: “Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!” Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác.”

VII. SỐNG PHÚT HIỆN TẠI.

Chiều tối ngày 15.08.1975, trên đường dài 450 km, xe công an chở Cha về nơi quản thúc. Tâm tình lẫn lộn trong đầu óc Cha như Cha đã viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’:

“Lúc đó, tôi lo lắng có, cô đơn có, mệt mỏi có, sau mấy tháng căng thẳng... nhưng trong trí tôi, một quyết định sáng tỏ đã đánh tan mây mù. Tôi nhớ lời Đức Cha John Walsh, một Giám mục truyền giáo gốc Mỹ, đã nói lúc ngài được tự do sau 12 năm tù ở Trung cộng: “Tôi đã mất nữa đời người để chờ đợi”. Rất đúng! tất cả mọi tù nhân, trong đó có tôi, phút giây nào cũng mong đợi tự do. Suy nghĩ kỹ, trên chiếc xe Toyota trắng, tôi đã đặt cho mình một quyết định: “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.

Đây không phải là một cảm hứng đột xuất, nhưng là một xác tín đã ấp ủ suốt quãng đời mãi từ tiểu chủng viện: “Nếu tôi mất giờ đợi chờ, không làm gì hết, biết đâu những điều tôi đợi sẽ không bao giờ đến. Chỉ có một điều, dù không đợi cũng vẫn đến, đó là sự chết!”

Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.

Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?

Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Đơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”

Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, giữa tháng 10 năm 1975, tôi làm hiệu cho một cậu bé 7 tuổi, tên Quang, vừa đi lễ 5 giờ ra, trời còn mù và lạnh: “Quang! con về nói má con mua cho ông mấy “bloc” lịch cũ, ông cần dùng”. Chiều tối, chú bé mang lại mấy “bloc” lịch cũ. Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11, 1975, tôi đã đóng hết cửa, lấy giấy xi-măng dán bên trong và viết “Sứ điệp từ ngục tù” cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt. Mỗi sáng thực sớm tôi trao cho bé Quang, mấy tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho anh, chị của Quang chép lại kẻo mất. Nếu để trên bàn tôi, “ông An” (một giáo dân) thấy sẽ sinh tai họa. Đấy là đầu đuôi sách “Đường Hy Vọng”, sứ điệp lao tù thành hình là như thế. Hiện nay sách đã được xuất bản bằng tám thứ tiếng.

Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”. Ngày 8-12-1975, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tội, tôi đã tạ ơn Đức Mẹ cho tôi viết xong “Đường Hy Vọng” và trao trong tay Đức Mẹ gìn giữ, đó là của Đức Mẹ, nhờ ơn của Đức Mẹ, xin Đức Mẹ tiếp tục lo liệu. Đoán vậy mà không sai, đến ngày 18-3-1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất.

Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”.

Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.

Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”...Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9, 1). Trên Thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng” (Lc 23, 42-43). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.

Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: “Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện”. Tôi đã nghe Đức Cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là học yêu thương”. Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: “Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc”.

Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là “đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa...

Tôi đã viết trong sách Đường Hy Vọng: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ĐHV 997).

… Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.
Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha.
Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,
“một giao ước mới,
một giao ước vĩnh cửu”.
Con muốn cùng với Hội thánh hát vang:
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Alleluia! Alleluia! Alleluia!

Cây Vông, Nha Trang, nơi tôi bị quản thúc
16.08.1975, hôm sau lễ Đức Mẹ Lên Trời.

VIII. NGƯỜI TÙ KHÔNG BẢN ÁN.

Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Đức Cha đã viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’ như sau:

“Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’

Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.

Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.

Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!

Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ.”

(Còn tiếp)
Hà-Minh Thảo
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chân Dung Linh Mục Việt Nam: Hai Anh Em Cha Phêrô Cao Hữu Tạo Và Phêrô Cao Hữu Hân (9/22/2009)
Chân Dung Linh Mục Việt Nam: Lm Philipphê Phan Văn Tuyền (9/22/2009)
Vũ Trụ Cần Thiên Chúa (9/22/2009)
Trái Tim Cha Thánh Pio Ðang Cầu Nguyện (9/22/2009)
Bởi Vì Tôi Rất Yêu Mến Bà! (9/22/2009)
Tin/Bài khác
Thăm Khe Sanh - Đẹp Thay, Bước Chân Người Loan Báo Tin Mừng! (9/19/2009)
Thông Báo Về Dịch Phẩm Cứu Các Linh Hồn Khỏi Luyện Ngục (9/19/2009)
Tôi Đi Đâu? (9/19/2009)
Hình Ảnh Lễ Giỗ Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận Tại Trung Tâm Công G (9/18/2009)
Chúa Nhật 25 Thường Niên : Người Lớn Nhất (9/18/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768