Như một nốt nhạc của tình liên đới anh em đồng chí hướng trong bản giao hưởng vĩ đại của Năm Linh Mục, một số anh em Linh mục của địa phận Huế không hẹn mà hò, lại rủ nhau lên đường đi thăm vùng núi Khe Sanh, địa đầu giới tuyến giáp ranh với Vương quốc Lào, mà cũng là thửa đất phì nhiêu của vùng truyền giáo mầu mỡ thuộc địa phận Huế !
|
Nhà Thờ Khe Sanh đang được Hoà xây dựng... |
Đoạn đường từ Huế xuôi ra Cam Lộ - Đông Hà, rồi đến Khe Sanh - Lao Bảo là một khoảng xa lộ xa mù tít tắp, gần 4 tiếng đồng hồ xe chạy, với chừng 150 km đường núi uốn khúc chập chùng, với nương rẫy đan xen rừng xanh trùng điệp!
Nhìn những mái nhà sàn của người dân tộc Vân kiều thấp thoáng sau những rừng cây, khe suối, hoặc nhấp nhô trong ruộng lúa nương ngô, thì lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 trong Sứ điệp gửi Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 19 tháng 10, tựa đề
”Được mời gọi là tôi tớ và tông đồ của Chúa Giêsu Kitô vào đầu ngàn năm mới” , như văng vẳng bên tai:
" Truyền giáo là vấn đề của tình yêu thương và là một bổn phận của mọi tín hữu. Nó cấp thiết tại những nơi chưa được nghe nói tới Thiên Chúa, và cũng khẩn trương tại những nơi đã được truyền giáo, nhưng lòng tin đã nguội lạnh đi." Điều này đã được chứng thực cách rõ nét khi chiếc xe đưa đoàn Linh mục tới gần Giáo xứ KHE SANH, tỉnh Quảng Trị.
Hình ảnh của những bước chân gieo mầm cứu rỗi ra đi tung gieo Lời Chúa trên khắp vùng núi đồi Khe Sanh - Lao Bảo như cô đặc lại nơi những gì chúng tôi được thấy tận mắt, sờ tận tay, qua ngôi thánh đường đang được bề thế cất lên trên đỉnh dồi của vùng "trời thấp thật gần", miền đất đỏ "ba san", thuộc hai Huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Ngôi nhà thờ đang xây nằm chễm chệ trên đỉnh đồi, có bề ngang 28 m, dài 40 m với ngôi tháp vút cao 32 m vươn tới trời xanh …
Cái đẹp của ngôi-nhà-Chúa-ngự nơi vùng cao nguyên này là sự vươn lên sừng sững giữa đất trời bao la như dáng đứng uy nghi của một niềm Tin, Yêu và Hy vọng sau một thời gian dài vắng bóng tiếng chuông ngân nga trầm bỗng vì thời cuộc!
Cái đẹp đó còn là kết tinh của 1280 giáo dân vùng núi Khe sanh địa đầu này của Tổng Giáo Phận Huế đã son sắt trong đức Tin, bền vững trong đức Cậy, và nồng nàn với đức Mến thủy chung có trước có sau!
Không phải dễ dàng để có đựơc những gì như hôm nay, nếu không có những con người với nhiệt tình truyền giáo như cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Hòa, sẵn sàng ra đi với chân cứng đá mềm, lội suối băng rừng tháng tháng ngày ngày đến với đàn chiên của mình, để yêu thương, để hiến mạng cho họ vì đại cuộc của Nước Trời!
70 cây số đường rừng từ thưở nao, lầy lội lởm chởm đá và cây rừng khởi đi từ Cam Lộ đến Khe Sanh, cho đến hôm nay là đường xa lộ phẳng lì, cũng vẫn chỉ thêm vào cho đôi vai đỡ bớt gánh nặng nhọc nhằn, cho đôi tay gieo vãi mềm mại hơn, cho đôi chân thu ngắn lại quãng đường, mà
"lưới người" về cho thuyền cá vui hơn và đẹp lòng Chúa Chiên hơn!
|
Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Hoà (thứ hai, hàng đầu) |
Không phải chỉ quanh quẩn ở khoảng trời gió bạt mây ngàn này mà thôi, cha Phanxicô còn bươn chải đến tận cùng địa giới của những vùng đất thiếu vắng Linh Mục, màu mỡ với bao linh hồn đói khát Lời Chúa như Vĩnh Chấp, Hồ xá……
Bước chân miệt mài không ngơi nghỉ của một Phanxicô Xaviê ngày xưa nay đang được tô đậm lại những nét truyền giáo mới qua Linh mục Phanxicô Xaviê Hoà của vùng Phước Tuyền và Khe Sanh!
Cũng không thể quên những giọt mồ hôi và cả nước mắt của những nữ tu Dòng Mến thánh giá Huế, hay của bao người trước đây đã âm thầm lặn lội gieo vãi những hạt giống đức tin nhỏ bé, đơn sơ, để đến hôm nay, đã có thể thoáng thấy những bông hạt nặng trĩu của cây đức tin nẩy mậm chín vàng!
Có lẽ nơi đây, câu thơ của Thánh Vịnh 126 thật tràn trào ý nghĩa và cảm xúc biết bao:"Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo - Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng" (Tv 126,6).
Đúng vậy, 6 năm sống với người dân tộc Vân kiều 2300 người và anh chị em Kinh, cha Phanxicô đã rửa tội cho hơn 800 người, thành lập 31 cộng đoàn sớm hôm cầu nguyện và một ban mục vụ Giáo xứ thành tâm thiện chí phục vụ hết mình.
Chính vì những gì cha đã làm được mà ngày 18 tháng 9 năm 2007, Khe sanh đã chính thức trở thành Giáo xứ với sự ưu ái mừng vui cho ngày đáng nhớ đó của cả hai Đức Cha chủ chăn Giáo phận cũng như của mọi thành phần Dân Chúa.
Nói nhiều về một con người Linh mục điển hình trong muôn vàn Linh mục đang dấn thân trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn của Tổng giáo phận Huế, hay của cả toàn thế giới, thì lời Đức Hồng y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, viết chuẩn bị cho Năm Thánh Linh mục, vẫn là điều đáng để suy tư: đó là
" Ước gì năm này sẽ là một cơ hội để hăng say tìm hiểu giá trị của căn tính linh mục, hiểu biết thần học về chức linh mục công giáo và ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi và sứ vụ của linh mục trong Giáo Hhội và trong xã hội" ( Lm Võ Xuân Tiến chuyển ngữ / Posted on 23/05/2009 by Xuân Bích Việt Nam)
Chắc hẳn các Linh mục quan trọng không chỉ vì những gì họ làm, nhưng vì chính cuộc sống của họ, và Linh đạo của Linh mục không là gì khác hơn là linh đạo của chính Đức Kitô, vị Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất của Tân ước. Thành ra điều này đòi hỏi linh mục phải hoàn toàn gắn bó với điều mà truyền thống Giáo Hội gọi là
“lối sống tông đồ” (apostolica vivendi forma); lối sống ấy hệ tại tham gia vào đời sống mới mà Chúa Giêsu đã khai mở và các Tông Đồ đón nhận làm lối sống của mình” . (trích lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp các thành viên của Bộ Giáo sĩ Ngày 16.03.2009).
Hiểu như thế thì
"Linh mục phải hiện hữu cho kẻ khác, Linh mục phải cam kết sống với dân chúng trong một sự liên kết của tình yêu thánh thiện và thần thánh (vốn bao hàm sự phong phú của đời sống độc thân thánh thiện), nó đòi buộc Linh mục sống sự liên đới đích thực với những ai đang đau khổ và đang sống trong nhiều hình thức khác nhau của nghèo đói". (Thư của Tổng giám mục Mauro Piacenza, Thư ký Bộ Giáo sĩ, gởi cho các linh mục trên thế giới trước ngày khai mạc Năm linh mục)
Năm thánh Linh Mục hẳn nhiên phải là một năm cầu nguyện của các Linh mục, với các Linh mục và cho các Linh mục, một năm canh tân linh đạo của hàng Linh mục và của mỗi Linh mục. Trong ý thức sâu lắng đó mà Năm thánh Linh mục đối với một số anh em Linh mục trong chuyến đi thăm một trong những cứ điểm truyền giáo vùng sâu vùng vùng xa thuộc Tổng Giáo Phận Huế là dịp để thầm nhắc nhủ với lòng mình về
"một sự hoán cải đời sống mỗi ngày, hầu cách sống của Đức Kitô có thể trở thành cách sống biểu hiện rõ nét hơn trong đời sống của mỗi người Linh mục …như là một cuộc chạy đua cách thiêng liêng trong Năm nay, với một “trái tim rộng mở” trong sự phù hợp với ơn gọi, để có thể thốt lên cách chân thực “không còn phải là tôi sống nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) (Trích Thư của Bộ Giáo sĩ về Năm linh mục (VietCatholic News (07 Jun 2009 17:13)
Sau nữa, cũng là cơ hội để xác tín lại một trong những căn tính của sứ vụ Linh mục là loan báo Tin Mừng trong lòng đất nước Việt nam thân yêu:
" Loan báo Tin Mừng, theo quan niệm của Hội Thánh Việt Nam chúng tôi trước hết là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, tức là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13). Nói cách khác, loan báo Tin Mừng đồng nghĩa với làm chứng cho Chúa Kitô" (Trích Bản trả lời của các Giáo phận Việt Nam cho bản câu hỏi "Lineamenta": Quan điểm và Mong Ước của các Đức Giám Mục Việt Nam về Sứ Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội)
Nếu hiểu cho đúng và chu toàn những nhiệm vụ đó, Linh mục sẽ là người thật sự được sai đi và làm công việc được giao phó. Người ấy xứng đáng đón nhận lời ngợi khen của ngôn sứ I-sai-a:
”Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng,
công bố bình an.” (Is. 52,7)