Ngày 16.09.2009, chúng ta kỷ niệm Lễ Giỗ lần thứ 7 để tưởng niệm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN. Năm nay, Lễ Giỗ trùng hợp với Năm Linh mục đã được Đức Thánh Biển Đức XVI khai mạc, từ ngày 19.06.2009 đến 19.06.2010, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của Thánh Gioan Vianney, Cha sở xứ Ars. Đồng thời, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giáo Hội địa phương cũng nêu cao những tấm gương linh mục trong đất nước của mình. Do đó, chúng ta cùng hướng về Gương Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận,
vị Mục Tử Việt-Nam được mở hồ sơ phong Chân Phước sau 5 năm Chúa gọi về Nhà Cha.
|
Cha Thuận sau khi chịu chức Linh mục |
Cha là một gương sáng Linh mục mà nhiều người Việt thuộc thế hệ cận đại đã có dịp nói chuyện với Cha, nghe lời Cha giảng dạy… Vượt biên giới Tổ Quốc, Cha còn được kính mến bởi nhiều triệu Kitô-hữu từ Á châu đến các quốc gia Mỹ châu. Sách ‘Chứng nhân Hy Vọng’ (dịch ra 12 thứ tiếng) đã mang lại niềm Hy vọng trong đời sống linh mục cho bao nhiêu cha ở Mỹ châu La-tinh. Khi Cha giảng cho hơn 50000 thanh niên tại sân vận động Mexico. Họ hô lớn tiếng khi Cha bước lên diễn đàn: "Francisco, amigo de los Mexicanos" (Phanxicô là bạn thân của các người Mexicô)…
[
Trong bài nầy, chúng tôi xin được phép gọi Đức Hồng Y là Cha để ghi nhớ cách xưng hô dịu hiền mà Đức cha (Đức Hồng Y) đã xưng Cha với những giáo dân có diễm phúc nói chuyện với Ngài.]
I. DÒNG DÕI TỬ ĐẠO VÀ YÊU NƯỚC.A.
Gia đình bên ngoại của Cha đã bị thiêu sống khi đang kinh nguyện trong một đêm mùa thu năm 1885, tại làng Đại Phong. Nhóm người bắt đạo đã phóng hỏa bằng những ngọn đuốc tới tận nóc nhà tường tre. Cha mẹ đưa các trẻ em qua cửa sổ thì họ thẩy các trẻ trở vào cho chết cháy. Tuy nhiên, một số em, nhờ bóng tối đêm và khói, đã thoát chết. Trong đó, có ‘Dì Liên’, 10 tuổi, thoát chết, nhưng phải bỏ chạy về sống hẳn tại Phủ Cam. Một người khác là mẹ ông Ngô đình Khả cũng sống sót và phải chạy đến sống tại một làng khác… Có điều may là khi đó, ông ngoại của Cha là ông Khả đang học ở Chủng viện Penang (Mã-lai).
|
Trong thời gian tù đầy: viết sách làm thơ |
Phải đợi đến vài tháng sau, hung tin gần hết gia đình bị tàn sát mới tới Chủng viện Penang, các giáo sư của ông Khả mới đề nghị ông nên trở về nước và cưới vợ để giữ tên dòng họ. Chấp nhận đề nghị trên, ông đã trở lại Việt-Nam để phụng dưỡng mẹ đang không phương tiện để sinh sống.
Vào làm việc tại Triều đình, một thời gian sau, ông được vua Thành Thái ban cho ông tước Phù Đạo Đại Thần, cố vấn cho Vua các vấn đề về Pháp văn và Triết Tây phương… Ông đã chống đối mạnh mẽ người Pháp đô hộ khi họ buộc Vua phải thoái ngôi. Cuối cùng, ông từ quan và về làm ruộng với các con trai. Cô Hiệp (mẹ tương lai của Cha) đã cùng mẹ vất vả đem cơm và nước trà cho thân phụ và các anh em trai. Trong hoàn cảnh cơ cực đó, không ai trong gia đình buông lời than trách trước một quyết định ái quốc. Họ vẫn nuôi ý chí ‘làm quan’, sau những kinh nghiệm lao động tay chân và thiếu thốn.
B.
Ông cố bên nội của Cha, Nguyễn văn Danh, đã sống cực khổ trong thời kỳ bắt đạo dưới thời vua Tự Ðức, năm 1860, bị cưỡng bách phải đi làm nô lệ.
Con ông, Nguyễn văn Vọng, 14 tuổi, khi hay tin cha sắp chết đói, hằng ngày phải thức dậy sớm, nấu cơm nước và mang cho cha xa khoảng 12 dậm, đi và về, trong ba năm.
Khi được trở về, ông Danh đã hãnh diện khi thấy các con không chối đạo và được mẹ dạy kính Chúa và yêu người. Ông rất mãn nguyện vì Vọng, đứa con vô cùng can đảm.
Khi trưởng thành, anh Vọng cưới chị Tống thị Tài, liên hệ gia đình gần với Thánh Phaolô Tống viết Bường, sĩ quan triều đình Minh Mạng, tử đạo ngày 23.10.1833. Đôi vợ chồng trẻ về sống tại Phủ Cam và được Linh mục Joseph Eugène Allys giao cho sứ vụ truyền giáo đặc biệt: không phải rao giảng, chỉ sống đạo, bằng đời sống chứng nhân Kitô hữu để người khác nhìn vào đó mà trở lại đạo Công giáo. Xong việc truyền đạo tại một làng, anh chị Vọng đi sang làng khác trong một vùng cách Huế 14 cây số về hướng Nam. Ông Vọng, ông nội tương lai của Cha, đã thi hành sứ vụ trong 15 năm. Ông vẫn muốn tiếp tục, nhưng Linh mục Allys muốn ông trở lại sống tại Phủ Cam với gia đình.
Linh mục Allys cho ông mượn tiền thành lập nông trại và ông trở nên giàu có. Ông đã dùng gia sản để giúp xây trường Bình Linh (Pellerin) cho các Sư huynh dòng Lasan và trường Thánh nữ Jeanne d’Arc cho các Nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Cả hai dều được khánh thành năm 1904 tại Huế.
Bấy nhiêu gương sáng tiền nhân để lại, Cha quyết tâm trở thành Linh mục Công giáo, đồng dạng với Chúa Giêsu… Nhưng Đức Kitô phán:
« Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. » (Gioan 15, 16).
Việc ‘chính Thầy đã chọn anh em’ có thực hiện nơi Cha Thuận hay không ? Chúng ta có thể ôn lại tiến trình Thiên Chúa đã đào tạo Cha qua các Thánh Chức Linh mục, Đức cha và Đức hồng y.
II. DƯỚI MÁI CHỦNG VIỆNA. Tiểu chủng viện An Ninh. Cuối tháng 08.1940, lúc 12 tuổi, Cha nhập Tiểu chủng viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị) để chuẩn bị niên khóa 1940-1941.
Bây giờ, Cha bắt đầu tìm kiếm những ‘gương Linh mục’ mới, sau Đức cha Phêrô Ngô đình Thục, cậu của Cha, chung quanh Cha: Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Bề trên Chủng viện; Jean-Marie Cressonnier, M.E.P, sinh ra trong gia đình giàu, nhưng sống nghèo khó, đã bị cán binh cộng sản bắn chết khi mang Mình Thánh Chúa cho người bệnh năm 1968; Giuse Maria Nguyễn văn Thích, giáo sư chủng viện, thi sĩ và họa sĩ. Cha cũng đã đọc sách hạnh các Thánh: Phanxicô Xaviê (bổn mạng), Gioan Vianney, Têrêxa thành Lisieux…
Nhờ có bằng tiểu học (certificat d’étude primaire) và trí nhớ, nhất là sinh ngữ và la tinh, Cha đã rút ngắn học trình từ tám còn sáu năm.
B. Đại chủng viện Phú Xuân.
|
Sau khi được bổ nhiệm Hồng Y đến Úc thăm Mẹ |
Tại đây, Cha đã đọc cuộc đời Linh mục José Ramon Manual Pro Juarez, dòng Tên người Mexico, bị bắt bởi mật vụ Cộng sản Mexico, bị hành quyết vì đạo, không bản án, với anh của Linh mục tháng 11.1927. Cha nhận đây là một gương Linh mục cho Cha.
Trong 3 năm đầu (từ 1947), Cha ước nguyện sẽ thi hành sứ nhiệm Linh mục Giáo phận (hay triều), noi gương Curé d’Ars. Nhưng, sau đó, đôi lúc, Cha nghĩ mình có thể trở Linh mục Dòng như:
1. Dòng Tên, hiện diện tại Việt-Nam lần đầu năm 1615 với Linh mục Alexandre de Rhodes và rời Việt-Nam năm 1774. Cha đã học nhiều ‘Spiritual Excercises’ về đời sống Thánh Ignatius thành Loyola và chính Thánh Phanxicô Xaviê hay Linh mục Pro Juarez đều thuộc Dòng Tên. Nhưng, khi đó, muốn theo Dòng Tên thì phải sang tu học tại Phi-luật-tân vì Dòng Tên chỉ trở lại Việt-Nam năm 1957.
2. Cha cũng nghĩ đến Dòng Biển Đức vì tu viện Biển Đức cũng vừa xây dựng trên đồi Thiên An năm 1940, ngoại ô Huế. Cha chiêm ngưỡng gương thánh thiện của Dom Romain, đã sống hơn nữa đời tại Việt-Nam để trợ giúp người Việt và Dom Benoit Nguyễn văn Thái, Linh mục Biển Đức người Việt đầu tiên.
Cuối cùng, Cha quyết định ở lại Đại chủng viện Phú Xuân để học thần học dưới sự hướng dẫn của Linh mục Simon Hòa Nguyễn văn Hiền, Bề trên Chủng viện, sau trở thành Giám mục hiệu tòa Saigon (1955) và Giám mục chính tòa tiên khởi Giáo phận Đà lạt (1960).
III. THÁNH CHỨC LINH MỤC.Ngày 11.06.1953, tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Cha nhận Bí tích Truyền Chức Linh mục bởi tay Đức cha Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Giám mục hiệu tòa Huế.
A. Cha được cử làm Phó xứ Tam Tòa Giáo xứ Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình), một giáo xứ quan trọng của Giáo phận, phụ giúp Cha Đôminicô Hoàng Văn Tâm để phục vụ giáo dân. Cha Sở đã dành nhiều thời giờ để hướng dẫn Cha về sứ vụ mục tử, tình hình giáo xứ… Nhưng, một tháng sau, Cha Sở thấy sức khỏe Cha yếu dần mà Cha vẫn cố gắng, cho đến khi Cha ho ra máu. Bác sĩ khám thấy Cha có triệu chứng bệnh lao có thể do học và làm việc nhiều tại Đại Chủng viện. Cha được đưa về Huế vì Bệnh viện Đồng Hới không có phương tiện. Bệnh viện Huế lại đề nghị đưa vào Sàigòn vì cần phải giải phẩu khó.
Khi không đọc kinh, cầu nguyện hay nói chuyện với song thân, Cha nghe đài phát thanh truyền đi những tin chiến sự ngày càng bi đát, nhất là tại Điện Biên Phủ. Cha lo ngại.
Tháng 12.1953, Cha được phi cơ chở vào Sàigòn, nhập Bệnh viện Saint Paul, các bác sĩ cho rằng phải cắt bỏ phần phổi bên tay mặt. Nghe tin đó, Cha Richard, ở Huế, giới thiệu Cha vào điều trị tại Bệnh viện Quân đội Pháp Grall tháng 04.1954. Các bác sĩ Pháp nói với Cha họ có phương tiện để giải phẩu, nhưng Cha không thể hồi phục như trước. Cha cám ơn ‘tin tốt’ đó và tiếp tục cầu nguyện và chờ xe đưa vào phòng mổ… Một trong các bác sĩ đề nghị chụp x-ray phổi trước khi gây mê.
Sau khi chụp x-ray, Cha được đưa trở về phòng chờ lâu. Hai bác sĩ bàn tán nhiều trước phòng Cha nằm. Cuối cùng một bác sĩ vào báo cho Cha:
- Khỏi phải giải phẩu.
- Thế thì bệnh lao đã lây sang phổi kia ? Cha hỏi.
- Không. Khỏi giải phẩu vì chúng tôi không còn thấy dấu bệnh lao ở cả hai phổi. Tôi không biết sự việc xảy ra như thế nào.
Vị bác sĩ nhìn Cha và không biết giải thích làm sao sự khỏi bệnh này. Các bác sĩ nhìn nhau trong khi Cha nói:
- Phép lạ.
- Tôi cũng cho là như vậy. Phổi Cha tốt cả hai, Cha không cần mổ. Cha có thể về chiều nay, nếu muốn.
Nói xong, ông bước ra ngoài và trở lại nói thêm:
- Bây giờ, Cha khỏe mạnh, và tôi không thể giải thích tại sao. Có thể, Cha sẽ sống để thấy nhiều người trong chúng tôi chết !
Phần Cha, Cha không ngớt tán tụng Thiên Chúa và cám ơn Mẹ Maria.
A. Cha được cử làm Phó xứ Phanxicô Xavie ở Huế Bốn ngày sau, Cha trở về đến Huế thì hay tin Điện biên phủ thất thủ. Khi gặp Đức cha Urrutia, Người bảo Cha nên nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Sau đó, Cha được cử đến làm Cha Phó cho Cha Richard Barbon (Triết) tại Giáo xứ Phanxicô Xavie ở Huế với nhiệm vụ chuyển Giáo xứ này của người Pháp sang cho người Việt. Quân đội và công chức Pháp phải rút khỏi và trả độc lập cho Quốc gia Việt-Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Ngô đình Diệm.
Ðồng thời, Cha còn được cử kiêm nhiệm Tuyên úy Trường Bình Linh, Bệnh viện trung ương Huế và Lao xá Thừa Thiên.
C. Du học tại Rôma.Năm 1956, Cha được gởi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbania. Ngày 15.08.1957, Cha hành hương Lộ Đức như Cha viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’:
« Lúc còn là một linh mục du học ở Rôma, tháng 08 năm 1957, tôi đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ. Quỳ trước hang đá, nhìn lên tượng Mẹ, tôi nghe như Đức Mẹ nói với tôi như đã nói với thánh nữ Bernadette:
- Benadette, Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách.
Tôi run sợ, nhưng tôi chấp nhận và phó thác trong tay Mẹ. Tôi tiếp tục học hành thi cử, và trở về Việt Nam, làm giáo sư, Giám đốc tiểu chủng viện Hoan-Thiện, Tổng đại diện, Giám mục Giáo phận Nha Trang năm 1967. Cám ơn Chúa, công việc mục vụ của tôi nói được là thành công.
Tôi trở lại Lộ Đức nhiều lần và nhiều lần tôi tự hỏi: ‘Có lẽ lời Đức Mẹ đã nói với thánh Bernadette không phải Mẹ cũng nhắc lại với tôi?’ Thánh giá bổn phận của tôi không đến nỗi quá nặng, dù sao tôi sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa.
Năm 1957, Cha tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật với luận án: ‘Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo’.
(Còn tiếp)