ĐỨC GIÊSU- DẤU
CHỈ THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN
Is.35, 4-7; Gc.2, 1-5; Mc.7, 31-37
Lm. Phạm Thanh Liêm, SJ
Đức Giêsu xuất hiện ở đâu, thì mang
niềm vui và bình an cho những
người “thiện tâm” ở đó. Ngài là biểu
tượng của tình yêu và là chứng từ cho thấy
con người là một giá trị tuyệt đối. Ngài cũng là Đấng cho thấy Thiên Chúa là
Đấng Tuyệt Vời.
1. Đức Giêsu- niềm vui và hy vọng của
người đương thời
Sau khi Đức Giêsu chữa người câm điếc
bằng cách kéo anh ta ra khỏi đám đông, đặt tay vào tai anh, và bôi nước miếng vào
lưỡi anh ta, thì dân chúng khen Đức Giêsu:
“Người làm mọi sự tốt đẹp”. Danh
tiếng Đức Giêsu được loan ra cho dù Ngài không
muốn người ta biết Ngài đã làm sự lạ
cả thể này. Qua cách chữa người
câm điếc này, người ta có cảm tưởng
Đức Giêsu đã làm phép lạ thật “vất vả”.
Ngài đã phải đặt ngón tay vào
tai anh ta, bôi nước miếng của Ngài vào lưỡi
anh ta. Dường như Ngài nghĩ rằng
sự đụng chạm của thân xác Ngài, sẽ giúp người
khác được biến đổi, được
chữa lành.
Qua Đức Giêsu, người ta nhận ra Thiên Chúa
đang hiện diện với con người. Nơi nào Đức Giêsu hiện diện,
người ta tìm thấy lòng thương xót, chữa lành,
niềm vui, và chiến thắng sự dữ. Cái chết của Đức Giêsu, và cũng
vậy, cái chết của các thánh tử đạo, cho
thấy sự dữ đã thất bại.
Người ta tìm cách hủy diệt hay giết
người khác, bởi vì người ta thua người
đó. Khi kẻ dữ muốn hủy
diệt người công chính, là họ thấy họ không
thể thắng người công chính, và hơn nữa,
họ thấy họ bị thua. Cain
giết Abel, vì thấy người em hơn mình; Cain không
muốn người em hơn mình, nhưng anh ta đã không
thể tốt hơn Abel. Hêrôđiađê giết Gioan
Tẩy Giả, vì nếu để ông sống, bà không
thể làm điều bà muốn: lấy Hêrôđê làm
chồng.
Đức Giêsu, con người nghèo hèn khiêm tốn,
nhưng là niềm vui và hy vọng của con người
thời đó. Ngài rảo khắp đất
nước Do Thái, để loan tin mừng Nước
Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa hiện diện với con
người. Ngài cần rảo khắp đất
nước Do Thái, để con người thời đó
được nhìn thấy Thiên Chúa “hữu hình” hiện
diện. Ngài là ân sủng cho những
người được gặp gỡ Ngài. Có thể
những người thời đó không nhận ra ân
sủng và tình yêu đang viếng thăm họ, đang hiện
diện với họ, nhưng thực sự là Thiên Chúa
đang hiện diện với con người một cách
rất cụ thể, con người có thể nhìn thấy
và đụng chạm tới Thiên Chúa được.
2. Đừng thiên vị nhưng hãy tôn trọng mọi
người vì họ là người
Con người của mọi thời đại vẫn
“trọng phú khinh bần”. Người
giầu luôn được người ta kính trọng, còn
người nghèo thường bị khinh dể. Đây là cách cư xử của người
“đời”. Nếu một người tin vào
Đức Giêsu, mà còn cư xử như người
“đời”, thì liệu họ có niềm tin vào Đức
Giêsu một cách thực sự không! Thư
thánh Giacôbê cho thấy cách cư xử của người
tin vào Đức Giêsu phải khác với cách cư xử
của người “đời”. Những
người tin vào Đức Giêsu, phải nhận ra giá
trị đích thực của con người không hệ
tại nơi của cải, nhưng hệ tại họ
là người.
Mỗi người, là một giá trị
tuyệt đối đối với Thiên Chúa và ngay cả
đối với con người. Giầu sang không có
giá trị gì khi đem so với giá trị của một
con người. Niềm tin Đức Giêsu là Ngôi Lời
Thiên Chúa nhập thể, cho người ta thấy con
người có giá trị như thế nào trước Thiên
Chúa. Vì nếu không có giá trị cao quý, tại sao Thiên Chúa
đã vĩnh viễn làm người, tại sao Thiên Chúa
phải chấp nhận sinh ra và sống nghèo hèn như
thế, tại sao Ngài phải chấp nhận cái chết
đau đớn và nhục nhã trên thập giá. Với Kitô
giáo, nhờ biến cố Lời Thiên Chúa nhập thể,
con người nhận ra giá trị tuyệt vời
của con người. Con người là một giá trị
tuyệt đối chỉ sau Thiên Chúa.
Đối xử với con người, là đối
xử với Thiên Chúa. Thiên tư tây vị,
trọng phú khinh bần, trọng người giầu khinh
người nghèo, là coi trọng vật chất hơn con
người. Đây là cách đối
xử sai lầm của nhiều người. Thiên Chúa không đối xử như vậy;
người của Thiên Chúa cũng không đối xử
như vậy. Nếu người nào
trọng người giầu và khinh người nghèo, là
người đó đang có “vấn đề”.
Đối xử như vậy, là dấu chỉ cho
thấy người đó chưa là một với Thiên
Chúa, chưa hiểu biết và chưa sống theo Thiên Chúa thật sự.
3. Thiên Chúa- Đấng Tuyệt Vời
Thiên
Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên
Chúa, nghĩa là, Ngài tạo dựng con người biết
yêu thương, cho con người có lý trí để làm
chủ vũ trụ thiên nhiên. Con người
được mời gọi để làm thế giới
này trở nên đẹp hơn, nơi con người
biết sống cho người khác, biết phục vụ
và giúp người khác; và như vậy con người
sẽ sống hạnh phúc. Yêu thương
không là một điều gì đã hoàn toàn thể hiện,
nhưng là chính con người với tất cả
cuộc sống của mình. Con người
được mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa
bằng tất cả đời sống của mình,
từng giây từng phút của cuộc sống mình.
Khi con người không yêu thương, không yêu thương
Thiên Chúa và không yêu thương anh chị em mình, thì bầu
khí không còn là bầu khí tin tưởng lẫn nhau. Lúc đó không có hạnh phúc nữa. Lúc này, con người là một mối đe
dọa cho nhau. Thiên Chúa lại tiếp tục có sáng
kiến mới để làm con người trở lại
với Thiên Chúa, để con người sống yêu
thương và sống hạnh phúc. Sáng
kiến của Thiên Chúa đạt tới tuyệt
đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô, và điều này
vẫn còn được tiếp tục trong dòng lịch
sử, nơi cuộc đời của mỗi con
người. Thiên Chúa vẫn đang
mời gọi, và làm con người sống yêu
thương từng ngày trong cuộc sống mỗi
người.
Đức Giêsu là Đấng sống yêu thương con
người. Nhiều người được mời
gọi để trở thành dấu chỉ Thiên Chúa
hiện diện và yêu thương con người hôm nay.
Hành vi cứu độ là hành vi đang
thực hiện, đang hoàn tất. Công cuộc này sẽ
hoàn tất vào ngày cánh chung, ngày Con Người vinh quang
ngự đến để xét xử địa cầu,
để làm tất cả nên hoàn hảo, để làm
tất cả đạt tới tầm mức tuyệt
vời của nó trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên
Chúa thật là Đấng Tuyệt Vời trong hành vi sáng tạo và liên tục làm người ta
sống yêu thương qua Đức Giêsu và trong Thánh
Thần Tình Yêu của Ngài.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1.
Thiên Chúa là ai, với
bạn?
2.
Đức Giêsu mang gì
lại cho bạn?
3.
Làm gì để môi
trường bạn sống tin tưởng nhau hơn và
hạnh phúc hơn?
Lm. Phạm Thanh Liêm, SJ
|