CÂM ĐIẾC THIÊNG LIÊNG
Mc. 7,31-37
Lm. Giacôbê Phạm Văn
Phượng, OP.
Những công việc và phép lạ Chúa Giêsu làm
khi ở trần gian, thường có nhiều ý nghĩa.
Chúa đã làm một công đôi ba việc, hay
nhất cữ lưỡng tiện. Chẳng
hạn như phép lạ chữa người câm
điếc kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa đã làm một cách trịnh trọng khác
thường. Những lần khác Chúa chỉ nói
một tiếng hay làm một cử chỉ đơn
sơ như đụng chạm tới, đặt tay trên đầu bệnh nhân hoặc cầm
tay người chết…thế là phép lạ đã
được thực hiện. Vậy mà
đối với người câm điếc này, cách Chúa
làm có vẻ phiền phức hơn. Những
cử chỉ phiền phức ấy đều có ý
nghĩa tượng trưng của chúng.
Trước hết, Chúa đưa
người câm điếc ra khỏi đám đông. Vì Chúa không muốn cho dân chúng phấn khởi quá
đáng, có thể gây nên bạo động; đồng
thời Chúa cũng không muốn cho họ hiểu lầm
những cử chỉ tượng trưng của Ngài.
Phép lạ này xảy ra ở miền Thập Tỉnh, là
nơi có nhiều người ngoại giáo ở lẫn
lộn với người Do thái, nên chắc chắn
họ không hiểu được ý nghĩa tượng
trưng của việc Chúa làm và như thế họ
sẽ cho Ngài là một thầy phù thủy cao tay, dùng phù phép
và thần chú để chữa bệnh. Hơn
nữa, việc Chúa đưa người câm điếc
ra khỏi đám đông, còn dạy chúng ta sự khôn ngoan,
kín đáo và khiêm tốn.
Thứ hai, Chúa xỏ ngón tay vào tai
người câm điếc. Đối
với những người nghe được thì bao
giờ Chúa cũng dùng lời nói để đòi
điều kiện đức tin. Còn
đối với người điếc thì cần
phải có cử chỉ. Cử chỉ
sẽ gây nên công hiệu làm nảy nở lòng tin để
tin vào quyền phép Đấng làm phép lạ. Việc
Chúa xỏ ngón tay vào tai người câm
điếc tượng trưng cho sức mạnh Thiên
Chúa. Chúa đặt tay vào tai để
chuyển thông một sức linh diệu, một sự
nhạy bén, để họ có thể nghe thấy tiếng
Chúa cách dễ dàng.
Thứ ba, Chúa bôi nước bọt vào
lưỡi người câm điếc. Có vẻ
mất vệ sinh không ? Cứ sự
thường nước bọt có chứa nhiều vi trùng, nhất là nước bọt của
người bệnh. Nhưng đối với Chúa là
Đấng tạo dựng con người và kể cả
những vi trùng kia thì không có gì là mất
vệ sinh. Chúa dùng một chút nước
bọt như vậy để cho bệnh nhân ngoại giáo
này nhận ra một cử chỉ uy quyền của Chúa
sắp làm. Bệnh nhân này bị câm
điếc nên cách liên lạc với anh ta chỉ còn
bằng cử điệu mà thôi, nên dễ hiểu Chúa Giêsu
đã làm cử chỉ này để lôi kéo anh ta chú ý vào Chúa.
Sau cùng, Chúa ngước mắt lên trời, thở dài và nói
“Ép-pha-tha : hãy mở ra”. Không
mấy khi đứng trước những bệnh tật
đau khổ của thân xác con người mà Chúa không
nghĩ tới những khốn khổ của linh hồn
họ. Có lẽ sự liên tưởng đó đã
khiến Chúa phát ra tiếng thở dài ấy chăng
? Nhưng dù khốn khổ thế nào
chăng nữa, cũng không phải là vô phương
cứu chữa. Đôi mắt Chúa
ngước lên trời bày tỏ một niềm hy vọng
sâu xa vào quyền phép của Chúa. Một tiếng :
“Phi-át : xin vâng” đã lôi cả vũ trụ vạn vật
từ chỗ không đến có, thì tiếng “Ép-pha-tha” này
cũng chữa lại vài sự lệch lạc nơi tạo
vật ấy một cách dễ dàng như vậy.
Thường thường những
người mới sinh ra mà đã bị câm thì cũng
bị điếc luôn. Người câm và
điếc bị thiệt thòi rất nhiều và mất
đi nhiều hạnh phúc của cuộc đời.
Ngoài trường hợp câm điếc bẩm sinh,
người ta có thể bị câm điếc vì một
bệnh tật hay một tai nạn nào
đó. Dù câm điếc vì lý do gì vẫn là những
người đáng thương và cần sự giúp
đỡ của chúng ta.
Tuy nhiên, ngoài những người câm điếc thực
sự về thể xác này, còn có những hình thức câm
điếc khác nữa, hiểu theo
nghĩa bóng hoặc về phương diện tinh
thần, thiêng liêng. Chẳng hạn có những người
câm điếc vì không muốn nói; không muốn nghe, do
một lý tưởng nào đó tác động
: hạng người này rất hiếm và có thể
có những trường hợp rất đáng khen tụng,
đó là những anh hùng tuẫn giáo hay những chiến
sĩ, cán bộ can trường, nhất định không
chịu tiết lộ bí mật, không chịu phản
bội lý tưởng. Ngược lại, có
những người câm điếc cố tình, vì ỷ
lại, ươn hèn, sợ hãi. Hạng
người này lại đáng chê trách.
Lại có những người câm điếc
khi bảo gì cũng không chịu nghe, hay chỉ nghe
trước quên sau. Người ta gọi họ là
những người cứng đầu cứng cổ,
cố chấp, lì lợm : tai trâu, tau
cối, lơ dễnh. Lại có những người ù lì,
hèn nhát, sợ sệt, hỏi không nói, gọi không thưa,
hay có nói thì ấp úng, không thưa được nửa
lời, hay không chịu lên tiếng khi cần, khi có
nhiệm vụ, khi có trách nhiệm bênh vực sự
thật. Những người đó cũng
được xếp vào loại những người câm.
Sau hết, có những người câm
điếc thiêng liêng. Câm thiêng liêng là những
người không biết dùng miệng lưỡi
để ca tụng Chúa, không dám nói sự thật hay
bẻ cong sự thật. Là cha mẹ mà không
biết dùng lời nói khôn ngoan, đứng đắn
để dạy dỗ con cái. Trong nhà
thờ, không mở miệng đọc kinh, ca hát.
Ở ngoài xã hội không dám nói về đạo hay bênh
vực sự thật khi cần phải lên tiếng vv…Còn
điếc thiêng liêng là những người không muốn
nghe Lời Chúa, không muốn nghe tiếng Chúa nhắc
nhở qua lương tâm hay những người
đại diện Chúa, không thích nghe những chuyện
đạo đức, trong khi đó lại thích nghe
những chuyện tào lao, những chuyện gây thương
tổn cho linh hồn mình vv…Đàng khác, câm điếc thiêng
liêng có thể là những người khép kín trong chính mình,
không chịu đối thoại, trao đổi…như
thế dễ rơi vào tình trạng tự tôn, tự cao
hoặc cố chấp, yếm thế, bi quan, chán nản. Tóm lại, bệnh câm điếc thiêng liêng nào
cũng nguy hiểm, chúng ta cần đề cao cảnh giác
và sửa chữa.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
|