TRUNG THỰC
“Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác.” (Mt 23,28)
Suy niệm: Khi có sự sai lệch giữa thực tế với thông tin nhận được, người đời thường mỉa mai nói: “Dzậy mà không phải dzậy!” Đấy là trường hợp hàng giả, bằng cấp giả, bệnh thành tích, các lối quảng cáo khuyến mãi vô trách nhiệm... Trong đời sống tôn giáo cũng đầy những sự kiện tương tự: “miệng nam mô, bụng bồ dao găm,” “miệng thời chúc phúc cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.” Chúa Giêsu vẫn đả kích những người Biệt phái giữ đạo vụ hình thức, coi đó là thứ đạo đức giả dối, giống như “mồ mả tô vôi.” Ngài muốn xây dựng một sống đạo chân thật, trong sáng trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Mời Bạn: Nhiều người không tiếc lời khen lòng đạo của giáo dân Việt Nam, với nhà thờ đầy ắp người, lễ hội hoàng tráng; trong khi đó nhiều người khác cho rằng: lối giữ đạo của ta nặng phần hình thức trình diễn: rước xách, hội hè linh đình, nhưng thiếu thực thi bác ái, dấn thân cho công bằng xã hội, ra đi truyền giáo hay thiếu việc học hỏi sâu xa về Thánh Kinh và giáo lý... Nếu đúng như vậy, thì tinh thần Pharisiêu đang len lỏi vào đời sống dân Chúa, thúc đẩy họ làm những điều Chúa ghét bỏ.
Chia sẻ: Có sinh hoạt nào trong xứ đã bị thoái hóa cần phải chấn chỉnh lại không (vd: hội họp đi kèm với ăn uống nhậu nhẹt, ngắm nguyện thành chỗ giễu cợt, xây dựng thành dịp khoe khoang...)?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình theo phương pháp XEM-XÉT-LÀM để cởi bỏ những ảo tưởng về mình và những cách sống không hợp với mẫu gương và giáo huấn của Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.
LỜI NGÀI
Hôm ấy, một thừa sai Công giáo gặp một cậu bé người Ả Rập trên đường từ trường về nhà. Nhà truyền giáo vui vẻ hỏi:
- Sao, hôm nay con học thêm được gì về sách Coran?
Mắt cậu bé sáng lên và mau mắn đọc thuộc lòng những câu trích từ sách Coran là sách thánh của các tín đồ Hồi Giáo. Nhà truyền giáo nói thêm:
- Bây giờ, con thử viết những lời đó trên đất để cha có thể hiểu được dễ dàng hơn và học mau thuộc hơn không?
Cậu bé đáp:
- Thưa cha, không được! Lời Thánh phải được viết trong trí và ghi khắc trong lòng chứ không thể viết trên đất được.
Câu trả lời đơn thành của cậu bé mang một ý nghĩa rất sâu xa, và nói lên lòng tin của cậu về giá trị của lời Thánh.
***
Lắm khi chúng ta sử dụng lời nói một cách bừa bãi vì thấy rằng chúng vô hại. Dù chúng ta có ý thức hay không lời nói luôn dẫn đến thực tế. Khi chúng ta để cho cơn giận bùng lên thành những lời nói bạo động thì những lời nói cũng sẽ tạo ra một phản ứng bạo động nơi người khác. "Lòng đầy miệng mới nói ra" (Mt 12,34). Chúa Giêsu đã tuyên bố điều đó dựa trên chính cuộc sống của Ngaì. "Hiền lành và khiêm nhường trong lòng", tâm hồn Chúa Giêsu được lấp đầy bằng những tâm tình yêu thương, cảm thông, tha thứ. Do đó, những lời nói của Ngài chỉ có thể là những lời nói của hoà bình, của cảm thông, của tha thứ. Kitô giáo chính là đạo của Lời, Lời chính là Con Thiên Chúa nhập thể, đấng chính là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Giáo hội là cộng đồng những kẻ nghe, tin nhận Lời Ngài và đem ra thực hành trong cuộc sống. Lời của Ngài là lương thực hàng ngày trong cuộc sống, Lời của Ngài là ý lực sống của họ Sống đạo là để cho Lời của Ngài tuôn trào ra cửa miệng và thấm nhuần môi trường sống.
***
Lạy Chúa, thay cho những lời gian dối đang tràn ngập xã hội, xin cho con chỉ biết nói những lời chân thật. Thay cho những lời hận thù đố kỵ, xin cho con chỉ biết nói lời hoà bình yêu thương. Thay cho những lời phê bình, kết án, xin cho con chỉ biết nói những lời cảm thông tha thứ. Thay cho những lời bi quan thất vọng, xin cho con chỉ biết nói những lời lạc quan tin tưởng. Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con luôn rộng mở để đón nhận và thấm nhuần Lời Chúa trong cuộc sống con. Amen!
Thiên Phúc Ngọc Nga sưu tầm
|