Giáp mặt
Có một cuộc triển
lãm lấy tên là “Hàng thật hàng giả”. Cuộc triển
lãm này nhằm giới thiệu bộ mặt hàng hóa trong
bối cảnh thị trường hiện nay, để
nhà sản xuất và người tiêu dùng có cơ hội
nắm vững tình hình. Qui mô triển lãm
không lớn, thời gian trưng bày không lâu, nhưng ý
nghĩa của nó được đánh giá không phải là
nhỏ. Bởi lẽ nó gợi mở một dư
luận đúng đắn trong đạo đức kinh
doanh, nhằm tẩy chay hàng giả và cổ võ hàng thật,
đồng thời góp phần hình thành một cung cách làm
ăn sao cho chữ tín được tôn trọng và bảo
vệ. Nhiều tờ báo đã đánh giá cao
cuộc triển lãm này, có báo cho rằng đó là “một
cuộc giáp mặt đầy lý thú”.
Bài Tin Mừng hôm nay,
dầu chẳng liên quan gì đến cuộc triển lãm,
nhưng cũng diễn ra như một cuộc giáp mặt
giữa một bên là những người Pharisêu và kinh
sư, còn bên kia là Chúa Giêsu và các môn đệ, với câu
hỏi mở đầu xoay quanh vấn đề
“sạch và dơ” theo luật lệ, để rồi
cuối cùng trong câu trả lời mang tính cật vấn,
Chúa Giêsu đã trực tiếp tố giác một lối
sống đạo đức giả hình, và qua đó gián
tiếp dạy bảo một lối sống mới trong
đạo đức đích thực.
Trong Tin Mừng chúng ta hay
nghe nói đến những người Pharisêu và kinh sư. Đây là những người sinh ra và lớn lên
trong bầu khí đạo giáo, có người lại
được huấn luyện nâng cao để trở
thành những chuyên viên luật lệ, cuộc đời
họ dường như gắn bó với luật lệ.
Nếu chỉ có thế thì chẳng có gì phải nói,
nhưng đàng này, dần dần họ cấu kết với
nhau thành một nhóm nắm quyền giải thích và áp
dụng luật lệ, để rồi tha hồ thao túng
đến nỗi lấn lướt cả quyền lập
pháp khi họ tự ý thêm bớt đủ điều, làm
cho luật lệ mất đi dáng dấp nguyên thủy,
đành lép vế dưới lớp áo truyền thống
phàm nhân. Trên cơ sở đó, Chúa Giêsu đã tố giác: “Các
ông gạt bỏ điều răn Thiên Chúa mà giữ
lấy tập tục loài người”.
Rồi như một
hệ lụy, những người Pharisêu và kinh sư
thường xuất hiện công khai qua dáng vẻ tự
phụ, cánh tay họ thò vào mọi ngõ ngách của cuộc
sống: dòm ngó, xét nét, hạch sách người khác ngay trong
những điều nhỏ nhặt như việc các môn
đệ không rửa tay trước khi ăn kể
lại trong Tin Mừng hôm nay.
Nhưng chính ở đây,
bằng thái độ không khoan nhượng, Chúa Giêsu đã
giật rơi chiếc mặt nạ đạo
đức trên khuôn mặt họ, để trần
trụi ra họ chỉ là những kẻ giả hình. Rõ trơ
trẽn, xấu mà hay làm tốt. Điều làm cho
người ta thành dơ bẩn không phải ở chỗ
giữ hay không giữ tập tục rửa tay
trước khi ăn mà chính là tâm địa của
người ta. Đạo đâu phải là tuân
giữ các tập tục và thực hành các nghi thức mà là một
thái độ sống.
Thế là người
cật vấn bây giờ trở thành kẻ bị cật
vấn. Qua những
người Pharisêu và kinh sư, Chúa Giêsu tố giác một lối
sống giả hình, giả dối: thể hiện bên ngoài
thì khác và trong lòng thì nghĩ khác, như tục ngữ đã
nói: “Khẩu Phật tâm xà” hay “Miệng thơn thớt
dạ ớt ngâm” để diễn tả những người
mang mặt nạ giả danh tốt đẹp, bên ngoài
với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc
bên trong. Hạng người như hạng tú bà bị
Nguyễn Du châm biếm trong truyện Kiều: “Bề ngoài thơn
thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết
người không dao”.
Chúng ta thường mắc
phải cái tật xấu giả hình, giả dối
của những người Pharisêu và kinh sư không? Chúng ta có coi nước
sơn bên ngoài quan trọng hơn thứ gỗ bên trong
không? Sống với nhau, chúng ta có đối xử
với nhau theo kiểu chỉ có bề
ngoài không? Lời Chúa hôm nay nhắc nhở
chúng ta hãy nhìn lại cách sống của mình.
Không những chúng ta không
được giả hình, giả dối mà còn phải
đấu tranh chống lại những cái giả chung
quanh nữa.
Những cái giả này ngày nay xuất hiện
dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp
độ khác nhau giữa chốn chợ đời,
cụ thể nhất là hàng giả và thuốc giả.
Mỗi cái giả đều có cái giá của nó trong sự
tác hại: hàng giả gây nên “tiền mất” cho
người mua sắm, thuốc giả gây thêm “tật mang”
cho kẻ tin dùng. Còn người ta, một khi
đã trở thành giả, như giả nhân giả nghĩa
thì quả là mộït thảm họa không chỉ cho bản
thân mà còn cho những người lân cận nữa.
Trong cuộc chơi, như trong bóng đá chẳng hạn,
động tác giả được xem là mưu trí, nhưng
trong cuộc đời, động tác giả chỉ có
thể là trò trí trá của những con người đã
đánh mất phẩm chất đạo đức
nơi mình.
Cuộc giáp mặt giữa
những người Pharisêu và kinh sư với Chúa Giêsu và
các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng
ta liên tưởng tới những cuộc giáp mặt khác trong
cuộc đời. Quả thực, dù muốn dù không chúng ta
cũng sẽ thấy, sẽ gặp, sẽ chứng
kiến những cuộc giáp mặt cụ thể và quyết
liệt, như giữa hàng thật và hàng giả, của
công và của tư, phim sạch và phim đen, mặt
phải và mặt trái v.v… không có sẵn giải pháp cho
từng trường hợp, nhưng vẫn có lời gọi
hãy đứng về phía chân lý và hãy sống trung thực
trong bất cứ trường hợp nào.
Dĩ nhiên sự thật
tất thắng, nhưng đường đi đến
sự thật là cả một cuộc đấu tranh sinh
tử một mất một còn. Phân biệt thật
giả đã khó, yêu mến và thi hành sự thật lại
càng khó hơn, nó đòi hỏi lý trí và ý chí cũng như
sự trợ giúp của ơn thánh. Vì
thế, lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhận diện
lại cuộc sống đạo đức của mình,
đồng thời cũng là lời mời gọi hãy giành
lấy phần thắng giữa những cuộc giáp mặt
trong đời.
|