Đừng để lỡ
cơ hội
-
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Truyện cổ tích
Trung Quốc kể về sự tích “Con Thỏ Ngọc”
trên mặt trăng như sau: Thuở ấy, Ngọc Hoàng
Thượng Đế, muốn biết dân cư dưới
trần gian sinh sống ra sao, sai một ông tiên xuống
để quan sát. Ông tiên giả dạng làm một
người ăn mày già yếu, ăn mặc rách
rưới, đi lang thang vào một
buổi chiều mùa đông mưa lạnh. Ông lão đi ăn xin và xin chỗ trọ. Nhà đầu
tiên mà ông gõ cửa là nhà con chó sói. Hé cửa
nhìn ra, thấy ông lão già nua rách rưới, chó sói nhe nanh
đe dọa để xua đuổi. Ông
lão sợ hãi vội chạy đi. Nhà thứ hai mà ông
gõ cửa là nhà con cáo. Con cáo chửi mắng ông thậm
tệ nhưng chẳng cho gì. Buồn tủi,
ông lại tiếp tục đi dưới trời mưa
lạnh. Sau cùng ông gõ cửa một căn nhà bé
nhỏ. Đó là nhà con thỏ trắng. Thấy ông lão run
rẩy dưới trời mưa, Thỏ trắng vội
vàng mở cửa mời ông vào. Thỏ
đưa ông đến ngồi gần bên đống
lửa, đem quần áo ướt hong bên đống
lửa cho khô. Ông lão rên rỉ: “Cậu thỏ ơi,
tôi đói quá, cậu có gì cho tôi ăn
không? Nếu không tôi chết mất”.
Thỏ vội vàng thưa: “Thưa ông, mùa đông năm nay
kéo dài quá, nên rau cỏ dự trữ cháu đã ăn hết cả rồi. Nhưng cụ
yên trí, thế nào cháu cũng tìm được thức ăn đãi cụ”. Thỏ
chất thêm củi cho lửa cháy to hơn. Giữa lúc ông lão còn ngạc nhiên chưa biết
thỏ định làm gì thì thỏ đã nhảy vào
giữa đống lửa ngùn ngụt cháy. Chẳng
mấy chốc, một mùi thơm
tỏa lan cả căn nhà bé nhỏ. Thì ra thỏ đã
tự nguyện hy sinh thân mình, làm một món ăn
cho ông lão ăn mày. Ông lão về trời
tường trình mọi sự với Ngọc Hoàng
Thượng Đế. Ngọc Hoàng Thượng
Đế liền cho triệu sói, cáo và thỏ tới.
Sói và cáo bị trừng phạt nặng
nề. Còn thỏ thì được khen
thưởng cho ở trên Cung Trăng như một vị
thần. Nên người Trung Quốc
cũng gọi mặt trăng là Ngọc Thố.
Đây
chỉ là một câu chuyện cổ tích, không có thực. Nhưng ý nghĩa của
câu chuyện đáng cho ta suy nghĩ. Sói và cáo rất ân hận vì đã bỏ lỡ cơ hội.
Phải chi chúng biết đó là ông tiên thì chúng đã
tiếp đãi ân cần rồi. Nhưng bây giờ thì đã muộn. Chúng chẳng hy vọng gì chuộc lại
được lỗi lầm để trở thành
thần tiên. Cơ hội chẳng bao
giờ trở lại nữa.
Tương tự
như thế, những người ở làng quê Nagiarét hôm
nay cũng đã để lỡ cơ hội đón
tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa giả dạng
làm một người thường đến sống
giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết
đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ
chỉ biết gia đình Người rất nghèo,
chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi
thường Người. Họ không tin Người.
Họ hất hủi Người. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn
năm một thuở. Đức Giêsu
không làm một phép lạ nào ở đó. Người
bỏ Nagiarét đi đến các làng chung
quanh. Và Người sẽ chẳng bao giờ
trở lại Nagiarét nữa. Đó là
cơ hội cuối cùng cho họ.
Hằng
ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ
hội như thế. Ta
đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến
thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những
cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai
không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ
trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta
ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn
nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ
lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để
ăn năn sám hối. Chúa đã
nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các
vị bề trên; qua các tai nạn; qua
lời khuyên của những người thân; qua lời phê
phán của những người thù ghét ta. Hôm
nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là
lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao
giờ nhắc nhở nữa. Chúa
sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và
không bao giờ trở lại. Như
thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta.
Để
nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một
đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin
giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen
giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố
Chúa gửi đến.
Để đón
tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương.
Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy
để nghe được tiếng nói của Chúa, dù
tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng
mình; hiểu được những dấu chỉ của
Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ
thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù
khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những
đau thương của cuộc đời.
Lạy
Chúa, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón
nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.
KIỂM
ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1)
Có khi nào bạn đã để lỡ cơ hội đón
tiếp Chúa?
2)
Bạn đánh giá một người theo
giá trị thực sự của họ hay theo cảm
nghĩ của bạn dựa trên những hiểu biết
về gia cảnh, về lý lịch của họ?
3)
Bạn cần chuẩn bị những gì để
khỏi lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?
-
ĐTGM. Ngô Quang
Kiệt
|