VietCatholic News
ÐỀN BỬU CHÂU, ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU, TRUNG TÂM THÁNH MẪU TRÀ KIỆU
Ðền Bửu Châu, Đức Mẹ Trà Kiệu hay còn gọi là Nhà thờ Núi, được xây cất vào năm 1898 (sau biến cố Văn Thân) để dâng kính cách riêng cho Ðức Mẹ Maria.
Như chúng ta đã biết, Giáo xứ Trà Kiệu sống còn là nhờ sự che chở đặc biệt của Mẹ Maria, trước sự tàn sát khốc liệt của Văn Thân. Vì thế để tỏ lòng biết ơn Mẹ và ghi dấu cho muôn đời con cháu về sau, Giáo xứ Trà Kiệu đã xây dựng một ngôi Thánh Ðường bé nhỏ xinh đẹp để dâng kính Mẹ với tước hiệu "Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu" (B. Maria Auxilium Christianorum).
Thánh Ðường Mẹ được xây dựng trên ngọn đồi Bửu Châu (hay Non Trượt), là nơi mà giáo dân Trà Kiệu đã bất ngờ tiến chiếm và giao tranh với quân Văn Thân trận cuối cùng vào ngày 21 tháng 9 năm 1885, và đã chiến thắng, cứu thoát Giáo xứ khỏi sự tàn sát. Trước biến cố Văn Thân, ngọn đồi Bửu Châu có một ngôi đình nhỏ bỏ hoang ít ai lui tới, khi Văn Thân kéo đến bao vây Giáo xứ thì họ liền chiếm ngọn đồi Hòn Bằng (Kim Sơn) ở phía Tây và ngọn đồi Bửu Châu (ở phía Ðông) để làm nơi canh gác cẩn mật. Nhất là sau khi Giáo xứ tiến chiếm lại ngọn đồi Kim Sơn (12/9/1885) thì Văn Thân lại tập trung về canh giữ đồi Bửu Châu. Nhưng sau khi giáo dân Trà Kiệu đã tiến chiếm được ngọn đồi Bửu Châu này và đánh đuổi quân Văn Thân tháo chạy, thì giáo xứ hoàn toàn chiếm giữ ngọn đồi này.
Cho đến năm 1898 (năm Mậu Tuất) nghĩa là sau 13 năm Ðức Mẹ hiện ra cứu nguy cho Giáo xứ, khi đã hoàn thành công tác trùng tu tái thiết lại ngôi Thánh Ðường chính, Cố Nhơn và Giáo xứ Trà Kiệu bắt đầu xây dựng Thánh Ðường Mẹ tại đồi Bửu Châu. Ngôi đền Mẹ đầu tiên này cũng chỉ làm bằng gỗ đơn sơ bé nhỏ nhằm mục đích để mãi mãi ghi nhớ Hồng ân cao quí là Mẹ đã cứu thoát Giáo xứ khỏi cơn giáo nạn khủng khiếp. Ngôi nhà thờ này đã bị sét đánh lần đầu vào khoảng năm 1915 và đến năm 1927 thì bị sét đánh một lần nữa, hư hại nặng nề, tượng Ðức Mẹ bị bể, cho nên Cố Lân đã cho xây dựng lại một ngôi Thánh Ðường bằng gạch, mái lợp ngói rất xinh đẹp và có một hệ thống thu sét. Trong khi tháo gỡ đền cũ người ta thấy trên một cây trính có ghi ba chữ "Mậu Tuất niên", tức là ghi lại cái năm bắt đầu khởi công tạo dựng đền Mẹ (Mậu Tuất là năm 1898). Công trình xây dựng lại nhà thờ núi kéo dài trong hai năm từ năm 1927 đến năm 1928 mới hoàn tất.
Ðến năm 1963 khi Ðức Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được Tòa Thánh bổ nhiệm về làm Giám mục Ðà Nẵng tiên khởi (giáo phận mới thành lập) thì ngài đã chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu toàn giáo phận Ðà Nẵng, nên đã có chương trình chỉnh trang tu sửa và cải tạo lại toàn khu đền Mẹ. Ðể thực hiện chương trình chỉnh trang này, Ðức Cha Chi mới bổ nhiệm Linh mục Phêrô Lê Như Hảo, một Linh mục trẻ và có năng lực kiến thiết, về làm Cha sở Trà Kiệu kiêm Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu.
Vì thế khi Linh mục Hảo đến nhậm nhiệm sở Trà Kiệu (10-6-1963) việc đầu tiên là lo xây dựng khu Trung Tâm Thánh Mẫu. Sau 3 năm chuẩn bị ngày 8-8-1966 Cha Hảo bắt đầu khởi công xây dựng lại ngôi đền Mẹ trên đồi Bửu Châu. Ngôi nhà thờ cũ được xây dựng vào năm 1927 dưới thời cố Lân, lại phải triệt hạ, để thay vào đó một ngôi đền mới, kiến trúc hiện đại và do kiến trúc sư Công giáo danh tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế bằng bêtông cốt thép.
Theo kiến trúc mới chúng ta không còn ý niệm về một ngôi nhà thờ Mẹ mà mang ý nghĩa của một ngôi Ðền Mẹ, vì công trình được kiến trúc dạng tam giác ba mặt không có bao che để người ta có thể cầu nguyện từ ba phía. Cái nét đẹp của Ðền Mẹ là tháp tam giác vươn cao lên không gian đến 38 mét kể từ mặt nền (theo bản vẽ kiến trúc), nhưng thực tế thì Cha Hảo mới cho thi công đến cao trình 9 mét, còn 29 mét chiều cao chưa được thi công. Nếu như Ðền Mẹ được thực hiện đúng theo sơ đồ thiết kế thì đây là một công trình rất đẹp, hài hòa với ngọn đồi Bửu Châu mà mặt bằng ở chóp đỉnh là một hình Oval. Công trình này do thầy Lê Công Khanh chỉ đạo thi công.
Và nếu như không có ơn Mẹ chở che thì ngôi Ðền Mẹ chưa kịp hoàn thành này cũng như ngọn đồi Bửu Châu đã bị quả bom 500kg của máy bay B.52 Mỹ phá hủy cả rồi. Vào một đêm trung tuần tháng 12 năm 1966, B.52 của Mỹ thả bom ở khu vực Hoàng Châu (bên cạnh Trà Kiệu) lại rơi xuống ngay trên ngọn đồi Bửu Châu. Ðiều kỳ lạ nhất là quả bom đó rơi đúng phần sân phía trước, ngay trên đống cát bên cạnh các đống gạch đá, sắt thép ngổn ngang và quả bom không nổ...
Chính Linh mục Nguyễn Thanh Châu, lúc đó là Phó xứ Trà Kiệu cũng đã ghi lại như sau:
"... Cũng vào tháng 12 năm này (1966), trong lúc tôi và các trưởng Hùng Tâm Dũng Chí đang dượt văn nghệ cho các đội văn nghệ để mừng Chúa Giáng Sinh, thì một trái bom 500kg, do máy bay B.52 bỏ ở khu vực Hoàng Châu đã rơi xuống đống cát, giữa đống đá, sắt bên cạnh, bom chỉ vang lên một tiếng "bịch", khắp cả Trà Kiệu nghe rõ. Mọi người đổ xô lên núi Bửu Châu xem hiện tượng vừa xảy ra vào lúc 9 giờ tối tháng 12 năm 1966...".
Sáng hôm sau, lính Ðại Hàn ở trên Hòn Bằng xuống tháo kíp nổ, còn quả bom thì để lại làm kỷ niệm.
Quả bom này được để tại sân nhà thờ núi cho đến thời Cha quản xứ Nguyễn Trường Thăng, do mưa gió làm sân sụt lở, quả bom cũng bị cuốn theo và người ta đã thừa cơ hội đem đi bán phế liệu...
Sau 25 năm xây dựng, nền móng chung quanh Ðền Mẹ bị mưa bão và thiên tai tàn phá làm sụt lở đất nền, nên Cha Nguyễn Trường Thăng, quản xứ Trà Kiệu đã cho xây kè đá và đúc sàn bêtông phía sân trước để chống lại sự xói mòn của mưa gió. Công việc tu sửa chống sụt lở này được thi công vào cuối năm 1987, trước khi Cha Thăng được chuyển về quản xứ Giáo xứ Chính Tòa Ðà Nẵng
Khi Cha Mai Văn Tôn về quản xứ thay Cha Thăng (1989) thì mưa bão lại tiếp tục đe dọa đến phía sau và hai bên hông của Ðền Mẹ. Lượng nước mưa mỗi năm càng lớn, xói mòn nhiều, nhất là góc tam giác phía sau, khiến đất lở sát đến chân móng, có dấu hiệu làm rạn nứt cột móng. Nếu như không trùng tu kịp thời thì trong vòng vài năm nữa Ðền Mẹ sẽ sụt lở nguy hiểm. Tuy nhiên kinh phí để tu sửa mới là điều nan giải. Công sức của giáo dân Trà Kiệu thì có, nhưng tiền của thì lại quá khó khăn. Mãi cho đến cuối năm 1991, tình hình khá nguy ngập, không thể chờ đợi được, nên Cha Tôn nghĩ đến việc kêu gọi sự trợ giúp của những người con Giáo xứ hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Cha nhờ anh Phạm Cảnh Ðáng khảo sát và lập một họa đồ chống sụt lở phần sau và hai bên hông, đồng thời lập bảng dự toán kinh phí tu sửa. Khi họa đồ và bảng dự toán kinh phí hoàn thành, Cha Tôn đã gởi thư kêu gọi tất cả con cái Mẹ Trà Kiệu ở hải ngoại để xin rộng tay giúp đỡ. (Thư và họa đồ được đăng trên tờ "Ðức Mẹ Trà Kiệu" của Hội Con Cái Mẹ Trà Kiệu hải ngoại số tháng 11-1992). Một năm sau nhờ sự nhiệt tình với Mẹ quê hương, anh chị em Trà Kiệu hải ngoại đã vận động đóng góp được một số tiền lớn và chuyển về cho Cha Tôn qua Tòa Giám mục Ðà Nẵng. Ðến khoảng tháng 7 năm 1993 thì công trình chống sụt lở Ðền Mẹ được bắt đầu khởi công, cho đến ngày 28 tháng 8 năm 1993 thì đợt đổ bêtông cuối cùng đã hoàn tất. Sau đó là công việc trang trí bao lơn chung quanh Ðền Mẹ.
Cho đến nay thì toàn bộ phần sân của ngôi đền Mẹ đã được xây kè và đúc sàn bêtông cốt thép để có thể chịu đựng được sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên thời tiết.
Ngày nay, nhà thờ Núi còn được nhìn nhận là một điểm tham quan trong tỉnh Quảng Nam. Ông Võ Thanh Vân, trong tạp chí Văn hóa Quảng Nam số 5 tháng 12 năm 1997, đã nói về nhà thờ núi Trà Kiệu như sau:
"Ðến với Duy Xuyên, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi dừng chân giữa cảnh trời mây non nước Trà Kiệu: "Nhà thờ Núi Trà Kiệu", "Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu" là những danh lam thắng cảnh mang tính văn hóa và lịch sử của Công giáo Duy Xuyên. Có thể nói "Nhà thờ Núi Trà Kiệu" cuốn hút khách tham quan du lịch nhiều nơi từ cái vẻ huyền bí và lộng lẫy. Truyền thuyết xưa kể rằng: Ðêm 19/9/1885 Ðức Mẹ Maria xuất hiện ngay trên đồi Bửu Châu (thực ra thì Ðức Mẹ hiện ra vào ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1885 tại nhà thờ trên, chứ không phải tại đồi Bửu Châu -LTG). Ðể tưởng nhớ Ðức Mẹ Maria, đền thờ núi được chính thức xây dựng từ đó.
Ðứng trên đồi Bửu Châu, bất giác tôi nhớ lại công trình khai sơn phá thạch của giáo dân Duy Sơn. Với 150 bậc cấp dẫn du khách đến đền thờ Thánh Mẫu Maria. Trên đồi Bửu Châu lộng gió nhìn xuống Trà Kiệu như một thành phố thu nhỏ, xa xa là những cánh rừng, thảo nguyên, bình minh, chân trời... Vào đêm đẹp trời nào đó, đến với đồi Bửu Châu, du khách sẽ được thưởng ngoạn một Trà Kiệu lung linh dưới ánh đèn mờ và sao trời, chẳng khác nào cái tết "Nguyên Tiêu" trên đồi Ngự Bình, ở thành phố Huế mộng mơ...".
Ðền Bửu Châu là gia bảo quý báu của Giáo xứ Trà Kiệu, là dòng sữa thần linh nuôi sống bao đời, là dấu ấn quý yêu của tất cả mọi người con Giáo xứ. Ðền Bửu Châu còn là niềm an vui tự tại, là nỗi dịu vợi tâm hồn, là ước vọng tràn đầy cho khách đến viếng thăm, cho dù khách chưa bao giờ biết Mẹ.
Ta hãy nghe một trong muôn vàn người khách đến viếng đồi Bửu Châu đã ghi lại nơi sổ vàng kỷ niệm:
"Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ, Giữa đáy trưa, trong lòng Mẹ vô cùng. Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió, Mẹ là trời, con là hạt sương rung. .." ("Việt Muôn Ðời" Thi sĩ Xuân Diệu - 20.5.1983)
Duy Trà Phạm cảnh Đáng
|