Bài 23: Theo lịch sử, Phaolô bắt
đầu hành trình truyền giáo lần thứ nhất
khoảng sau năm 45. Vậy từ khi trở lại
ở Damascus
(khoảng năm 36) đến sau năm 45, thánh Phaolô làm gì?
ở đâu?
Học hỏi thánh
Phaolô, ta không dễ dàng bỏ qua thời gian “biệt âm vô
tín” khá dài trong hơn mười năm trời, sau khi thánh
nhân trở lại trên đường Damascus. Chúng ta không có tài liệu nào nói chính xác
thánh nhân làm gì, ở đâu trong thời gian này, dù có nhắc
đến những địa danh Syria, Arập, Judea và
Celicia là những nơi thánh nhân đi qua.
Khác với những
chi tiết kể lại trong ba hành trình truyền giáo,
những gì thánh Phaolô làm trong thời gian này không
được kể lại cách mạch lạc có thứ
tự thời gian, mà thường thiếu rõ ràng, và đòi
hỏi các nhà chuyên môn phải dàn dựng bối cảnh.
Qua những yếu
tố góp nhặt trong Công Vụ Tông Đồ và trong các
thư thánh Phaolô viết, các nhà kinh thánh có thể cắt
nghiã phần nào những hoạt động của thánh
Phaolô trong thời gian “âm thầm” này.
Sách Công Vụ Tông
Đồ kể những sinh hoạt của Phaolô gần
như liên tục, nghĩa là, ngay sau khi gặp Chúa Giêsu trên
đường Damascus, Phaolô đi rao giảng tin mừng
Chúa Giêsu Kitô trong các hội đường (Cvtd 9:8-20).
Nhưng khi đọc
thư gởi tín hữu Galata, thánh Phaolô tự thuật là
sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Ngài: “cũng
chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là
Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi
đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về
Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện
kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười
lăm ngày” (Gal 1:17-18). Và bẳng đi một thời
gian dài, Ngài lên lại Jerusalem: “Rồi sau
mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một
lần nữa” (Gal 2:1).
Lí do nào khiến thánh
Phaolô không đi rao giảng tin mừng đến những
vùng xa xôi ngay sau sự kiện Damascus, mà đợi thời gian dài như
vậy? Một vài yếu tố ảnh hưởng
đến sự kiện này.
Thứ nhất về
mặt lịch sử, thời đó dưới quyền
quan Caligula (khoảng năm 37-40) có những khủng
hoảng về chính trị và kinh tế trong những thành
phố lớn vùng Địa Trung Hải. Rồi cuộc
xung đột căng thẳng, gần dẫn đến
nội chiến, giữa người Hi Lạp và Do Thái
trong vùng Alexandria bấy giờ. Những điều này
có thể làm hạn chế việc đi lại của
Phaolô khiến Phaolô ở lại Cilicia một thời gian dài.
Thứ hai là trong
suốt hơn mười năm này, Phaolô vẫn đi rao
giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Đối tượng
Phaolô nhắm có thể là những người
được gọi là “kính sợ Thiên Chúa”, một danh
từ dùng để chỉ những người dân
ngoại (Hi Lạp) tin vào những giá trị luân lý của Do
Thái giáo và tham dự những buổi thờ phượng
trong Hội Đường, nhưng họ không chịu
cắt bì và không giữ hết các luật của Môisê.
Thánh Phaolô kể: “Năm lần tôi bị
người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt
một” (2 Cor 11:24). Đây là bằng chứng Phaolô tìm
đến rao giảng trong các Hội Đường, có
thể nhằm vào những người “kính sợ Thiên
Chúa”, và bị trừng phạt theo luật Do Thái (Đệ Nhị Luật 25:3).
Người ta đoán lý do thánh Phaolô bị đánh đòn vì
dám rao giảng Đức Giêsu là đấng Messiah trong các
hội đường (xem 1 Cor 1:23).
Thứ ba là khi Phaolô
lên Jerusalem lần thứ hai, sau mười
bốn năm, Ngài đi với Barnabas và đem theo Titô
để trình bày với các tông đồ về vấn
đề các người ngoại gia nhập Kitô giáo (Gal
2:1). Phaolô nói: “Tôi lên đó vì
được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho
người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại”
(Gal 2:2). Điều này chứng minh Phaolô đã đi rao
giảng tin mừng trong những năm này, và số
người ngoại tin theo Chúa Giêsu đông đến
nổi Ngài cần lên Jerusalem để tranh luận cho
quyền lợi của họ, và hy vọng tìm ra câu trả
lời.
Tóm lại, từ sau
ngày gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô có thể ở ẩn chừng ba năm trong
vùng Arập rồi về Damascus (Gal 1:17). Sau đó Ngài rao giảng tin
mừng, trước hết cho người “kính sợ
Thiên Chúa” (dân ngoại tin theo Do Thái giáo), trong các Hội
Đường. Sau này Ngài rao giảng cho dân ngoại, mà cao
điểm là ba hành trình truyền giáo.
Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
|