Bài 17
(tiếp theo) Barnabas
Barnabas, một người
Do Thái thuộc dòng họ Lêvi, quê ở Cyprus, đã bán
thửa ruộng lấy tiền đặt dưới chân
các tông đồ (Cvtđ 4:36-37),
và có một vai trò quan trọng trong thư gởi tín hữu
Galata (Gal 2:1-13; xem thêm 1 Cor 9:6).
Paul cho rằng Barnabas
đã dính líu đến vụ căng thẳng về
vấn đề đòi hỏi những người dân
ngoại theo Kitô giáo phải giữ những luật về
ăn uống theo Luật Môisê. Ban đầu, Barnabas
đồng hành với Phaolô đến Jerusalem,
và ở đó ông được chúc lành và được
sai đi đến dân ngoại. Nhưng thánh Phaolô nhận
định rằng sau này Barnabas bị lôi cuốn bởi
Phêrô và những Kitô hữu gốc Do thái sống giả hình
(Gal 2:13), nghĩa là họ không chấp nhận ngồi
đồng bàn với dân ngoại không chịu cắt bì
nếu có những Kitô hữu gốc đạo Do thái
chất vấn họ. Còn khi không có ai để ý, họ
lại đến với dân ngoại như không có gì
xảy ra.
Ta cũng nên biết tình
bạn giữa Barnabas và Phaolô ban đầu rất thân
thiết. Chính Barnabas là người đã bảo vệ và
giới thiệu Phaolô đến các môn đệ ở Jerusalem
vì những môn đệ này sợ Phaolô là kẻ săn
bắt họ (Cvtđ 9:26-27).
Rồi chính Barnabas đã đem Phaolô đến Antiokia (Cvtđ 11:25-26) và cùng Phaolô
đi rao giảng tin mừng (Cvtđ
14:1). Sau này, vì bất đồng ý kiến trong việc
nhận Gioan Máccô cùng đi truyền giáo chung, Phaolô và Barnabas
chia tay nhau, hai người hai ngã: “Ông Banarbas muốn đem theo cả ông Gioan cũng
gọi là Máccô. Nhưng ông Phaolô thì nghĩ là một
người đã từng bỏ hai ông từ khi ở
miền Pamphylia và đã không cộng tác với hai ông, thì
không nên đem theo. Hai bên nổi nóng đến mức
phải chia tay nhau. Ông Barnabas đem ông Máccô theo, vượt
biển đi đảo Cypre. Còn ông Phaolô thì chọn ông
Silas và lên đường, sau khi đã được các
anh em giao phó cho ân sủng Chúa” (Cvtđ 15:37-40). Cũng nên
biết rằng Gioan Maccô là em họ của Barnabas (Col 4:10).
Appolô:
được nói đến trong Công Vụ Tông Đồ
và thư thứ nhất giở tín hữu Corintô. Là một
người Do Thái lưu vong, quê quán ở Alexandria, Ai
Cập, Appôlô đi truyền giáo ở Ephêsô và Corintô (Cvtđ 18:24-28).
Ở Corintô, vì “ông là
người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh”
(Cvtđ 18:24) nên ông được nhiều người
ngưỡng mộ. Một số người theo ông và
tự nhận mình thuộc nhóm Appôlô : “Trong anh em có những
luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phaolô,
tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi
thuộc về Đức Ki-tô." (1 Cor 1:12). Sự chia rẽ bè phái không hẳn là do
Appôlô, vì không thấy Phaolô nói đến trong thư, mà có
thể do lòng yêu mến cá nhân của nhiều người
đi theo ông. Phaolô cải huấn tư tưởng chia
rẽ trong những phân biệt mục vụ này bằng
lời khuyên: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên
Chúa mới làm cho lớn lên” (1
Cor 3:6).
Aquila và Priscilla:
Chồng Aquila và vợ Priscilla
được nhắc đến trong thư Phaolô gởi
Roma (Rom 16:3). Aquila là người Do Thái, sinh ở Pontus,
vùng Cilicia. Hai vợ chồng có nhiều
đóng góp cho Hội Thánh (Cvtđ 18:2 ff; 26; 1 Cor 16:19). Hai
người sống ở Roma, nhưng vào khoảng năm
43-44, hoàng đế Claudius ra lệnh trục xuất
tất cả những người Do Thái ra khỏi Roma, hai
vợ chồng dời về định cư ở Corintô
(Cvtđ 18:2). Thánh Phaolô gặp hai vợ chồng tại
Corintô trong hành trình truyền giáo lần đầu tiên, lúc
đó hai ông bà đã là Kitô hữu. Hai ông bà làm nghề
dệt lều, và có thể vì đồng nghiệp với
Phaolô nên họ trở nên bạn thân (Cvtđ 18:1-3). Hai
người đưa Phaolô từ Corintô đến Ephêsô
trên đường Ngài qua Syria
(Cvtđ 18:18-19). Ở đây hai vợ chồng dạy giáo
lý cho Apôlô (Cvtđ 18:18-28), và giúp Phaolô ở đó chừng hơn
2 năm. Ở Ephêsô, hai vợ chồng họp mặt
Hội thánh Chúa trong nhà riêng (1 Cor 16:19). Họ rời Ephêsô
trở về Roma, có lẽ sau cuộc nổi loạn
của thợ bạc Demetrius nổi lên chống
đối Phaolô (Cvtđ 19:24-40), và ở Roma họ cũng
họp Hội thánh trong nhà mình (Rom 16:3-5). Khi Nerô vu cáo Kitô
hữu đốt thành Roma và trừng phạt Kitô hữu, hai
vợ chồng có lẽ trốn qua Ephêsô và ngụ lại
đo (2 Tim 4:19). Hai vợ chồng đã đóng góp rất nhiều
cho công cuộc truyền giáo của Phaolô.
Ngoài ra, chúng ta còn
đọc được tên những người cộng
tác với Phaolô trong việc truyền giáo: Urbanô (Rom 16:9),
Epaphroditus ở Philiphê (Phil 2:25), Clementê (Phil 4:3), Philêmon (Philêmon
1), Maccô, Demas, Aristarchus và Luca (Philêmon 24), Epaphras ở Côlôsê (Col
1:7; 4:12).
Tóm lại, hai điều
đáng chú ý trong công cuộc truyền giáo của thánh Phaolô.
Một là thánh nhân không đi truyền giáo một mình mà
được sự giúp đỡ, hổ trợ của
nhiều người. Hai là sự tham gia đóng góp của
giáo dân trong Giáo hội là điều cần thiết và
tất yếu để công cuộc rao giảng tin
mừng được thực hiện.
Mt. Nguyễn Khắc Hy S.S.
|