Mẹ TÊ-RÊ-SA, Kẻ Nghiện Rượu Và Tôi
Robert F. Baldwin Nguyễn Đông-Khê, Phỏng dịch
“Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” ( 1 Cr 13:13 )
Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cái ngày tôi gặp được Mẹ Tê-rê-sa Calcutta. Còn hơn thế nữa, tôi sẽ không quên được đìều bà dạy bảo về lòng yêu thương tha nhân, nhất là người nghèo khổ.
Vào cuối thập niên 70, bà chưa nổi tiếng mấy như các thập niên sau này, tuy nhiên bà cũng được cả hàng trăm ngàn người ở khắp nơi trên thế giới ngưỡng mộ. Tôi là chủ bút của tờ báo công giáo ở Rhode Island, và khi nghe biết Mẹ Tê-rê-sa sẽ đến nói chuyện ở Boston, tôi đã quyết định đến nghe.
Tôi đã đến giảng đường sớm để mong có được một chỗ ngồi tốt, nhưng khi đến nơi, tôi mới khám phá ra được người ta đã có chỗ dành riêng cho giới báo chí. Đang khi chờ cho đến giờ khai mạc buổi nói chuyện, tôi giết thời giờ bằng việc tán gẫu với một phóng viên khác cũng là người gốc Albania như Mẹ Tê-rê-sa. Giữa lúc trò chuyện, một linh mục bước tới nói với phóng viên nọ: “Mẹ Tê-rê-sa hân hạnh được gặp anh ngay bây giờ.”
Không một chút ngần ngừ, tôi đứng dậy theo sau, và các phóng viên khác cũng làm như thế. Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng là nơi có một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn trong bộ áo sa-ri có hai màu lam và trắng, bà đang trò chuyện với Hồng y Humberto Medeiros, khi ấy đang là Tổng Giám mục Boston.
Tôi thật không ngờ dáng người bà lại quá nhỏ bé đến như thế. Nhưng điều khiến tôi ghi nhớ nhất là gương mặt nhăn nheo với nụ cười của bà, và phong cách bà cúi mình trước mặt tôi, như thể tôi là người thuộc hoàng tộc khi người ta giới thiệu tên tôi.
Bà chào đón từng người đều theo cách thức long trọng đó. Tôi nghĩ nếu như Đức Giê-su Ki-tô bước vào căn phòng nọ, bà cũng chào đón Người trong cùng một kiểu cách như thế. Phong cách bà biểu lộ một sứ điệp: “Chư vị là người thánh thiện.”
Việc giảng dậy về lòng yêu thương con người của bà là điều đáng ghi nhớ còn hơn cả việc gặp gỡ bà. Cho đến giờ phút ấy, tôi đơn giản chỉ nghĩ rằng bác ái là lòng tử tế đối với con người. Còn với Mẹ Tê-rê-sa, bác ái mang một ý nghĩa phong phú hơn.
Đang lúc trò chuyện, bà kể lại cho chúng tôi biết bà và các thành viên trong dòng Thừa sai Bác Ái đã làm thế nào để tìm kiếm và nhận ra Đức Ki-tô nơi những kẻ nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ.
Bà kể lại câu chuyện một trong những nữ tu của nhà dòng đã dành trọn một ngày trời để tắm rửa lau lọt các vết thương của một kẻ ăn mày đang khi hấp hối, là người đã được các nữ tu đem về từ ngoài đường phố ở Calcutta ra sao. Giọng nói Mẹ Tê-rê-sa chùng xuống thì thầm trước một cử tọa thật yên lặng của ngày hôm đó, khi bà nói nữ tu đó thực sự đã tắm rửa các vết thương của Chúa Giê-su.
Bà khẳng định Đức Ki-tô thách đố lòng yêu thương của người môn đệ theo Ngài bằng cách ẩn mình hóa trang một cách khác lạ, để thử xem chúng ta có nhận biết ra Ngài không.
Vài ngày sau đó, vào lúc tối trời đang khi tôi rời văn phòng làm việc để ra về, thì một gã say rượu ăn mặc rách rưới, dơ bẩn và nặc mùi hôi hám bước lại gần. Ông ta lên tiếng hỏi: “Xe búyt rời khỏi đây chưa vậy?”.
Chuyến xe búyt duy nhất mà ông ta đề cập đến là chiếc xe van thường dừng lại nơi góc đường đế chở đám người vô gia cư sống trên hè phố đến một địa điểm nuôi ăn dành cho họ.
Tôi nói với ông ta: ”Ông bị lỡ chuyến rồi.” Kế đó tôi nghĩ đến Mẹ Tê-rê-sa.Tôi không chắc mình có được ý tưởng lão già sống lang thang này là Thiên Chúa ẩn mình hay không, nhưng tôi biết rõ kẻ đứng trước mặt mình đang cần một bữa ăn, mà địa điểm nuôi họ ăn lại không quá xa trên đường về nhà.
Tôi nói với ông ta: ”Thôi được, tôi đưa ông tới đó.” Nói thì nói thế mà lòng tôi thì mong ông ta đừng ói mửa trên xe của mình.
Ông ta lộ vẻ kinh ngạc pha lẫn thích thú, nhìn tôi dò xét bằng cặp mắt lờ đờ. Lời theo sau ông ta phun ra nói với tôi với mùi rượu nồng nặc rẻ tiền như thể xác nhận những gì Mẹ Tê-rê-sa đã dạy trong buổi nói chuyện trước đây.
”Hãy nói cho tôi biết, ông bạn hẳn là có biết tôi” Ông ta nói.
( Trích trong: Chicken Soup For The Christian Family Soul )
|