Hãy thương yêu kẻ thù
§ Lm Nguyễn Hữu Thy
Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên, C (Lc 6,27-38)
Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng trọn ý nghĩa của đức bác ái Kitô giáo. Nhưng điểm trọng yếu của bài Tin Mừng là giới răn của Ðức Giêsu : "Hãy thương yêu kẻ thù !"
Thay vì chống cự, phản kháng hay chối từ với những lý do tâm lý chủ quan : Ðó là điều bất khả, vô lý, không thể chấp nhận được, v.v… Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe lời Ðức Giêsu. Và một điều quan trọng hơn nữa, là chúng ta hãy cùng tha thiết nguyện xin Chúa ban cho chúng ta cũng biết can đảm yêu mến kẻ thù của mình như Người, vâng, khi đang hấp hối trong đau thương và tủi nhục trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho các kẻ thù đã hành hạ Người cách dã man và đã đóng đính Người vào thập giá, mặc dù Người hoàn toàn vô tội : "Lạy Cha, xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm !" (Lc 23,34).
Sau khi nói cùng các môn đệ : "Hãy thương yêu kẻ thù", Ðức Giêsu đã lập tức nêu lên cho họ những hành động cụ thể của tình yêu đó, là hãy :
- làm ơn và giúp đỡ cho kẻ ghét bỏ mình;
- chúc phúc và nói tốt cho kẻ nguyền rủa mình;
- cầu nguyện cho kẻ hành hạ mình.
Thực ra, những thái độ như thế là hoàn toàn đi ngược lại bản chất tự nhiên của con người. Tuy nhiên Ðức Giêsu vẫn chưa dừng lại tại đó ! Những lời tiếp theo của Người còn làm cho người ta càng không thể hiểu nổi nữa : "Ai vả con má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo choàng của con, thì hãy để họ lấy luôn cả áo trong nữa !" Quả thật, lời dạy của Chúa vượt khả năng hiểu biết nhân loại thiển cận của chúng ta
Phải chăng người kitô hữu không còn quyền lợi gì nữa cả, không còn quyền đòi hỏi kẻ xúc phạm tới mình một cách bất công phải xin lỗi và phải chuộc lại lỗi lầm của họ ?
Không ! Hoàn toàn không ! Ðức Giêsu không bao giờ phủ nhận quyền tự vệ chính đáng của con người. Chính Người khi bị đối xử bất công trước mặt Thầy Thượng Tế Hannas cũng đã xử dụng quyền tự vệ của mình : "Nếu tôi đã nói sai, thì ông hãy chứng mình chổ sai đó. Còn nếu tôi đã nói đúng, thì tại sao ông lại đánh tôi ?" (Ga 18,23). Thái độ của Ðức Giêsu là một sự tự vệ thuần túy và hợp lý, chứ không phải là sự phản ứng đầy tức dận vì tự ái bị xúc phạm hay đòi hỏi một sự đền bù mang tính cách trả thù !
Ðến đây, có lẽ chúng ta đã hiểu được ý nghĩa câu nói của Ðức Giêsu : "hãy giơ cả má kia nữa" ! Vâng, vì hạnh phục chính đáng của kẻ thù, vì phúc lợi chung hay vì quyền lợi cụ thể của một ai đó, người ta có thể đòi hỏi nơi người gây ra điều ác hại, sự đền bù thiệt hại và sự hàn gắn những sai sót. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sự nguy hiểm tự dối tình cảm của mình là rất lớn. Ðúng vậy, chúng ta hãy bình tỉnh tự hỏi : Những gì đã thường đưa đến sự hận thù và ghen ghét, nếu không phải là khởi đầu bằng những điều nhỏ mọn không đâu, một vài trái ý khó chịu rất thường tình, nhưng đã được chúng ta "bé mà xé ra to", đã được chúng ta đáp trả lại bằng những hành động thù địch và bất khoan dung không cần thiết ? Chúng ta sẽ hoàn toàn hiểu sai thái độ tự vệ của Ðức Giêsu, nếu trong cả các va chạm đụng độ bình thường trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng ta cũng đòi áp dụng bằng bất cứ giá nào quyền tự vệ của mình, tương tự như Người đã làm trước mặt Thượng Tế Hannas xưa.
Nhưng cả trong khi việc đòi hỏi một sự đền bù và hàn gắn hoàn toàn xác đáng và hợp lý, thì thái độ và cách xử sự của Ðức Giêsu, đặc biệt khi người bị treo trên thập giá, phải là chuẩn độ và mẫu mực cho thái độ và cách cư xử của chúng ta đối với những người mà chúng ta cho là đang thù nghịch với chúng ta. Vâng, từ trên thập giá, Ðức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về tình yêu kẻ thù một cách vô cùng cao cả và triệt để : Trong tình yêu thương, chứ không phải hận thù, Người đã chết cho những kẻ thù của Người, cho những kẻ đã hành hạ Người, đã đóng Người vào thập giá một cách bất công và đang rêu rao chế nhạo, xỉ báng Người. Trong yêu thương, Người cũng chết cho tất cả chúng ta, những kẻ tội lỗi. Ðúng vậy, trong cơn hấp hối đau thương trên thập giá, Ðức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ các kẻ thù của mình.
Như vậy, ở đây một điều quá minh nhiên và không ai có thể chối cãi được, là : Lời cầu nguyện đầy yêu thương đối với kẻ thù của Ðức Giêsu không chấp nhận tính cách trả thù hay báo oán, sự căm thù và thái độ bất khoan dung.
Cả khi tôi là một người liên hệ và bị mất mát thiệt hại, tôi cũng phải sẵn sàng chấp nhận hòa giải, chấp nhận tha thứ, chấp nhận nhìn nhận những gì tích cực và những gì hay đẹp nơi những những người khác, những người đang thù địch với tôi; còn hơn thế nữa, tôi còn phải sẵn sàng làm phúc, sẵn sàng chúc lành và sẵn sàng cầu nguyện cho người thù nghịch của tôi !
Ðó chính là sự đòi hỏi của Tin Mừng. Ðó là sự đòi hỏi của Ðức Giêsu. Chính tình yêu kẻ thù của Ðức Giêsu ở ngay trên thập giá đã động viên và khích lệ chúng ta thực thi một tình yêu vô vị lợi, như Người đã thực thi; một tình yêu không xét nét nhỏ nhoi, không ganh tương tị hiềm lặt vặt và không mang ý nghĩ trả đũa theo kiểu : "Anh đã đong cho tôi đấu nào, nay tôi đong lại cho anh đấu ấy".
Nhưng làm thế nào để người ta có thể nhận ra được biên giới khác biệt giữa sự rộng lượng bỏ qua và sự đòi hỏi chính đáng ? Ðức Giêsu đưa ra cho chúng ta một nguyên tắc rất hợp lý : "Các con muốn người khác đối xử với mình thế nào, thì hãy đối xử như vậy với họ" (Mt 7,12). Theo Ðức Giêsu, nếu chúng ta phải yêu thương cận nhân như thể "yêu chính mình" thế nào, thì chúng ta cũng phải yêu kẻ thù như thể "yêu chính mình" như thế ! Một khi chúng ta càng trở nên giống Ðức Giêsu, thì chúng ta cành yêu mến tha nhân và kẻ thù của chúng ta hơn, giống như Ðức Giêsu đã thương yêu chúng ta (x. Ga 13,34). Như thế thái độ đòi hỏi việc đền bù hay chuộc lại lỗi lầm sẽ từ từ không còn là trọng điểm của ý muốn của chúng ta nữa, nhưng là sự chinh phục kẻ thù của chúng ta cho Ðức Kitô, Ðấng đã yêu thương và đã hy sinh mạng sống mình cho chúng ta cũng như cho kẻ thù của chúng ta.
Như thế, giới răn "yêu thương kẻ thù" của Ðức Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi tất cả những ảo tưởng và khỏi tự dối mình. Vâng, nếu chỉ thương yêu những kẻ yêu thương mình, nếu chỉ làm phúc cho những kẻ làm phúc cho mình và nếu chỉ cho vay mượn, những ai đã cho chúng ta vay mượn, v.v…, thì đó chỉ là một sự vay trả bình thường, một sự trao đổi thương mại, chứ không phải là tình yêu vô vị kỷ, nếu không muốn là một sự ích kỷ, vì : "Những kẻ tội lỗi cũng làm như thế". Chính sự ích kỷ đó mà giới răn "Hãy thương yêu kẻ thù" của Ðức Giêsu muốn tấn công vào tận gốc và muốn thắng vượt.
Tuy nhiên, Ðức Giêsu không dừng lại nơi những đòi hỏi khắt khe của giới răn "Hãy thương yêu kẻ thù", Người đã hứa sự biết ơn và sự phê nhận của Chúa Cha : "Như vậy, phần thưởng dành cho các con sẽ lớn lao, và các con sẽ được trở thành con Ðấng tối Cao". Vậy, giới răn "Hãy thương yêu kẻ thù" của Kitô giáo dẫn đến thông hiệp với Thiên Chúa; và chính Thiên Chúa là phần thưởng to lớn và trường tồn của tình yêu kẻ thù.
Tiếp đến, một động lực khác thúc đẩy chúng ta thực thi tình yêu kẻ thù cũng được nhắc đến trong bài giảng thuyết của Ðức Giêsu là sự noi theo gương của Cha Chung và là Ðấng Tạo Hóa. Vâng, như Thiên Chúa nhân hậu đối với những kẻ vô ơn và hung ác thế nào, thì các môn đệ Ðức Giêsu cũng phải nhân hậu các vô vị kỷ như thế. "Hãy có lòng nhân từ như Cha các con là Ðáng nhân từ !"
"Hãy thương yêu kẻ thù". Giới răn của Ðức Giêsu nghe thật khắt khe và thực sự khắt khe thật ! Nhưng đối với người tín hữu thì lời hứa của Ðức Giêsu là niềm an ủi và là nơi nương tựa chắc chắn vững vàng nhất. Vậy, thay vì nói : điều đó tôi không thể kham nổi, thì chúng ta hãy bắt đầu ngay : Bắt đầu cầu xin ơn có được sức mạnh và lòng can đảm để có thể yêu thương kẻ thù, nhờ đó :
- chúng ta có thể vượt thắng được những tư tưởng thù địch trong lòng, nghĩa là không tìm cách xua đuổi chúng mà thôi, nhưng vì muốn hiện thực ý muốn của Ðức Kitô, nên chấm dứt và không nghĩ đến chúng trong tư tưởng nữa;
- chúng ta không nói xấu người khác, không nói những điều tiêu cực của họ;
- chúng ta không còn xét đoán và lên án người khác nữa.
Nếu chúng ta cành hiểu rõ được giới răn "Hãy thương yêu kẻ thù" của Ðức Giêsu, thì chúng ta càng cảm thấy mình phải khiêm tốn quì gối chấp hai tay nguyện cầu : Lạy Chúa, xin hãy ban cho con tình yêu tha nhân vô vị lợi và tình yêu kẻ thù đầy xã kỷ khoan dung ! Amen
Lm Nguyễn Hữu Thy
|