MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: lịch sử
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
LS: Nợ Một Cuộc Đời
Thứ Tư, Ngày 14 tháng 1-2009

Nợ Một Cuộc Đời

Chiếc áo còn mới, chưa mặc bao giờ. Ông mân mê đường thêu, con chim và cánh hoa rơi. Lâu lắm rồi, tưởng đã quên, nhưng hôm nay dường như sống lại trong ông, nỗi buồn ân hận.

***

Nhà nó ở ngay giữa chợ làm nghề quét dọn, gánh nước thuê. Trạc tuổi
ông, hai đứa học cùng lớp, nhưng Giỏi khôn hơn ông nhiều. Có lẽ vì
sống giữa đời, nên nó già dặn. Sau khi gánh nước, hay phụ quét chợ, nó
thường kiếm ông. Mỗi lần kiếm không thấy, khi gặp ông nó hay lên mặt
nạt, sao để nó mất công đi tìm! Nó làm như ông phải luôn ở bên nó.
Rảnh rỗi nó dẫn ông đi khắp nơi, chỗ nào nó cũng biết. Hết đi xem cúng
đình lại lên làng xem tế, hay đi xem hát bội, có khi xem phim Ấn Độ
(Dĩ nhiên xem cọp). Hai đứa còn rủ nhau đi đám ma Tàu! Dĩ nhiên cũng
do nó bày.

Người Tàu khi có thân nhân chết hay tổ chức đám ma thật đông. Họ mướn
người đi đưa. Căng hai sợi dây, người đi đưa đi ở bên trong. Khi đi
chẳng cần trật tự gì, chuyện trò rôm rả, vừa đi vừa hút thuốc, ăn
trầu, có khi chen lấn, cãi cọ nhau. Đến nơi họ trả công năm đồng. Hồi
đó năm đồng giá trị lắm. Có những gia đình đi chuyên nghiệp: vợ chồng,
con cái. Có nhà giàu còn mướn nhiều ban kèn đồng. Có ban đông tới vài
chục, lại có ban chỉ lèo tèo vài nhạc công trông thảm hại. Họ thổi
lung tung đủ loại nhạc. Hình như chỉ cầu đông vui. Có khi người chết
là một bà già, họ lại cử bài " Em ơi! Nếu mộng không thành thì sao?''
Hay đám ma ông già thì lai vung lên bài "Quyết Tiến''. Hồi đó còn nhỏ
nên ông chả quan tâm, chỉ mong đến nơi được trả năm đồng là thích rồi.

Có lần đi xem cúng đình, ông mải xem không chịu về. Hôm đó về nhà nó
bị một trận đòn dữ dội. Dượng nó ném nó vào trong phuy nước. Ông
thương nó lắm, ân hận vì ông mà nó bị đòn. Buổi chiều gặp ông, nó
không hề trách móc, nó còn hỏi vì sao ông khóc. Nó nói: "Ăn thua gì.
Lo cho mày tao không sợ." Nói câu đó mắt nó nhìn xa xăm, như linh cảm
điều gì. Cúi gần, nó khẽ hỏi: "Mày thương tao lắm hả?"

Tuy nhà nghèo nhưng nó học rất giỏi. Người ta bảo con lai thông minh,
không biết có đúng không. Nó chẳng có giờ học bài. Từ tinh mơ nó đã
phải thức dậy để lo công việc. Đến lớp nó tỉnh như không. Thuộc bài và
làm toán rất giỏi. Nó tự vươn lên mạnh mẽ như cây hoa dại. Những lúc
buồn nó hay dặn dò: "Nhà tao nghèo, chắc không được đi học nữa đâu.
Ráng học nghe! Đừng bị khổ như tao. Không biết mai này mày còn nhớ tới
tao không?" Mỗi lần như vậy nó thường bỏ đi dở chừng, như để giấu một
nỗi buồn xa xôi không rõ.

Vài năm sau, ông về Saigon học. Ngày ông đi nó cũng lại tiễn. Nó mua
cho ông đủ thứ để trong một cái xắc mới. Nó buồn buồn, ít nói. Vào tới
Saigon ông mới thấy một phong thư dán kín dấu tận đáy xắc. Trong thư
nó dặn ông cố học, đừng ham chơi. Nó nói nó luôn nhớ ông, mong ông
đừng quên nó. Khi ông đi rồi nó sẽ buồn lắm, không biết sẽ ra sao. Nó
còn bỏ trong thư một số tiền lớn nó đã để dành cho ông ăn học. Nó nói
nó biết phải làm gì.

***

Chiến cuộc trở nên tàn khốc, ông bị gọi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn
luyện quân trường, được một tuần phép trước khi ra đơn vị, ông về thăm
nhà. Gặp lại Giỏi, ông ngỡ ngàng, mới xa nhau không lâu mà chững chạc
quá. Hai đứa đi chơi Vũng Tàu. Tuy đã đi lính, nhưng hồi đó, ông còn
ngây thơ, rụt rè. Hóa ra Giỏi cũng chẳng hơn gì ông. Đằng sau sự ngổ
ngáo, nàng vẫn là một đứa con gái.

Mấy ngày sống bên nhau, nàng nói rằng không hề hối tiếc, trái lại nàng
mong chờ đã từ lâu. Nàng mong ước được sống với nhau dù một ngày thôi
cũng mãn nguyện rồi.

Ngày ông lên đường ra đơn vị, nàng tiễn ông mãi tận bến xe. Ngồi chờ
xe nàng cầm tay ông xiết nhè nhẹ không nói gì. Nàng sửa cổ áo cho ông
và nhét vào trong túi một ít tiền. Ông ái ngại không muốn nhận, lấy cớ
để dành tiền nuôi em. Nàng buồn: "Được săn sóc nhau là hạnh phúc. Rồi
mai này biết sẽ ra sao."

Nàng dặn dò đừng quên nhau. Chiếc xe chuyển bánh, ông ngoảnh nhìn lại.
Bóng nàng mờ trong đám bụi. Hình như nàng khóc.

Hai năm sau, ông lập gia đình. Vợ ông, do mẹ ông chọn, một cô giáo
hiền lành, trung bình mọi mặt. Chiều lòng bà, ông cũng ưng đại cho
xong. Quả thật, ông chưa nghĩ đến chuyện vợ con. Giỏi sai em mang sang
tặng ông chiếc áo thêu một con chim tung cánh và nhánh hoa rơi. Chiếc
áo đó ông không có dịp mặc, chỉ cất đi làm kỉ niệm. Sau này, nghe chị
ông kể lại, ngày cưới ông, Giỏi khóc dữ lắm và hôm sau bỏ nhà đi biệt.

Đời lính làm cho ông trở nên cằn cỗi, chai sượng; sống không nghĩ tới
ngày mai, bởi sống và chết không hẹn. Đơn vị ông đã bao nhiêu người
lính đến rồi đi, bao nhiêu rồi những lần đi không trở lại. Bởi thế,
chẳng còn mấy quan tâm đến chuyện tình cảm mà ông cho là lặt vặt. Đã
bao lâu rồi ông chưa có dịp về? Ừ nhỉ! Có lẽ lâu lắm rồi. Hình như đời
lính bốn bể là nhà... Đang mơ màng nghe tin chiến sự, tiếng chân Sáu
Đen, cần vụ của ông bước vào. Anh ta ngập ngừng:

- Ông thày!
- Gì mày?
- Đầu tháng lãnh lương, ông thày cho em một tuần phép nghe!
- Mày về phép làm gi? Cưới vợ hả?

Sáu Đen toét miệng cười:

- Da! Mà sao ông thày biết?
- Thì tao đoán vậy thôi. Thì lấy vợ đi chứ còn chờ gì nữa. Lấy đi cho
má mày khỏi mong... mà mày lấy đứa nào, sao tao không nghe mày nhắc?
- Dà...có gì đâu mà nhắc. Lần trước em về phép đi chơi rồi gặp nó, ưng
rồi lấy. Nó nói nó có một đời chồng rồi.

Ông nhướng mắt:

- Bộ hết gái rồi hay sao mà mày lấy nó?

Sáu Đen có vẻ hơi phật lòng:

- Thì ông thày tính coi. Em cũng có ra cái gì đâu. Lấy em là nó còn
khổ thêm. Nó cũng biết vậy. Nó nói đời nó đã khổ nhiều, khổ từ nhỏ
lận. Em thương cái tính thẳng thắn của nó nên ưng.
- Ừ thôi, tùy mày! Mày còn bà già, phải lấy vợ cho bà ấy bớt cô đơn.
Để tao coi, nếu tiện tao cũng về dự đám cưới mày cho vui.
- Thiệt hả? Má em mà thấy trung úy về dự đám chắc bả mừng dữ lắm. Mà
có lẽ con vợ em nó cũng bớt tủi.

Trên Bộ Chỉ Huy về, gặp Sáu Đen, ông nói với anh ta lại có lệnh hành
quân, chắc ông không về dự đám cưới được. Ông thấy nét thoáng buồn
trên mặt Sáu Đen. Sáu Đen là đệ tử thân tín của ông. Mồ côi cha từ
nhỏ, không được ăn học. Tính nết Sáu Đen hiền lành, chỉ mắc tội ham
chơi bời, được đồng nào tiêu đồng nấy. Ông hay la Sáu Đen về tội không
gởi tiền về cho mẹ già. Sáu Đen rất tháo vát và chu đáo, nhất là trong
những cuộc hành quân.

Nghe ông không về dự đám cưới được, Sáu Đen tỏ ý muốn ở lại, chờ sau
hành quân rồi ông cùng về. Thực tình ông cũng muốn Sáu Đen ở lại, đi
trận mà không có anh ta ông cũng rất vất vả. Ông hơi phân vân:

- Không được đâu! Rồi đám cưới mày thì sao?
- Ăn thua gì ông thày! Tụi em đâu có tiền bạc rình rang gì đâu. Về lúc
nào, cưới lúc đó.
- Thôi hay mày cứ về đi! Khi nào tụi mày có con tao về ăn thôi nôi cũng được.

Ông bỏ đi ra ngoài. Buổichiều trở về, ông nghĩ chắc Sáu Đen buồn lắm.
Bước vào, thấy Sáu Đen đang lui cui xếp mấy thứ cần thiết vào ba-lô
hành quân.

- Ủa! Mày chưa về hả?
- Tui về ai lo cho ông thày? Hành quân xong về cũng được.

Ông cảm động với chân tình của thằng em, tính Sáu Đen xưa nay vẫn vậy.
Cuộc hành quân kéo dài hơn ông tưởng, đã hơn một tuần quần thảo. Quân
địch bố trí dày dặc. Tiền pháo hậu xung. Lệnh trên phải chiếm bằng
được vị trí chiến thuật để mở đường cho đơn vị bạn. Cánh rừng xác xơ
vì bom đạn. Những người lính chết hay bị thương trở thành gánh nặng
cho đơn vị lúc chiến đấu. Sáu Đen luôn xông xáo bên cạnh ông, hình như
không biết mệt. Đang băng ngang một đám rừng chồi, Sáu Đen xô mạnh ông
lăn xuống rãnh: ''Ông thày! Ông thày !!!'' Một tràng AK xuyên màn khói
nhắm thẳng vào ông. Phản xạ tự nhiên của người lính, ông lăn một vòng
xoay người bắn trả. Bóng một tên địch bật lên trong màn khói. Sáu Đen
nằm sõng xoài, một dòng máu chảy xuống qua bờ vai. Ông vội lôi thằng
em xuống, luống cuống tìm băng cứu thương băng cho Sáu Đen. Khói súng
ngập tràn, cúi sát xuống lay gọi Sáu Đen. Sáu Đen vươn tay ú ớ:

- Ô ô..ng thày... Đừng bỏ em...
- Không sao đâu. Sơ sơ thôi.. Tao đưa mày về, về dưỡng bệnh rồi...

Nắm chặt tay ông, Sáu Đen lắc đầu:

- Hết rồi .. Lãy tiền lương...của em...gởi về cho má em. Tội
nghiệp...bả...Trung úy. Nói với...cô ấy...em...thương, em vẫn...

Sáu Đen tắt thở trên tay ông. Chính Sáu Đen đã can đảm đưa thân ra che
cho ông. Lẽ ra, nằm đây là ông chứ không phải Sáu Đen. Ông thở dài,
thầm gọi:

- Sáu ơi! Tao nợ mày một cuộc đời. Làm sao tao...trả?

***

Chiếc ba-lô căng phồng, trong đó ông bỏ tất cả vật dụng của Sáu Đen,
kèm theo tiền lương của ông mới lãnh, gọi là chút quà cho thằng em, để
gởi về cho gia đình Sáu Đen. Đêm qua trong giấc ngủ chập chờn, ông mơ
thấy Sáu Đen về, vẫy tay chào ông. Giật mình thức giấc, bước xuống nhà
xác, ngồi bên cạnh chiếc quan tài phủ lá cờ, ông hối hận có những lúc
nóng giận đã làm Sáu Đen buồn lòng...

Người Hạ Sĩ Quan ban Một, bước vào: "Trình Trung Úy, có người nhà Binh
Nhất Sáu lên nhận làm thủ tục." Ông lật đật đứng dậy, tất tả đi lên
nhà khách. Thoạt nhiên ông bối rối, không thể ngờ cuộc đời lại có
những tình huống như thế này. Người thiếu phụ quay lưng lại. Trời đất
!!! Giỏi!

Tim ông đập mạnh, luống cuống như tên tội phạm bị bắt quả tang. Hóa ra
vô tình, chính ông lại là người giết chết đời hạnh phúc của Giỏi. Ông
có ngờ đâu, sau bao nhiêu năm xa cách, còn gặp lại Giỏi. Ông cũng
không biết rằng, người vợ chưa cưới của Sáu Đen là nàng. Chính lúc
tưởng cuộc đời sẽ mãi đẹp lại xảy ra cơ sự, mà một phần cũng vì ông.
Từ ngày nàng bỏ ra đi, lòng ông cũng buồn. Nhiều khi ông cũng mong
được gặp lại để biết nàng ra sao và để nói đôi lời chia xẻ. Nhưng hôm
nay miệng ông như cứng lại, đầu óc ông như mộng mị. Tiếng nàng đưa ông
về thực tại:

- Trung...Úy! Ơ ..Anh!
- Không ngờ hôm nay anh lại gặp em…ở đây. Xin chia buồn cùng em. Anh
luôn mang lại sự không may cho em...

Nàng lặng lẽ khóc, khẽ nâng vạt áo chùi nước mắt. Nỗi buồn ngập đôi
vai, rung nhẹ. Ông chợt thấy mình thừa thãi, bước ra hàng hiên. Những
giọt mưa bay bay trong gió như hồn Sáu Đen đâu đây. Tiếng nhạc buồn kể
lể:

        "Chuyện đôi ta,
        Buồn ít hơn vui
        Lời khóc lời cười
        Chuyện ngắn, chuyện dài
        Trả hết cho người..."

Nàng nói đúng, "Khi người ta quên là bởi người ta không muốn nhớ.''
Lời trách móc nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía. Nàng không giấu giếm
đã khóc thật nhiều trong ngày cưới của ông. Nỗi buồn đó vẫn đeo đẳng
đến ngày hôm nay. Nàng tưởng rằng cuộc hôn nhân có thể giúp nàng đoạn
tuyệt với quá khứ, nhưng có lẽ nàng đã lầm. Nàng tin rằng tất cả là
tại phần số, và ông không phải bận tâm nhiều. Nàng cũng xin ông đừng
cố tìm hiểu thêm. Chính nàng cũng không biết sẽ đi về đâu. Không mong
gì có ngày bên nhau thì sự quan tâm chỉ thêm đau lòng. Mong ông giữ
mãi hình ảnh ban đầu. Nàng cám ơn ông đã lo cho Sáu chu đáo. Khi biết
tin mẹ nàng đã mất trong đau khổ vì thương nhớ, nàng nhắm mắt, cúi
xuống. Đột nhiên nàng đứng dậy quay bước ra đi. Bóng nàng đau khổ dưới
những hạt mưa như đồng cảm, như không nghe tiếng ông vói theo: "Anh nợ
em một cuộc đời."

Chiến cuộc tàn, hậu quả để lại cho ông những năm tháng tù tội. Vợ ông
mất trước khi ông được tha về. Cuộc đời cơ cực tưởng chừng không lối
thoát. Khi khốn khó, người ta trở nên ích kỷ và chai đá. Lúc đó ông
sống như một bóng ma vất vưởng, không quan tâm đến ai và có lẽ cũng
chả ai bận lòng đến ông. Cuộc đời lắm đổi thay, chính ông đã chẳng bao
giờ nghĩ rằng, có lúc ông lại ngồi đây, trên đất Mỹ này. Theo tin chị
ông cho biết, bà có gặp Giỏi, hiện đang sống ở một miền xa xôi nào đó.
Điều này làm ông suy nghĩ nhiều về quá khứ, và hình như ông tìm thấy
lại chính mình.

Lâu nay, ít thấy ông xuất hiện. Căn nhà ông đóng cửa treo bảng bán.
Người ta đồn, hình như ông đang tính chuyện đi xa.

Cily Nguyễn

  binhgia.com

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tấm Lòng Của Người Tù (1/25/2009)
LS: NGƯỜI CON DÂU VIẾT NAM. (1/22/2009)
Diễn Văn Nhậm Chức Của Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama (1/21/2009)
Hành Hạ, Tù Ðầy Và Sức Khỏe (1/21/2009)
Ls: Chuyến Di Tản Buồn (1/16/2009)
Tin/Bài cùng ngày
LS: Những con cào cào xanh (1/14/2009)
Ls: Tình Chiến Hữu (1/14/2009)
Ls: Tiếng Gọi Cấp Cứu Trong Đêm Giao Thừa (1/14/2009)
Tin/Bài khác
Câu Chuyện Ptan # 10: Nỗi Buồn Mùa Thu (1/3/2017)
Ls: Tình Nghĩa, Nghĩa Tình (1/13/2009)
Ls: Chào Mẹ (1/13/2009)
Ls: Mẹ Chồng Tôi (1/13/2009)
Ls: Cô Giáo Ngụy (1/12/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768