Long không ngờ có ngày gặp lại cha Thiện ở miền thượng du cực Bắc đèo heo hút gió nầỵ Nơi đây là chỗ giam giữ, đọa đày đám tù cải tạo gồm các thành phần dân sự và quân sự cao cấp của chế độ cũ, những quân nhân từ cấp bậc đại úy tới đại tá, những nhân viên dân chính từng là phó quận trưởng, phó tỉnh trưởng, giám đốc nha sở..., nghĩa là những người bị chế độ mới xếp vào loại nguy hiểm.
Cha Thiện bị xếp vào loại còn nguy hiểm hơn các thành phần trên một bực. Một tuần lễ trước ngày cha được chuyển đến trại, đám tù đã được nghe các quản giáo bàn luận rằng trong đợt tù sắp chuyển đến, có một tội nhân cực kỳ phản động, dám đề cao "Chúa ở trên bác Hồ" và hơn thế nữa dám "âm mưu chống phá cách mạng bằng vũ lực". Chiếc molotova bít bùng thả đoàn tù mới xuống sân trại. Long và những tù nhân cũ thấy người tù nguy hiểm nhất đi giữa đoàn, tay bị trói quặp ra sau, hai vệ binh kèm hai bên hông, áp tải thẳng vào văn phòng ban quản trại và sau đó bị đưa vào nơi biệt giam, khu vực đặc biệt dùng giam giữ tù nhân phạm kỷ luật trại như lén lút liên lạc với gia đình, thân nhân, với dân chúng trong vùng, phát biểu linh tinh, viết nhật ký, hồi ký.... Cha Thiện là tù mới đến, chưa phạm kỷ luật trại này. Biệt giam cha Thiện như là một đòn cân não, một cú đánh phủ đầu, dằn mặt.
Đám tù lo sợ vì những người bị biệt giam ít khi được mạnh lành lúc trở về, hoặc vĩnh viễn không trở về nữa. Sáu giờ chiều, bầu trời xám xịt, gió bấc rít từng cơn, lùa qua các khe hở của trại tù phát ra tiếng kêu hú hú như tiếng tru của một bầy chó sói đang đói mồi. Trời mới sang Thu nhưng cái lạnh đã vây phủ khắp núi rừng. Lạnh quá, không ai bảo ai, tất cả tù cải tạo đều tụ tập trong những phòng giam kín cửa. Những cái mùng được giăng lên, sinh hoạt cá nhân bắt đầu, người nằm vắt tay qua trán suy nghĩ chuyện gần chuyện xa, kẻ chui vào mùng lén cầu kinh, niệm Phật, hoặc khóc thầm, thương thân, tủi phận, nhớ vợ con... một mình để đừng ai trông thấy. Cửa phòng giam bỗng mở toang, gió đột ngột ùa vào mang theo cái lạnh như cắt da, như xé ruột, làm đám tù bàng hoàng, ngơ ngác. Hai vệ binh đẩy vô phòng giam một thây người lạnh cóng, quần áo tả tơi, đầu tóc rối bù. Rồi cửa phòng giam đóng mạnh lại, sau đó có tiếng xiềng xích kêu leng keng và tiếng khóa trái từ bên ngoài.
Đám tù bu lại, người biết chuyện kêu lên:
- Cha Thiện!
- Người tù nguy hiểm nhất trại!
- Ổng còn thở anh em ơi!
Đám tù thay phiên nhau, kẻ mặc quần áo ấm, nấu nước nóng, người xức dầu cù là, xoa bóp chân tay.... Sau khoảng một giờ đồng hồ, tình trạng sức khỏe của cha Thiện có vẻ khả quan hơn, hơi thở đã đều hòa. Đám tù mừng rỡ, nhà biệt giam lần nầy đã không cướp đi người bạn tù của họ như những lần trước đây. Nhìn cha Thiện ốm nhom, khuôn mặt xương xẩu, vầng trán hói, mái tóc bạc hoa râm trong lớp áo quần tươm tất hơn, Long thấy quen quen, có cảm tưởng như đã gặp cha ở một nơi nào đó trong quá khứ. Phải mười ngày sau cha Thiện mới đi đứng được dù còn yếu và nhiều khó khăn. Nhưng quản giáo không để yên cho cha có thời gian bình phục hoàn toàn. Ngày thứ mười một, chúng lại tiếp tục đày ải, bắt cha lao động như những tù nhân khác, công việc lại có phần nặng nhọc, dơ bẩn hơn.
Cha Thiện được giao nhiệm vụ gánh những thùng phân tươi từ dãy nhà cầu công cộng ra đám rẫy rau muống cải thiện dưới chân đồi, rồi trải phân ra trên từng luống rau. Màu phân tươi vàng hực, lỏng bỏng nước, thật nặng mùi cùng với đám ruồi xanh bay dấp dới, nhung nhúc những con dòi, những chú lãi đũa, lãi kim, ngọ nguậy không ngớt là hình ảnh khó quên đối với người tù đã một lần làm công việc không vệ sinh này. Long nhìn cha Thiện ướt át dưới mưa phùn, trong gió bấc lạnh lẽo mà lòng ái ngại. Đoạn thơ của Phùng Quán thời Nhân Văn Giai Phẩm hiện ramột cách sống động:
... Tôi đi giữa Hà Nội
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa Đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xắn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xí tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn.
Long thấy hoàn cảnh người nữ công nhân đổ thùng và cha Thiện giống nhau quá, giống từ cách ăn mặc, động tác tới công việc làm, có khác nhau là chỗ giữa hai thời điểm trong xã hội cộng sản Việt Nam, người bị ép buộc còn người thì vì miếng ăn, sự sống của gia đình mà phải làm cái công việc chẳng ai muốn làm cả. Long ước mình là thi sĩ, để có thể diễn đạt nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của cha Thiện. Long muốn chia phần gánh vác sự nặng nhọc vì chàng không nghĩ rằng tấm thân gầy nhom của cha có thể cáng đáng nổi hai thùng phân lỏng với cái đòn gánh nặng hơn ba chục kí lô trên đoạn đường lầy lội. Nhưng thật lạ lùng, cha Thiện vẫn hoàn tất công việc, cha đi không nhanh nhưng tới đích, có khi trợt, ngã nhưng lại đứng dậy một cách bình thản, như thách đố với bọn quản giáo, vệ binh. May cho cha là tù không có nhiều phân để cha phải gánh mỗi ngày, bữa không có phân cha lãnh phần tưới nước, hái rau cho toàn trại.
Phần bọn quản giáo biết đày đọa cha Thiện đến vậy là đã "đạt chỉ tiêu", không tiến thêm bước nữa, nhưng chúng âm thầm cho người theo dõi, kiểm soát gắt gao mọi hành động, ngôn ngữ của cha. Cha Thiện như biết rõ mọi việc liên quan đến cuộc sống của người tù dưới chế độ mới, bởi cha đã trải qua nhiều trại cải tạo trên khắp ba miền Nam-Trung-Bắc. Cha làm việc trong im lặng, chỉ nói khi cần phải nói và ít khi nói về mình nên không mấy người, ngay cả bạn tù, biết lý lịch cùng những việc cha đang nghĩ, đang toan tính. Cẩn thận vậy mà quản giáo còn biết được cha Thiện lén đọc kinh trong mùng mỗi buổi tối trước giờ ngủ, chúng đến tận phòng giam cảnh cáo cha.
Một hôm trên đám rẫy rau muống chỉ có một mình cha Thiện, nhắm chừng tên vệ binh đứng gần nhất cách khoảng nửa cây số, Long hỏi cha:
- Con nhớ không lầm thì đã gặp cha khoảng hơn mười năm trước ở Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
Mặt cha Thiện đổi sắc, cha lắp bắp:
- Lạy Chúa tôi!
Long tiếp tục:
- Hồi đó cha là cha tuyên úy của đơn vị. Con mới thuyên chuyển về, nhân dịp lễ Phật Đản, cha tới dự lễ cùng thầy Đại Đức tuyên úy Thích Thanh Nhàn và Mục sư Tin Lành Nguyễn Tấn Tớị Sau lễ Phật Đản, cha đổi sang đơn vị khác và cha Hưng đến thay.
- Lạy Chúa tôi! Bọn cộng sản mà biết thêm tôi từng là tuyên úy thì chúng chẳng để cái mạng già được toàn thây.
- Tội nghiệp cha Hưng, cha đỡ đầu của con, đã bị Việt cộng giựt mìn mà chết.
Mắt cha Thiện chợt ngời sáng:
- Vậy ra con là một con chiên ngoan đạo, một lòng tin tưởng và trung thành với Chúa, phải không con ?
- Thưa phải! Nhưng chỉ ở trong lòng con thôi, không dám tiết lộ ra ngoài. Thưa cha, con cần phải sống để trở về mà làm những việc ích lợi cho gia đình, xã hội, đồng bào và các đồng đội đã nằm xuống. Con không muốn hủy hoại đời mình một cách ngu xuẩn trong những cái lò sát sinh như thế nầy.
- Cha biết.
Hai tiếng "cha biết" ngắn gọn nhưng thật đầy đủ. Cha Thiện và những tù nhân cải tạo như Long thừa biết rằng đối với người cộng sản, tôn giáo đã bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi đời sống. Không có quyền lực nào cao hơn uy quyền của đảng. "Chúa Jesus là của riêng chỉ những người tư bản, không phải của tập thể giai cấp công nông". Hơn thế nữa, ở cái trại tù xa xôi hẻo lánh nầy làm gì có tự do tín ngưỡng. Cha Thiện hỏi Long trong trại giam còn có người nào theo Thiên chúa giáo. Long kiểm điểm lại, trong số hai mươi trại viên của căn phòng giam chật chội như cái xà lim, còn một người khác, Thiếu tá Mẫn trước thuộc binh chủng Thiết giáp. Cha Thiện chờ cơ hội thuận tiện, kín đáo mở lời với Thiếu tá Mẫn:
- Theo sự hiểu biết của cha thì con là một con chiên ngoan hiền của Chúa?
Nhưng cha Thiện đã thất vọng khi Mẫn trả lời:
- Tôi chỉ là một người tù, tù cải tạo, tù khổ saị Xin hãy để cho tôi yên thân, ông già ơi.
Cha nhì nhằng:
- Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện. Cha có thể nghe con xưng tội. Chúa sẽ thứ tha và ban phước lành cho con.
Thiếu tá Mẫn gắt:
- Nếu ông muốn ra tòa án nhân dân, ra pháp trường cát, là chuyện của riêng ông. Phần tôi, tôi xin ông hãy câm cái miệng lại.
Nói xong Thiếu tá Mẫn bỏ đi nơi khác. Vậy là cha Thiện chỉ có Long, người bạn tù duy nhất để tâm sự một cách kín đáo. Đám tù có lần chống tay nhìn cha Thiện gánh những thùng phân người ra rẫy, dáng ông còm cõi, oằn xuống theo sức nặng ở hai đầu cái đòn gánh, chực gãy ra làm đôi. Một người tù đặt câu hỏi: Tôi thiệt không biết sức lực từ đâu ra giúp ông già làm nỗi công việc nặng nhọc như thế? Một người khác trả lời rất tự nhiên: Chúa chớ ai vào đây? Và một người khác: Chúa của cha Thiện! Có tiếng cười mỉa mai sau câu nói ấy. Trời càng ngày càng lạnh hơn, đám tù càng thêm khổ sở. Cục bột luộc chấm nước muối ban sáng chẳng mấy chốc đã biến mất trong những cái dạ dày lép xẹp, rau muống già và dai như kẹo cao su, cũng chấm nước "đại dương", đến heo, chó còn chê, cũng chẳng còn tăm dạng trong hệ tiêu hóa người tù. Ngoài cái lạnh, muỗi, mòng trâu, bọ chét trong áo quần, đĩa dưới rẫy, vắt trên rừng... chia nhau hút máu những bộ xương cách trí.
Suy nhược vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng, sốt rét rừng, kiết lỵ vì điều kiện vệ sinh tồi tệ, nhiều người tù vĩnh viễn ra đi trước khi mùa Xuân trở lại, nhiều người khác ngã bệnh. Cha Thiện có thêm công việc mới, kéo xe chở xác những tù nhân ra nghĩa địa, xa hơn đám rẫy rau muống, mãi tận bên kia ngọn đồi. Một trong những tù nhân lâm bệnh là Thiếu tá Mẫn, ông té xỉu ngoài rừng lúc đang đẵn tre nứa, được các bạn tù khiêng về trại và mê man trong mấy ngày liền sau đó. Cha Thiện ngoài giờ làm việc, luôn túc trực bên mình để săn sóc Mẫn, có hôm cha thức đến nửa đêm lúc mọi tù nhân khác đã ngủ yên để lấy sức lao động ngày hôm sau. Những khoảng vắng lặng ấy cha thường lâm râm cầu nguyện. Ngày thứ ba, lần đầu tiên Mẫn mở mắt từ khi bị hôn mê. Cha Thiện mừng quá nói thành tiếng, nói miên man, có thể cha quên hay không cần biết có người chung quanh:
- Con đã tỉnh lại rồi, Chúa đã cứu con, Chúa đã chấp thuận lời cầu xin của cha. Bọn cộng sản vô thần hành hạ, hủy diệt thân xác con, nhưng Chúa đã cứu con. Mà con ơi! Chúng hành hạ thân thể con, nhưng linh hồn con thì chúng không thể nào đụng đến, linh hồn con vẫn thuộc về Chúa, mãi mãi cận kề bên Chúa.....
Cha Thiện bắt nhái, ễnh ương, bồ tọt... trong những giờ lao động bên ngoài trại. Cha xin nhà bếp từng nhúm gạo nhỏ. Rồi cha gom lại nấu cháo, đút từng muỗng cho đến khi Thiếu tá Mẫn bình phục. Một ngày trời thật lạnh, gió bấc thổi phần phật từng cơn và tuyết phủ trắng cả đỉnh núi ở đàng xa, cha Thiện bất ngờ hỏi Long:
- Con có biết hôm nay là ngày gì không?
- ...
- Ngày 24 tháng 12, ngày Chúa giáng sinh!
- Chúa giáng sinh rồi sao?
- Cha muốn cầu nguyện! Cha muốn chúng ta cùng cầu nguyện! Chúng ta là hai người duy nhất ở nơi nầy còn tin tưởng nơi Chúa, còn xem ngày Chúa giáng sinh là trọng đại.
- Không được! Cha để bữa khác đi, bữa nay tụi vệ binh đứng gần quá.
Giọng cha Thiện quả quyết:
- Chỉ hôm nay, dứt khoát không thể là một ngày khác, dứt khoát. Ngày khác đó có thể là không bao giờ.
Long nhượng bộ:
- Hay là cha xuống cái hố ở đằng kia đi.
- Còn con?
- Con đứng ở đây canh tụi nó cho cha. Nhớ là không quá mười lăm phút nghe cha!
Long chết điếng trong mấy phút liền sau đó. Những tiếng la hét, đốc thúc tù làm việc của tụi vệ binh từ đàng xa không át nổi tiếng đọc kinh của cha Thiện được gió mang đi..... Giáo đường của cha Thiện giờ đây là cả đồi núi bao la, bàn thờ là mô đất, hang Bê-lem là hố sâu cạnh đám rẫy, lễ phục là bộ đồ tù tả tơi, rách nát che không kín thân ông. Ông dùng luồng gió bấc lạnh thấu xương thay ban hợp tấu và tự ông hát thánh ca:
Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng
Đàn hát (réo rắt tiếng hát) xướng ca (dư âm vang xa)
Đây Chúa Thiên Tòa giáng sinh vì ta....
Bài thánh ca hùng tráng quá, giọng cha Thiện nhiệt thành quá, tất cả làm nên một sức mạnh vô hình kỳ diệu, trong phút giây ngắn ngủi, lực vô hình ấy âm thầm đến với Long, làm Long quên hết sự lo sợ những tên vệ binh, quản giáo cùng những luật lệ, hình phạt của trại cải tạo. Lực vô hình ấy đưa chân Long đến gần miệng hố nơi cha Thiện đang hành lễ. Long thấy cha Thiện đang cúi rạp người trong tư thế cực kỳ cung kính và tưởng chừng có tiếng chuông đổ liên hồi đâu đây. Long lại thấy cả máng cỏ, hang Bê lem, có Chúa hài đồng và những Thiên Thần hiện xuống với ánh đèn lấp lánh hào quang. Suốt những năm cải tạo, mỗi mùa Giáng Sinh Long chỉ biết chui vào mùng mà than thở một mình. Than rằng:
Giáng sinh Thiên chúa trên trời
Mút mùa cải tạo biết đời nào ra
Đây là mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời người tù, Long cảm thấy lạc quan, tin tưởng vào Thiên Chúa, tin tưởng vào tương laị Bất chợt Long nghĩ đến những mùa Giáng Sinh tự do trước khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, đến những vần thơ không rõ xuất xứ, nhưng rất thân quen mà bọn nhà binh có chút máu văn nghệ, văn nghệ ka-ki, như chàng hayngâm nga:
Mỗi độ đông sang con lại cầu
Chúa ban phép lạ cho người thương nhau
Giáng sinh rồi nhỉ, trời trong suốt
Thông cảm người ơi, đã bắt đầu
....
Nơi đây không có lời khinh ghét
Mà có tình thương Đức Chúa Trời!
Dưới hố, cha Thiện đang đọc đoạn cuối phần kinh mi sa. Long cất tiếng tiếp lời:
- Và thánh thần ở cùng người anh em!
Ngạc nhiên về sự tự nguyện nhập cuộc của Long, cha Thiện gật gù ra vẻ tán đồng và khuyến khích Long tiếp tục. Cha đọc:
- Lễ xong, con hãy tạ ơn chúa!
Long phản ứng như một cái máy:
- Tạ ơn Chúa! A men!
Lễ mi sa viên mãn.
Cha Thiện nói:
- Lễ đơn sơ quá, không rượu nho cũng chẳng có bánh thánh, cha mong Chúa hiểu rằng chúng ta không định làm ô danh Chúa.
- Chúa sẽ hiểu mà thông cảm cho chúng ta, cha Thiện ạ!
- Cám ơn con. Cầu xin Chúa che chở cho chúng ta, những con chiên của Chúa.
Khi cha Thiện còn nấn ná dưới hố thì Long nhìn lại phía sau, thằng vệ binh gần tới nơi. Long tái mặt. Tên vệ binh quát lớn:
- Chúng mày đang làm cái gì ở đó?
Long nhũn nhặn:
- Thưa bộ đội, trời rét quá, cóng cả tay chân. Chúng tôi đang nghỉ mệt, lão già chun xuống hố tránh gió.
- Chưa tới giờ nghỉ, chúng mày trở lại làm việc ngay. Bao giờ nghe tiếng cồng từ phía cổng trại mới được nghỉ, nghe rõ chưa?
- Thưa bộ đội, rõ.
+
Có lần vui miệng cha Thiện kể cho Long nghe chuyện cuộc đời cha. Là tu sĩ dòng khổ hạnh, cha chỉ muốn trọn đời tu học và phục việc Chúa, không muốn can dự vào việc đời. Khoảng năm 1959, theo lời mời của sư huynh Nguyễn Lạc Hóa, cha xuống thăm đặc khu Hải Yến, làng Bình Hưng, quận Cái Nước, tỉnh Cà Mau, thuộc vùng U Minh tận cùng đất nước. Cha Hóa đã dìu dắt khoảng ba trăm giáo dân tị nạn cộng sản từ miền Bắc, gồm cả người Hoa, đến đây để khẩn hoang, lập một xóm đạo. Dân chúng đã làm việc cật lực để tạo dựng cuộc sống mới, trong điều kiện thiên nhiên thật nghiệt ngã với rừng trầm thủy hoang vu đầy những cây tràm, cây đước, vẹt, năng, lác... cộng thêm muỗi, ác thú.... Việc xây dựng nhà thờ và khu gia cư đang tiến hành tốt đẹp thì cuối tháng 5 năm ấy, cộng sản bất ngờ tấn công xóm đạo một cách đại qui mô với đại liên, trọng pháo... làm thiệt mạng ba chục đàn ông, bị thương nhiều đàn bà và trẻ con vô tộị Lý do cộng sản tấn công Bình Hưng vì vùng này nằm kề cận mật khu của họ, làng Công giáo mọc lên như một cái gai và họ nghĩ phải bứng đi bằng mọi giá.
Dân Bình Hưng thề không đội trời chung với Việt cộng. Hai câu đối trên lòng con kinh chính xuyên qua làng: "Hải Yến hùng sư trừ phỉ cộng, Bình Hưng chánh khí quán trung thiên" nói lên sự cương quyết của dân chúng trong vùng. Từ đó về sau Bình Hưng trở thành một hình thức "khu trù mật", tự túc, tự cường, tự bảo vệ có hiệu quả khiến cộng quân không thể xâm phạm được. Tận mắt nhìn thấy sự khát máu của cộng sản, lương dân bị sát hại, cha Thiện thay đổi nhân sinh quan, từ xa lánh việc đời đến dấn thân, mạnh dạn bước vào. Cha Thiện trở nên một linh mục tuyên úy, lo việc tinh thần cho dân chúng và binh sĩ cộng hòa. Đó là lý do Long đã gặp cha ở Sư đoàn 7 Bộ binh.
Sau tháng Tư 1975, cha Thiện và một số tu sĩ, giáo dân trung kiên tụ hợp về nhà thờ Vinh Sơn trên đường Trần Quốc Toản, giữa thủ đô Sài Gòn, lập một tổ chức chống lại bạo quyền cộng sản, có quy mô với cả vũ khí. Vụ này Long có nghe nói đến trong trại cải tạo, lúc sắp bị đưa ra miền Bắc. Cơ mưu chẳng may bị bại lộ, nhiều sư huynh, sư đệ của cha Thiện và giáo dân bị giết, cơ sở bị phá hủỵ Phần cha Thiện bị cùm, tra tấn, biệt giam, chết đi sống lại nhiều lần, bị cải tạo qua nhiều trại tù trên khắp ba miền. Cha Thiện sụt mất hai chục kí lô so với thời gian còn làm tuyên úy. Cha nói thật tình không hiểu tại sao còn sống tới ngày nay, có lẽ đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa muốn cha sống để giao nhiệm vụ cao qúy, chiến đấu chống bọn cộng sản vô thần, làm sáng danh Thiên Chúa.
Long hỏi cha Thiện còn toan tính chống cộng sản bằng vũ lực. Cha Thiện quả quyết vẫn giữ ý định ấy đến hơi thở cuối cùng. Ngày nào được tháo củi, sổ lồng, có phương tiện cha sẽ làm ngay, không do dự.
+
Ít lâu sau Long được trả tự do. Đêm cuối cùng trước khi rời trại, cha Thiện tâm sự là cha biết sẽ rất cô đơn khi Long rời khỏi nơi nầy. Dù cô đơn, cha nói sẽ tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục làm lễ một mình. Long khuyên cha cẩn trọng, bởi việc làm lễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng cha. Cha cười hiền và nói: Chết à? Con người ai rồi cũng có lúc phải chết. Điều quan trọng là chết sao cho có ý nghĩa.
Trên đất Mỹ, mấy năm sau, một hôm vào lúc hai giờ sáng, Long giật mình tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại reo không ngừng. Vợ Long than phiền: Ai đâu mà bất lịch sự, gọi điện thoại giờ nầy không để người ta ngủ nghê!
Long bắt máy, giọng nhừa nhựa:
- A lô.
- Có phải Đại úy Long đó không?
- Thưa phải. Ai đó?
- Mẫn. Thiếu tá Mẫn Thiết giáp, cải tạo chung ở trại K7 với ông. Còn nhớ tui hông?
Long tỉnh ngủ:
- Trời ơi! Anh Mẫn. Nhớ chớ sao không! Anh đang ở đâu đó?
- Tôi đang ở thành phố St. Paul, tiểu bang Minnesota.
- Anh qua hồi nào? Công việc làm ăn, sinh sống giờ ra sao? Có vợ con đi cùng?
- Tôi qua Mỹ mới được hai tháng, từ Indonesia, do nhà thờ bảo lãnh. Chuyện dài lắm, hôm nào tôi sẽ kể ông nghe. Lý do tôi gọi ông hôm nay dù biết đã quá khuya rồi, là tôi vừa mới nói chuyện với Thiếu tá Nam ở Houston, Texas; anh Nam cho tôi số điện thoại của ông. Tôi muốn báo cho ông hay một tin mà chắc ông cũng nóng lòng muốn biết.
-....
- Cha Thiện mất rồi. Cha mất trong trại cải tạo K7. Mùa Giáng Sinh hai năm sau khi ông rời trại, tụi vệ binh bắt gặp quả tang cha đang cầu kinh và dâng thánh lễ dưới cái hố gần đám rẫy rau muống cải thiện. Chúng biệt giam cha. Khi chúng cho người thăm chừng thì cha đã chết cóng tự bao giờ. Tôi đưa xác cha đi chôn ở nghĩa trang bên kia ngọn đồi.....
Thiếu tá Mẫn tiếp tục nói, nói nhiều, thật nhiều điều nữa, nhưng Long chừng như không còn nghe thấy gì. Ông gác máy lúc nào Long cũng không hay.
Đêm đó không dỗ giấc ngủ lại được, Long ngồi dậy, đi pha cà phê. Uống cà phê, hồi tưởng những kỷ niệm xưa, Long lấy giấy viết làm một bài thơ để tưởng niệm cha Thiện:
Nửa khuya chuông đổ liên hồi,
Hỡi cha, cha đã ra người thiên thụ
Bàng hoàng như giấc chiêm bao,
Xa xôi cách biệt ngờ đâu phút này.
Rưng rưng nước mắt vơi đầy,
Cô đơn xứ lạ, ai người tri âm?
Nỗi buồn tức tưởi tháng năm,
Nhớ ngày cải tạo ân cần hỏi han.
Giọng người thuyết giảng âm vang,
Bóng cha còm cõi giữa trời cắt dạ
Nửa đời im bặt thánh ca,
Về bên nước Chúa chắc là sáng danh.
Cha đi nhẹ bước phong trần,
Nợ đời, nợ nước nghìn cân hết rồị
Ý thơ đứt quãng nghẹn lời,
Bâng khuâng đêm trắng bồi hồi khóc cha....
Những mùa giáng sinh kế tiếp nơi xứ người, hình ảnh cha Thiện vẫn không nhạt nhòa trong ký ức Long. Ông sừng sững hiện ra, một mình, dáng gầy còm, bất khuất, mái tóc bạc hoa râm. Ông trang trọng dâng lễ thánh trong cô đơn và cầu kinh giữa trời đông giá buốt. Long thì thầm với chính mình: "Cha Thiện đã không cô đơn và sẽ không bao giờ cô đơn. Chúa chứng minh cho lòng thành của cha, huynh đệ và các con chiên luôn luôn hiện diện bên cha, cùng cha cầu kinh và dâng thánh lễ". Long cho rằng không có một nơi nào trên thế giới nầy, ngay cả trong những giáo đường to lớn nhất, đông đảo tín đồ nhất, đã cử hành được một lễ mi sa có ý nghĩa như cha Thiện đã làm trong cái hố lộ thiên bên cạnh đám rẫy của trại cải tạo.
Tác giả Khuyết Danh
Nguồn: Hưng Việt
|