VietCatholic News (04 Dec 2008)
BHUBANESHWAR (AsiaNews) – Từ nhiều tháng nay đã tiếp tục có những vụ tấn công và sát hại người Kitô giáo tại quận hạt Kandhamal (Orissa, Ấn độ). Mối kinh hoàng đến nay vẫn còn lan rộng khắp vùng này. Chính quyền Orissa thúc ép người Kitô giáo trở về làng cũ, nhưng lại không bảo đảm an ninh cho họ chút nào.
Trong mấy ngày qua, hai phụ nữ Kitô giáo trong quận đã bị sát hại. Họ trở về làng, cố gặt lúa ở thửa ruộng của mình để có thực phẩm nuôi sống gia đình họ.
Một trong hai người là bà Bimala Nayak, 52 tuổi, đã bị chém bằng búa và ném vào rừng. Người ta tìm thấy thi thể bà bị chặt thành ba mảnh ở phía bên ngoài làng Gubria. Bà đã rời trại tị nạn Nuagaon để về làng gặt lúa ở thửa ruộng của mình.
Người phụ nữ thứ hai là bà Lalita Digal, 45 tuổi, bị giết tại Dodabali hôm 25 tháng 11. Bà tạm trú trong trại tị nạn K.Nuagam, và bỏ trại về nhà gặt lúa hôm 21 tháng 11. Về làng, bà tạm trú trong nhà mấy người bạn người Ấn. Mấy nhân chứng cho biết người ta lôi bà ra khỏi nhà, và đến nay vẫn chưa tìm thấy xác.
Những chuyện bạo hành như thế cũng đã xẩy ra tại làng Tiangia. Đêm hôm 25 tháng 11, hai căn nhà của người Kitô giáo bị thiêu rụi, và một căn khác của người Ấn đã cả gan tiếp đón người có đạo cũng bị đốt. Cũng hôm 25 tháng 11 tại Tiangia – quê hương của Lm Bernard Digal người đã qua đời sau nhiều tháng bị đánh đập và tra tấn – nhà chức trách trong quận đã tụ tập dân chúng trong làng (nơi đây đã có 6 Kitô hữu bị sát hại) để mừng một buổi “gặp gỡ bình an” và bảo đảm cho những người Kitô hữu đã bỏ trốn được trở về an toàn.
Hội đồng Toàn cầu Người Kitô giáo Ấn (The Global Council of Indian Christians gọi tắt là GCIC) tố cáo chính quyền địa phương không có khả năng – và có lẽ không muốn – ngăn chặn các vụ bạo hành. Phát biểu với Thông tấn xã AsiaNews, ông Sajan George chủ tịch của GCIC nói rằng nỗi sợ hãi vẫn còn lẩn quất trong cộng đồng Thiên Chúa giáo tại Kandhamal, và nay khi Lễ Giáng sinh đang tới gần, họ đau buồn khổ sở, không phải chỉ vì nhớ lại những vụ bạo hành chống người Kitô giáo hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng còn lo sợ vì chính quyền đã thất bại không ngăn chặn được các vụ dùng bạo lực có quy mô lớn đổ vào đầu người Kitô hữu tại Kandhamal sau vụ sát hại đáng tiếc ông Swami Laxamananada."
Swami Laxamananada là thủ lãnh Ấn độ của tổ chức VHP (Vishwa Hindu Parishad). Cái chết của ông xảy ra vào ngày 23 tháng 8 do nhóm thân Mao chủ mưu, đã là mồi lửa làm bùng phát những vụ giết hại người Kitô giáo tại Orissa. Ông Sajan George nói rằng: “Sau ba tháng mà chẳng thấy ai có trách nhiệm trong những vụ bạo hành này bị bắt cả” trong khi đó thì chính quyền đang thúc ép những ai đã bỏ chạy (có tới khoảng 54 ngàn người) phải trở về làng cũ. Ông nhắc lại rằng những năm qua đã có nhiều vụ bạo hành hơn nhắm vào cộng đồng Thiên Chúa giáo tại đây, riêng tháng 12 năm ngoái đã có ba người bị giết, 13 ngôi thánh đường cũng như hàng trăm căn nhà của người theo Kitô giáo bị thiêu rụi.
Naveen Patnaik, quận trưởng Orissa, đã trình bày trước quốc hội các chi tiết trong những nỗ lực của chính quyền nhằm phục hồi trật tự và luật pháp cũng như đàn áp các vụ bạo hành chống người Kitô giáo. Hai hôm trước đây, ông nói có ít nhất 10 ngàn người đã bị thẩm vấn về “bạo lực tại Kandhamal” và 598 người bị bắt sau khi tố giác 746 người. Nhưng không ai trong số này liên quan đến các vụ tấn công mới xẩy ra từ tháng 8 năm 2008 đến nay.
Trả lời một câu hỏi của mấy dân biểu trong quốc hội, ông nói rằng ông đã nhận được một bản báo cáo – vẫn còn chưa đầy đủ - về những cuộc bạo loạn đã xảy ra sau cái chết của Swami Laxamananda; theo báo cáo này thì đã có 4.215 căn nhà và ít nhất 252 ngôi thánh đường hoặc chỗ thờ phượng bị đốt cháy hoặc bị thiệt hại.
Tuy cảnh sát đã bắt giữ ba người liên hệ đến vụ ám sát ông Swami Laxamananda, nhưng nhiều nhóm người Ấn độ cấp tiến đã dự trù tổ chức những cuộc biểu tình để phản đối các lực lượng an ninh đã chậm chạp trong việc đưa kẻ có tội ra trước công lý. Các cuộc biểu tình được dự tính sẽ thực hiện vào ngày lễ Giáng sinh 25 tháng 12 này. Người Kitô giáo lo sợ rằng những vụ biểu tình này sẽ tạo ra nhiều đợt sóng bạo hành đổ trên đầu họ.
Phụng Nghi
|