MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: lịch sử
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ls # 12: Hành Trình Vuợt Biên Và Cuộc Sống Trên Đất Mỹ (Vietnamese)
Thứ Tư, Ngày 3 tháng 12-2008

LS # 12: Hành Trình Vuợt Biên và Cuộc Sống Trên Đất Mỹ (Vietnamese)

Cùng một tác giả Kenneth Nguyễn, bản English: LS #4

Kim Hà dịch thuật

LNĐ: Đây là câu chuyện vượt biên đường thuyền của một thiếu niên đi vượt thoát một mình, và tự học cho đến khi trở thành một bác sĩ Y Khoa. Bác sĩ Kenneth Nguyễn đang cư ngụ tại thành phố Westminster, California.

Anh đang thu thập những tài liệu về người tị nạn đường thuyền và đường bộ để làm tài liệu và để nhớ lại những chuỗi ngày gian khổ. Anh viết lại câu chuyện vượt biên bằng tiếng Anh. Nhân tháng Tư, chúng tôi xin dịch thuật sang tiếng Việt.

Đây là một tấm gương phấn đấu kiên cường của một người trẻ. Thật là đáng ngợi khen và khâm phục. Xin trân trọng giới thiệu với quý vị. (KH)

1. Cuộc Chuẩn Bị Vượt Biên:

Thuở thơ ấu của tôi không có gì đáng nhớ và đáng kể. Đại gia đình tôi gồm có các cô, chú bác, anh tôi, chị tôi đều có những cảm nghiệm đầy bi thương trong lúc vượt biên ra khỏi Việt Nam bằng đường thủy.

Một trong các chú của tôi đã di tản và đến Mỹ vào năm 1975. Một người chú khác và thím của tôi đã vượt biên bằng thuyền vào năm 1978, trong chương trình ra đi bán chính thức dành cho người Hoa Kiều vì gia đình chúng tôi là người Hoa và Việt Nam. Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu được những gì đã xẩy ra chung quanh mình.

Sau này, chú thím tôi kể chuyện cho tôi nghe rằng có hai chiếc tầu được chính quyền Cộng Sản hộ tống ra đại dương. Đêm đầu tiên, những người trên hai chiểc tàu còn nhìn thấy nhau nhưng vào đêm thứ hai, khi bão tố nổi lên thì chiếc tàu kia biến mất và không ai còn gặp lại những người đi trên chiếc tàu ấy nữa. Thím tôi nghĩ rằng mọi người ở trên tầu ấy đã chết rồi vì bạn của thím đi trên chiếc tàu ấy nhưng không bao giờ liên lạc về Việt Nam hay bất cứ nơi nào nữa.

Tiếp theo đó, một chú khác 19 tuổi, và anh tôi 10 tuổi vượt thoát thành công vào đầu thập niên 1980 trên một chiếc tàu rất nhỏ nhưng có đông người. Họ được một chiếc tầu ngầm cứu vớt chỉ độ vài tiếng đồng hồ trước khi có cơn bão đến. Theo người thuyền trưởng kể lại thì lẽ ra, toàn thề mọi người trên chiếc tầu bị chết đuối vì chiếc tầu nhỏ ấy dùng để chuyên chở thương mãi trên sông thôi. Nay họ lại chen chúc trên chiếc tàu không đủ trọng tải. Họ quá liều lĩnh bởi vì họ nghĩ thời tiết tháng 4 chắc là tốt đẹp.

Sau khi rút kinh nghiệm những gì đã xẩy ra, cha mẹ tôi bắt đầu đóng hai chiếc tầu riêng với hai nhóm bạn. Mục đích của cha mẹ tôi là cho các chú, các cô, chị tôi và tôi đi đến nơi được bảo đảm an toàn.

Nhưng rủi thay, cả hai chiếc tàu ấy đều bị bạn của cha mẹ tôi cướp để đi vươt biên. Kể từ đó, chúng tôi đã tham gia các chuyến đi khác nhưng không thành công.

Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu ngọn ngành của mọi sự. Tôi chỉ biết rằng gia đình muốn tôi trốn đi vượt biên, nhưng tôi chưa có ý thức tại sao phải đi. Gia đình tôi bị bắt hai lần và bị giam trong nhà tù nhiều tháng trời. Chị tôi và tôi được thả ra sau vài ngày bởi vì hai chị em tôi đều dưới 18 tuổi. Hai chị em tôi được gia đình dạy là phải làm mặt lạ và xử sự như không quen biết nhau. Chúng tôi phải giả bộ như không quen các cô các chú của tôi. Vì thế, chúng tôi được xem là con nít, nên được ra tù sớm hơn.

Dĩ nhiên, chúng tôi không có tiền để đi xe bus về nhà. Tuy nhiên, có một phụ nữ làm việc ở văn phòng đã thương chúng tôi nên bà đưa chúng tôi ra bến xe đò ở tỉnh Sóc Trăng và trả tiền vé xe cho chúng tôi về lại Sàigòn. Bà ta gửi gắm chị em chúng tôi cho người phụ tài xế để ông này chăm sóc chúng tôi.

Về đến nhà, chúng tôi kể cho cha mẹ nghe về lòng tốt của người phụ nữ xa lạ ấy, cha mẹ tôi liền đi xuống Sóc Trăng biếu tặng vàng cho người phụ nữ và sau đó, cha mẹ tôi cố gắng "chạy chọt tiền" cho các cô chú tôi được thả về.

Sau nhiều lần vượt biên thất bại, các cô chú tôi quyết định ở lại và chờ đợi được đi theo diện bảo lãnh (ODP). Cha mẹ tôi vẫn theo đuổi mục tiêu là gửi chị tôi và tôi đi vượt biên trong nhiều lần khác.

Lần cuối cùng là năm 1984, hai chị em tôi được núp trong một chiếc thuyền nhỏ. Chiếc thuyền cứ nổi trôi vô định trong hai, ba ngày. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn để đứng lên và bò sang một chiếc tầu khác lớn hơn.

Tối hôm ấy, trời tối đen như mực nên tôi không thể nhìn được sự gì hay nhìn thấy ai nhưng tôi nghe người ta thì thầm nói chuyện. Người ta ném tôi lên và vứt tôi xuống một chiếc tầu khác. Bụng tôi đau vì đụng vào sàn tầu. Khuôn mặt tôi đụng phải một người nào hay một vật gì nên đau đớn vô cùng. Tôi hét lên và gọi tên chị tôi thật lớn nhưng những người chung quanh bảo tôi phải im lặng. Tôi dấu mình trong một góc tầu nên không thấy ai hay sự gì nữa.

Tôi không nhớ chiếc tầu trôi nổi bao lâu nhưng rồi chiếc tầu của tôi gặp hải tặc người Thái Lan. nhiều lần. Có những người bị bọn cướp biển này giết chết và có những người bị chúng bắt đi mất tích.

Chúng tôi lênh đênh trên đại dương khoảng 7 đêm. Tôi còn nhớ rằng chúng tôi hết lương thực và nước dự trữ. Họ cho tôi một ít nước và cơm, nhưng vì tôi chỉ có một mình, lại là trẻ nhỏ nên những người chung quanh tôi luôn được quyền ưu tiên hơn tôi. Cũng vào lần ấy, tôi mới nhớ ra rằng nước và hộp sữa đặc của tôi bị ai ăn cắp mất rồi.

Cũng may, tôi không cảm thấy đói và thèm ăn vì tôi được ngậm sâm Cao Ly trong miệng. Cha mẹ tôi rất chu đáo khi gói ghém và cung cấp cho tôi hộp sâm Cao Ly và những chiếc kẹo chanh để phòng khi hết lương thực và nước uống.

Trong thời gian ấy, chúng tôi nhìn thấy nhiều chiếc tầu thuơng mãi đi ngang qua nhưng họ tảng lờ, không cứu chúng tôi. Đêm trước ngày chúng tôi cập bến, có một người đàn ông dâng hương và xin mọi người cùng cầu nguyện. Ngay sau đó, chúng tôi nhìn thấy một vật gì sáng chói và phản chíếu ánh sáng mặt trăng ở chung quanh chiếc tầu. Chúng tôi không biết đó là cái gì cho đến khi viên thuyền trưởng tốt bụng nói rằng đó là cá Ông hay cá Voi. Những con cá Ông này đùa giỡn chung quanh tầu của chúng tôi cho đến khi mặt trời bắt đầu ló dạng và chiếu sáng. Đấy cũng là lúc mà chúng tôi thấy đất liền ở đàng xa.

2. Đến Được Nước Mã Lai Á:

Thật không thể nào tả được nỗi vui mừng của những người trên tầu. Ngay lúc ấy, tôi vẫn không hiểu từ ngữ"Vượt Biên" có ý nghĩa gì. Tôi chỉ muốn đi về nhà và chung sống với cha mẹ tôi để được ăn phở, bánh cuốn, hủ tíu, và kem. Thật sự, tôi chỉ mong ước những điều ấy mà thôi. Tôi cứ tự hỏi tại sao mà cha mẹ tôi lại bắt tôi ngồi trên tầu này? Tôi còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của sự vượt biên.

Thế rồi, tầu chúng tôi cập bến tại một hòn đảo của Mã Lai Á vào một buổi chiểu. Tuy nhiên, những người dân trên đảo bắt chúng tôi đến một hòn đảo khác, cách xa chừng nửa ngày đường, và đó là đảo Pulau Bidong. Trên đường đến đó, có những người muốn ngừng ở Pulau Bidong, lại có những người muốn đi thẳng đến nước Úc vì gia đình họ đã ở nước Úc. Thế rồi, tầu chúng tôi đến một hòn đảo khác, không phải là đảo Pulau Bidong. Tên đảo này là Pulau Redang (tôi nghĩ như thế). Khoảng cách từ đảo này đến Pulau Bidong là 3 tiếng đồng hồ.

Ngay khi chúng tôi đến đảo thì người dân đảo này gọi điện thoại cho đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Pulau Bidong. Chúng tôi được hướng dẫn là hãy nghỉ đêm tại một căn nhà gỗ. Ngày hôm sau, một chiếc tầu lớn từ Pulau Bidong đến để đưa người tị nạn chúng tôi đến Bidong.

Tôi chỉ ở lại Bidong trong vài tháng bởi vì tôi là trẻ nhỏ. Họ hỏi tôi đi vượt biên với ai. Tôi trả lời rằng tôi đi chung với chị của tôi nhưng dọc đường, tôi đã lạc mất chị tôi. Lúc đó, tôi không biết chắc rằng chị tôi có bị bọn hải tặc Thái Lan bắt đi hay không, bởi vì tôi rất sợ hãi và bị khủng hoảng tinh thần trong thời gian ấy.

Hai tháng sau, cha mẹ tôi nhận được thư của tôi. Tước đó, mẹ tôi khóc lóc thảm thiết vì bà nghe có những người viết thư về cho gia đình và nói rằng chiếc tàu của chúng tôi bị hải tặc cướp bóc và giết hại nhiều lần, rằng có những người bị bọn cướp này giết chết.

Khi nhận thư tôi xong, mẹ tôi viết thư trả lời cho tôi rằng trong hai tháng trời ấy, bà lo lắng và đau buồn đến điên lên được. Bà không ăn, không ngủ. Đặc biệt đêm nào bà cũng khóc khi bà thấy chị tôi về lại nhà có một mình. Thực sự, chị tôi bị bỏ rơi lại. Chị rớt xuống dòng sông khi đang cố gắng leo lên chiếc tầu lớn. May mắn thay, chị bơi ngược trở lại chiếc thuyền nhỏ và được họ đem trở về nhà cách an toàn. Cha mẹ rất chu đáo nên đã cho chị em chúng tôi đi học bơi lội ở vườn Tao Đàn, Sàigòn với hy vọng rằng chúng tôi sẽ bơi được khi tầu bị bão tố làm đắm chìm.

Trong lúc chờ đợi tin tức của tôi gửi về, một ngày nọ, người chị họ của tôi nằm mơ thấy tôi bị chết đuối nơi đại dương. Chị ấy bèn đến thăm và kể cho cha mẹ tôi nghe về giấc mơ của chị. Vì thế, mẹ tôi không thể nuốt trôi miếng cơm được nữa. Hàng ngày, bà chỉ uống nước cam và sữa. Bà không thế nuốt gì được vì cứ lo nghĩ và thương xót tôi cả ngày đêm. Lý do tôi là con út trong nhà nên được cha mẹ cưng quý nhất nhà.

Tôi còn nhớ khi tôi ra đi thì chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán. Mỗi đêm, mẹ tôi qùy xuống trước bàn thờ ở tầng lầu thứ ba để cầu nguyện cho tôi hàng giờ. Nước mắt mẹ tuôn ra không ngừng. Những người hàng xóm thấy mẹ tôi đau buồn thì họ đến thăm và an ủi bà nhưng nỗi đau khổ của bà lớn quá, không gì có thể khỏa lấp được. Mẹ tôi ốm hắn đi vì buồn sầu, nhớ thương và lo cho con út.

Mẹ tôi kể rằng bà đi đến hàng trăm người thầy bói mà người ta giới thiệu cho bà. Một số thầy bói bảo bà rằng mọi sự tốt đẹp, một số thầy bói lắc đầu nói không xong rồi. Điều này làm cho tình cảnh mẹ tôi càng tồi tệ hơn.

Điều quan trọng nhất mà mẹ tôi làm là ngồi hàng giờ trước cứa nhà đề chờ người phát thư đến. Vừa khi thấy người nhân viên bưu điện là mẹ tôi chạy vội đến gặp ông ta và hỏi xem ông ta có thư của tôi gửi về không. Mỗi lần ông phát thư lắc đầu thì trái tim mẹ đau nhói. Mẹ cảm thấy đau và rũ liệt vì tuyệt vọng. Mẹ tôi không còn làm được việc gì, ngoài việc nằm để suy nghĩ, tự đặt câu hỏi, tự trả lời và ước ao.

Từ ngữ "Nếu" cứ xuất hiện trong tâm trí bà. "Nếu tôi không bắt con tôi lên tầu thì con tôi sẽ không như thế này…" Bà cứ loay hoay với các chữ"Nếu" và chỉ có "Nếu" mà thôi. Tóc của bà trở nên bạc trắng dù mới chỉ có một thời gian ngắn. Mặt mũi bà hốc hác và rầu rĩ. Mắt bà trở nên quầng thâm vì sự mất ngủ. Bà viết thư cho tôi và diễn tả rằng trái tim mẹ nặng trĩu và đập nhịp nhanh hơn khi thấy người phát thư tiến đến từ đàng xa.

Cho đến một ngày nọ, ông phát thư đưa cho mẹ tôi một lá thư dầy có dán con tem đóng dấu từ nước Mã Lai Á, mẹ tôi quá mừng rỡ nên khóc lớn lên. Mẹ mừng khi thấy nét chữ của tôi viết ngoài phong bì. Hôm ấy, mẹ thưởng cho ông phát thư rất nhiều tiền vì đã trả lại cho mẹ niềm hy vọng và hạnh phúc.

Có nhiều điều mà tôi nhớ lại khi ở đảo Bidong. Ở đó, người ta không đối xử tốt với tôi. Người ta lợi dụng tôi rất nhiều. Người ta bắt tôi múc nước giếng và vác những thùng thực phẩm và đồ dùng hàng ngày. Khi các chú tôi gửi tiền cho tôi tiêu dùng thì họ bảo tôi đưa cho họ cất giùm cho vì tôi còn quá nhỏ, không nên giữ tìền, vì e rằng có những người ăn cướp nếu như họ biết tôi có tiền trong túi. Lúc ấy, tôi khờ dại nên nghe lời người ta khuyên. Kết quả là họ không trả tiền cho tôi khi tôi rời đảo Bidong.

3. Phấn Đấu Tại Hoa Kỳ:

Cuối cùng, sau 6 tháng hay 9 tháng ở trong trại tị nạn Bidong và Sungei Besi, tôi được đến Mỹ. Lúc đầu tiên, tôi ở với một trong những người chú của tôi. Anh của tôi vừa tốt nghiệp trung học thì anh gia nhập lực lượng Thủy Quân Lục Chiến ngay lập tức. Còn tôi thì cảm thấy bất hạnh vì thái độ không tốt của thím tôi. Bà này đối xử tàn tệ với anh tôi và tôi. Điều tiêu cực nhất là chú tôi không hề nói một lời khuyên bảo vợ mình. Chú cũng không tỏ một hành động nào đó để ngân cản người vợ, đừng để cho bà đối xử tệ bạc với anh em chúng tôi.

Chắc quý vị không thể hình dung được là anh em tôi rất hiếm khi có quần áo mới. Quần áo của anh em chúng tôi là do bạn bè cho đồ cũ. Khoảng chừng một năm, thím tôi mới mua quần áo mới cho chúng tôi. Hàng ngày, chúng tôi không có đủ thức ăn vì thím tôi nấu ít, chỉ đủ ăn cho chú thím mà thôi. Thím cũng thường hay dấu diếm thức ăn mà không cho anh em chúng tôi ăn. Khi nào thích hay vui thì thím nấu ăn nhiều hơn.

Có rất nhiều điều riêng tư về thím mà tôi không muốn kể chi tiết ở đây. Cũng có thể là vì tình trạng kinh tế khó khăn nên thím mới có thái độ thiếu trưởng thành như thế. Tôi rất hiểu và tha thứ cho thím.

Khi được 18 tuổi thì tôi dọn ra ngoài ở. Tôi kiếm được hai nơi làm việc bán thời gian (part time) mà còn đi học toàn thời gian ở Đại Học Cộng Đồng Golden West College (GWC). Vì nghèo nên tôi phải đi xe bus hàng ngày để đi học và đi làm. Tôi ăn ở ngoài và ngủ lăn lóc khắp mọi nơi, có khi trên bãi cỏ, trong lớp học hoặc trong tiệm bán bánh ngọt donut. Tôi thường đến một tiệm bán bánh donut ở đường Edinger, đối diện với nhà băng Bank of America để học bài cho đến 2 giờ sáng hay 4 giờ sáng.

Tại sao? Thứ nhất là tại vì người chủ nhà không thích thấy tôi thắp đèn học cả đêm. Thứ hai là tôi thuê chung phòng với một người bạn. Có nhiều đêm, bạn của tôi đi ngủ sớm. Chúng tôi thuê một căn phòng giá $250.00. Mỗi người trả một nửa số tiền. Cả hai chúng tôi đều đi học đại học GWC nhưng ít khi gặp nhau vì có thời khóa biểu khác nhau.

Sau này, khi mẹ tôi được bảo lãnh sang Mỹ vào năm 1993 hay năm 1994, tôi và người bạn ấy lại dọn ra và thuê một khu nhà chung cư có một phòng ngủ cho mẹ tôi ở chung. Hai đứa chúng tôi ngủ ngoài phòng khách, còn mẹ tôi ngủ trong phòng ngủ. Khi tôi học toàn thời gian ở đại học California State University Long Beach (CSULB) thì tôi bắt đầu làm một công việc thứ ba, cũng là một công việc bán thời gian.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân về Sinh Vật Học (Medical Microbiology), tôi đệ đơn thi vào Nha Khoa, Dược Khoa và Y Khoa. Trong khi chờ đợi đơn được cứu xét, tôi làm việc với tính cách là nhân viên Hoá học tại một phòng thí nghiệm. Trong vòng một năm, tôi được nhận vào ngành Y Khoa và được cấp học bổng để học ngành chuyên khoa.

Cuộc sống của tôi thay đổi từ đó. Tôi thường hay "bay" về nhà trong dịp lễ Giáng Sinh hay mùa Hè để giúp đỡ mẹ tôi trả tiền chi phí về ga nấu bếp, điện, tiền thuê nhà, điện thoại, thay nhớt xe…

Khi tốt nghiệp Y Khoa, tôi "bay" về nhà và thi để được cấp chứng chỉ hành nghề Y Khoa. Tôi may mắn thi đậu ngay kỳ thứ nhất. Sau đó, hàng năm, tôi mua vé cho mẹ tôi đi du lịch khắp nơi. Mẹ tôi đã đi du lịch ở Trung Hoa, Canada, New York, Hoa Thịnh Đốn, Philadelphia, Đại Hàn và Hồng Kông. Tháng 3 năm 2008, mẹ tôi sẽ đi thăm Thái Lan, Singapore, Hà Nội, Chùa Hương, Sapa, Huế, Nha Trang, Sàigòn… Mẹ tôi sẽ đi thăm Âu Châu vào tháng 5 năm 2008.

Tôi đã mua nhiều sách như: Hành Trình Biển Đông, số 1 và số 2, Qua Cơn Bão Dữ, Lệ Tràn Biển Đông, Hải Tặc Thái Lan và đảo Kra, Tầm Lòng Biển, Giá Tự Do…Đã có nhiều lần, mẹ tôi khóc lặng lẽ khi đọc những câu chuyện thật của người tị nạn, đường thủy cũng như đường bộ, đặc biệt khi mẹ đọc câu chuyện thật của gia đình cô Kim Hà (tác phẩm Qua Cơn Bão Dữ). Mẹ tôi tâm sự rằng bà không thể tưởng tượng được tại sao cô lại tỏ ra mạnh mẽ và tin tưởng trong muôn vàn sự khó khăn như thế? Mẹ nói rằng chưa bao giờ bà được đọc về gương sáng của một phụ nữ đáng được ngợi khen và không thể tưởng tượng được như là cô.

Tôi ước ao mình có thể trưởng thành hơn trong lúc vượt biên để nhớ lại những gì đã xẩy ra trong chiếc tầu của tôi hầu góp phần nhỏ nhoi của mình trong lịch sử đáng nhớ về người tị nạn thuyền nhân và bộ nhân Tôi rất thích thú chờ đợi Bolinao 52 được trình làng dưới dạng phim DVD. Đó là một cuốn phím có ý nghĩa và rất cảm động.

Đó là tất cả những gì về cuộc đời tôi. Tôi hy vọng cô giúp tôi được liên lạc với những nhà văn viết về người tị nạn để hy vọng biết thêm những tác phẩm khác liên quan đến thuyền nhân và bộ nhân.

Chân thành,
Bác Sĩ Kenneth Nguyễn
21/11/2007

Kim Hà dịch thuật, 5/4/2008

In English: Hành Trình Vuợt Biên và Cuộc Sống Trên Đất Mỹ

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sài Gòn Trong Ký Ức (12/13/2008)
Tuy Hòa Và Con Lộ Máu 1- Phần B (12/11/2008)
Tuy Hòa Và Con Lộ Máu 1- Phần A (12/11/2008)
Hình Ảnh Di Cư 1954 Từ Bắc Vào Nam (12/9/2008)
Ls # 18: Đôi Dép Thật Quan Trọng (12/7/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Ls 1: Một Câu Chuyện Vựơt Biển. (12/9/2008)
Ls # 17: Gia Đình Bị Chết Hai Người Trong Cuộc Vượt Thoát Đau Thương (12/3/2008)
Ls #16: Hồng Nhan Bạc Phận. (12/3/2008)
Ls # 15: Tưởng Niệm Người Đã Khuất (12/3/2008)
Ls # 14: Nhớ Lại Người Anh Thân Thương (12/3/2008)
Tin/Bài khác
Ls 8 : Tìm Lại Ân Nhân (12/3/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768