MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ls 1: Một Câu Chuyện Vựơt Biển.
Thứ Ba, Ngày 9 tháng 12-2008

Một câu chuyện vựơt biển.

Bầu trời Rạch Giá hôm đó thật đẹp, vài áng mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời trong xanh.

Đúng như dự đóan của ngừơi tổ chức vựơt biển, mà tôi đã được biết đến trước đó bốn ngày. Sau cơn bão, trời quang mây tạnh, nên ra khơi ngay ít nhất cũng được một tuần trời tốt, đủ thời gian tới Thái Lan, nếu không gặp trở ngại máy móc trên đường đi, hơn nữa, những tháng này là mùa giông bão, Công An Biên Phòng cũng chễnh mãng trong việc tuần tra.

Hôm đó, lúc 16 giờ ngày 17.7.1979, người liên lạc đến đón chúng tôi ở căn nhà hơi xa thành phố Rạch Gía, mà một tuần qua, từ Sài Gòn lên đã tá túc tại đây, may mắn, ra đến bến xe lam, đây là chuyến chót, để ra bãi đậu ghe, vì hơn giờ qua có sự rắc rối qua lại với người tổ chức và chủ nhà về vấn đề tiền bạc.

Chúng tôi ngủ qua đêm trên thuyền, cùng với hai gia đình gồm sáu người khác, khỏang ba giờ sáng hôm sau, một « ghe taxi » cặp lại bên hông thuyền chúng tôi, từng vài phút, một người bước qua, sau đó được ngụy trang phủ lên mọi người một lớp lưới cá mỏng, rồi ghe chạy ra hướng cửa biển.  

Nhưng kìa !!¨ « Cá Lớn » đây sao ?sao nó bé thế này !!! nhìn lớp người đã xếp như cá hộp, mà lại còn ba chiếc « taxi »  đang dập dờn trên sóng chờ chuyển người qua. Lên ghe tôi được biết, ngoài những người như chúng tôi, phải trả 8 lượng vàng người lớn, trẻ em một nửa,( vì qua trung gian, sau này được biết đã trả gấp đôi) còn có những ghe biết tin, họ chở người đến rồi cứ lên ghe. 

Ghe nhỏ hai máy dài chừng 13m, chạy tới chiều, ghe  đến gần đảo Phú Quốc, tài công bắt mọi người vứt tất cả túi sách, một số lớn thực phẩm, chỉ còn lại vài cal nước sông 10 lít, vì ghe qúa nặng. Rồi từ đó, mọi người thay nhau tát nước trong ghe. Con tôi năm dứa, lớn 8 tuổi, út gái 3 tháng rưỡi, khóc không ra tiếng, vì mẹ nó đâu có giọt sữa nào cho con. Rồi nước biển theo từng nhịp nhấp nhô của con sóng, phủ lên mọi người trong suốt hành trình. 

Nhìn các con, chúng đều ủ rũ trong dáng mệt mỏi chiu đựng, tôi đứng lên đi lấy nước cho các cháu, tôi đưa nước thì các cháu đỡ lấy uống vậy thôi, chứ một ngày đã qua, không cháu nào lên tiếng đòi ăn hay uống, nước thì còn, thức ăn thì đã vứt hết rồi. Nhìn qua cháu bé, cả người cháu đã đỏ lên vì nước biển, nước bắn lên trên làn da non của cháu, dù mẹ cháu đã cố che phần nào, trông con, tôi thầm nghĩ, con tôi  chịu đựng được bao nhiêu ngày nữa, tôi  ưá nước mắt, không dám nghĩ tiếp…

Càng về đêm, sóng gío to hơn, ghe phải tắt máy, thả trôi theo dòng nước. Nhiều lúc, cả gia đình ôm nhau chờ chết, những lúc có cơn sóng lớn ập đến, tưởng đâu sẽ nhận chìm chiếc ghe nhỏ bé trên vùng biển bao la. Cũng may tài công là một tay buộn lậu, trên biển trước kia, người Campuchia nên lái giỏi, nhìn anh ta lúc nào cũng chú tâm đến từng con sóng, mà bẻ tay lái theo. Sau 3 ngày không ai ăn, có uống it nước cầm chừng còn lại, cũng may những ngày qua trời luôn có mây ít nắng, nên cũng đỡ khát nước. Mờ sáng  thì ghe bị tắt máy vì đụng phải đá ngầm, và  cũng hư cả chân vịt, đây là vùng có nhiều cồn cát nhỏ, sóng đẩy và vướng vào bờ.

Khoảng 14 giờ, có  một tàu đánh cá lớn chạy qua ghé lại, tài công leo qua nói đượcvài câu bằng tiếng Thái với họ, họ đòi 4 lượng vàng sẽ kéo đến một trại tỵ nạn, mọi người gom  lại, tôi đưa 1chỉ,  vợ chồng tôi trong túi tất cả có 3 chỉ vàng và 50 dola.Sau đó họ cho một số người qua tàu, nấu cơm cho cả ghe ăn, trong đó có tôi. Nhìn tàu họ to lớn 6 máy đầu bạc, nhìn qua ghe mình nhỏ bé, người ngồi chen chúc, tôi rùng mình. Lúc sau, khi mọi người ăn xong họ cho biết, chờ gần tối họ sẽ kéo ghe chúng tôi đi. Tôi thóang thắc mắc trong đầu, tại sao lại phải chờ đến gần tối ??? nhưng cũng chẳng biết lên tiếng hỏi, vì biết làm sao hơn. Tàu họ chạy đi, trên đó có vợ chồng tài công và hai đứa con, đậu từ xa bên cạnh một cồn cát  khác, vừa tầm nhìn thấy.

Khoảng 18 giờ, 4 thuyền đánh cá chạy tới, nhỏ hơn chiếc kia,  chạy đến từ hướng chiếc tàu đang đậu, họ ghé lại, người "tài  cải" khoảng 20 tuổi ra dấu tàu chết máy, mấy ghe Thái họ nói chuyện với nhau, rồi một ghe cột giây vào đầu thuyền chúng tôi. Tôi nhìn qua hướng chiếc tàu đậu chờ chúng tôi từ xa, thấy không còn đấy nữa, tôi  nghĩ, nó cũng vừa chạy đi thôi...Rồi họ kéo ghe chúng tôi về hướng chạy đến lúc nãy, 3 ghe còn lại, họ tiếp tục chạy ra hướng biển ... Ghe kéo tàu chúng tôi chạy nhanh quá, nhiều lần chao đảo tưởng lật.Tài cải 1 tay cầm lái, đung đưa nửa người ra ngoài, nhìn theo chiếc ghe chạy trước. Tôi đứng dậy, hét to, tay ôm cháu gái thứ tư .. :chạy chậm lại, kẻo bị lật  !!! Có ai nghe đâu, vì tiếng máy tàu, có nghe chắc cũng chẳng hiểu gì. Độ gần nửa tiếng sau, ghe tấp lại một cồn cát  nhỏ, có trồng nhiều dừa, và họ ra dấu mọi người xuống đó nằm ngủ, rồi tàu này chạy đi.

Nhìn xung quanh từ xa, tôi thấy thấp thoáng nhiều nhà dân dưới những tàng cây dừa, nên cũng an tâm ...Chợt nhớ lại con tàu lớn  đánh cá lúc nãy, mà cả ghe đã góp lại đưa nó 4 cây vàng nhờ kéo đi, chả lẽ nó bàn với nhau, biết ghe còn vàng, chờ tối kéo đi xa ngoài  biển, sau khi vơ vét, rồi lại kêu các tầu khác đến, cùng hưởng lợi trên thân xác đàn bà, con gái, rồi đụng chìm ghe phi tang, nếu nhân đạo hơn nó để ghe chúng  tôi trôi lênh đênh trên biển … Những tai hoạ gì sẽ tiếp nối, mà tôi đã nghe qua khi còn bên Việt Nam, tôi không có can  đảm tưởng tượng xa hơn …

Khoảng lúc sau trời tối, tôi cùng các thanh niên nhặt củi khô và lên ghe lấy được cal dầu  10 lít cuối cùng xuống đốt, lưả vừa bùng cháy, thi từ xa, một chiếc ghe phóng nhanh lại, bọn người trên ghe nhảy nhanh xuống. Tất cả chúng tôi đều nhận ra là một trong 4 chiếc ghe lúc nãy nó kêu lớn BANGKOK ... BANGKOK ... THAI…LAN, tay chỉ ra hướng biển, rồi chỉ lên thuyền của nó. Hai đứa cầm 2 khẩu carbine, 1 đứa cầm mã tấu, đứa  còn lại trên  tay cầm trái lựu đạn.

Tôi còn nhớ, hai cậu đi một mình tên Minh và Tân  khoảng 16 tuổi, hớn hở nói.lớn….lên ghe bà con.....Tôi hét to: "mọi người tản rộng ra, nó không thể giết chết hết được, lên tàu nó chết hết". Một thằng chạy về phía tôi, lên đạn chĩa súng, tôi nhắm mắt…Không nghe tiếng động, mở mắt ra, thấy nó đi qua chỗ những người khác, giựt hai sợi giây chuyền đeo trên cổ, và 3 cái đồng hồ. 4 đứa chạy ra thuyền chúng nó, rồi cột giây kéo thuyền chúng tôi đi. Vợ tôi ôm tôi khóc :

"Chúa Ơi đã  cứu chúng con !!! Sao anh dại thế !!!.... Anh có nghĩ đến em và các con không?..."

"Anh xin lỗi em, phản ứng tự nhiên của anh..."

Tôi nói trong nước mắt....Nhìn các con tôi nằm bên nhau say sưa ngủ trên cát trong dáng mệt mỏi....các con có biết gia đình mình vừa thoát qua một thảm họa không ???

Tôi giật mình tỉnh giấc,  vì nắng chói nóng quá. Nhìn quanh, một số người đã thức, đa số còn ngủ say dưới những tàn cây dừa. Tôi lấy một cái tã trắng của con tôi, rồi nhặt một cành khô dài, cột vào cắm trên bãi cát gần bờ nước, gió biển thổi bay phất  phới ...tôi mỉm cười !!!

Một lúc sau, có một ghe chèo thuyền đi ngang qua, nhìn thấy chúng tôi ghé lại. Tôi và vaì người chạy đến nói chuyện, biết họ là hai ký giả cuả báo Time đi nghỉ hè , vừa tới vùng này. Bây giờ họ trở về Bangkok để đưa tin này lên báo , sau này người nhà viết thư cho biết, có nghe trên đài BBC nói về một chiếc ghe vượt biên, táp vào vùng này, trong đó có một gia đình phi công trực thăng (PCTT), với năm người con nhỏ, có nghĩ đến, chắc là gia đình tôi

Độ 1 tiếng sau, có hai ghe chài chạy đến họ ra dấu nhà họ bên kia, rồi họ bỏ đi. Lúc sau, họ trở lại với trên mười chiếc  ghe nữa, họ mang cho chúng tôi thực phẩm và nước uống, có cả mắm Bohoc, mà chúng tôi không thể nào ăn đựơc. Trong số này, có một ngừơi nói lỏm bõm tiếng Việt vợ Thái, cha xưa kia là người Phan Thiết, đến vùng này lâu rồi. Ngay lúc đó, có một chiếc ghe chạy lại, trên ghe có hai thúng mực, họ cho hết chúng tôi. Thật cảm động, chắc đây là số mực họ câu đựơc cả đêm qua. Dân địa phương cho chúng tôi mựơn, nồi, xoong chảo để nấu cơm.

Nhìn thấy đám con tôi, một ông trông có áng chững chạc nhất trong đám, mà sau này tôi biết đựơc là trửơng làng. Ông đi ghe về, lúc sau mang đến cho các con tôi 3 hộp sữa và một hộp phấn, ra dấu thoa cho con nhỏ của tôi. Vài  ngừơi ở lại chơi rất khuya với chúng tôi dù ngôn ngữ bất đồng. Ngừơi Thái gốc Việt cho biết, đây là chiếc ghe vựơt  biển đầu tiên ghé vùng này, họ cũng biết có làn sóng vựơt biển. Cách đây khoảng 4 tháng, dân làng có vớt đựơc 5 xác chết trôi dạt đến đây, họ đoán là ngừơi Việt, vựơt biển và vớt đem đi chôn.Họ cũng cho biết,tối qua khi trời vừa chập tối,họ có biết, ghe bọn cướp đến chỗ chúng tôi,nhớ lại khi bọn cướpvừa đi,tôi  không thấy những ánh đèn nhà dân đó nữa,có lẽ nhờ không xa dân cư sinh sống,bọn cướp trong thời gian ngắn phải chạy đi.

Đến gần tối, có một chiếc ghe chạy đến, với 6 ngừơi ,là lính địa phương ,đầy đủ súng ống, đi đến cùng vợ chồng ông tài công và hai ngừơi con, sau này họ cho chúng tôi biết, chiếc tầu lấy bốn cây vàng của chúng tôi. Lúc đó, nó thấy 4 chiếc tầu đánh cá điạ phương ghé lại ghe vượt biển, nó liền chay đi, và thả gia đình taì công  xuống một cồn cát gần đó. Họ găp một tàu đánh cá đi ngang nhờ chở tới đồn cảnh sát. Những người lính địa phương, đếm và phân loại chúng tôi. Lúc đó tôi mới biết tất cả ghe là 106 người. Cái ghe bé như thế !!!

Nói nghe khó tin, nhưng là sự thật, vì có gia đình tôi trên đó. Nhiều người tổ chức vượt biển, họ cố chất thật  đông để thu về nhiều vàng, hoặc nếu mua baĩ, công an gởi người, hoặc có những người biết ghe vượt biên, chạy lên đi « ké » như ghe của chúng tôi. Giờ nghĩ lại, nếu phải đi như thế nưã sự may mắn chắc không đến được lần thứ hai. Chúng tôi  gặp được người tài công, họ thường đi buôn lậu đường biển giữa Việt Nam và Cam Bốt, khi ngồi trên chiếc tầu đánh cá lớn họ cũng sợ mà không dám trở laị con tầu bé nhỏ mà chất người đông như thế này, thì chắc bạn cũng nghĩ như tôi, có lẽ số người bỏ mạng trên biển phaỉ tương đương với số người đến đươc bến bờ tự do.

Gần trưa hôm sau, một tàu hải quân Thái đến, họ neo từ xa và 2 cano chạy vào, có trên 10 người trang bị súng ống, 1 sĩ quan Hải Quân  hỏi : « Ai ở đây là  PCTT ?» Tôi giơ tay, và anh ta tiến về phía tôi, hỏi tôi : « Ghe vào hải phận Thái khi nào, họ không biết ? » Tôi nói : «  Khoảng nửa đêm, tôi có nhìn thấy từ xa, rải rác rất nhiều ánh đèn,  nghĩ đây là thuyền dân chài Thái. Tôi cũng nhìn thấy nhiều ánh đèn của 1 con tàu lớn, có thể là tàu Hải Quân, lúc đó ghe chúng tôi tắt máy, thả trôi theo dòng nước, tôi rất mừng vì nghĩ rằng đã vào trong hải phận Thái ».

Sau đó, họ chuyển dần chúng tôi ra chiếc tầu Hải Quân lớn đậu từ xa. Cano chạy thẳng vào chiếc tầu « há mồm », mà năm 1954 tôi đã được đi di cư từ Hải Phòng với cha mẹ để vào miền Nam. Vị sĩ quan Hải Quân lúc nãy giới thiệu một người mặc quần aó dân sự, mà tôi cũng chẳng chú ý đến tên, là tỉnh trưởng của tỉnh Leamngob này. Ba người mặc quần áo dân sự đưa những máy ảnh lên chụp tất cả mọi người chúng tôi. sau đó với giấy bút trên tay, họ đặt nhiều câu hỏi về hiện tình QĐCS, tình hình VN lúc đó, họ tỏ ra thất vọng, làm sao chúng tôi có thể  biết chuyện lắm thế, mà có nhìn thấy vài chiếc xe tank chạy vào Saì Gòn hôm 30.4.1975 đi chăng nữa, bố tôi bảo cũng chẳng cần nói ra !!!

Tầu chạy khỏang 2 tiếng, rồi cho chúng tôi xuống một cái lồng chợ bỏ hoang gần  bờ biển, có giây kẽm gai bao quanh. Ngày đêm có hai người mặc thường phục canh giữ, họ cho chúng tôi gạo nếp, nước mắm, cá khô, xoong nồi để chúng tôi tự nấu lấy. Tuy nhiên, hằng ngày cũng có dân điạ phương đem cá thịt tươi, rau, trái cây đế bán, ai có tiền cứ việc mua. Nhân dịp này, tôi cũng nhờ người cảnh sát mặc dân sự, đi gởi điện tín về Viet Nam báo cho cha mẹ tôi, vì tất cả chúng tôi chỉ được đi lại trong lồng chợ vài chục mét vuông này thôi.

Hai ngày sau đó, mọi người vừa qua bữa cơm trưa, một chiếc xe Land Rover chạy vào, có một người , mặc quần aó dân sự cho chúng tôi biết, ông ta là người Canada, làm việc cho Liên Hiệp Quốc, biết được chúng tôi đến vùng này, có đưa đến cho chúng tôi nước uống, gạo, cá khô, chăn đắp, và rất nhiều bánh kẹo, và nói sẽ trở lại trong vài ngày nữa ! 

Bốn ngày sau, ông ta trở lại, giới thiệu cho chúng tôi hai người  đi cùng, thuộc nhân viên tòa đại sứ Thuy Sĩ., mà qua lần họp ở Genève ngày 20/07/1979,lúc đó đang chấn động thế giới về làn sóng vượt biển. Quốc gia Thụy Sĩ  đón nhận 300 người tỵ nạn, và chúng tôi gồm trong số đầu tiên may mắn đó. Tất cả chúng tôi đều reo hò vui mừng và có lẽ nhiều người cũng không biết Thuy Sĩ nằm đâu trên bản đồ, thấy được đi nhanh qúa thì mừng trước đã, riêng tôi cũng chỉ biết được chút ít thôi về quốc gia này khi học ở trường, có nghe nói tới hiệp định Genève ký tại Thuy Sĩ. Sau đó họ làm thủ tục và nói hai ngày sau trở lại đưa chúng tôi lên Bangkok khám sức khỏe ,chờ chuyến bay đi Thụy Sỹ.

Vào một buổi trưa tại trung tâm chuyển tiếp ở Bangkok, cả gia đình đang thiêm thiếp nằm ngủ chung, trên một cái chiếu, thì qua loa phóng thanh kêu tên cả gia đình chúng tôi lên văn phòng, Trước mặt chúng tôi, một cô thông dich người Viêt,một ông Mỹ đeo một sợi dây chuyền rất lớn,có tượng Phật
Ông Mỹ quay qua nói với cô thông dich.

- Cô hỏi anh ta, ở VN anh ta lái loại trực thăng nào ?

Tôi trả lời qua cô thông dich:

- Tôi lái trực thăng UH1-H, đơn vị cuối cùng, chuyên về tản thương đêm.

Rồi ông ta nói với cô thông dịch:

- Cô nói với anh ta, cả gia đình được nhận vào Mỹ, và giơ tay tuyên thệ.

Tôi nói với cô thông dich.:

- Tôi có gia đình cậu em đi chung chuyến ghe, cô hỏi ông ta có thể nhận vào Mỹ luôn không ? Cô trả lời tôi ngay chả cần phải hỏi, gia đình cậu em anh không đủ điều kiện, nhìn trên tay ông Mỹ chỉ có hồ sơ gia đình tôi thôi !!!¨vậy thì hãy để chúng tôi đi Thuy Sĩ...

Ông Mỹ quay qua nói với cô thông dich:

- Tôi nói anh ta giơ tay tuyên thệ, còn nói gì với cô?

Cô thông dịch nói với tôi, ông này nóng tính lắm, xé hồ sơ anh thì phiền, gia đình anh cừ giơ tay tuyên thệ, rồi mai ra tòa đại sứ xin rùt hồ sơ ra, và tôi theo lời khuyên của cô thông dịch.

.Tôi có quyết định này, vì hơn mười ngày qua sống tại đây, tôi đã tìm hiểu về đất nước Thụy Sĩ qua những người du lịch từ Âu Châu tới thăm trại, nhận thấy cũng hay hay, đã sống ở Mỹ một năm rồi như bạn trước đây, thì đổi xem sao ? Tôi còn nhớ, có người nói với tôi một câu ví von rất hay. «  Nói tới nước Pháp, có tour Eiffel và đình công biểu tình,Còn nói tới Thụy Sỹ, đình công thì chưa từng xảy ra » .

Khi biết được chuyến bay đi Thụy Sĩ, chúng tôi còn 1 chỉ vàng, cả gia đình quyết định dắt díu bồng bế nhau qua chợ bên cạnh trại, mua mỗi người một bộ quần áo, rồi trở về trại thay. Bỏ tất cả vào một cái túi xách vừa mua đưa qua Thụy Sĩ, đó là tài sản của gia đình tôi. Gia đình tôi trưa nay không dùng cơm «bà  Soeur » kéo nhau đi « nhà hàng »

Một tiếng trước khi máy bay cất cánh, tôi quay hỏi nhà tôi.

-Em còn bao nhiêu tiền ?

Vợ tôi móc túi giơ ra được 2 $ 75 cts..

Tôi nói:

«Em hãy đi mua coca cho các con uống hết đi !!!"

Chuyến bay  của hãng hàng không Thụy Sỹ, hạ cánh xuống phi trường Zurich lúc 8:00 AM ngày 06 09 1979,trong đó có gia đình chúng tôi. Đây là phi trường quốc tế lớn nhất Thụy Sĩ, và cũng là thành phố đông dân nhất, khoảng 2 triệu người, là vùng nói tiếng Đức.

Vưà bước ra khỏi phi cơ, Một anh sinh viên du học trước đây, làm việc cho Caritas, hướng dẫn chúng tôi ra xe buýt chờ sẵn. Hơn tiếng sau,chúng tôi đến một trung tâm. Có sáu bà tuổi khoảng 65 đến 70,làm việc thiện nguyện, hướng dẫn gần 30 người, đến phòng tắm, thứ tự, tắm cho tất cả, như những cháu trai gái 2,3 tuổi, xịt thuốc diệt chí trên tóc, sau đó được hướng dẫn  qua những phòng kế tiếp, để lãnh « quân trang,quân dụng » đầy một túi lớn cho mỗi người, như thời gian vào lính, về trung tâm ở Quang Trung học quân sự giai đoạn một.Tất cả quần aó vật dụng đều mới,nhưng nhìn đám « tân binh » đồng phục, từ 4 tháng  đến  62 tuổi.

Dùng cơm trưa xong, cả đoàn «  lính mới » diễn hành ra xe..,trông cũng….. đẹp mắt . Sau bữa cơm trưa Thụy Sỹ đầu tiên trên đất nước này, tôi đã cảm nhận rồi mai đây sẽ còn rất nhiều, những bữa cơm Thụy Sỹ khác sẽ đến với gia đình tôi , đây là quê hương thứ hai, chúng tôi phải chấp nhận, Nhiều ý nghĩ buồn lại xuất hiện trong đầu tôi, tôi đã xa rồi, cha mẹ, anh em ,những người thân yêu,bạn bè, tôi thật sự trắng tay,từ đây bắt đầu một cuộc sống mới cho gia đình.

Ngồi trên xe buýt,trên đường đưa chúng tôì về trại tạm cư, Nhà cửa,thành phố sạch đẹp ,những sinh hoạt trên đường phố khi xe chạy qua,cũng cho tôi chút ấn tượng về mực sống người dân nước này.

Khoảng 16 :00 giờ  Chúng tôi đến trại Montet,gần Fribourg, thuộc vùng nói tiếng Pháp, cách Genève khỏang 180 km, để học tiếng Đức hoặc Pháp, và cũng chờ người bảo trợ. Đa số học tiếng Đức, vì nghe nói sống ở vùng nói tiếng Đức dễ kiếm việc làm hơn, lương lại cao hơn vùng nói tiếng Pháp.

Một tuần sau trưởng trại kêu tôi lên, đề nghị gia đình tôi chuyển qua học tiếng Pháp, vì đã có người bảo trợ ở Genève và nghĩ đến gia đình chúng tôi.

Họ đón gia đình tôi ra Genève ngày 12 .11 1979. Ba tháng đầu, hai vợ chồng thay nhau đi học thêm tiếng Pháp, một buổi tôi đi làm việc ngoài trời cho thị xã. Sau ba tháng hết trợ cấp đi học, thị xã nhận tôi vào làm việc cả ngày, là làm đẹp thành phố, mùa Thu hốt lá, Đông cào tuyết, Hè cắt cỏ, Xuân phụ làm vườn. Năm đầu thị xã  không lấy tiền nhà.

Vào tháng tám năm  1980, thi xã chúng tôi ở Carouge, GE có tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm nên phải khiêng bàn ghế. Tôi hỏi chuyện và muốn xin một chỗ bán « chả gìo ». Chef của tôi, cũng chẳng biết chả giò là gì? Nhưng muốn giúp tôi, họ cũng cho tôi một chỗ tốt và chở tôi đi xin giấy phép, những ngày đi « bán hàng » đầu tiên ở đất nước Thụy Sĩ này cũng thật nhiều kỷ niệm.

Ngày 20 1 .1981, vợ chồng đại tá Không Quân-B.R mà tôi đã gặp qua 2 lần, ông rất vui tính, cởi mở, làm việc ở căn cứ KQ Sion đến Genève, tôi đi nhờ xe về Sion lái thử trực thăng.

Hôm sau, tôi lái với ông giám đốc Air Glacier.Sa. Từ trên cao đất nước này đồi núi nhiều và rầt đẹp, giống như khi tôi còn bay ở Sư Đoàn 1 KQ .Đây là một hãng trực thăng tư, đưa người trượt tuyết mùa Đông, chụp hình, tản thương, cứu người gặp tai nạn trên núi trên đường xe.v..v..Loại trực thăng này nhỏ hơn UH1-H của Mỹ.

Tôi thấy 7 chiếc trực thăng của hãng đang đậu trong bãi, vài chiếc Cessna, và có lẽ những chiếc phản lực F-14 của KQ Thụy Sỹ. Ngoài phi công kiêm giám đốc, ông giới thiệu cho tôi biết 2 phi công còn lại của hãng. Và hai tuần sau đó, tôi cũng được trở lại bay chung với họ.

Hơn tháng sau tôi nhận được thơ báo, họ nhận tôi vào bay cho hãng. Tôi nói qua người bảo trợ khước từ công việc đó. Ông ta thoáng ngạc nhiên và hơi buồn nói với tôi :

« S. à, anh có biết xin công việc này  khó  lắm không? Phải được sự  chấp nhận đặc biệt của chính phủ,vì anh là người tỵ nạn,và chưa có quôc tịch Thụy Sỹ, sau đó mới qua hãng trực thăng tư ».

Nếu tôi nhận, cả gia đình tôi phải di chuyển về vùng đồi núi cách Genève 250km để sinh sống, dù bên đây đời sống tiện nghi đều giống nhau. Ấn tượng sống ở đồng ruộng khi còn bên Việt Nam vẫn chưa phai nhòa trong tiềm thức tôi.

Đi « học tập » về, tôi phải vội đưa gia đình về vùng rẫy, cách Saì Gòn 60 km. Cơm ngày ba bưã độn nhiều ngô khoai, 100gr thịt heo kho mắm, bằm nhiều cây sả, cả nhà cũng ăn được vài bữa, khá hơn có rau luộc, với 2 trái trứng vịt dằm trong nưóc mắm, cả nhà cũng qua ngày.

Gặp trận mưa đầu mùa, con tôi 6,7 tuổi phải nghỉ học để ra rẫy giúp cha mẹ bỏ hạt giống, rồi đến ngày thu hoặch cũng vậy. Nhìn đám con lếch thếch đi chân đất, tôi tự hỏi tương lai các con tôi rồi sẽ ra sao ?

Hôm mới xuống đây trình diện xã tờ giấy phóng thích. Họ giữ lại, họ nói để họ xem mai trả lại. Hôm sau, hỏi họ trả lời bị thất lạc rồi. Tôi còn giữ một cuốn vở học trò, trong đó ghi lại hằng ngày làm gì nghĩ gì, và đem lên trình công an xã ký.Gặp ngày lễ, họ gom những người mới được phóng thích như  tôi lại, và vợ, hoặc con tôi mang cơm lên.

Đêm ngủ nghe tiếng chó sủa ngoài đầu ngõ cũng giật mình sợ hãi. Khi đau yếu cần về bệnh viện Bình Dân khám, cũng phải xin qua 7 chữ ký. Tài sản tôi đâu còn lại gì, chiếc vali Samsonite,  cái đồng hồ Longine, tôi mua cho vợ khi du học bên Mỹ về, vợ tôi đã bán để nuôi các con và mua thực phẩm thăm nuôi tôi. Cha mẹ tôi đã gom tất cả số vàng, tài sản mà ông bà có được cho gia đình tôi vượt biên, mà cũng không đủ, qua đây chúng tôi trả tiếp.Giờ nghĩ lại, dù sao đối vơí con cái tôi, được sinh sống ở thành phố quốc tế nổi tiếng này vẫn hơn, nhất là từ khi đi bán « chả gìo », tôi đã nhìn xa một sinh kế mới cho gia đình chúng tôi.

Vài năm sau, người bảo trợ thấy gia đình tôi thành công trong công việc thương mại, một lần gặp mặt ở nhà tôi ông cười nói:

«S. à, anh có lý khi không về Sion lái trực thăng.»

Ông cũng kể lại cho tôi biết về hai tai nạn đã xảy đến cho hãng này, hai năm sau khi tôi từ chối không nhận việc, hai tai nạn xảy ra giống nhau, hai phi công tôi đã từng bay với họ, một chết một bị thưong năng, đung phải dây cáp kéo người trượt tuyết dăng rất nhiều ở vùng này, trời xấu và họ đã không thấy, chuyện này tôi đã xem báo đăng hồi đó.

Mùa hè 1984, tôi bán trong một buổi trình diễn nhạc trẻ, từ thứ ba đến chủ nhật cách GE 30km. Đây là năm thứ ba, tôi tham dự giữa một cánh đồng rộng, và không chỉ bán chả gìo như thời gian đầu, mà đã gồm có những bưã ăn chính, nên công việc cũng rầt vất vả. Ngày cuối dọn dẹp xong thì trời sáng. Trên  đường lái xe gần về tới nhà, xe cam nhông nhỏ đi mướn tông mạnh vào cột đèn bên đường, vì hai vợ chồng mệt qúa cùng ngủ gật. Xe hư hại nặng phại bỏ, nhưng chúng tôi không sao cả.

Ba tháng sau, chúng tôi mở một tiệm Food to go. Đây cũng là tiệm Á châu đầu tiên ở GE lúc đó. Hơn nữa, bây giờ không chỉ ở GE đi bán chả gìo, mà toàn Thuỵ Sĩ đã có nhiều người bán giống tôi thưở ban đầu, họ thường kêu đùa tôi «ông tổ chả giò.»


Những ngày đầu mở tiệm, chúng tôi nhiều lo lắng.Khả năng,”nấu bếp”của tôi ....cỡ các bạn, khi ở trường bay bên Mỹ, cuối tuần đi siêu thị ,rồi vào nhà bếp cũng xào xào,nấu nấu, hay hơn nhớ lại vài món khi mẹ nấu cho ăn khi còn ở Viet Nam.Hai tháng sau, tôi đi chào để bày bán chả gìo ở các siêu thị.Ngày qua ngày,nghề dạy nghề ,qua sách vở,những lần đi ăn ở các nhà hàng Á Châu cũng như đi Paris để học hỏi.Các món ăn nấu sẵn từ Việt, Tầu,Thái, Nhật,Singapore... đã thay đổi thường xuyên,có mặt trên các quầy hàng siêu thị ở Genève,công viêc có tổ chức, chuyên môn, không luộm thuộm như thuở ban đầu. Có lần, khi tôi chào món mới,người nhận cười nói đùa :

"Tôi cần thêm mấy món Phi Châu nữa”.

Tôi cười trả lời,

”Món ăn Á Châu,xử dụng đũa,hoặc nĩa dao,khi ăn cũng được,món ăn Phi Châu, họ bốc tay, nên tôi không biết nấu.”

Tiếng Việt,các con tôi nói chuyện bình thường như chúng tôi. Thời gian đầu đến trường về nhà, các cháu hay “bị phạt” đứng úp mặt vào tường, nói lớn nhiều lần:

”Con đi học về đến nhà, không được nói chuyện bằng tiếng Pháp”,

Vì mẹ các cháu đã “ra luật”.Có lần chúng tôi cũng phải “phì cười”.Trước mặt các anh chị em,một cháu đang thao thao “diễn thuyết”,giật mình vì chúng tôi đến sau lưng, cháu đã tự động, chạy lại đứng tường, vợ tôi lên tiếng:

”Mẹ tha cho con lần này”.

Tuy khó khăn cho các cháu, khi diễn đạt bằng tiếng Việt, nhưng rồi cũng qua đi ....
Chủ nhật qua, trước mặt các con, tôi nói :

« Hôm nay, bố cho các con biết một tin rất vui...bố đã liên lạc được với một người bạn thân trước đây., người mà hơn ba chục năm qua bố vẫn mong tìm gặp Bố giờ nghĩ lại những quyết định đã qua, khi chọn Thụy Sỹ làm quê hương thứ hai, cũng như quyết định một hướng đi khác trong cuộc sống là rất đúng !!!! Bố rất hài lòng về những quyết định này. »

Con trai lớn tôi cười nói:

"Vậy là:' Ba khôn nhất họ rồi...'"

Vâng đúng thế !!! nhìn lại những may mắn đã qua trong cuộc sống mà THIÊN CHÚA đã ban cho gia đình chúng tôi thật nhiều hạnh phúc như hiện tại. Chúng tôi cũng cám ơn đất nước THỤY SỸ đã cưu mang đùm bọc chúng tôi cho tới bây giờ.

NVS

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Văn Hóa Du Kích, Và Những Phiên Tòa Du Kích (12/10/2008)
Con Đường Tìm Công Lý Chưa Kết Thúc (12/10/2008)
Hà Nội, Công Lý Và Sự Thật Đang Ló Rạng Qua 8 Anh Hùng Thái Hà (12/10/2008)
8 Tháng 12 Ngày Hồng Phúc Nhớ Đời (12/10/2008)
Một Cuộc Tập Dượt Thành Công (12/10/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Y Học: Ảnh Hưởng Của Stress Lên Sức Khoẻ. (12/9/2008)
Người Việt Đầu Tiên Trong Quốc Hội Hoa Kỳ Là Một Cựu Tu Sĩ Dòng Tên (12/9/2008)
Hình Ảnh Di Cư 1954 Từ Bắc Vào Nam (12/9/2008)
Tin/Bài khác
Đến Hỏa Ngục Và Trở Về (12/8/2008)
Cuộc Cách Mạng Cành Thiên Tuế (12/8/2008)
Tường Thuật Tại Chỗ Phiên Xử 8 Giáo Dân Thái Hà (12/8/2008)
Phản Ứng Sau Phiên Xử 8 Giáo Dân Thái Hà (12/8/2008)
Thấy Gì Sau Những Phiên Tòa (12/8/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768