Tỉnh thức? Khó đấy!
— Xin lỗi, nghe không rõ! Bạn nói chi?
— Tỉnh thức.
— Tỉnh thức? À, tỉnh thức. Cái này thì khó đấy…
I. Tỉnh thức: Vật chất dư thừa Trong những xã hội tiên tiến, tỉnh thức không phải là một điều dễ làm, bởi vì vật chất dư thừa bao quanh khiến mình khó phân biệt đâu là thần tài, đâu là thần chết.
Chuyện kể rằng có hai tên tướng cướp một hôm đi ngang qua cánh rừng, bất ngờ cả hai cùng bắt gặp một người đàn ông tuổi trung niên đang hốt hoảng bỏ chạy, tay chỉ vào trong rừng, miệng hét to, “Thần chết! Thần chết!”. Thấy chuyện lạ, hai tên tướng cướp chặn người đàn ông lại, kề dao vào cổ, vặn hỏi, “Thần chết ở đâu mà nhà ngươi vừa chạy vừa hét ầm ĩ lên như vậy? Mát hả? Hay là té giếng sâu mười tám thước?”. Lạ thay, mặc dù bị dao sắc chạm ngay cần cổ, người đàn ông vẫn không tỏ vẻ sợ hãi, nhưng tiếp tục chỉ tay vào rừng, tiếp tục hét to, “Thần chết! Thần chết!”. Thấy người đàn ông có thái độ lạ kỳ, hai tên tướng cướp liền để mặc người đàn ông một mình, rồi cả hai đi sâu vào bià rừng về hướng tay chỉ của người đàn ông. Thật bất ngờ, mới lần mò vào bià rừng được khoảng ném một cục đá, hai tên tướng cướp khám phá ra một cái hang bên trong chất cao đầy vàng bạc và kim cương. Thấy kho tàng bất ngờ xuất hiện trước mặt, hai tên tướng cướp mắt sáng ra. Rồi không ai nói ai, cả hai tên cướp thay phiên nhau đào vàng bạc, hốt kim cương cho vào những bao bố, chuẩn bị mang về thành phố. Cả hai vừa đào vàng, vừa hốt bạc, tâm hồn lâng lâng nghĩ tới ngày mai, một ngày mai tươi sáng với một kho tàng trời tặng ban cho thật bất ngờ. Sau một hồi loay hoay với kho vàng, cả hai tên cướp cùng đói bụng. Một tên mới đề nghị, “Thôi, để tao vô thành phố. Mi cứ ở đây, đào tiếp, đợi tao mua bánh mì mang về tụi mình ăn trưa nhé”. Đang đói bụng, nghe bạn nói vậy, tên kia gật đầu đồng ý liền. Trên đường đi mua bánh mì ăn trưa, tên cướp thứ nhất bất ngờ động lòng tham, hắn nghĩ, ‘Thôi kệ, bây giờ mình ghé vào tiệm thuốc Bắc mua thuốc chuột nhét vào ổ bánh mì kẹp thịt. Như vậy cả nguyên một kho tàng sẽ thuộc hẳn về mình’. Nhưng cũng không ai ngờ, trong hang núi, tên cướp thứ hai cũng động lòng tham y như tên cướp thứ nhất. Cho nên, hắn bậm môi đứng nép ngay cửa hang, tay giơ cao thanh đao đợi chờ. Bởi không tỉnh thức, không nghi ngờ, tên cướp thứ nhất không chuẩn bị. Cho nên vừa mới ló đầu vào, đầu hắn rụng xuống, rơi lăn nghe kêu lông lốc trên nền đất khô. Giết chết bạn xong, tên cướp thứ hai tỉnh bơ ngồi xuống, lấy bánh mì có ướp thuốc chuột ra ăn. Nhưng bánh mì vừa kịp trôi qua cổ họng, hắn trợn mắt lên, rồi giãy đành đạch té chết nằm sõng soài bên cạnh xác đồng nghiệp còn chưa kịp lạnh. Thế là thần tài rớt mặt nạ xuống, hiện nguyên hình thần chết.
Tỉnh thức? Khó đấy!
II. Tỉnh thức: Giật gấu vá vai Đối với những cuộc giật gấu vá vai, tỉnh thức cũng không phải là một điều dễ thực hiện, bởi vì đời sống vật chất thiếu thốn khiến người ta cũng dễ dàng bị mập mờ lẫn lộn giữa hạnh phúc bây giờ và bất hạnh tương lai.
Chuyện kể rằng tại một thôn làng có một cặp vợ chồng son. Cả hai rất hạnh phúc, nhưng chỉ tội nghèo. Bởi thế chồng phải ngày ngày vô rừng đốn củi kiếm tiền. Vợ ở nhà xúc cá bắt tép mang ra chợ bán. Cả hai quần quật làm việc đầu tắt mặt tối, thế mà vẫn không thoát cảnh cơm trưa trộn sắn, cơm chiều trộn khoai. Nhưng mặc cho phận nghèo tiếp tục theo đuổi, hai vợ chồng rất thương yêu nhau. Tối trong khi chồng đang ngồi xếp đống củi chuẩn bị mang ra chợ bán vào sáng sớm ngày hôm sau, vợ ngồi bên cạnh ướp muối từng chú cá xúc được trong ngày. Lâu lâu hai vợ chồng nhìn nhau, cười tủm tỉm thương yêu mặn nồng.
Bất ngờ, vào một ngày kia, trong khi đang vớt tép, vợ khám phá ra trong rổ lóng lánh một cục đá. Ánh sáng của cục đá sáng lấp lánh che tối ánh bạc mặt trời nhiệt đới và cả những chú cá rô đồng lớn bằng bàn tay đang dãy dụa trong rổ. Mang cục đá lớn bằng trái trứng chim câu về nhà, vợ nhờ người mang đi bán. Thế là bắt đầu kể từ đó đời sống của hai vợ chông thay đổi, chồng thôi phận tiều phu, vợ thôi kiếp xúc tép. Cả hai trở nên giàu có với nhà cao cửa rộng, người ăn kẻ ở tấp nập. Và cũng bắt đầu từ đó, người chồng một thời tiều phu bắt đầu đổi tính. Anh không còn tối tối quây quần xum họp với vợ trong túp lều tranh nữa, nhưng ngày đêm la cà nơi quán rượu nhà chứa… Và cũng bắt đầu từ đó, người vợ một thời xúc tép đổi hình. Chị ăn mặc sang trọng phấn son rỡ ràng, thường xuyên xuất hiện nơi sòng bạc casino… Có người còn nói chị trở nên gái gọi hạng sang… Thực hư chẳng ai biết. Nhưng,
Tỉnh thức? Khó đấy!
III. Tỉnh thức: Chốn thiền môn Trong đời sống thiền môn, không tỉnh thức cõi thiền sẽ nhập nhằng hóa ra cõi trần.
Chuyện kể rằng, có nhà tu sĩ thuộc phái hành khất bình bát có lần dừng bước ngồi ăn xin dưới gốc đa đầu làng. Người trong thôn đi ngang qua, họ nhận ra gia tài duy nhất người tu sĩ sở hữu là hai cánh áo tăng và cái bình bát làm bằng gỗ. Tuy nghèo, nhưng nhà tu sĩ rất là hạnh phúc. Khuôn mặt của chàng không bao giờ thiếu vắng nụ cười. Ngày ngày ngồi dưới gốc đa, chàng lần chuỗi tâm kinh bình bát, “Xin cho con sống trọn một đời tu hành, chọn Trời làm mền, lấy đất làm giường, lấy hạnh phúc tha nhân là hạnh phúc của chính con”.
Dân làng đi ngang qua, có người dâng cúng trái chuối sứ, có người dâng tặng hành khất sĩ cái bánh cam. Trẻ em rắn mặt có tên nhặt đá ném người xuất gia. Có người không hiểu đạo lý diệt ngã của môn phái hành khất, cho nên đi ngang qua mở miệng mắng,
— Ơ hay chửa! Thanh niên trai tráng mặt mũi thông minh sáng láng như thế kia, tay chân vạm vỡ ra dáng người có ăn học như thế, mà lại lười biếng, không chịu đi làm! Rõ là nằm dưới gốc sung!
Ai cho chi, tăng sĩ trẻ tuổi cúi đầu, tay đưa lên trước ngực theo kiểu khất sĩ, miệng nói lời cám ơn.
Bị đá ném thẳng vào người, dù là to hay nhỏ, tăng sĩ vẫn yên lặng, thân mình không di chuyển, vầng trán cao không gợn một nét nhăn, nụ cười tăng sĩ vẫn nở trên môi, nhưng đầu cúi xuống tránh những hòn đá hiểm ác ném thẳng vào mặt.
Trước những lời la mắng, cự trách, người tu sĩ cúi xuống, tay chắp theo thế tâm kinh bình bát, mắt nhìn xuống nền đất, ánh mắt khoan thai tựa như Đức Phật ngự trên tòa sen.
Người trong làng, có mấy lần ghé tận gốc đa mời tăng sĩ về nhà dùng bữa cơm chay dưa muối. Nhưng tu sĩ bình bát nhã nhặn cúi đầu miệng nói lời cám ơn.
Ngày ngày trôi qua người tăng sĩ ngồi dưới gốc đa đã trở thành một phần đời sống của thôn làng. Sáng sáng lũ lượt kéo nhau đi ngang qua đầu làng chuẩn bị cho một ngày mới, người trong thôn nhận ra nhà tu sĩ vẫn ngồi thiền dưới gốc cây đa, ánh mắt hiền từ, nụ cười khoan dung.
Nhưng bất ngờ, vào một ngày kia người trong thôn nhận ra hai bộ quần áo tăng của người tu sĩ bị chuột nhắt gặm cắn nham nhở. Ái ngại cho tình cảnh đơn chiếc của tăng sĩ, có người quay về nhà mua tặng tăng sĩ hai bộ áo tăng mới. Nhưng tu sĩ lắc đầu, chỉ xin mượn kim chỉ khâu vá lại những chỗ rách.
Nhận ra những chú chuột nhắt là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng cơ hàn lại thêm cơ hàn của tăng sĩ, có người chạy về nhà kiếm chú mèo mang lại tặng. Người này thông minh lanh lợi, ông không biếu tặng tăng sĩ một con mèo béo mập khỏe mạnh, mà là một chú mèo gầy đói ốm yếu nhưng hay bắt chuột. Dưới gốc cây đa, tăng sĩ nhìn chú mèo, thoạt tiên, chàng từ chối, viện lẽ ông thuộc về giới hành khất bình bát, không có quyền sở hữu bất cứ điều chi ngoài hai bộ y phục tăng sĩ và bình bát. Nhưng người chủ nhân của chú mèo ốm đói nói,
— Bạch thầy! Thầy nói đúng lắm. Nhưng con chỉ gởi tạm thầy chú mèo ốm đói nhờ phước của thầy chăm nom dăm bữa nửa tháng mà thôi. Sau đó, con sẽ quay lại, xin lại chú mèo.
Nhận ra chú mèo gầy gò, ốm đói, bệnh hoạn, miệng kêu meo meo đói sữa, lòng từ tâm của tăng sĩ bình bát nổi lên, thế là chàng miễn cưỡng gật đầu.
Từ ngày có sự xuất hiện của chú mèo, chuột nhắt không còn dám lai vãng dưới gốc đa để cắn xé quần áo của tăng sĩ nữa. Nhưng cũng bởi có sự xuất hiện của mèo mướp hay chuột, tăng sĩ bắt đầu phải đảo mắt tìm kiếm lương thực cho chú mèo. Nhận ra điều đó, có người trong thôn sáng chiều ghé vào dâng cúng thiền môn hai chén sữa cho chú mèo. Thế là xong xuôi một mối lo!
Ngày một ngày hai tiếp tục trôi qua, người biếu sữa cho chú mèo có chuyện phải rời bỏ thôn làng đi lên kinh đô làm ăn trong vòng một thời gian dài. Thôi thì cũng là nhất cử lưỡng tiện, ông liền quyết định mang con bò sữa lại gửi thiền sư gốc đa nhờ trông nom. Như thế chú mèo cũng có sữa, mà tăng sĩ cũng có thêm miếng sữa tươi uống hằng ngày. Nhìn chú bò, tăng sĩ không nói chi, miệng tiếp tục lời tâm kinh bình bát.
Bây giờ đã có nguyên một chú bò sữa quẩn quanh bên gốc đa, tăng sĩ bắt đầu phải đảo mắt nhìn quanh quẩn tìm kiếm cỏ khô. Bởi thế tăng sĩ không còn ngày ngày ngồi thiền dưới gốc đa nữa, nhưng sáng sớm chiều tối, chàng phải bỏ những buổi công phu tâm kinh bình bát đi quanh quẩn tìm kiếm cỏ khô cho chú bò sữa.
Nhận ra tình trạng lúng túng của tăng sĩ, dân làng hội họp lại, và họ quyết định gửi tới gốc đa một người phụ nữ nhà nghèo cùng đinh khố rách, không công ăn việc làm để trông coi chú bò sữa cho nhà thiền sư. Thôi, thế cũng coi như là làm việc bác ái, một công hai việc, vừa là làm phúc cho cô gái, vừa là tiếp tục giúp nhà tăng sĩ không phải mất thì giờ công phu tu hành đi làm công việc dẫn bò ăn cỏ. Người trong thôn làng nhận ra đây là lần đầu tiên, khi nhận ra cô gái chăn bò sữa đang đứng trước mặt, vầng trán tu sĩ cao rộng thoáng gợn lên một đường hằn. Nhưng chàng không nói chi, tay chỉ ra phía sau. Thôn làng hiểu ý, người ta liền cất lên một ngôi nhà tranh nho nhỏ cho cô gái chăn bò sữa ở phía xa xa.
Ngày tháng trôi qua, đời sống của người trong thôn làng và người tăng sĩ gốc đa quay trở lại những nhịp điệu bình thường. Người trong thôn không còn phải lo cho tu sĩ nữa, bởi có người một phụ nữ đã được thôn làng cắt cử đặc trách công việc chăm sóc cho tăng sĩ. Tăng sĩ tiếp tục chăm chú vào những lời tâm kinh bình bát, bởi chàng không còn phải xao lãng và chia trí bởi những đường áo rách, bởi những chén sữa sáng chiều cho chú mèo, bởi những bó cỏ khô cho chú bò. Tất cả những điều đó, cô gái dưới túp lều tranh ở phía xa xa đã làm hộ chàng.
Tháng năm trôi qua, vào một buổi sáng, người trong thôn làng giật mình khám phá ra tăng sĩ không còn ngồi dưới gốc cây đa nữa.
— Ủa, tăng sĩ đi đâu rồi?
— Chắc là ông ấy lại cất bước lên đường viễn du với lời kinh bình bát của ông ấy rồi.
Trong khi người ta đang bàn tán về tăng sĩ bình bát, có người chỉ vào túp lều tranh,
— Trời ơi! Tưởng ổng đi đâu. Nhìn kìa!
Mọi người quay về hướng tay chỉ, ai cũng nhận ra tăng sĩ bình bát vừa từ trong túp lều tranh mở cửa đi ra. Chàng không còn mặc áo tăng sĩ nữa, nhưng trên người là một bộ áo bà ba màu nâu, cổ chàng quấn khăn rằn ri. Người đàn ông có một thời sống đời tăng sĩ bình bát mỉm cười, giơ tay chào mọi người trong thôn. Sau đó, chàng chậm rãi đi lại phía con bò, mở dây cột, rồi chậm rãi dẫn chú bò sữa đi ra ngoài cánh đồng.
Tỉnh thức? Khó đấy!
Nguyễn Trung Tây, SVD
|