Linh hồn luyện ngục hiện về
1/ Linh hồn luyện ngục hiện về tại California
Câu chuyện dưới đây xảy ra tại vùng Orange, Cali: Linh hồn một thanh niên CgVN đã được Chúa cho hiện về nhập vào một thanh nữ chừng 20 tuổi để nói truyện với mọi người trong gia đình, có sự chứng kiến của cha già Vũ Tuấn Tú và một số người.
Anh Giuse Mai Văn Trung, con ông bà Mai Xuân Nghi. Anh bị bắn chết cách bí mật gần bên cô bồ ở San Jose, CA trước đây 10 năm (1986), cô nghe súng nổ, nhưng không biết ai bắn. Khi cô đưa anh vào bệnh viện thì anh chết.. Lý do tới nay cũng còn bí ẩn (có lẽ vì tình).
Tưởng câu truyện đã vào quá khứ, nhưng nay, ngày 8 tháng 10 năm 1996, đúng 10 năm sau, anh Trung được Chúa cho về nói truyện qua chị Bạch Thị Trâm là người ngoại giáo, đang học đạo để thành hôn với em ruột anh Trung.
Sáng hôm ấy, chị Trâm đang làm việc với mẹ là bà Bạch Vân, Giám đốc Trung Tâm băng nhạc Asia ở Garden Grove, CA. thì anh Trung nhập vào cô. Lúc đó, anh Hùng là nhân viên của Asia, anh cũng là thư ký của Cộng đồng VN Orange, cũng ở đó. Vì anh Trung nói qua cô Trâm rằng anh muốn nói chuyện với người nhà anh với sự chứng kiến của một linh mục, nên anh Hùng tới Trung Tâm Công giáo đón cha cố Vũ Tuấn Tú về Trung Tâm Asia, rồi mọi người cùng lên xe về nhà ba má anh Trung là ông bà Nghi ở gần nhà thờ Orange. Tại đây, có mẹ anh Trung, các em của anh khoảng gần 10 người, và một số bà con xóm ngõ.
- Đầu tiên anh chào mọi người và cho biết mình là ai: "Con là linh hồn Giuse Trung, Chúa cho phép con về gặp gia đình".
- Bà Nghi, mẹ anh hỏi: Con muốn gì, mẹ phải làm gì cho con?
- Anh Trung nói: Mẹ xin cho con 5 Thánh lễ.
- 5 lễ thôi à?
- 5 lễ đủ rồi. Gia đình đã quên con cả 10 năm nay, không cầu nguyện cho con.
- Má đâu có quên con, má vẫn cầu nguyện cho con mà.
Má cầu nguyện mà chia lòng chia trí, để ý đi đâu...
Rồi anh xin gặp từng người em. Anh đưa họ ra khoảng 5,6 thước để nói riêng với mỗi người. Sau đó anh hỏi:
- Ba đâu?
- Ba đi làm muộn mới về.
- Con phải chờ ba về.
Và người ta gọi điện thoại mời ông về. Trong khi chờ đợi, cha Tú xin mọi người đọc 5 chục kinh mùa Thương. Gần hết 5 chục kinh thì ông Nghi về.
Gặp ông, anh Trung Chào ba và nói với ba anh:
- Ba phải dự lễ và giữ ngày Chúa nhật. Ba phải xưng tội mỗi năm ít là một lần, và phải sống đức tin Công giáo.
- Ông Nghi nói: Ba vẫn tin mà.
- Anh Trung: "Đức tin phải có việc làm, đức tin không việc làm là đức tin chết". Và nói tiếp: " Xin gia đình đừng tìm biết và oán hận kẻ hại con, Chúa dậy tha thứ.". "Gia đình hãy cầu nguyện và xin lễ cho linh hồn Maria Tuyết (người quen đã qua đời), Và xin lễ cầu cho linh hồn dì Maria Ngọc Bảo (Em gái bà Vân đã chết hồi 15 tuổi. Cô Bảo đã xin học đạo, nhưng bị gia đình ngăn cản, vì không muốn cho ...Cô đã chết trong thời dự tòng và cô được ơn cứu rỗi).
Sau cùng anh Trung bắt tay từ giã mọi người. Rồi anh hỏi:
- Còn em bé đâu
- Mẹ anh nói: Em nhỏ đang ngủ trong phòng.
Anh Trung xin gặp em, anh bế rồi hôn em. Sau đó, anh (chị Trâm) nằm xuống giường gần đó thiếp đi. Chừng gần 15 phút sau, cô Trâm tỉnh lại và tỏ vẻ thật ngỡ ngàng sao mình lại ở đây (vì cô chưa thuộc về gia đình này, còn đang học đạo để dự định thành hôn với em trai của anh Trung)! Vì từ sáng, cô vẫn làm việc với mẹ cô tại Trung Tâm băng nhạc Asia.
Khoảng một tuần sau, cha Cố Tú (hiện đã về nhà hưu) đến nhà ông bà Nghi dâng lễ, ngài thấy, ông Nghi không được đánh động bao nhiêu về việc anh Trung hiện về. ngài nói: "Thất đúng như lời Chúa phán trong Kinh Thánh: Dù kẻ chết hiện về, họ cũng chẳng tin (Lc 16,37).
2/Giọt mồ hôi của thầy dòng nhỏ chết nhỏ xuống tay thầy Dòng bạn.
Có một truyện trong sách dạy đàng nhân đức kể về cái nóng của Luyện ngục như sau:
Một ngày kia, một thầy Dòng đã chết được Chúa cho hiện về với một thày Dòng bạn vào ban đêm. Sau khi trò truyện, thầy sống hỏi thầy chết rằng:
- Anh có thể cho tôi biết Luyện ngục nóng nảy ra sao không?
- Thầy chết ttrả lời: Anh không thể hiểu được Luyện ngục nóng thế nào, nhưng để anh hiểu một chút thì anh giơ tay ra đây.
Thầy sống giơ tay ra, thầy chết chỉ nhỏ vào một giọt mồ hôi. Thầy sống đau đớn nhức nhối quá, la lên tùm lum và chạy chung quanh nhà Dòng, tay vẫy vẫy, không chịu được. Cả nhà Dòng nghe la ó, mất ngủ, các thầy dậy hết coi xem chuyện gì?
Sau khi nghe thầy sống kể lại chuyện giọt mồ hôi của thây chết, ai nấy đều rợn tóc gáy.
Thầy sống ngã bệnh đau đớn và qua đời mấy ngày sau.
3/Sử liệu các cha dòng Capucino ghi lại câu chuyện liên quan đến những cực hình các đẳng Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục.
Cha Hippolyte de Scalvo là người tôi tớ tín trung của Chúa. Cha đặc biệt có lòng thương mến các đẳng Linh hồn. Cha luôn luôn cầu nguyện cho các vị được mau mau giải thoát khỏi chốn Luyện Hình. Cầu nguyện chưa đủ, cha Hippolyte còn ăn chay hãm mình đền bù thay cho các đẳng và thường thuyết giảng về Luyện Ngục. Cha nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện, dâng các hy sinh và việc lành phúc đức để cầu cho các Linh hồn được sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Sáng nào cũng thế, cha Hippolyte thức dậy thật sớm để nguyện kinh cầu cho những người quá cố. Chúa Nhân Lành đã dùng gương vị tôi tớ Ngài để giúp các tín hữu hiểu phần nào những hình phạt các đẳng Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Hình.
Năm ấy cha Hippolyte được Bề Trên gởi đến Flandres, một thành phố nằm ở biên giới hai nước Pháp và Bỉ, để mở một tu viện các cha dòng Capucino. Trong số các tu sĩ cùng đi với cha Hippolyte có một thầy dòng hết sức đạo đức. Nhưng vừa đến nơi, vị tu sĩ này ngã bệnh nặng và đột ngột từ trần.
Sáng hôm sau đó, cha Hippolyte quì cầu nguyện trong nhà thờ, sau giờ Kinh Sáng. Bỗng chốc cha thấy xuất hiện trước mặt mình vị tu sĩ quá cố, dưới hình một bóng ma phủ đầy lửa. Người quá cố thú tội cùng Cha Bề Trên với lời rên rỉ não nề về một lỗi nhẹ mà thầy đã quên xưng khi còn sống. Thú tội xong, thầy thưa: "Xin cha cho con việc đền tội tùy ý cha và xin cha ban phép lành cho con hầu con được giải thoát khỏi khuyết điểm khiến con phải đau khổ vô ngần trong Lửa Luyện Ngục". Cảm kích trước tình trạng thảm sầu của vị tu sĩ thuộc quyền quá cố, cha Hippolyte vội vàng nói ngay:
- "Nhân danh quyền được phép, tôi xin tha tội cho thầy và chúc lành cho thầy. Còn về việc đền tội, vì thầy bảo là tôi có quyền ra việc đền tội, thì xin thầy hãy ở trong Lửa Luyện Ngục cho đến giờ Kinh Thứ Nhất, tức vào khoảng 8 giờ sáng nay".
Cha Hippolyte nghĩ rằng mình đã khoan hồng khi ra việc đền tội cho tu sĩ quá cố chỉ ở lại nơi Luyện Hình vài giờ! Nào ngờ, vừa nghe xong án lệnh, thầy dòng đạo đức như rơi vào trạng huống tuyệt vọng. Thầy vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ vừa kêu la thảm thiết: - "Ôi tấm lòng không đại lượng! Ôi người cha không biết cảm thương một Linh hồn sầu não! Sao cha lại trừng phạt cách khủng khiếp một lỗi nhẹ mà nếu con còn sống, hẳn cha chỉ ra một việc đền tội cỏn con. Cha quả thật không biết tí gì về những kinh hoàng các Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục!".
Nghe lời trách cứ nặng nề của vị tu sĩ quá cố, cha Hippolyte như "dựng tóc gáy" và cảm thấy vô cùng ân hận. Cha tìm cách "vớt vát" cái vô ý thức của mình. May mắn thay, cha nghĩ ra được một diệu kế. Cha vội vàng đánh chuông, gọi các tu sĩ trong cộng đoàn vào nhà thờ nguyện Kinh Giờ Một. Khi các tu sĩ có mặt đầy đủ, cha Hippolyte kể lại câu chuyện vừa xảy ra và cùng với cộng đoàn bắt đầu đọc ngay Kinh Giờ Một, hầu cho thầy dòng quá cố được sớm giải thoát khỏi lửa luyện hình.
Từ ngày đó cho đến khi qua đời, trong vòng 20 năm trời, Cha Hippolyte de Scalvo không bao giờ quên câu chuyện đã xảy ra. Trong các bài giảng, cha thường lập lại câu nói của thánh Anselmo (1033-1109): "Sau khi chết, hình phạt nhẹ nhất đón chờ ta trong Lửa Luyện Hình trở thành lớn lao hơn tất cả những gì trí khôn ta có thể tưởng tượng được khi còn sống trên trần gian này".
(Jacques Lefèvre, "Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints", Editions Résiac, 1995, trang 24-26).
(source:XuanHa.net)
|