Phỏng vấn GM Nguyễn Chí Linh về Thượng Hội Đồng Giám Mục và Giáo Hội Việt Nam VietCatholic News (Chúa Nhật 02/11/2008) PARIS. Giáo xứ Việt Nam, ngày 02 tháng 11 năm 2008 – Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Địa Phận THANH HÓA, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Rôma, trên đường về, đã đáp lời mời của Giáo Xứ Việt Nam Paris đến thăm Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Paris. Ngài đã chủ tế thánh lễ Các Linh Hồn vào chủ nhật 02.11.2008. Sau thánh lễ, Ngài đã chủ tọa lễ chính thức thành lập Hội Tobia, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Trước thánh lễ, Ngài đã dành cho Giáo Sư Trần Văn Cảnh, biên tập viên Giaoxuvnparis và VietCatholic một cuộc phỏng vấn. Ngài đã trả lời những câu hỏi liên quan tới:
• Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa tại Rôma, từ 05 đến 26.11.2008 với đề tài "Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội". • Vài nét sống động hiện nay của Giáo Hội Việt Nam
Về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới
Xin kính chào Đức Cha. Vừa tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa trong 3 tuần lễ, từ 05 đến 26/10/2008, Đức cha có thấy rằng khẩu hiệu của mình « Ut sint unum » đã được thực hiện một cách sống động không?
GM Linh: Vâng đúng thế, Thượng Hội Đồng là một cơ hội khiến tôi cảm thấy như rờ mó được Giáo Hội hữu hình. Các nghị phụ gồm hồng y, giám mục, chuyên gia, hội dòng, giáo dân từ mọi nơi trên thế giới đoàn tụ chung quanh Đức Thánh Cha để thảo luận về vai trò của Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Tôi nghĩ rằng khó có thể tìm được một hình ảnh nào đẹp hơn về tình hiệp thông Giáo Hội hoàn vũ. Tôi cảm thấy khẩu hiệu “Ut sint unum” của tôi thật ý nghĩa.
Xin Đức Cha cho biết cảm tưởng tổng quát của Ngài về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa vừa qua. Và đặc biệt về Nhóm nhỏ mà Đức Cha đã làm việc.
GM Linh: Đây là lần đầu tiên tôi được diễm phúc có mặt tại một diễn đàn cao cấp như thế. Tôi vô cùng ngưỡng mộ sự uyên bác của các nghị phụ và các chuyên gia. Tôi hãnh diện vì mình thuộc về một Giáo Hội đầy trí tuệ và tri thức. Tôi càng thán phục hơn nữa khi nhận thấy nơi các thành viên Thượng Hội Đồng những mẫu gương đạo đức, thánh thiện. Tôi nghĩ rằng đó là một ngân hàng tinh thần cho Dân Chúa khắp nơi.
Nhóm hội thảo của tôi gồm hàng chục quốc tịch khác nhau. Tôi rất ngạc nhiên và cảm thấy rất ấm áp trong lòng khi thấy mọi người, tuy hầu hết gặp nhau lần đầu, tỏ ra thân thiện với nhau như đã quen từ lâu. Đã có lúc tôi cám ơn Chúa rằng “ Ôi lạy Chúa, Giáo Hội của Chúa đẹp quá".
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XII về Lời Chúa, Ý tưởng mạnh nhất đã lôi kéo chú ý của Đức Cha là ý tưởng nào?
GM Linh: Ý tưởng mạnh mẽ nhất được rất nhiều nghị phụ đề cập là tính sống động của Lời Chúa. Lời Chúa không phải chỉ để đọc để hiểu mà thôi. Lời Chúa là Lời để sống, để thực thi. Công giáo không chỉ là tôn giáo của kinh điển nhưng chủ yếu là tôn giáo của cuộc sống.
Trong phiên họp thứ 13 của Thượng Hội Đồng ngày 141008 Đức Cha đã phát biểu về « Sự nâng đỡ của Lời Chúa cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giữa các cơn thử thách, bách hại ». Đức cha có quảng diễn gì thêm cho giáo dân Việt Nam không?
GM Linh: Lời Chúa giúp Giáo Hội Việt Nam vượt qua mọi chông gai thử thách trong suốt dòng lịch sử đầy thăng trầm đã qua. Điều tôi muốn nói thêm là người Kitô hữu VN hãy tin rằng đó là khuôn vàng thước ngọc không những cho quá khứ mà còn cho cả hiện tại và tương lai. Trung thành sống Lời Chúa, Giáo Hội sẽ yên hàn, cuộc đời mỗi người chúng ta sẽ bằng an.
Đề tài về Lời Chúa, như đã được đề cập trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới có cần được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khai triển và cô đọng trong một Thư Mục vụ chung cho giáo dân Việt Nam không? Nếu có, nên đặc biệt chú trọng đến khía cạnh nào? đến Lời Chúa trong Đức Tin, Lời Chúa trong đời sống hay Lời Chúa trong sứ mệnh của Giáo Hội?
GM Linh: Một mình tôi không thể trả lời câu hỏi này. Đưa đề tài Thượng Hội Đồng Giám Mục vào một thư mục vụ hay không, đó là thẩm quyền của tập thể Hội Đồng Giám Mục. Tôi chỉ có quyền gợi ý đề nghị. Đó là điều tôi sẽ làm khi có dịp họp mặt đông đủ Hội Đồng Giám mục Việt Nam
Giáo Hội Việt Nam
Với tinh cách Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha đã tham dự mục vụ ở nhiều nơi: Lavang, Phát diệm, Sài gon, …theo Đức cha, hình ảnh nào diễn tả người công giáo Việt Nam hiện nay một cách trung thực hơn cả?
GM Linh: “Hình ảnh trung thực” hơn cả, đó là một khái niệm có tính cách tương đối. Tương đối bởi vì nó hoàn toàn tuỳ theo quan điểm riêng của mỗi người. Theo chủ quan của tôi, hình ảnh diễn tả người công giáo Việt Nam hiện nay trung thực hơn cả là hình ảnh một người giáo dân đang tham gia công trình xây dựng nhà thờ: không hận thù, tạm quên việc sinh kế, hết lòng vì Nước Chúa, vì Giáo Hội…
Giáo Hội Việt Nam hiện nay cần phát triển nhất về mặt nào: về sự sống bí tích? về sự sống đạo, đem đạo vào đời qua bác ái, liên đới và văn hóa? Về sự truyền giáo? Về đời sống tận hiến tu sĩ và giáo sĩ? về đời sống giáo dân trong các vai trò ở xã hội trần thế?...
GM Linh: Tuy cùng thuộc về Giáo Hội Việt Nam nhưng mỗi địa phận, mỗi vùng miền đều có những khó khăn và nhu cầu riêng. Tuy nhiên, nếu phải nói đến một nhu cầu chung cho toàn thể GHVN, tôi nghĩ rằng điều đáng quan tâm nhất là giáo dục đức tin. Xã hội Việt Nam đang đổi thay từng ngày, tích cực cũng có, tiêu cực cũng có. Làm thế nào đầu tư cho Kitô hữu đủ vốn liếng tinh thần để đôi phó với thời đại, đó là yếu tố quyết định sự hưng vong của mọi sinh hoạt tôn giáo còn lại.
Giáo Hội Việt Nam đang chuẩn bị mừng Năm thánh 2010 để kỷ niệm 350 năm Tông Tòa và 50 năm Chính Tòa. Theo Đức Cha, nên làm gì để tỏ lòng biết ơn với sự đóng góp của Các Thừa Sai Hải Ngoại Paris vào việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam? Đặc biệt trong việc đào tạo linh mục ở việt nam từ 350 năm qua? Và đặc biệt trong việc tiếp đón và hỗ trợ đào tạo liên tục linh mục việt nam tại Paris từ 20 năm nay?
GM Linh: Lòng biết ơn là một trong những đức tính quý báu nhất của người VN nói chung và của Giáo Hội công giáo Việt Nam nói riêng. Theo chủ quan của tôi, các vị thừa sai phục vụ tại VN là những vị thừa sai hài lòng nhất về xứ truyền giáo của mình. Lòng biết ơn chính là yếu tố đã tạo ra sự hài lòng đó. Giấc mơ của các ngài đó là được thấy một Giáo Hội Việt Nam phát triển bền vững và lâu dài. Thực hiện giấc mơ đó, theo tôi, là cách trả ơn xứng hợp nhất của GHVN.
Năm 2008 này là năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt kỷ niệm 50 năm thành lập (1958-2008). Nhưng Giáo Hoàng Học Viện đã đóng cửa từ 33 nămnay, 1975-2008. Theo Đức Cha, có cần phải có một dự án lập một Đại Chủng Viện có tầm vóc quốc gia và quốc tế, kiểu Giáo Hoàng Học Viện chăng?
GM Linh: GHHV tái hoạt động, đó là ý nghĩ mà bất kỳ cựu học viên nào cũng canh cánh bên lòng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Canh cánh bên lòng không phải chỉ vì đó là nơi ghi lại bao kỷ niệm thân thương nhưng còn vì một học viện như thế rất hữu ích cho Giáo Hội Việt Nam. Không những chỉ có lợi cho Giáo Hội mà còn nâng cao uy tín của đất nước Việt Nam, theo nghĩa VN là quốc gia có học viện tầm cỡ quốc tế.
Paris, ngày 02 tháng 11 năm 2008 Trần Văn Cảnh
|