VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008)
CẦU CHO CÁC ĐẲNG: CẦU CHO CHA, CẦU CHO MẸ, CẦU CHO CHÍNH BẢN THÂN TA
Hội thánh có 3 trạng thái: Vinh Hiển – Thanh Luyện và Lữ Hành. Sau khi tuyên xưng “Hội Thánh Công Giáo”, kinh tin kính các tông đồ còn thêm “các thánh hiệp thông”. “Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn tất cả các thánh ?”. Hội Thánh chính là mầu nhiệm các thánh hiệp thông. Chúng ta, tất cả mọi người tuỳ theo mức độ của mình đều hiệp thông trong tình Chúa – tình người. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và sở hữu Thánh Thần Người, đều hợp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Đức Kitô.
Hội Thánh Vinh Hiển là các Thánh đã sống trọn vẹn tình Chúa – tình người và ngày nay được hưởng Nhan Thánh Chúa trên Thiên quốc mà Chúa đã hứa dành cho những người có tinh thần nghèo khó, bị bách hại, có tâm hồn trong sạch … Hội Thánh Thanh Luyện có thể nói là những người sống trong cuộc đời nhưng còn khiếm khuyết một chút gì đó về tình Chúa – tình người để rồi cần phải có một thời gian thanh luyện mới được hưởng Nhan Thánh của Ngài. Hội Thánh Lữ Hành là gồm tất cả mọi người chúng ta còn đang sống, còn đang trong hành trình tiến về nhà Cha.
Dẫu là 3 đấy nhưng 3 vẫn hướng về nhau và vẫn hiệp thông với nhau. Hội Thánh Vinh Hiển cầu bầu cho Hội Thánh Thanh Luyện và Hội Thánh Lữ Hành, Hội Thánh Lữ Hành chiêm ngưỡng, noi theo gương lành, nhờ Hội Thánh Vinh Hiển cầu thay nguyện giúp cho mình và Hội Thánh Lữ Hành làm những việc lành phúc đức, cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện. Hội Thánh Thanh Luyện thì lại nại đến lời chuyển cầu của Hội Thánh Lữ Hành và Hội Thánh Vinh Hiển.
Trong suốt năm Phụng vụ, nhiều và rất nhiều dịp để Hội Thánh Lữ Hành mừng kính các vị trong Hội Thánh Vinh Hiển. Cách riêng, trong tháng 11 này, Hội Thánh dành riêng và mời gọi con cái mình chuyên tâm, chú ý hơn nữa để cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện. Cầu cho Hội Thánh Thanh Luyện để cầu mong ngày sống lại, tất cả mọi người được hưởng Nhan Thánh Chúa. Như trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn thường tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và vì vậy những người đang trong cõi Thanh Luyện cũng như chúng ta những người đang còn sống, một ngày nào đó cũng ra đi và mong cũng như tin xác loài người ngày sau sống lại.
Khi đề cập đến sự sống lại của con người sau khi chết, chúng ta cũng cần phải sẵn sàng nhìn nhận rằng đây không phải là một vấn đề luôn luôn được mọi người hay tôn giáo xác tín. Không chỉ ngày nay, nhưng ngay từ xa xưa cũng đã thế. Sách Công Vụ Tông Đồ đã tường trình cho thấy rằng sau khi thánh Phaolô đến rao giảng Tin mừng cho thành A-then, thủ đô của đế quốc văn minh Hy Lạp lúc bấy giờ, ông đã được cả những nhà trí thức, các học giả và các triết gia thích thú lắng nghe. Nhưng khi Phaolô đề cập đến việc kẻ chết sống lại, thì ai nấy đều nhạo cười ông và bỏ ra về với lời mỉa mai: “Thôi, để lần khác chúng tôi lại nghe ông luận bàn về điều đó” (Cv 17,18-32). Nhưng không chỉ dân ngoại mới có phản ứng tiêu cực như thế, ngay cả trong Do thái giáo cũng không phải mọi tín hữu cũng đều tin có sự sống lại. Ví dụ: Phái Xa đốc trong Do thái giáo hoàn toàn phủ nhận sự sống lại của con người sau khi chết. Chính họ đã đến tranh biện với Đức Giêsu và vặn hỏi Người về điều đó.
Vì thế, chúng ta có thể nói được rằng niềm tin vào sự sông lại là một đặc điểm rõ ràng nhất của Kitô giáo, vì đã được chính Đức Kitô chuẩn nhận, và chính Người cũng là Người đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại không phải là khám phá mới của Kitô giáo mà niềm tin vào sự sống lại thực sự đã xác định trong Cựu Ước. Ngôn sứ Isaia đã đề cập: “Các vong nhân của Người sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Nay những kẻ nằm trong bụi đất, hãy chỗi dậy, hãy reo mừng !” (Is 26,19). Còn tác giả các Thánh Vịnh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần đã viết: “Thiên Chúa sẽ chuộc mạng sống tôi ra khỏi âm phủ, vâng, Người tiếp nhận tôi” (Tv 49, 16). Đặc biệt nhất, trong sách Đaniel, chúng ta còn đọc thấy lời khẳng định: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đnl 12, 2).
Qua đó, chúng ta thấy rằng có một sự liên hệ rõ ràng giữa sự sống lại của các kẻ chết và việcc xét xử phúc tội của họ. Đây là điều đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thần học và tu đức Kitô giáo.
Nhất là trong công cuộc rao giảng Tin mừng và các giáo huấn của Đức Giêsu cũng chứa đựng những mạc khải về sự sống lại của những kẻ đã chết. Đặc biệt nhất là trong cuộc đối thoại với phái Sa đốc, Đức Giêsu đã làm nổi bật vấn đề sống lại của các kẻ đã qua đời. Và cao điểm của cuộc đối thoại đó, là những lời khẳng định của Người: “Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng là Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.
Còn chính niềm hy vọng sống lại của Đức Giêsu đã được bày tỏ trước hết qua những lời loan báo rằng Người, với tư cách là Con Người, sẽ phải chịu khổ hình nhưng “ngày thứ ba” Người sẽ được chỗi dậy từ kẻ chết. Và chắc chắn rằng Đức Giêsu cũng đã biết mình sẽ sống lại ngay sau khi chết. Một dẫn chứng cụ thể để minh chứng điều đó là lời Người hứa cùng một trong hai tên trộm đã chịu đóng đinh với Người, khi tên này thành khẩn xin cùng Người: “Lạy Đức Giêsu, khi nào Ngài về trong Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng !” (Lc 23, 42). Và Người đã trả lời cho tên trộm: “Ngày hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Đức tin dạy cho chúng ta rằng Đức Giêsu Phục Sinh luôn hoạt động dưới một cách thức mới và Người hiển trị trên toàn thể mọi tạo vật, nhưng Người không hoạt động và hiển trị một mình. Những ai đã được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời đều cùng đồng hiển trị với Đức Kitô (Mt 19, 28). Như vậy, qua đức tin, chúng ta cũng biết được rằng - bằng một cách thức đặc biệt – chúng ta luôn liên kết với những anh chị em đang được vui hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, như chúng ta hằng liên kết gắn bó với Đức Giêsu vậy.
Mỗi người chúng ta, sinh ra làm người đều mang trong mình những mối tương quan: nào là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cô dì chú bác … Là kitô hữu, chúng ta lại có thêm mối tương quan với các tín hữu đang hưởng Nhan Thánh Chúa cũng như có mối tương quan với những tín hữu đang ở trong thời gian Thanh Luyện.
Đặc biệt, ngày hôm nay, Giáo Hội - mỗi người chúng ta – nhớ đến những người đã khuất. Những người đã khuất đó có thể là ông, là bà, là cha, là mẹ, là anh chị em ruột thịt cũng như chỉ là họ hàng, thân hữu và có cả những linh hồn mồ côi.
Dẫu là ai đi chăng nữa, cũng không thể nào thoát khỏi cái ngày phán xét chung cục. Ngày phán xét chung cục được Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe đấy: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái”.
Phải nói rằng trang Tin mừng này quá quen thuộc với chúng ta đến đỗi có thể trong chúng ta có những người thuộc nằm lòng. Nhất là các em thiếu nhi, trang Tin mừng này quá quen thuộc với các em khi nói về ngày cánh chung, ngày chung tận. Hồi còn nhỏ, tôi nhớ có trò chơi: “Thiên Đàng - Địa Ngục hai bên, hai bên ai dại thời khôn. Thiên Đàng có Chúa có Cha, phải lo phải giữ để lên Thiên Đàng”. Trò chơi từ những ngày còn thơ ấu đấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi hình ảnh một Thiên Đàng trong đó có Thiên Chúa và làm sao ta phải sống để đạt được Thiên Đàng mà ở đó có Chúa còn nếu không thì phải vào địa ngục thì thật là khổ.
Trang Tin mừng hôm nay đã vẽ lên cho mỗi người chúng ta viễn cảnh của ngày phán xét và rõ ràng có hai lớp người hẳn hoi. Người tốt thì được Thiên Chúa là Cha chúc phúc còn những người xấu thì bị nguyền rủa. Cả hai lớp người trong ngày phán xét đều ngạc nhiên trước lời phán xét của Chúa nhưng rồi Chúa bảo cho ca hai rằng khi họ làm cho những người bé mọn chính là họ làm cho chính Chúa vậy.
Vấn đề nằm ở chỗ này, đó chính là những người bé mọn chứ không phải là những người tai to mặt lớn ! Và đa số con người dễ bị rơi vào cái hoàn cảnh phải nói là éo le cay nghiệt này bởi vì khi sống thì quả thật ít ai chịu quan tâm đến những con người nghèo, những con người bị bỏ rơi nhưng lại quan tâm đến những người có chức có quyền hay là những người có thể mang lại nguồn lợi cho mình.
Mới đây, chúng ta cảm thấy quá buồn cười khi người ta đưa ra văn bản là những người thiếu chiều cao, thiếu vòng ngực và thiếu cân nặng thì không được điều khiển xe máy !? Thật sự mà nói thì họ là những người kém may mắn hơn chúng ta, thật sự họ là những người thấp cổ bé họng, thật sự họ là người chịu nhiều thiệt thòi hơn những người chúng ta. Là những người may mắn hơn họ, lẽ ra những người may mắn ấy phải ưu đãi, phải dành một số ưu tiên cho những người bất hạnh đấy nhưng rồi họ đã quyết định ngược lại.
Thế nhưng, đây chẳng là vấn đề gì cả vì đây là văn bản, là quy định của đất nước, của quê hương mà đất nước quê hương này chỉ là tạm bợ mà thôi. Và điểm này thôi, chúng ta thấy quê hương trần gian này ngược hẳn với Nước Trời. Trần gian có vẻ như khước từ những kẻ thấp cổ bé miệng, những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề. Thế nhưng, là con cái của Chúa, là công dân Nước Trời, chúng ta hoàn toàn bình an, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Thấp cổ bé họng, nghèo, bị bỏ rơi, bị bách hại, bị vu khống, bị thoá mạ như Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, như các Cha dám đứng ra bảo vệ công lý và sự thật đi chăng nữa cũng chẳng là vấn đề gì cả. Vì lẽ giữa cuộc đời này, chuyện quan trọng, chuyện căn cốt không phải là thành công hay thất bại, không phải là được vênh vang hay bị nhục mạ nhưng chuyện căn cốt đó là có được Thiên Chúa cứu hay là không cứu mà thôi.
Chúng ta nhớ lại lời Thánh Vịnh 24 mà chúng ta vẫn thường nghe, đọc và hát: “Này là dòng dõi những người tìm Chúa. Đây là những người mong bệ kiến Người. Một đời lòng ngay không hề gian dối. Giữa bao hận thù luôn sống mến yêu. Ai được lên núi Chúa ? Ai được ở trong đền Thánh của Người ? Đó là những kẻ có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng, không hề, thề dối thề gian” (Tv 24, 2-6)
Vâng ! Vậy là chuẩn được lên núi Chúa đó là mỗi người chúng ta phải có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng và không được thề dối thề gian !
Vậy thì Hội Thánh Vinh Hiển là những người đã sống như lời Thánh Vịnh 24 đã nói. Những người đang ở trong Hội Thánh Thanh Luyện là những người đang còn vướng bận, đang còn khiếm khuyết điều nào đó để rồi đang còn phải chờ và chúng ta là những người còn đang sống, những người đang còn cơ hội thì chúng ta cầu nguyện cho những người đang còn chờ để thanh luyện ấy.
Cầu nguyện cho họ và cũng là cơ hội, cũng là dịp để cầu nguyện cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cần phải xác định lại với nhau rằng quê hương chúng ta đích thực ở đâu ? Nếu quê hương là trần gian này thì cứ sống tự do, cứ sống thoải mái chẳng cần tin ai cả, cũng chẳng cần tin Chúa và cũng chẳng tin vào đời sau làm gì. Còn nếu, còn nếu chúng ta tin rằng quê hương chúng ta ở trên trời như Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời. Vậy tôi xin anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.
Nếu quê hương chúng ta ở trên trời thì tháng kính nhớ các Đẳng linh hồn - Hội Thánh Thanh Luyện cũng là tháng mà chúng ta nhớ đến phận người của chúng ta để rồi chúng ta cố gắng cân chỉnh, cố gắng sữa chữa những khiếm khuyết của mình để ngày sau chúng ta cùng được hưởng Nhan Thánh Chúa cùng với Hội Thánh Vinh Hiển.
Và thêm nữa. Bên Phật Giáo, họ dành tháng 7 là tháng Vu Lan để tỏ lòng báo hiếu. Người ta vẫn thường nói mùa Vu Lan là mùa báo hiếu vậy thì tháng 11 này với kitô hữu chúng ta cũng là mùa báo hiếu. Mùa này là cơ hội để chúng ta nhìn lại những đấng bậc sinh thành của chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã khuất.
Chắc hẳn rằng chúng ta, không phải từ lỗ nẻ mà chui lên nhưng chúng ta ai ai cũng có cha và có mẹ cả. Phúc thay những ai đang còn bóng cha, Diễm thay cho những ai còn hình mẹ.
Thi thoảng, mở CD để Gia Ân trải lòng của người con về cha và mẹ mình:
“Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống Con cứ ngỡ rằng bàn tay Cha mãi mãi bên con Nhưng hôm nay bóng dáng Cha đã khuất xa rồi Núi Thái Sơn ngã bóng cuối trời Con ở lại với nỗi đơn côi Gọi thầm tên Cha: Cha ơi Cha hỡi ! Con cứ ngỡ rằng núi đá kia muôn đời đứng vững Con cứ ngỡ rằng rồi mai đây được báo hiếu công ơn Nhưng hôm nay tấm thân cha về với cát bụi Núi Thái Sơn chìm giữa biển đời Có dòng lệ thấm xuống đại dương Nhưng hôm nay tấm thân Cha về với cát bụi Núi Thái Sơn tìm đến cội nguồn Có dòng lệ thấm xuống hồn con.”
Và với người Mẹ thì:
“Mẹ đã đi rồi lòng con thương nhớ khôn nguôi Mẹ đã đi rồi con không còn gọi tiếng: Mẹ ơi ! Từng bữa cơm ngon không còn có Mẹ Rồi lúc đi xa quay về mái nhà Con chẳng còn thấy Mẹ đợi con Con vẫn biết Mẹ đã đi rồi Mẹ đi về cùng Chúa tình thương nơi Mẹ hằng khao khát chờ mong mà lệ buồn sao cứ tuôn Con vẫn biết Mẹ đã đi rồi Nơi cõi trời là bến bờ vui Con với Mẹ rồi sẽ đoan khiên mà lòng con sao vẫn nghẹn ngào. Mẹ đã đi rồi, buồn đau giây phút chia ly Mẹ đã đi rồi cho đôi dòng lệ đắm bờ mi Mẹ đã ra đi đi về Nước Trời là chính quê hương Mẹ hằng trông đợi Suốt một đời vững dạ đợi trông”.
Cũng trong tâm tình ấy. Linh mục Lê Quang Uy nhắc nhớ chúng ta rằng: “Giả như khi tôi mất, một người bạn thân tình, thì quanh tôi vẫn có thật nhiều bạn dễ thương nhưng khi cha tôi mất hoặc mẹ đã khuất xa ôi sao bơ vơ quá ! Biết tìm đâu Mẹ Cha. Vì Mẹ Cha tôi đó một đời sống cho tôi, một đời dưỡng nuôi tôi là phúc đức ơn trời để cho tôi làm người !”.
Vâng ! Những ai không còn cha mẹ hãy xin lễ, hãy đọc kinh, hãy cầu nguyện cho cha mẹ mình mau được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Và, những ai đang hạnh phúc còn cha còn mẹ hãy làm điều gì đó nhỏ bé hết sức có thể để báo hiếu cho Cha Mẹ mình.
Tất cả ấy cũng là biểu lộ lòng tin, lòng mến của người Công Giáo.
Nguyện xin Chúa là Chúa của kẻ chết và kẻ sống thương đến những người thân yêu của chúng ta đã khuất. Xin thương tha mọi hình phạt cho những người ấy và mở lòng cho những người ấy được vào hưởng Nhan Thánh Chúa.
Nguyện xin Chúa là Chúa của kẻ chết và kẻ sống thương đến thân phận mỏng dòn và yếu đuối của chúng ta và giúp chúng ta dẫu sống trong trần gian đầy thăng trầm này nhưng lòng luôn luôn hướng tìm Nhan Thánh Chúa như những đấng bậc trong Hội Thánh Vinh Hiển đang được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen.
Anmai, CSsR
|